Giáo viên phản ánh module 9 trên ETEP nhiều môn lấy ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’
Một nhóm giáo viên bậc phổ thông phản ánh, nội dung bồi dưỡng module 9 nhiều môn có sự lẫn lộn thuật ngữ khiến thầy cô gặp trở ngại trong quá trình học.
Vừa qua, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một nhóm giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông phản ánh, nội dung bồi dưỡng module 9 của nhiều môn học có sự lẫn lộn thuật ngữ, khái niệm lẫn lộn nhau khiến thầy cô gặp trở ngại trong quá trình học tập.
Cụ thể, đó là các môn Toán, Lịch sử và Địa lí, Mỹ thuật (trung học cơ sở), Lịch sử, Vật lí, Giáo dục thể chất (trung học phổ thông).
Module 9 có nội dung: “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh” (trung học cơ sở, trung học phổ thông).
Nội dung bồi dưỡng module 9 của một môn học chương trình ETEP. (Ảnh: Hương Ly)
Bậc trung học cơ sở
Nhóm giáo viên cho biết, các môn Toán; Lịch sử và Địa lí; phân môn Mỹ thuật; phân môn Âm nhạc sử dụng một số thuật ngữ không phù hợp với đặc điểm của các môn, phân môn đó.
Các môn, phân môn này đều có chung nội dung: “Trên bình diện chung nhất, có thể phân tích các nội dung dạy học theo các nhóm: khái niệm, cấu trúc – chức năng – tính chất; hiện tượng – bản chất – quá trình; quy luật – nguyên lí; ý nghĩa – ứng dụng…”.
Riêng phân môn Mỹ thuật còn xuất hiện một số thuật ngữ, khái niệm rất lạ như: “loại nội dung này mang tính chất cấu tạo, cấu trúc, hình thái, chức năng, tính chất của đối tượng”. Hay “loại nội dung này mô tả trình tự phát triển, diễn biến của sự vật, hiện tượng…”.
Nhiều môn học sử dụng chung một thuật ngữ không phù hợp. (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)
Bậc trung học phổ thông
Đối với môn Lịch sử, trong quá trình học tập, thầy cô cảm thấy lo lắng vì không hiểu một số nội dung trên hệ thống ETEP.
Chẳng hạn, khi đề cập đến “mối quan hệ giữa nội dung dạy học với dạng học liệu số” thì phần lí thuyết và bài tập đều ghi quan hệ giữa các loại nội dung dạy học bằng các từ ngữ: “cấu tạo”, “cấu trúc”, “hiện tượng”, “hình thái”, “chức năng”… với dạng học liệu số để phù hợp với nội dung ấy.
Video đang HOT
Những thuật ngữ (khoanh màu đỏ) có phù hợp với môn Lịch sử? (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)
Với cách hướng dẫn như vậy, thầy cô cho biết đang gặp hai vấn đề cần trao đổi với lãnh đạo chương trình ETEP:
Thứ nhất, đối tượng và nội dung dạy học của môn Lịch sử hoàn toàn không gắn với các thuật ngữ “cấu tạo”, “cấu trúc”, “hiện tượng”, “hình thái”, “chức năng”… Trong khi đó, những thuật ngữ này phù hợp với nội dung dạy học môn Sinh học hơn.
“Vậy, căn cứ vào đâu mà chương trình ETEP đưa những thuật ngữ “cấu tạo”, “cấu trúc”, “hiện tượng”, “hình thái”, “chức năng”… vào tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử?”, nhóm giáo viên thắc mắc.
Thứ hai, theo yêu cầu của bài tập cuối khóa, thầy cô phải xây dựng học liệu số phù hợp với nội dung dạy học. Tuy vậy, thầy cô không hiểu những thuật ngữ (trái ngành) như đã dẫn nên không biết phải làm bài tập thế nào cho đúng.
