Giáo dục đại học Việt Nam xếp hạng khoảng 80/196 quốc gia
Dù chưa có mặt trong bảng xếp hạng giáo dục đại học của QS hay U21, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng có thể xếp Việt Nam vào nhóm giữa của thế giới.
Tại hội thảo do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 17/8, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết theo tiếp cận xếp hạng hệ thống (bảng xếp hạng U21 của Hiệp hội đại học Universitas 21 và QS), giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới.
Trong bảng xếp hạng mới nhất năm 2018 của U21, Serbia là quốc gia số 1 về nguồn lực và kết quả đầu ra, Mỹ đứng đầu về môi trường chính sách, Ukraine đứng đầu về năng lực kết nối.
Trong bảng xếp hạng tổng thể, top 5 quốc gia hàng đầu thế giới là Phần Lan, Anh, Serbia, Đan Mạch và Thụy Điển. Mỹ xếp thứ 15, Ukraine thứ 22. ASEAN có bốn quốc gia: Singapore (thứ 10), Malaysia (thứ 28), Thái Lan (thứ 42) và Indonesia (thứ 48). Việt Nam chưa có mặt.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Dương Tâm
Theo kết quả xếp hạng tiềm lực của hệ thống giáo dục đại học của QS năm 2018, ASEAN có 5 quốc gia góp mặt, gồm Malaysia (thứ 28), Singapore (thứ 29), Thái Lan (thứ 38), Indonesia (thứ 39) và Phillipines (thứ 45). Một lần nữa, Việt Nam chưa thể góp mặt.
Năm 2018, trên bình diện thế giới, Việt Nam đã có hai đại học quốc gia lọt vào top 1.000. Trong khu vực châu Á, Việt Nam có tên 5 trường được xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội (139), Đại học Quốc gia TP HCM (142), Đại học Bách khoa Hà Nội (291-300), Đại học Cần Thơ (301-350) và Đại học Huế (351-400).
Chưa có trường Việt Nam nào lọt top 500 nhưng với sự xuất hiện của hai đại học quốc gia vào top 1.000, ông Đức cho rằng có thể đánh giá hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới.
Phân tích chi tiết kết quả xếp hạng của từng tiêu chí, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy đại học Việt Nam nói chung chưa thể góp mặt ở các bảng xếp hạng thế giới hay vẫn còn thứ hạng thấp do vấp phải bẫy năng suất nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa.
Phân tích đối sánh kết quả xếp hạng của hai trường hàng đầu Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM với hai đại học top đầu Phillipines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, ông Đức khẳng định chất lượng công trình công bố (đánh giá qua số trích dẫn) tương đương, nhưng năng suất nghiên cứu của hai trường Việt Nam thấp hơn. Đặc biệt, tỷ lệ mức độ uy tín học thuật và uy tín đối với các nhà tuyển dụng của đại học Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
Video đang HOT
“Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục đại học với các bên liên quan chưa được quan tâm đúng mức”, ông Đức nói.
Những giải pháp nâng cao năng lực hệ thống giáo dục
Để nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng cần nâng cao khả năng thích ứng với xu thế chuyển đổi của đại học thế giới. Ví dụ Malaysia, quốc gia góp mặt trong cả hai bảng xếp hạng thế giới, đã đưa ra chính sách tái cấu trúc đại học với 7 chuyển đổi lớn.
Đó là chuyển từ giáo dục định hướng tìm việc sang khởi nghiệp; kết hợp đào tạo đại học và đào tạo nghề; tăng cường tự chủ đại học; chuyển từ nền giáo dục chỉ chú trọng đầu vào sang kết quả đầu ra; chuyển từ việc đầu tư nguồn nhân lực chủ yếu từ nhà nước sang sự chia sẻ và đóng góp vủa các bên liên quan; chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa hàng loạt sang sản xuất dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hài hòa hệ thống đại học công lập và ngoài công lập.
