Giáo viên đừng nôn nóng bỏ tiền học chứng chỉ tích hợp kẻo mất tiền oan
Lo lắng của giáo viên các đơn môn thuộc các môn tích hợp là có cơ sở, không còn cách nào khác phải tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn để có đủ điều kiện dạy học.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) đối với bậc trung học cơ sở ở lớp 6 năm học 2021-2022 và các lớp 7, 8, 9 ở các năm tiếp theo xuất hiện các môn mới là môn tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nghệ thuật,…
Tuy nhiên, trong đó có 2 môn mới khiến giáo viên lo lắng, băn khoăn nhất là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì giáo viên các môn trên sắp tới phải “khăn gói” đi học, có thể tự bỏ kinh phí và phải thi, nếu đạt thì được cấp chứng chỉ tích hợp, nếu không đạt thì có thể phải bỏ tiền lần 2, 3,… hoặc có thể bị tinh giản biên chế.
100% giáo viên bắt buộc phải bồi dưỡng, học tập mới có thể dạy các môn tích hợp
Ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Ở các hướng dẫn ở mục 1, 2 hướng dẫn thực hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có quy định cụ thể về việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên như sau: “…Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.“
Ảnh minh hoạ, nguồn: Baotuyenquang.com.vn
Tiếp theo đó tại 02 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:
” Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí“.
Như vậy các công văn hướng dẫn và quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ 100% giáo viên các đơn môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để trở thành giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (bắt buộc phải có chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).
Như vậy, lo lắng của giáo viên các đơn môn thuộc các môn tích hợp là có cơ sở, không còn cách nào khác phải tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn để có được chứng chỉ và đủ điều kiện để trở thành giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Nếu không có chứng chỉ các môn tích hợp trên, giáo viên thể phải mất việc vì không có vị trí để phân công công tác.
Điều kiện để được cấp chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý
Tại 02 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở của Bộ quy định:
” 6. Đánh giá kết quả học tập
Học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần đó. Ngoài ra, với các học phần có kết hợp đào tạo trực tuyến thì học viên phải đáp ứng được các yêu cầu về đào tạo trực tuyến của cơ sở đào tạo.
Kết thúc mỗi học phần của chương trình bồi dưỡng, đối vơi môn Khoa học tự nhiên học viên phải thực hiện một bài kiểm tra viết trong thời gian tối thiểu 60 phút, đối với mô Lịch sử và Địa lý thì học viên phải thực hiện một bài thu hoạch . Bài kiểm tra (bài thu hoạch) được chấm theo thang điểm 10. Riêng đối với các học phần Nhập môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Dạy học môn Khoa học tự nhiên; Dạy học môn Lịch sử và Địa lý học viên sẽ phải viết bài tiểu luận theo yêu cầu của giảng viên. Bài tiểu luận được đánh giá theo thang điểm 10. Học viên nào không đạt 5 điểm trở lên thì phải kiểm tra lại hoặc làm lại bài tiểu luận theo yêu cầu của từng học phần.
Điểm đánh giá học phần được tính là điểm bài thi kết thúc các học phần hoặc điểm bài tiểu luận.
Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa bồi dưỡng được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:
Video đang HOT
Trong đó:
A là điểm trung bình chung tích lũy
a i là điểm của học phần thứ i
n i là số tín chỉ của học phần thứ i
n là tổng số học phần.”
Như vậy, không chỉ là bồi dưỡng 20-36 tín chỉ theo quy định mà giáo viên phải thực hiện các bài kiểm tra các học phần, bài thu hoạch và phải viết tiểu luận theo yêu cầu giảng viên và quan trọng là phải đạt yêu cầu.
Nếu không đạt, giáo viên có thể phải tiếp tục bỏ tiền túi để học lại, thi lại học phần thậm chí có thể học lại toàn bộ chương trình.
Giáo viên đừng vội bỏ tiền túi để đi học chứng chỉ các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý
Về phần kinh phí học bồi dưỡng, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở này quy định từ 3 nguồn:
“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;
Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;
Do người học tự đóng góp.”
Dựa và hai Quyết định trên thì một số trường đại học đủ điều kiện đào tạo các môn trên đã chiêu sinh các lớp bồi dưỡng các chứng chỉ trên với kinh phí dao động từ 3 – 7,2 triệu (học từ 20-36 tín chỉ tương đương mỗi tín chỉ 150,000 – 200,000 đồng) tùy theo môn và đơn vị bồi dưỡng (chưa kể các kinh phí tài liệu, chi phí đi lại và các chi phí khác).
Thông báo chiêu sinh học chứng chỉ tích hợp của Trường Đại học Đồng Tháp
Thực tế hiện nay đã có nhiều giáo viên do lo lắng, nôn nóng nên đã đăng ký và tự bỏ tiền túi học các lớp chứng chỉ trên.
Tuy nhiên, trao đổi trên Báo điện tử VietnamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: ” Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí“.[1]
Như vậy đã rõ quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như trả lời của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ nếu được nhà trường cử đi học thì nhà trường trả phí, nếu giáo viên tự đăng ký đi học thì phải trả 100% kinh phí.
Do đó, theo quan điểm của người viết, giáo viên đừng nên nôn nóng tự bỏ tiền túi đi học chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì do chương trình xuất hiện các môn mới thì các địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể cân đối kinh phí, bố trí giáo viên đi học các chứng chỉ trên và sẽ trả kinh phí (giáo viên các môn tích hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện).
Bên cạnh đó, giáo viên các môn tích hợp là rất đông nếu tự đăng ký đi học sẽ rất khó cho các trường phân công công tác, ảnh hưởng thời gian làm việc do đó các địa phương sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng một cách khoa học, đồng bộ và hợp lý. Nếu tự đi học vừa tốn kinh phí vừa ảnh hưởng đến đơn vị, cá nhân.
Thông qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo cho các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc bồi dưỡng các chứng chỉ tích hợp trên đừng để giáo viên lo lắng và tự bỏ tiền túi để học, ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên và công việc của trường.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html
[2] Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Trường học lúng túng khi bắt đầu dạy môn tích hợp
Các địa phương trên cả nước đang dần chính thức bước vào năm học mới. Tuy nhiên, việc dạy các môn tích hợp như thế nào vẫn khiến cả giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường lúng túng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học 2021-2022 là tiếp tục triển khai chương trình và SGK mới ở lớp 2 và lớp 6, trong đó ở lớp 6 xuất hiện một số môn học mới là môn tích hợp Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học).
Giáo viên bối rối
Thầy Nguyễn Văn Lực là giáo viên dạy Lịch sử và Giáo dục công dân ở Trường THCS Diên Khánh (Khánh Hòa). Năm nay, thầy Lực được phân công dạy Lịch sử lớp 6.
Thầy giáo này cho biết đang soạn giáo án chuẩn bị cho năm học mới sẽ bắt đầu từ ngày 13/9. Mặc dù Lịch sử được thiết kế nằm trong môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, tuy nhiên vì trường của thầy đủ giáo viên nên mỗi giáo viên sẽ phụ trách một phân môn riêng.
Chưa được tham gia một lớp bồi dưỡng nào về dạy theo chương trình mới, thầy Lực nói khá lo lắng trước những tiết học có nội dung của cả hai môn học Lịch sử và Địa lý.
Năm học này, chương trình và SGK mới được triển khai ở lớp 6. Ảnh: Thanh Tùng
"Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, với môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
Như vậy có thể hiểu giáo viên môn nào vẫn phụ trách phần của môn đó.
Tuy nhiên, nhiều nội dung môn Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và ngược lại nên giáo viên phải có kiến thức cả về Lịch sử và Địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp này. Nhưng có bao nhiêu thầy cô có cả kiến thức chuyên môn về cả 2 môn?
Đây chính là băn khoăn của giáo viên chúng tôi. Hiện nay hầu hết giáo viên được đào tạo để dạy đơn môn mà nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định" - thầy giáo này chia sẻ.
Một giáo viên dạy Sinh học ở TP.HCM cho biết trường của mình vẫn bố trí nhiều giáo viên để dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6. Giáo viên này nhìn nhận đây là sự sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, khi các giáo viên dạy đơn môn chưa kịp học thêm hay bồi dưỡng thêm về dạy tích hợp.
"Bây giờ nếu bảo tôi dạy cả những nội dung về Vật lý hay Hóa học thì vẫn có thể được nhưng thú thật là sẽ chỉ qua loa thôi, không thể vững vàng như các thầy cô được đào tạo về các môn học này. Điều này sẽ thiệt thòi cho học sinh. Có thể năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thể dạy tích hợp như mục tiêu của Bộ GD-ĐT đề ra, nhưng tới đây nếu Bộ không có giải pháp cụ thể hơn về giáo viên thì tôi cho rằng môn Khoa học tự nhiên sẽ vẫn chỉ như phép cộng của 3 môn Lý - Hóa - Sinh, mà lại còn rối rắm hơn cách dạy học trước đây".
Hiệu trưởng loay hoay tìm giải pháp
Hiệu trưởng một trường THCS ở Nghệ An cho hay bản thân lúng túng trong việc phân công giáo viên dạy tích hợp. Theo vị này, nếu muốn giáo viên dạy theo mạch kiến thức của chương trình, hết chủ đề này rồi đến chủ đề khác thì không thể đủ giáo viên dạy cho các lớp.
"Hiện nay, trường đang gặp phải cảnh thiếu giáo viên nên việc bố trí càng bị động, do đó, việc triển khai 2 môn tích hợp ở lớp 6 là Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý rất khó khăn".
Để đảm bảo chất lượng, trường đang bố trí 3 giáo viên dạy một môn Khoa học Tự nhiên.
Còn môn Lịch sử và Địa lý, do quá thiếu giáo viên Lịch sử nên trường này bố trí giáo viên môn Địa lý dạy luôn.
Một khó khăn nữa là khi bố trí các chủ đề, dẫn tới các hiện tượng không khớp theo mạch tiến độ logic của chương trình. Ví dụ, môn Sinh học 2 tiết, một Hóa học 1 tiết, môn Vật lý 1 tiết, có thể khiến khi học một chủ đề thì ở một môn nào đó kiến thức của học sinh chưa tới.
Theo vị hiệu trưởng này, sắp xếp thời khóa biểu là cả một bài toán khó ở trường. Nếu thực hiện theo yêu cầu dạy đúng tuần tự, việc xếp thời khóa biểu là vô cùng gian nan. Bởi phải căn cứ vào số lượng giáo viên bộ môn theo khối lớp, hoàn cảnh, điều kiện của từng giáo viên.
"Ngoài ra phải phân công sao cho nhịp nhàng giữa các bộ môn tích hợp. Nếu bố trí theo mạch của một lớp thì lấy đâu ra giáo viên để dạy các lớp khác", thầy này nói.
Song, bố trí dạy học là một chuyện, khâu khó khăn và lúng túng nhất là việc kiểm tra và đánh giá học sinh.
"Khi kiểm tra định kỳ buộc phải làm đề chung, như vậy để xây dựng 1 đề thì phải 3 giáo viên cùng làm, rồi 3 giáo viên cùng chấm. Rồi bố trí phân công cho giáo viên nào vào điểm, đánh giá. Rồi với một môn mà 3 giáo viên dạy thì cả 3 cùng chịu trách nhiệm, nhưng ai chịu trách nhiệm lời phê và ký trong học bạ; đó cũng là cả một vấn đề", vị này nêu vấn đề.
Nói về chất lượng thực chất dạy học tích hợp, vị này chia sẻ: "Không hiểu tích hợp để làm gì khi thực chất sách giáo khoa vẫn chia các phân môn độc lập với các mạch kiến thức riêng. Như môn Toán có Hình học và Đại số thì giờ môn Khoa học tự nhiên cũng tương tự như vậy, gồm các phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý. Có thể hình dung trước đây in 3 sách thì giờ in gộp vào 1 sách".
Hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội cũng đồng tình với những nhận định này.
"Thực tế, hiện nay chưa đảm bảo đúng được tinh thần tích hợp, dạy học theo kiểu cuốn chiếu, bởi trường vẫn bố trí nhiều giáo viên dạy một môn Khoa học tự nhiên. Giáo viên chưa kịp học các bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ cần có để dạy tích hợp" - hiệu trưởng này nói.
Với số giáo viên đang có ở Học kỳ I (tính cả số nghỉ sinh...), trường này đang chia mỗi tuần 2 tiết với giáo viên Sinh, 1 tiết do giáo viên Hóa học và 1 tiết do giáo viên Vật lý đứng giờ Khoa học tự nhiên.
Ở môn Lịch sử và Địa lý, trường khá may mắn khi 1 giáo viên có cả 2 bằng chuyên môn về Lịch sử và Địa lý.
"Ở học kỳ I, 1 giáo viên có 2 bằng nhận 3 lớp. 3 lớp còn lại thì đang phải chia thời khóa biểu mỗi tuần 2 tiết do giáo viên dạy Lịch sử trước đây dạy, 1 tiết giáo viên dạy Địa lý trước đây đứng lớp. Sau đó 9 tuần, tức nửa học kỳ thì sẽ đổi lại, 2 Địa lý, 1 Lịch sử để đảm bảo chương trình".
Khi kiểm tra giữa kỳ, đề thi sẽ được xây dựng theo tỷ lệ số tiết học của các phân môn đã được dạy. "Sau đó các giáo viên sẽ phải ngồi thêm với nhau để họp đánh giá chung cho môn chung là Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý. Rồi còn phân công người vào điểm, nhận xét học bạ, bởi về quy định chỉ được phép 1 người dạy môn học chứ không thể ghi 2 giáo viên - đây chỉ là cách chữa cháy".
Vị này cho hay, qua trao đổi, nhiều đồng nghiệp của bà cũng đang gặp tình trạng tương tự.
Chỉ khi có giáo viên có đủ năng lực, trình độ, tính pháp lý đứng lớp thì mọi việc mới hết rối rắm. Tuy nhiên, đây là câu chuyện đào tạo lâu dài.
Có giáo viên Sinh dạy Lý, Hóa, học sinh giải bài cách khác là thầy cô bó tay Đổi mới phải đi đôi với công tác đào tạo, dùng người cũ làm việc mới thì lấy đâu ra chất lượng? Cuối cùng, chỉ khổ cho học sinh, thầy dạy thế nào vẫn phải chịu. Năm học 2021 - 2022, lớp 6 bậc trung học cơ sở đã chính thức triển khai 2 môn học mới được gọi là môn tích hợp...