Đối với môn Giáo dục thể chất, nội dung bồi dưỡng hướng dẫn: “Việc xác định nội dung dạy học có thể dựa vào tính chất của nội dung dạy học cần thực hiện trong kế hoạch bài dạy… Trên bình diện chung nhất, có thể phân tích các nội dung dạy học theo các nhóm: khái niệm, cấu trúc – chức năng – tính chất; hiện tượng – bản chất – quá trình; quy luật – nguyên lí; ý nghĩa – ứng dụng…”.
“Theo chúng tôi, phải viết là: ‘ đặc điểm’ (không phải tính chất) của nội dung dạy học”, nhóm giáo viên góp ý sửa lại khái niệm.
Thầy cô còn khẳng định, với cách phân loại nội dung dạy học theo nhóm như trên, chỉ có thể phù hợp với những môn như Sinh học, Hóa học, chứ không phải là môn Giáo dục thể chất.
Bởi, môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT cho biết:
“Môn Giáo dục thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khỏe; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực và tố chất vận động…”.
“Như thế để thấy rằng, module 9 môn Giáo dục thể chất không đề cập đến bất kì đến nội dung nào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, nhóm giáo viên nói thêm.
Liên quan đến việc thầy cô phản ánh đối tượng và nội dung dạy học của môn Lịch sử hoàn toàn không phù hợp với các thuật ngữ như “cấu tạo”, “cấu trúc”, “hiện tượng”, “hình thái”, “chức năng”… mà chỉ phù hợp với môn Sinh học hơn.
Thông qua diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhóm giáo viên mong muốn được tiếp nhận nội dung bồi dưỡng module 9 các môn học đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc thù bộ môn.
“Chúng tôi mong Tạp chí phản ánh những ý kiến này đến ban lãnh đạo chương trình ETEP nhằm rà soát, chỉnh sửa lại nội dung bồi dưỡng module của các môn học như đã nêu.
Không biết vì sao từ giảng viên đại học đến giáo viên cốt cán đều không phát hiện những sai sót trên?. Với cách làm việc như vậy, liệu việc bồi dưỡng module Chương trình giáo dục phổ thông mới có đạt hiệu quả như những báo cáo trên các phương tiện truyền thông chưa?”, thầy cô băn khoăn.
Đến bao giờ nghề giáo được ưu tiên nhất, thầy cô sống được bằng lương?
Đối với giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông mới ra trường tập sự có thu nhập khoảng 3,4 triệu, khi hết tập sự khoảng 3,8 triệu.
Ngày 02/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Nghề giáo phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương" của tác giả Ngân Chi nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng giáo viên cả nước.
Hàng trăm ngàn lượt đọc, nhiều lượt thích và chia sẻ cho thấy vấn đề thu nhập giáo viên luôn là vấn đề "nóng" nhận được sự quan tâm của giáo viên, nhân dân cả nước.
Ảnh minh họa - Lã Tiến
Phát biểu của Đại biểu Quốc hội chạm đến trái tim hàng triệu giáo viên
Ngày 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022".
Về vấn đề liên quan lương, thu nhập nhà giáo, Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định Nguyễn Văn Cảnh đã có những phát biểu và đề xuất khiến giáo viên vô cùng xúc động như sau:
"Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất, để thầy cô sống được với lương của mình.
Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể, phải lo thêm cho gia đình.
Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, vị Đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách."
Phát biểu của vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã chạm đến trái tim của hàng triệu giáo viên cả nước.
Đây là những vấn đề mà giáo viên đặc biệt quan tâm, giáo viên thu nhập không đủ sống, phải làm mọi nghề tay trái để kiếm sống thì rất khó để giáo dục phát triển tương xứng vị thế của ngành, nghề.
Đã có một thời gian quá dài, lương thu nhập của giáo viên liên tục là vấn đề "nóng". Lời hứa "nhà giáo sống được bằng lương", đã 15 năm trôi qua, qua nhiều nhiệm kỳ của Bộ trưởng vẫn bị xem chưa có gì khởi sắc.
Sau nhiều lần ý kiến, đề xuất, kiến nghị thì lương, thu nhập giáo viên vẫn không tương xứng với vị thế của nghề, không đủ trang trải cuộc sống.
So với các đơn vị nghiệp công lập khác thì lương giáo viên không phải thấp nhưng gần như giáo viên chỉ nhận lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (giáo viên trên 5 năm) mà không có khoản nào khác nên tổng thu nhập của giáo viên có thể là thấp so với các đơn vị còn lại.
Lương giáo viên mới ra trường hiện nay bao nhiêu?
Đối với giáo viên mới ra trường từ ngày 20/3/2021 (chùm Thông tư 01-04/2021 có hiệu lực), giáo viên mầm non có hệ số 2,1, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông có hệ số 2,34.
Như vậy, thực nhận của giáo viên mầm non tập sự sau khi trừ các khoản còn khoảng 3,2 triệu, khi hết tập sự nhận khoảng 3,6 triệu.
Đối với giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông mới ra trường tập sự có thu nhập khoảng 3,4 triệu, khi hết tập sự khoảng 3,8 triệu.
Giáo viên ra trường từ năm 2015, còn nhận lương thấp hơn vì ở bậc mầm non, tiểu học có hệ số lương 1,86, trung học cơ sở có hệ số lương 2,1, trung học phổ thông có hệ số lương 2,34.
Do đó, giáo viên mới ra trường bậc mầm non, tiểu học giai đoạn đó nếu chưa được bổ nhiệm lương mới thì thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.
Về chế độ nâng lương hiện nay thì 2-3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng chỉ khoảng vài trăm ngàn nên thực chất tổng thu nhập của giáo viên rất thấp.
Dự kiến lương giáo viên sẽ ra sao khi sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04
Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Nếu không có gì thay đổi thì việc lấy ý kiến dự thảo đến hết ngày 20/7, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thời gian điều chỉnh và ban hành chính thức Thông tư sửa đổi, bổ sung.
Sau khi chính thức có hiệu lực, các đơn vị tiến hành bổ nhiệm lương mới trong thời gian 6 tháng, nên dự kiến có thể bổ nhiệm vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Thực chất, lần bổ nhiệm theo lương mới này là khắc phục tồn tại, bất cập của chùm Thông tư 01-04/2021 nên cơ bản khi bổ nhiệm lương mới dành cho giáo viên mới ra trường và giáo viên đang công tác không có nhiều chênh lệch so với lương đang lĩnh hiện nay, trừ một số trường hợp hạng II ở tiểu học, trung học cơ sở có hệ số lương 3,33, 3,66 được chuyển qua hạng II mới có hệ số lương 4,0.
Giáo viên mầm non đến trung học phổ thông giáo viên mới ra trường vẫn thực nhận chưa đến 4 triệu mỗi tháng. Theo người viết, mức này là quá thấp so với mặt bằng chung và mức chi phí trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá như hiện nay.
Để giáo dục, giáo viên nâng cao vị thế rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cùng các cấp có thẩm quyền để cải thiện lương, thu nhập cho nhà giáo bên cạnh thực hiện quyết liệt việc giảm biên chế quản lý cấp Phòng, Sở, cấp phó, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sáp nhập trường, kết hợp mở rộng trường ngoài công lập,...để từng bước hiện thực hóa lương, chế độ cho nhà giáo được ưu tiên nhất, nhà giáo sống được bằng lương. Thầy cô toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tôi chưa thấy trường hợp nào 'chạy', 'lót tay' để bảo vệ luận án TS ở Đài Loan Tiến sĩ Trần Thị Lan cho biết, ở Đài Loan, người học tiến sĩ không nhiều vì thi khó, học khó, đầu ra khó. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lan, giảng viên Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) cho biết: "Tôi từng có thời gian học tiến sĩ ở Đại học...