Giáo viên đánh giá học sinh đúng theo Thông tư 27 sẽ hết ‘cơn mưa giấy khen’
Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định việc khen thưởng học sinh chặt chẽ và khó hơn Thông tư 30 và Thông tư 22 sửa đổi một số điều của Thông tư 30 rất nhiều.
Năm học 2019-2020, trên diễn đàn mạng xã hội lan truyền chóng mặt hình ảnh một tấm hình mà trong đó cả lớp đang khoe giấy khen, duy chỉ có một học sinh ngồi bàn đầu với vẻ mặt buồn thiu là không có.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, trong thực tế có khá nhiều lớp học mà tỉ lệ học sinh giỏi được nhận giấy khen chiếm tới hơn 90%. Vì thế, nhiều người gọi là “cơn mưa giấy khen”.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VOV.vn.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng loạn khen để những tờ giấy khen thay vì nhận được là niềm vinh dự, tự hào lại trở nên đại trà như vậy?
Nhiều người bỉ bôi, lên án và đưa ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó không ít người quy kết do cách đánh giá xếp loại hiện nay trong ngành giáo dục dễ dãi hơn trước.
Tuy nhiên, là người trong nghề, là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư mới (Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học), theo tôi nếu giáo viên đánh giá đúng theo hướng dẫn trong Thông tư, chắc chắn sẽ không có hiện tượng mưa giấy khen như thế.
Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định việc khen thưởng thế nào?
Thông tư quy định, khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Khen thưởng đột xuất: học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Giáo viên đánh giá đúng, học sinh sẽ rất khó nhận được giấy khen
Khen thưởng đột xuất cho những học sinh có thành tích đột xuất trong năm học ở các trường tiểu học hầu như rất hiếm. 30 năm đi dạy nhưng chưa một lần người viết chứng kiến học sinh được nhà trường tổ chức khen thưởng đột xuất vì có thành tích đột xuất trong năm học.
Thế nên học sinh nhận được giấy khen chủ yếu ở cuối năm học. Để được nhận giấy khen cho danh hiệu Học sinh Xuất sắc, các em phải được đánh giá có kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc.
Video đang HOT
Để kết quả giáo dục được xếp mức Hoàn thành xuất sắc, học sinh phải có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành Tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
Muốn được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành Tốt thì 5 môn học phải được đánh giá mức Tốt, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của 3 môn học phải đạt 9 điểm trở lên, cùng với đó có 8 năng lực và 5 phẩm chất phải được đánh giá mức Tốt.
Nhận được giấy khen cho danh hiệu Học sinh Tiêu biểu, các em phải được đánh giá hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Muốn được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt thì 5 môn học phải được đánh giá mức Tốt, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của 3 môn học phải đạt 7 điểm trở lên, cùng với đó có 8 năng lực và 5 phẩm chất phải được đánh giá mức Tốt.
Với những quy định như thế này, nếu giáo viên đánh giá một cách công tâm, công bằng và trung thực, có lớp sẽ không có học sinh xuất sắc, có lớp được vài ba em học sinh tiêu biểu là nhiều.
Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định việc khen thưởng học sinh chặt chẽ và khó hơn Thông tư 30 và Thông tư 22 sửa đổi một số điều của Thông tư 30 rất nhiều.
Bởi thế, để tình trạng loạn giấy khen như nhiều địa phương lỗi không do ngành giáo dục, không phải do các thông tư quy định thoáng như nhận xét của nhiều người mà bắt nguồn từ chính các thầy cô giáo đang trực tiếp đánh giá học sinh.
Vì sao nhiều thầy cô giáo thích được khen học sinh nhiều như thế?
Ngoài một số trường học hiện nay, đặt chỉ tiêu học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt khá cao nên dẫn đến số lượng học sinh được khen thưởng cũng rất cao. Giáo viên vì muốn hoàn thành chỉ tiêu đề ra, buộc phải cố gắng thực hiện.
Bên cạnh đó, còn nguyên nhân sâu xa khác đến từ phía giáo viên. Một số thầy cô giáo dạy thêm nên luôn muốn những học sinh học thêm của mình cuối năm được nhận giấy khen để làm vui lòng phụ huynh. Bởi thế, khi đánh giá cuối năm, những thầy cô giáo này đã có phần du di khá nhiều.
Để hạn chế tình trạng loạn khen không khó nếu nhà trường muốn làm. Theo người viết, không cần tổ chức lại kỳ kiểm tra, không cần buộc học sinh làm bài khảo sát, chỉ cần vấn đáp nhanh về một số năng lực, phẩm chất cốt lõi như năng lực giao tiếp hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ… chỉ cần một năng lực hoặc một phẩm chất nào không đạt mức Tốt thì chính học sinh ấy đã không đủ điều kiện để được khen thưởng.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html
Sửa đổi chùm Thông tư 01-04, nhiều giáo viên vui mừng vì được giữ hạng
Việc quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công.
Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Ngày 20/3/2021, chùm thông tư chính thức có hiệu lực. Nhiều địa phương đã căn cứ quy định để thực hiện việc chuyển đổi hạng cho giáo viên. Đáng nói, quá trình triển khai chùm Thông tư này đã nảy sinh nhiều bất cập. Trong đó, điều gây bức xúc cho nhiều nhà giáo nhất là việc bị xuống hạng một cách không phù hợp.
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận
Chùm Thông tư 01-04, hướng dẫn việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đều quy định rất rõ:
Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên là phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 của thông tư.
Vì thế, các địa phương khi xếp hạng giáo viên chỉ xét cho những nhà giáo đang đảm nhận chức danh tổ trưởng chuyên môn.
Điều này đã gây nên nhiều bất công ngay trong đội ngũ nhà giáo khi có những thầy cô giáo gần 20 năm làm tổ trưởng chuyên môn nhưng mới xin nghỉ vẫn sẽ bị xuống hạng vì thiếu nhiệm vụ.
Ngược lại, có những giáo viên mới được bổ nhiệm tổ trưởng một vài năm (thậm chí chỉ 1 năm) đang ở hạng II cũ đã đủ điều kiện chuyển qua hạng II mới.
Điều này dẫn đến, có những giáo viên ở hạng II nhưng năng lực và kỹ năng sư phạm lại thấp hơn đồng nghiệp xếp ở hạng III.
Dự thảo Thông tư sửa đổi đã xóa bỏ bất cập mang đến sự công bằng hơn
Suốt một năm qua, những bất cập trong việc chuyển xếp hạng giáo viên từ chùm các Thông tư 01-04 luôn là đề tài nóng ở các trường học, các diễn đàn giáo dục. Nhà giáo quan tâm nhiều vì liên quan đến quyền lợi chính đáng của họ.
Đã có những trường học, vì việc chuyển xếp hạng theo chùm các Thông tư 01-04 trở thành diễn đàn "đấu tố" nhau, làm mất đoàn kết nội bộ.
Giáo viên tâm tư, lãnh đạo cũng đau đầu khi liên tục nhận được những thắc mắc nhưng không thể giải đáp, không thể giải quyết.
Vì thế, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp lần này, đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc trên, tạo cho giáo viên cũng như các nhà quản lý thêm niềm vui.
Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này nêu rõ: các Thông tư 01-04 quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công.
Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp: là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được hiệu trưởng phân công và hiệu trưởng có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.
Khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.
Giữ quy định nhiệm vụ chung cho tất cả các hạng, trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn thì mới thực hiện được như hiện hành.
Bên cạnh đó cần lưu ý, tại Thông tư 01-04, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.
Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.[1]
Hiệu trưởng nắm vai trò quan trọng trong việc xếp hạng giáo viên
Trước đây, quy định nhiệm vụ từng hạng là căn cứ để xét giáo viên giữ hạng, thăng hạng nhưng Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, đề cao năng lực thật sự của người giáo viên.
Dù không phải là tổ trưởng nhưng giáo viên nào có đủ điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ, được đánh giá có đủ năng lực, đủ phẩm chất thì vẫn được xếp giữ hạng hay thăng hạng.
Nghĩa là, những thầy cô giáo được xét giữ hạng, thăng hạng chắc chắn phải có đủ khả năng để đảm đương nhiệm vụ khi được hiệu trưởng phân công. Điều này, chùm Thông tư 01-04 đang bị vướng mắc, các thầy cô giáo phản ứng thời gian qua.
Ngược lại, người có đủ bằng cấp, chứng chỉ, năm công tác nhưng thiếu năng lực, phẩm chất cũng khó có cơ hội thăng hạng. Hiệu trưởng sẽ phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất của từng giáo viên mới đề xuất cho dự thi/xét thăng hạng để sau này còn giao nhiệm vụ.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra dự thảo Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04 lần này cũng đã giúp cho hàng ngàn nhà giáo từng làm tổ trưởng chuyên môn hoặc có đủ năng lực, phẩm chất được giữ lại hạng II mới (sau khi đã được bổ nhiệm hạng II theo chùm Thông tư 20;21;22; 23/2015/ TT-BGDĐT).
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd
Cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe và điều chỉnh loạt Thông tư 01-04 Mong rằng những văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gắn với thực tế, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, giúp thúc đẩy giáo dục phát triển. Loạt thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo...