Giáo sư đại học lo ngại khi điểm chuẩn đại học sát ngưỡng tuyệt đối
Câu chuyện phải đạt gần điểm tuyệt đối 3 môn mới đỗ đại học là sự thật xảy ra tại mùa tuyển sinh năm nay.
Điều này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ e ngại về tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn khi xét tuyển đại học.
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều ngành có mức điểm chuẩn gần kịch trần.
Điểm chuẩn gần đạt ngưỡng tuyệt đối
Mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng đều là 29,95 điểm. Kế tiếp là ngành Báo chí với 29,9 điểm.
Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Sư phạm Lịch sử chất lượng cao cùng lấy 39,92 điểm (thang điểm 40) và ngành Sư phạm Lịch sử lấy 29,75 điểm (thang điểm 30).
Một số ngành của các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn cao gần chạm ngưỡng 30 như ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn là 29,5 điểm; chuyên ngành Trung Quốc học, Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,25 điểm,…
Mức điểm này đồng nghĩa thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn bao gồm cả điểm ưu tiên, khu vực, đối tượng thì mới có thể trúng tuyển vào các ngành kể trên.
TS Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính nhận định, mặt bằng chung, điểm chuẩn năm nay thấp hơn năm ngoái, tuy nhiên, một số trường có điểm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
“Tại một số trường, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ít. Bên cạnh đó, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỉ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT cao hơn các phương thức khác là điều dễ hiểu” – ông Tùng nói.
“Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh”
Video đang HOT
Nhìn vào mức điểm chuẩn đại học năm nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội không cảm thấy vui mừng mà ngược lại “thấy nóng hết cả mặt” khi một số ngành học điểm chuẩn liên tục tăng trong nhiều năm qua.
Ông cho rằng, việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào đại học khi đề thi cực dễ như những năm 2020, 2021, 2022, lại cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề, là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài và nguy hiểm với giáo dục đại học Việt Nam.
“Đã thế, đề thi THPT lại chạy theo dư luận. Năm ngoái tiếng Anh điểm cao, mưa điểm giỏi, khoảng 20% từ điểm 8 trở lên, xã hội kêu, thì năm nay lại thít lại hơn 10%; năm 2018, tỉ lệ này dưới 5%. Môn Lịch sử, điểm thấp, dư luận xã hội lên tiếng, đại biểu quốc hội lên tiếng, tốn bao là giấy bút, thế là chỉ từ 5,44% thí sinh điểm 8 trở lên, năm nay tỉ lệ này 18,1% (chả trách điểm khối C00 cao ngất). Cứ thất thường như thế, thật khó lường cho thí sinh.
Theo định hướng của Bộ, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến 2025. Cũng theo Luật Giáo dục đại học mới sửa đổi, tuyển sinh đại học là việc của các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo là vô can.
Với cách diễn đạt này trong Luật, Bộ giũ bỏ được trách nhiệm và áp lực lên Bộ về kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng trên thực tế hiện nay lại không phải như vậy. Cũng cần phải hiểu cho đúng, thế nào là tuyển sinh là việc của các trường, giao cho các trường? Mạnh trường nào tổ chức thi riêng cho trường ấy cũng không ổn.
Thí sinh muốn thử sức vào nhiều trường, lại phải trải qua nhiều kỳ thi riêng khác nhau. Hơn nữa rất dễ nảy sinh tiêu cực khi chuyển trường, chuyển ngành ở những ngành hot. Phải có mặt bằng năng lực chung để đảm bảo khách quan và công bằng” – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
Từ những phân tích trên, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, vấn đề đổi mới tuyển sinh đại học một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan nhà nước, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc. Và xem ra, nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô – để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên” – ông Đức nêu quan điểm.
Thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1, làm gì để chắc đỗ khi xét tuyển bổ sung
Những thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1 có thể theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung của các trường đại học để kịp thời đăng ký.
Chuyên gia lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ để tìm được ngành mình yêu thích và có mức điểm phù hợp.
Sau khi công bố điểm chuẩn, hiện tại nhiều trường đại học đã công bố kế hoạch tuyển sinh bổ sung đợt 1.
Ths Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM cho biết, hiện tại trường đang xét tuyển bổ sung các ngành như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Marketing, Bất động sản, Kinh doanh quốc tế, Quản lý thể dục thể thao. Thí sinh có nguyện vọng có thể đăng ký đến hết ngày 5/10.
Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng cho biết, trường còn nhiều ngành sẽ tuyển bổ sung như công nghệ vật liệu, quản lý năng lượng, công nghệ chế biến thuỷ sản, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường. Nhà trường dự báo không có sự thay đổi về điểm trúng tuyển so với đợt 1, tức là điểm trúng tuyển các ngành bổ sung vẫn giữ 16 điểm.
Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM xét tuyển bổ sung theo hai phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển kết quả học tập THPT với 500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành. Thời gian đăng ký từ ngày 1/10 đến hết ngày 7/10, theo hình thức trực tuyến
Trường đại học Nha Trang xét tuyển bổ sung trình độ đại học hệ chính quy năm 2022 với 24 ngành học. Nhà trường lưu ý điểm điều kiện tiếng Anh là điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Điểm xét tuyển áp dụng như nhau cho tất cả tổ hợp xét tuyển (đối với phương thức điểm thi THPT) cho mỗi ngành, chương trình đào tạo.
Học viện Hàng không Việt Nam thông báo tuyển bổ sung ở 6 ngành đào tạo với 370 chỉ tiêu. Đợt xét tuyển bổ sung này, Học viện Hàng không Việt Nam xét tuyển theo 4 phương thức: ưu tiên xét tuyển theo đề án tuyển sinh của Học viện, xét kết quả học tập THPT (học bạ), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ở phía Bắc, trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo tuyển bổ sung cho 4 ngành (chương trình đào tạo chất lượng cao) là Quản trị và an ninh, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, Marketing và truyền thông, Quản trị nhân lực và nhân tài. Nhà trường quy định thời gian nộp hồ sơ tuyển bổ sung là từ ngày 16/9 đến trước 17h ngày 2/10.
Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế do trường đại học nước ngoài cấp bằng cho tới khi hết chỉ tiêu.
Các ngành tiếp tục tuyển sinh là Quản lý (chuyên sâu về Marketing và khởi nghiệp) do ĐH Keuka (Mỹ) cấp bằng; Kế toán và tài chính do ĐH East London (Vương quốc Anh) cấp bằng; Quản trị khách sạn, Thể thao và du lịch do ĐH Troy (Mỹ) cấp bằng.
Học viện Ngân hàng cũng vừa thông báo tuyển sinh bổ sung các ngành đào tạo quốc tế hợp tác với Đại học Anh quốc các ngành như Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing Kỹ thuật số. Khối tuyển sinh là A00, A01, D01, D07, mỗi ngành tuyển bổ sung 49 chỉ tiêu.
Phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, xét tuyển dựa trên Chứng chỉ A-Level, Chứng chỉ SAT, Bằng Tú tài quốc tế.
ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng cho biết sẽ nhận hồ sơ tuyển sinh bổ sung theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT.
Ở trình độ đại học, trường tuyển bổ sung cho 8 ngành đào tạo là Thiết kế thời trang, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Marketing, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản lý công nghiệp; Công nghệ Sợi, Dệt, và Công nghệ May. Thời gian nhận hồ sư xét tuyển bổ sung từ ngày 22/9 đến ngày 30/9.
Chênh lệch điểm thi cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung năm 2021 từ 1-2 điểm là khá an toàn
Trao đổi với VOV.VN, thầy Trần Văn Tuyến, Trưởng ban Tuyển sinh ĐH Nguyễn Trãi cho biết, kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên năm 2022, đã có hơn 1.000 thí sinh trúng tuyển vào trường, số này tương đương với chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình xác nhận nhập học của thí sinh, nhà trường có thể thông báo tuyển bổ sung với một số ngành chưa đủ chỉ tiêu. Dự kiến một số ngành ĐH Nguyễn Trãi có thể tuyển sinh bổ sung trong đợt tới như Quan hệ công chúng, Kế toán, Tài chính ngân hàng.
Thầy Trần Văn Tuyến, Trưởng ban Tuyển sinh ĐH Nguyễn Trãi cho biết có những thí sinh có điểm thi khá cao nhưng vẫn chưa trúng tuyển đợt 1.
Thầy Trần Văn Tuyến cho rằng, thời gian đăng ký xét tuyển đại học vừa qua là thách thức lớn với các thí sinh, bên cạnh những em đã trúng tuyển được nguyện vọng như mong muốn, vẫn có nhiều thí sinh dù điểm thi khá cao nhưng vẫn chưa trúng tuyển trong đợt 1, hoặc trượt những nguyện vọng yêu thích.
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng nhận định, năm nay cả nước có hơn 600.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, trong khi đó, số lượng tổng chỉ tiêu của các trường đại học trên cả nước khoảng 550.000. Như vậy vẫn sẽ còn một lượng lớn thí sinh không có vé vào đại học.
Thầy Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, nhiều trường hợp thí sinh có điểm rất cao nhưng vẫn trượt trong đợt xét tuyển lần 1. Điều này thực sự đáng tiếc bởi dù điểm cao nhưng chưa chắc khi xét tuyển bổ sung thí sinh đã có cơ hội. Những trường tốp trên thường rất ít xét tuyển bổ sung. Bởi vậy cũng có nhiều thí sinh buộc phải học những ngành không yêu thích, chỉ để đỗ ĐH. Thầy Lý nhấn mạnh, khi xét tuyển bổ sung, thí sinh nên hiểu mình cần học đại học hơn hay cần học đúng ngành mình yêu thích hơn.
Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1, thầy Trần Văn Tuyến lưu ý, hiện nay một số trường đã thông báo tuyển sinh bổ sung, thí sinh nên nghe tư vấn từ sớm, tìm hiểu kỹ để chọn đúng ngành mình yêu thích - đây là điều quan trọng nhất, tiếp đó cần đối sánh giữa điểm thi và điểm chuẩn nguyện vọng 2 của các năm trước, nếu điểm thi cao hơn điểm chuẩn những năm trước từ 1-2 điểm thì sẽ khá an toàn cho thí sinh.
Ngoài con đường đại học, thầy Tuyến cho rằng, thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn khác như du học, hoặc tham gia các trương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam, học cao đẳng, trung cấp nghề...
"Nhiều em khi chưa trúng tuyển được ngành mong muốn vẫn chọn học một ngành nào đó bất kỳ để chờ năm sau thi lại, nhưng như vậy hơi lãng phí. Mỗi người sinh ra không phải chỉ có thể làm một nghề duy nhất, các em nên tìm hiểu kỹ về các ngành nghề để có thêm sự lựa chọn phù hợp", thầy Trần Văn Tuyến nói./.
Dự báo biến động điểm chuẩn đại học năm nay Chỉ tiêu xét điểm thi ít, điểm chuẩn đại học được dự báo sẽ ở mức cao, nhất là những ngành hot. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã kết thúc, đề thi năm nay được nhiều giáo viên, thí sinh (TS) đánh giá ở mức "dễ thở", phù hợp với điều kiện dạy học trong khó khăn vì dịch bệnh. Tuy...