Giáo viên vẫn khốn khổ với cách hiểu và triển khai Công văn 4040
Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp nhưng luôn ở thế bị động, luôn bị áp đặt thực hiện mà không có quyền chủ động sáng tạo hay thay đổi theo tình hình học sinh
Bài viết “Rối tinh rối mù với hướng dẫn “ tự học” và “ tự đọc” của Bộ” đăng trên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam ngày 5/10 đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đội ngũ giáo viên khắp mọi miền đất nước.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn
Trên các diễn đàn giáo dục, hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt bình luận của nhiều nhà giáo đều rất đồng tình với với bài viết về việc công văn không hướng dẫn rõ ràng việc tự học, tự đọc để mỗi người hiểu mỗi khác dẫn đến việc chỉ đạo áp dụng thực hiện chương trình ở nhiều địa phương, thậm chí ở mỗi trường học đã không được giảm tải như chủ ý của Bộ mà còn tạo ra nhiều áp lực cho chính giáo viên và học sinh.
Sự vô lý khi bắt gộp bài để dạy rồi lại phải ôn tập
Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) tại Bình Phước nói rằng: “Trường em thực hiện chuyên môn vô lý đến không tưởng. Giáo viên ai cũng phản đối nhưng hiệu trưởng nhất định không chịu nghe. Vì thế, dù vô lý nhưng vẫn phải dạy trong ức chế”.
Nói rồi thầy H. cho biết: Ví như 1 tuần có 2 tiết Khoa học. Hiệu trưởng bắt gộp 2 bài trong tuần để dạy trong 1 tiết, đến tiết thứ 2 của tuần đó lại bắt giáo viên cho học sinh ôn tập lại.
2 bài dạy dồn trong một tiết, giáo viên phải “dạy đuổi” mướt mồ hôi vẫn không hết bài, học sinh tiếp thu một lượng kiến thức cũng không hề nhỏ.
Thế nhưng, tiết sau không có gì để dạy nên lại tổ chức ôn tập. Vậy gộp bài để làm gì? Sao không để luôn 2 bài dạy 2 tiết có phải đỡ hơn không?
Giáo viên nhà trường đã giải thích, hướng dẫn của Bộ là cắt bớt thời lượng của 2 bài để giảm thời gian dạy chứ không phải gộp nội dung để dạy trong 1 tiết.
Bộ không giảm số tiết (mà vẫn giữ số tiết đúng 35 tuần), chỉ giảm nội dung ở từng tiết để học sinh đỡ phải ngồi lâu trên màn hình, chứ không phải gộp tiết rồi lại sinh ra một tiết khác thì cũng bằng không.
Thầy H. cho biết, hiệu trưởng trường mình vẫn cương quyết vì Bộ nói gộp thì mình gộp thôi, gộp rồi dư tiết phải ghi ôn tập để đảm bảo đủ số tiết của môn đó trong 35 tuần.
Video đang HOT
Môn Khoa học bắt gộp 2 tiết làm một. Tiết sau lại phải ôn tập (Ảnh CTV)
Không riêng ở Bình Phước, nhiều giáo viên ở các địa phương khác cũng đã chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục về những bất cập khi gộp bài như thế nhưng không giảm số tiết quy định.
Các thầy cô đồng nghiệp đã chia sẻ nhiều tâm tư bức xúc của mình về chuyện gộp bài rồi đẻ thêm tiết ôn tập như “gộp rồi lại ôn thà để nguyên dạy từng tiết theo bài vẫn hơn. Kiểu này, thầy cô dạy cũng ngán mà trò học cũng chán”.
“Nhiều lúc không biết làm kiểu gì, mỗi nơi một phách. Kế hoạch, thời khoá biểu lên từng tuần, soạn bài cắt cắt, gộp gộp khổ lắm.
Nhiều lúc phát điên lên vì quay cuồng hết gộp bài xong lại đẻ ra ôn tập, 1 tháng hẳn 3, 4 loại công văn thay luôn xoành xoạch. Chỉ khổ giáo viên, in giáo án dạy xong rồi còn bắt sửa lại, in lại. Có khi thức đến 2 giờ đêm vẫn không xong việc”.
Mong ước của giáo viên
Nhiều giáo viên cho rằng việc hướng dẫn giảm tải trong Công văn 4040 có nhiều nội dung không rõ ràng nên dẫn đến việc thực hiện theo công văn mới xảy ra tình trạng rối như tơ vò như thế.
