Giúp trẻ tự tin mà không kiêu ngạo
Nếu trẻ có chút thành tích đã vội coi thường người khác thì không chỉ làm tổn thương đối phương mà đối với trẻ, đó là sự bắt đầu của thất bại.
Để “hãm phanh” sự kiêu ngạo của con, các bậc cha mẹ nên:
Giúp con nhận thức rõ giá trị của bản thân thông qua việc tự ghi chép lại ưu, nhược điểm của bản thân để đánh giá: Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ ghi lại những việc trẻ thực hiện đạt kết quả tốt, đồng thời cũng ghi lại cả những sai lầm, thiếu sót và tác hại của những việc sai trái đó.
Mỗi khi trẻ có thành tích, phụ huynh vừa tỏ thái độ ghi nhận vừa đưa ra những hạn chế để chỉnh đốn, rút kinh nghiệm.
Tạo điều kiện cho trẻ nói ra ý kiến của mình. Những suy nghĩ đánh giá của chính bản thân trẻ giúp chúng tự ý thức, có thái độ sống tích cực và có kỹ năng tự đánh giá đúng bản thân. Khi nhận thức được giá trị của bản thân, trẻ sẽ bớt tự mãn, kiêu ngạo và hòa đồng hơn với mọi người.
Cùng trẻ bàn bạc, chia sẻ cách giải quyết những hạn chế, tồn tại của con. Việc này nghe có vẻ to tát, nhưng bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. Chẳng hạn, bạn có thể nói cụ thể với con rằng con giỏi hơn bạn cái này, nhưng cái khác bạn giỏi hơn. Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường nhất định, mình mạnh mặt này nhưng yếu mặt khác, không ai toàn diện cả. Vì thế, con đừng vội cho rằng mình là nhất và coi thường người khác.
Ảnh minh họa.
Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của con: Khi con cố gắng nói với bạn về một điều gì đó, hãy dừng lại và lắng nghe, ngay cả khi bạn không hiểu hết những gì con nói. Từ đó, con sẽ nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình rất quan trọng. Con sẽ tự tin mở lòng chứ không tự ti và sống khép mình nữa.
Không so sánh con với người khác, kể cả tích cực: Không so sánh con với người khác, kể cả tích cực: Cho dù bé có thông minh, học giỏi đi nữa thì cha mẹ cũng không nên cổ vũ con bằng cách tán đồng với những suy nghĩ coi thường bạn bè, thầy cô của con. Điều này thực sự không tốt cho sự phát triển tâm lý và khả năng học tập của trẻ sau này.
Nhiều cha mẹ thường so sánh con không chăm, không học giỏi bằng bạn này, bạn kia với hy vọng con sẽ xấu hổ và cố gắng đạt được thành tích như các bạn khác. Nhưng điều đó hoàn toàn vô ích trong thực tế.
Ngay cả khi so sánh tích cực kiểu “Con là người làm tốt nhất trong nhóm”, bạn cũng gây tổn hại cho con. Chúng sẽ có ý nghĩ sai lệch về thực tế, không tính đến đóng góp của người khác mà chỉ kiêu ngạo, khoe khoang bản thân.
Cha mẹ cũng cần trò chuyện và giúp cho con hiểu rằng người càng giỏi càng cần phải khiêm tốn. Có như vậy mới nhận được sự yêu mến, nể phục thực sự của mọi người. Là học sinh giỏi nhất lớp nhưng lại chẳng có bạn bè thật đáng buồn lắm.
Video đang HOT
"Tranh biện để thắp sáng tư duy và tăng sự tự tin"
Nguyễn Khánh Linh (SN 2002) cựu học sinh lớp Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hạ Long (khóa 2017-2020) mới đây đã xuất sắc trở thành tân thủ lĩnh sinh viên Học viện Ngoại giao khóa 47.
Ngay từ khi còn là học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long, Khánh Linh đã được biết đến là một cô gái thông minh, năng động, từng đạt nhiều thành tích đáng nể tại các cuộc thi tranh biện cấp quốc gia.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Khánh Linh (ảnh) để tìm hiểu về con đường đưa Khánh Linh đến với đam mê hoạt động tranh biện và hành trình khẳng định bản thân thông qua tranh biện.
- Chúc mừng Khánh Linh với ngôi vị tân thủ lĩnh sinh viên Học viện Ngoại giao. Cảm xúc của bạn khi trở thành thủ lĩnh sinh viên như thế nào?
Em cảm thấy rất vui, có một chút tự hào vì những cố gắng, nỗ lực của bản thân và đang rất hào hứng với những dự định, kế hoạch sẽ thực hiện ở ngôi vị thủ lĩnh trong 4 năm học tập tại trường. Em thật sự cảm ơn thầy cô, bạn bè cùng lớp, cùng khoa, cùng khóa đã quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ em trên hành trình đăng quang Khóa trưởng khóa 47 của Học viện Ngoại giao cũng như ban tổ chức cuộc thi "Thủ lĩnh Sinh viên Ngoại giao 2020" đã mang lại cho chúng em kĩ năng, kiến thức và tâm thế cho hành trình mới ở ngôi trường mới này.
