Giáo viên: Đề Văn tốt nghiệp THPT đợt 2 an toàn nhưng thiếu mới mẻ
Giáo viên đánh giá đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo đúng yêu cầu nội dung, hình thức, độ khó dễ của các câu hỏi tương đương với đợt 1.
Video: Giáo viên nhận định đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT đợt 2
Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 2 vẫn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Cũng như đợt 1, đề không khó, nhất là ngữ liệu của câu nghị luận văn học có lẽ đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời lượng làm bài của học trò, về cơ bản đáp ứng được tâm thế lo lắng, cảm giác thiệt thòi của hơn 26.000 thí sinh thi đợt 2.
Tuy nhiên cô Tuyết cho rằng, cũng chính yếu tố trên đã làm giảm đi tính phân loại cho đề thi và kết quả chung của kỳ thi, có thể sẽ đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học trò khao khát sự mới mẻ trong những thông điệp tư tưởng, những vấn đề bàn luận vốn luôn có khả năng mang lại hứng thú và nhu cầu suy ngẫm trong một đề thi Ngữ văn.
Từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong các phần đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học đều tương đương với đề thi chính thức đợt 1.
Phần đọc hiểu (3 điểm) ngữ liệu vẫn là trích đoạn của 1 văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận cùng dung lượng tương đương với ngữ liệu được sử dụng trong đề thi đợt 1. Nội dung cùng hướng tới những vấn đề của tư tưởng, đạo lí, nếu đợt 1 gợi ra suy nghĩ về thái độ trân trọng với cuộc sống hàng ngày thì đợt 2 chính là gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống.
4 câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1; 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kĩ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.
Phần 2, làm văn (7,0 điểm) giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Đề thi môn Ngữ văn đợt 2.
Câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống” – vấn đề “niềm tin” và khía cạnh bàn luận “sự cần thiết phải có niềm tin” hoàn toàn không xa lạ với học trò và chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của các thầy/cô trong nhiều năm học.
Vì thế, một mặt không làm khó cho học trò nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập của thí sinh.
Câu 2 (5,0 điểm), bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu “phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến” trong 22 câu thơ của phần cuối đoạn trích “Việt Bắc” – hầu như không có sự thay đổi gì về dung lượng, cảm hứng, thể loại…của ngữ liệu so với câu nghị luận văn học của đề thi đợt 1.
Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng…rất phù hợp với cả 2 đợt thi của năm 2020 – một năm chẵn cho những ngày kỉ niệm lớn liên quan tới những sự kiện trọng đại của dân tộc, thì sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho học trò khi làm bài.
Kỹ năng cần biết khi viết đoạn văn nghị luận xã hội
Học sinh lưu ý không triển khai hệ thống ý nghị luận của tổng thể vấn đề khiến đoạn văn trở thành bài văn thu nhỏ.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ các kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội dành cho sĩ tử sắp bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020. Theo Tiến sĩ Thu Tuyết, từ kỳ thi THPT Quốc gia 2017, yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 từ đã thay thế bằng yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Đó là thay đổi lớn, kéo theo nhiều vấn đề về kiến thức, kỹ năng trong quá trình ôn luyện và làm bài thí sinh cần lưu ý.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI
Đặc điểm của dạng đề viết đoạn văn Nghị luận xã hội
Để thấy được đặc điểm và yêu cầu của dạng bài viết đoạn văn nghị luận xã hội, trước hết học sinh quan sát lại các đề thi chính thức của những năm gần đây.
Đề thi THPT Quốc gia năm 2017: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu (" Thiện, Ác và smartphone" - Đặng Hoàng Giang), anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Đề thi THPT Quốc gia năm 2018: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu ( Đánh thức tiềm lực - Nguyễn Duy), anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
Đề thi THPT Quốc gia năm 2019: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu ( Trước biển - Vũ Quần Phương), anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sức mạnh ý chí con người trong cuộc sống.
Đề tham khảo thi THPT Quốc gia lần 1/2020: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu (" Đánh thức con người phi thường trong bạn" - Anthony Robbins), hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường.
Đề tham khảo thi Tốt nghiệp THPT lần 2/2020: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu (" Tất cả chỉ là chuyện nhỏ" - Richard Carlson), anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.
Quan sát năm đề trên, chúng ta sẽ rút ra nhận xét về những đặc điểm quan trọng của dạng đề viết đoạn văn nghị luận xã hội, cụ thể:
Từ cấu trúc ngôn từ quen thuộc trong các đề: "Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu...", nội dung nghị luận có quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Đặc điểm này chỉ có từ kỳ thi năm 2017, khi đề bài yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội từ một nội dung nào đó trong ngữ liệu đọc hiểu, thay vì bài văn nghị luận xã hội độc lập.
Điều này mang đến thuận lợi cho học sinh trong quá trình làm bài khi các em có được những gợi ý quan trọng ngay từ việc suy nghĩ và trả lời các câu hỏi đọc hiểu trước đó. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý tránh sự trùng lặp ý giữa câu hỏi đọc hiểu và nội dung đoạn văn nghị luận xã hội.
Câu lệnh trong đề luôn xác định rõ hai yêu cầu của đoạn văn, trước hết là một trong những yêu cầu về hình thức đoạn văn: viết đúng dung lượng theo yêu cầu đặt ra trong câu lệnh của đề bài; sau đó là yêu cầu về nội dung nghị luận, đó là một khía cạnh, một bình diện, một ý nhỏ trong vấn đề lớn. Quan sát 5 đề đã dẫn phía trên, hầu hết nội dung nghị luận đều hướng tới tư tưởng đạo lý - do vậy cần lưu ý thêm dạng đề nghị luận về một hiện tượng xã hội.
Ví dụ: hiện tượng bạo lực học đường/ hội chứng đám đông/ phong trào thiện nguyện trong xã hội thời hiện đại/ các trào lưu sử dụng mạng xã hội...
Những lưu ý về kỹ năng viết đoạn văn Nghị luận xã hội
Hình thức đoạn văn. Đoạn văn phải đảm bảo đúng dung lượng theo yêu cầu của đề bài, thông thường là 200 chữ (khoảng 20 tới 23 dòng), tránh viết quá dài hoặc quá ngắn. Đoạn văn có thể tùy ý lựa chọn các cấu trúc: song hành, móc xích, quy nạp, diễn dịch hay tổng phân hợp... nhưng phải đúng cấu trúc đoạn văn: Không xuống dòng giữa đoạn; đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa và lùi vào một chữ ở đầu dòng và kết thúc bằng dấu ngắt câu - có thể là dấu chấm, chấm than, ba chấm hoặc chấm hỏi tùy theo kiểu câu phù hợp với nội dung kết đoạn.
Lưu ý về yêu cầu quan trọng với nội dung đoạn văn. Để xác định đúng nội dung nghị luận, các em cần phân biệt bài văn nghị luận xã hội với đoạn văn nghị luận xã hội. Nếu bài văn nghị luận về một vấn đề (chủ đề - ý lớn) trong cuộc sống xã hội thì đoạn văn chỉ nghị luận trọn vẹn một khía cạnh của vấn đề (tiểu chủ đề - ý nhỏ). Điều các em cần lưu ý là tuyệt đối không triển khai hệ thống ý nghị luận của tổng thể vấn đề khiến đoạn văn trở thành bài văn thu nhỏ.
Tuy chỉ nghị luận về một khía cạnh, một bình diện nhỏ trong vấn đề lớn, để nội dung nghị luận trong đoạn văn mạch lạc, khúc chiết, bản thân bình diện (tiểu chủ đề) ấy cũng phải được triển khai thành hệ thống ý nhỏ hơn. Sau đây là một số gợi ý về việc triển khai hệ thống ý trong đoạn văn mà các em có thể tham khảo:
- Nếu đề yêu cầu luận về nguyên nhân của quan niệm/ hiện tượng..., có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: Thứ nhất là nguyên nhân chủ quan/ nguyên nhân khách quan; thứ hai là các nguyên nhân từ gia đình/ nhà trường/ xã hội/ bản thân; thứ ba có thể nguyên nhân từ bản thân mỗi cá nhân với nhận thức, tâm lý, công việc, hoàn cảnh sống...
- Nếu đề yêu cầu luận về sự chi phối của một cách sống/ cách nghĩ/ hiện tượng xã hội... (tùy theo tính tích cực hay tiêu cực mà câu lệnh có thể dùng từ "ý nghĩa" hay "hậu quả")... (Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 - "ý nghĩa" sự thấu cảm, đề thi THPT Quốc gia năm 2019 - "sức mạnh" của ý chí, hai đề tham khảo năm 2020 - lần một thiếu từ "ý nghĩa" hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Lần hai "sự cần thiết" phải tôn trọng quan điểm của người khác.)..., các em có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: Thứ nhất là sự chi phối với cá nhân/ cộng đồng xã hội; thứ hai là sự chi phối với tâm lý, tính cách, thân phận con người...; thứ ba là sự chi phối theo thời gian hiện tại và tương lai...
- Nếu đề yêu cầu luận về giải pháp thực hiện một cách sống, cách nghĩ... các em có thể triển khai theo các hệ thống ý sau: giải pháp từ cá nhân tới cộng đồng; giải pháp xuất phát từ nhận thức đến hành động; giải pháp trước mắt và lâu dài...
- Nếu đề yêu cầu trình bày nhiệm vụ/ sứ mệnh/ bài học cho bản thân từ nội dung vấn đề của tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng xã hội... có thể triển khai theo hai ý cơ bản sau: Ý thức - hành động (Ví dụ đáp án đề Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018).
Tóm lại, để viết một đoạn văn nghị luận xã hội đúng và hay, trước hết, các em cần xác định chính xác nội dung nghị luận, đó là một khía cạnh của vấn đề trong phần Đọc hiểu, cũng là vấn đề được thể hiện ngay trong cụm từ ngữ phía sau bình diện nghị luận theo yêu cầu, ví dụ: "... viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống" (đề năm 2017) thì "sự thấu cảm" là vấn đề, còn "ý nghĩa" là khía cạnh cần nghị luận trong đoạn văn đó. Tiếp theo, phải nghị luận theo hệ thống ý nhỏ hơn rành mạch, khúc chiết; sử dụng văn phong giản dị, trong sáng, cách lập luận chặt chẽ và thuyết phục.
Tranh cãi đề thi chuyên Văn lớp 10 về nhan sắc và đức hạnh của người phụ nữ: Giáo viên và học sinh nói gì? Sáng 13/7, thí sinh dự thi vào trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, một câu hỏi trong phần thi Nghị luận văn học đã gây nhiều tranh cãi. Cụ thể đề như sau: "Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: "Thơ đối với cuộc sống ví như...