Thầy giáo H. giáo viên một trường trung học ở Bình Thuận cho biết: “Những nội dung tinh giản chỉ cần ghi học sinh tự tìm hiểu ở nhà hay như trước đây, Bộ vẫn thường hướng dẫn cụ thể những nội dung tinh giản ấy bằng một từ: bỏ, hoặc giảm tải là đủ.
Giáo viên sẽ nhắc nhở học sinh về nhà đọc thêm. Nên bỏ kiểu hướng dẫn nửa vời như tự học rồi lại tự đọc không biết đâu mà lần”.
Giáo viên là người giảng dạy trực tiếp nhưng luôn ở thế bị động, luôn bị áp đặt thực hiện mà không có quyền sáng tạo, thay đổi. Với kiểu Bộ ra công văn điều chỉnh, Sở giao về Phòng rồi Phòng giao bộ phận cốt cán xây dựng kế hoạch xong chuyển về trường, chuyên môn trường sẽ chỉ đạo và cuối cùng giáo viên buộc phải thực hiện dù có những bất cập, những khúc mắc.
Nhiều thầy cô giáo khi được hỏi đều có chung ý kiến, việc tinh giản kế hoạch dạy học hãy cứ giao quyền cho giáo viên. Mỗi thầy cô giáo khi dạy đều tự biết phải dạy thế nào để mang lại hiệu quả cao, với trình độ học sinh của lớp mình thì nên tập trung kỹ phần nào và nên lướt qua phần nào.
Với lớp có học lực nổi trội hơn đương nhiên giáo viên sẽ dạy khác những lớp đa phần học sinh tiếp thu chậm, có lực học trung bình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tôi chỉ thấy thầy cô mua giáo án để nộp, không ai dùng nó để dạy
Với số lượng trang giáo án phải hoàn thành mỗi tuần mấy chục trang, giáo viên không mua giáo án về để dành kiểm tra sẽ phải ngồi soạn đến bao giờ mới xong được?
Nhiều thầy cô giáo đều có 2 bộ giáo án
Nhiều thầy cô giáo hiện nay luôn có 2 bộ giáo án. Một bộ giáo án dùng để kiểm tra khi nhà trường yêu cầu và một bộ giáo án để thầy cô lên lớp.
Bộ giáo án kiểm tra gần như ít giáo viên tự soạn mà đi xin, đi mua là chủ yếu. Riêng bộ giáo án lên lớp giảng dạy phải do chính thầy cô tự soạn vì nếu không tự mình soạn, nhiều giáo viên dạy ở bậc trung học sẽ không thể giảng dạy tốt khi lên lớp.
Chợ giáo án, một nhóm kín có 31.900 thành viên, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Có điều, giáo án dạy trên lớp đôi khi chỉ là những nội dung quan trọng giáo viên viết ra giấy, những dòng gạch đầu dòng lưu ý trong sổ tay hay những kế hoạch được vạch sẵn trong đầu mà không phải chép hoặc in ra một cách bài bản.
Sẽ có nhiều người thắc mắc kiểu vì sao lại phải có đến 2 bộ giáo án? Sao không lấy giáo án mua để dạy hoặc sao không lấy giáo án dạy để dùng kiểm tra luôn?
Những quy định máy móc, buộc giáo viên phải mua giáo án đối phó
Người viết bài đã nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp mới ra trường đã soạn giáo án tỉ mỉ, chi tiết đến thế nào để giảng dạy nhưng vẫn không dùng giáo án ấy để nộp cho trường vì chắc chắn sẽ bị bắt bẻ, góp ý của người kiểm tra.
Giáo án dùng để kiểm tra phải soạn theo đúng trình tự đã quy định, theo mẫu chung của cả trường, phải ghi từng đề mục, từng thời gian dự kiến. Phần cuối cùng bao giờ cũng có phần củng cố rồi bổ sung, nếu thiếu phần nào sẽ bị góp ý phần đó.
Đã có giáo viên bị chất vấn sao phần này lại bỏ trống? Cũng cố cái gì và bổ sung ra sao mà không ghi vào? Trong khi đó, sau bài dạy giáo viên chỉ cần đặt vài câu hỏi để học sinh trả lời và thầy cô hệ thống lại là đủ.
Thế nhưng lên lớp, một tiết dạy học đâu phải lúc nào cũng phải răm rắp theo đúng quy trình như thế? Khi dạy đôi khi trình tự tiết học sẽ bị đảo lộn, có những phần sẽ được dừng lại lâu, phần lại lướt qua vì tùy tình hình học tập của học sinh lúc đó.