- Được biết, cuộc thi "Thủ lĩnh Sinh viên Ngoại giao" cũng có những phần thi yêu cầu thể hiện khả năng tranh biện của thí sinh? Vậy Khánh Linh đã vượt qua thử thách đó như thế nào?
Thủ lĩnh Sinh viên Ngoại giao là chương trình thường niên, là thương hiệu của Học viện Ngoại giao được tổ chức dành cho các tân sinh viên nhằm tìm ra ngôi vị Khóa trưởng - thủ lĩnh dẫn dắt phong trào sinh viên, đại diện cho tiếng nói, tài năng và bản sắc sinh viên Ngoại giao. Vì vậy, cuộc thi cũng gồm những phần thi đòi hỏi thí sinh thể hiện tốt kỹ năng thuyết trình và tranh biện.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, em lọt vào top 15 cuộc thi (mỗi khoa có 3 đại diện lọt vào top 15) rồi đến top 5 và em là khối trưởng đại diện cho Khoa Luật Quốc tế. Tại vòng chung kết cuộc thi em cùng 4 bạn Khối trưởng của 4 khoa còn lại phải trải qua 4 phần thi: Tôi là ai - Tôi hành động - Tôi tin tưởng - Tôi là tôi. Hầu hết các vòng thi đều sử dụng rất nhiều đến kỹ năng thuyết trình, tranh biện khi trình bày đề án cá nhân, trả lời câu hỏi chất vấn của ban giám khảo, các bạn sinh viên trong những trường hợp, tình huống cụ thể.
Em cũng đã dành nhiều tâm huyết để thuyết trình về Đề án cá nhân với nội dung tạo những cơ hội cho các sinh viên có hoàn cảnh bất lợi ở Học viện Ngoại giao. Với những kinh nghiệm được rèn luyện về tranh biện tại một số cuộc thi em đã tham gia từ THPT và có lẽ là một chút may mắn đã giúp em chiến thắng tại cuộc thi.
Nguyễn Khánh Linh xuất sắc giành ngôi vị tân Thủ lĩnh Sinh viên Học viện Ngoại giao khóa 47. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Như Khánh Linh chia sẻ, từ khi còn học cấp 3, bạn đã tham gia hoạt động tranh biện. Bạn có thể bật mí về lý do khiến bạn yêu thích, đam mê hoạt động tranh biện?
Khi mới bước vào cấp 3, em nghĩ là mình cũng giống nhiều bạn cùng trang lứa với tâm lý tuổi mới lớn luôn cảm thấy cần xác định việc mình thích cái gì? mình có thể làm được điều gì? và mình muốn trở thành ai?... Những câu hỏi cứ đặt ra khiến em suy nghĩ, băn khoăn rất nhiều và muốn tự tìm câu trả lời cho mình.
Đó cũng là lúc em bắt đầu đến với hoạt động tranh biện, tranh biện với chính mình, tự đặt vấn đề ở những góc nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau để đánh giá, lựa chọn và khi điều đó trở thành thói quen cũng là lúc em đã yêu thích và muốn thử sức, đối đầu nhiều hơn các bạn, các thí sinh tham gia các cuộc thi tranh biện.
Ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn phải tự rèn luyện, hoàn thiện cho mình khá nhiều kỹ năng, vì tranh biện không chỉ dừng lại ở khả năng suy nghĩ, lập luận vấn đề một cách logic, chặt chẽ mà nó còn đòi hỏi cách nói, cách diễn đạt trôi chảy, thuyết phục nữa.
- Vậy hoạt động tranh biện đã mang lại cho Khánh Linh điều gì? Và theo bạn ích lợi của hoạt động tranh biện đối với các bạn trẻ thì sao?
Tranh biện mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kỹ năng và kiến thức. Tranh biện không chỉ đơn giản là ai thắng ai thua trong một cuộc tranh luận mà nó còn thể hiện tư duy, suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. Khi tranh biện, chúng ta nhìn nhận vấn đề từ các góc nhìn đa chiều hơn, và khi chúng ta kéo dãn vấn đề ra nhiều nhất, chúng ta mới có thể đạt được đến chân lý.
Tranh biện chính là một trong những hình thức rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả nhất. Có tư duy logic, tư duy phản biện và khả năng diễn đạt là cực kì cần thiết cho thế hệ trẻ như chúng em. Là học sinh, sinh viên, những người đang đi học thì tư duy phản biện này lại càng cần thiết bởi lẽ nó giúp người học tiếp cận vấn đề chủ động và kỹ càng hơn.