Giáo án lên lớp của giáo viên thường khá chi tiết nhưng đâu cần viết ra. Nhiều thầy cô giáo giảng dạy đã trở nên thuần thục thì cũng đâu cần ngội cặm cụi hì hụi chép ra hết trang này đến trang khác? Những thầy cô giáo này, chỉ cần cầm cuốn sách giáo khoa và những kế hoạch bài dạy đã chạy sẵn trong đầu.
Vì thế, giáo án nộp để kiểm tra với giáo án bài dạy thực tế của nhiều thầy cô giáo sẽ không giống nhau. Nếu nghi ngờ điều này, chỉ cần vào dự giờ bất chợt một vài tiết học nào đấy sẽ thấy ngay điều chúng tôi nói.
Việc quy định giáo án phải soạn theo công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo càng buộc giáo viên đi mua giáo án (kế hoạch bài dạy).
Công văn quy định, kế hoạch bài dạy cần thực hiện theo 4 hoạt động: 1. Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu, 2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới, 3. Hoạt động 3: Luyện tập, 4. Hoạt động 4: Vận dụng. Trong mỗi hoạt động phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện.
Nếu soạn đúng theo quy định này, mỗi bài sẽ phải soạn gần 20 trang giáo án. Khi kiểm tra giáo án, người kiểm tra sẽ tha hồ soi xem giáo án có soạn đúng như quy định của công văn 5512? Các hoạt động có nêu rõ mục tiêu?...
Với những môn học tuần từ 1 đến 2 tiết, một giáo viên phải soạn một tuần từ 3 đến 5 giáo án (nếu được phân công dạy 2 khối lớp), từ 5 đến 7 giáo án nếu phải dạy tới 3 khối lớp.
Những môn như Văn, Toán số tiết một tuần nhiều hơn thì giáo viên phải soạn từ 8 đến 10 giáo án. Mỗi giáo án soạn theo Công văn 5512 dài từ 15 đến 20 trang thì một tuần số trang giáo án phải soạn ít nhất đã hơn 50 trang, còn nhiều sẽ hơn 100 trang.
Với số lượng trang giáo án phải hoàn thành nhiều như thế, thử hỏi giáo viên không mua giáo án về để dành kiểm tra sẽ phải ngồi soạn đến bao giờ mới xong được?
Chỉ cần kiểm tra tiết dạy sẽ biết giáo viên có soạn giáo án hay không
Là giáo viên đứng lớp gần 30 năm nay, tôi tin không thầy cô nào mua giáo án về dạy. Bởi, nếu không nghiên cứu bài, không tự soạn theo cách của mình mà nhìn vào giáo án của người khác soạn cũng không thầy cô giáo nào có thể dạy được.
Giáo viên lên lớp bây giờ có phải chỉ đứng một chỗ để nhìn giáo án và đọc cho học sinh chép đâu? Các thầy cô chỉ còn là người hướng dẫn học sinh các hoạt động học tập. Một giáo viên lên lớp không mà trước đó không nghiên cứu bài kỹ, người dự giờ sẽ dễ dàng nhận ra.
Bởi thế, thay vì kêu thầy cô nộp những bộ giáo án dày cộm để kiểm tra, rồi soi xét xem có đúng mẫu quy định, nhà trường nên vào dự giờ một vài tiết đột xuất sẽ có kết luận những thầy cô giáo ấy có soạn bài trước hay không.
Việc kiểm tra giáo án để khẳng định giáo viên thực hiện hồ sở sổ sách tốt và đánh giá đó là một giáo viên giỏi đã tồn tại biết bao năm qua. Đổi mới giáo dục, tại sao không đổi mới ngay từ khâu soạn giáo án và cách kiểm tra giáo án của giáo viên?
Muốn thay đổi lối mòn này, "phải thay đổi đồng bộ từ tư duy của người quản lý, phải quản lý bằng khối lượng, chất lượng hoàn thành công việc, yêu cầu cần đạt đối với học sinh, chứ không phải đi kiểm tra những trang giáo án" như lời khẳng định của thầy Nguyễn Văn Khánh (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đa phần giáo viên mua giáo án để nộp, ai mua để dạy không xứng làm Thầy! Giáo án theo khuôn mẫu đang dần trở thành "gánh nặng" trên vai giáo viên, khi phương pháp dạy học đã không còn bó buộc nhưng vẫn phải nộp giáo án đúng quy định. Chỉ cần vài phút lướt trong các hội nhóm về giáo dục trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những bài viết rao bán...