Đó cũng chính là những điều rất bổ ích mà tranh biện đã mang lại cho em. Do đó, em cũng đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực tranh biện không chỉ với vai trò là thí sinh tham gia các cuộc thi mà còn làm huấn luyện viên, giám khảo tại các cuộc thi tranh biện với mong muốn góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng cho các bạn học sinh THPT thêm yêu thích và khẳng định bản thân với hoạt động tranh biện.
Nguyễn Khánh Linh với vai trò trợ lý huấn luyện viên tranh biện tại chương trình "The Debaters" trên kênh VTV7. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Hiện nay, một số bạn trẻ chưa thực sự hiểu về tranh biện hoặc có tâm lý ngại tranh biện. Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?
Tham gia hoạt động tranh biện, em nhận ra có nhiều bạn lầm tưởng tranh biện là cãi nhau, ai cãi to hơn thì thắng. Thực sự là không phải như vậy. Tranh biện là đưa ra ý kiến của mình, phản biện ý kiến của đối phương để cuối cùng cả hai bên đều có thể có được một cái nhìn toàn diện về vấn đề. Tranh biện là dùng đầu, dùng trí não chứ không phải dùng sự to tiếng để lấn át đối phương.
Và như em đã nói ở trên, tranh biện có rất nhiều lợi ích, không chỉ là về việc thắp sáng tư duy mà còn về rèn luyện sự tự tin, kỹ năng nói chuyện, thuyết trình trước đám đông... Nói như vậy để thấy rằng, hoạt động tranh biện luôn khuyến khích mỗi cá nhân thẳng thắn thể hiện suy nghĩ, đánh giá nhìn nhận của mình .
- Khánh Linh có thể chia sẻ về công việc của một trợ lý huấn luyện viên tranh biện?
Ngoài việc học tập tại Trường Học viện Ngoại giao, hiện em cũng làm việc cho chương trình "The Debaters" trên kênh VTV7. Đây là một chương trình về tranh biện bằng tiếng Anh dành cho các bạn học sinh THPT trên toàn quốc nhằm rèn luyện cho các bạn học sinh tư duy phản biện, hùng biện, đồng thời khuyến khích tiếng nói của học sinh trên diễn đàn Giáo dục.
Công việc trợ lý huấn luyện viên của em là sử dụng những kinh nghiệm của mình đã tích lũy được giúp các em học sinh, các bạn thí sinh tham gia chương trình khai thác và phát huy các điểm mạnh của bản thân, trau dồi một số kỹ năng cần thiết để thể hiện các phần thi tranh biện đạt hiệu quả.
- Chắc hẳn Khánh Linh cũng ấp ủ cho mình nhiều dự định về hoạt động tranh biện trong thời gian tới?
Ngoài việc tiếp tục tham gia các dự án, chương trình, giải đấu về tranh biện trên truyền hình, tại các trại hè, các câu lạc bộ của các trường THPT, Đại học với tư cách ban chuyên môn, giám khảo khách mời, huấn luyện viên..., em vẫn cố gắng rèn luyện, trau dồi mỗi ngày thêm kiến thức, kỹ năng để tham gia các cuộc thi, giải đấu về tranh biện cấp khu vực và quốc tế như: Giải vô địch tranh biện các trường đại học thế giới, Giải vô địch tranh biện các trường đại học châu Á...
Song ngoài mục tiêu hướng đến các cuộc thi về tranh biện thì điều em luôn giữ cho mình chính là niềm yêu thích, nhiệt huyết với hoạt động tranh biện bằng việc tự tranh biện, suy nghĩ về một vấn đề bất kỳ trong học tập hay cuộc sống với nhiều chiều hơn, để phân tích, đánh giá nó một cách thấu đáo nhất.
- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!
Một số thành tích tại các cuộc thi tranh biện Nguyễn Khánh Linh từng đạt được:
- Quán quân giải tranh biện "Vietnam Online Debate Open 2020"
- Á quân cuộc thi tranh biện "Teen X 2020".
- Top 4 người nói xuất sắc giải vô địch tranh biện hạng nghiệp dư toàn quốc năm 2019"
- Top 10 người nói xuất sắc giải vô địch tranh biện Nghị viện Anh Việt Nam năm 2020.
Ngoài ra Khánh Linh từng đảm nhiệm vị trí: Phó Ban chuyên môn giải "Tranh biện Nghị viện Anh Việt Nam 2021"; giám khảo khách mời của các giải đấu tranh biện như: Giải Tranh biện Hà Nội mở rộng 2020, giải VOC Online Debate Open 2020, giải Neka Online Debate Open 2020, giải Novus Debate Open 2020, giải KaPaio Online Debate Open 2020...
Trưởng thành từ 'Sinh viên 5 tốt' Với nhiều bạn sinh viên, hoạt động Đoàn, Hội trong nhà trường là môi trường lý tưởng cho quá trình rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của bản thân. Bạn Vũ Hồng Nhung (ngoài cùng, bên phải) tham gia hoạt động của trường. ẢNH: NVCC Tôi vốn dĩ là một cô bé nhút nhát, ít nói, rất sợ đứng trước đám đông....