Theo ông Đức, đại học Việt Nam cần chú trọng năng lực tổ chức đào tạo theo định hướng khởi nghiệp, hướng đến các kỹ năng, ngành nghề, chuẩn đầu ra và tiếp cận mới; nâng cao năng lực nghiên cứu hàn lâm định hướng đổi mới sáng tạo, xây dựng đại học số hóa cũng như phục vụ cộng đồng.
Ông Dilip Parajuli (Ngân hàng thế giới tại Việt Nam) chia sẻ bốn xu hướng lớn trong giáo dục đại học toàn cầu mà Việt Nam nên áp dụng. Trong đó có xu hướng quốc tế hóa. Hiện, Việt Nam yếu cả về số lượng du học sinh, việc mời giảng viên tốt trên thế giới về dạy, hợp tác nghiên cứu.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng đại học thế giới cũng rất thấp. Trong khi Việt Nam chỉ có hai trường trong top 1.000 thì Trung Quốc có tới 39 trường. “Dù thích hay không, xếp hạng đại học cũng rất quan trọng và Việt Nam cần quan tâm hơn bởi nó cung cấp thông tin minh bạch và sẽ là cú hích để các trường phát triển hơn”, ông Dilip nói.
Một xu hướng quan trọng khác là đề cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các đại học. Ông Dilip thông tin hệ thống giáo dục đại học thành công cho phép các đại học công lập tự chủ nhiều hơn. Việc tự chủ trước hết phải về mặt tổ chức, tiếp đến là chuyên môn học thuật, nhân sự và sau mới là tài chính.
Đại diện Ngân hàng thế giới còn nhắc tới xu hướng công nghệ đột phá khi các đại học trên thế giới đã bắt đầu sử dụng phương pháp mới như big data, trí tuệ nhân tạo hay lớp học phi truyền thống và xu hướng tài chính bền vững.
Dương Tâm
Theo Vnexpress
4 định hướng, giải pháp quan trọng cho giáo dục đại học Việt Nam
Tại Hội thảo Giáo dục 2018: Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế tổ chức hôm nay (17/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ những kết quả cũng như hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp nhằm phát triển giáo dục đại học trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo
Đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng.
Hiện nay, cả nước có 236 trường đại học, học viện và 41 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Số sinh viên học trong các trường đại học là 1.439.495 em, chiến 84%; số sinh viên ngoài công lập là 267.530, chiếm 16%. Số lượng giảng viên ĐH tăng nhanh trong thời gian vừa qua, trong đó có số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Số lượng ngành trình độ đào tạo đại học cũng tăng, từ 2.118 năm 2007 lên 3394 năm 2017. Số lượng chương trình đào tạo đại học cũng tăng mạnh.
Sơ đồ người học trong giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay
Văn hóa chất lượng bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục đại học. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng được đẩy mạnh nhăm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã được chú trọng, xếp hạng quốc tế được cải thiện. Đổi mới, đẩy mạnh tự chủ đại học bước đầu thu được kết quả tích cực.
Cụ thể, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam (theo cơ sở dữ liệu Web of Science) tăng 2,5 lần so sánh năm 2016 với năm 2011. Nếu so sánh với giai đoạn 2011-2015, số bài báo khoa học được công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI của các nhà khoa học của top 20 trường ĐH Việt Nam trong năm học 2016-2017 đã tăng hơn 2 lần.
Công bố quốc tế tăng nên xếp hạng đại học của Việt Nam cũng có cải thiện. Việt Nam đã có 2 ĐH nằm trong top 1000 của thế giới; 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 350 Châu Á (theo xếp hạng QS).
Về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, đến tháng 8/2018, chúng ta đã có 217 trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 123 trường đã được đánh giá ngoài, 117 trường được công nhận đạt kiểm định. Có 5 trường đại học của Việt Nam đạt kiểm định của tổ chức quốc tế HCERES; 2 trường đạt kiểm định bởi AUN-QA.
Về kiểm định chương trình đào tạo: Có 10 chương trình đã được công nhận đạt kiểm định theo chuẩn Việt Nam; 116 chương trình được kiểm định theo chuẩn quốc tế...
Tuy nhiên, những thách thức cũng được đặt ra với giáo dục đại học Việt Nam liên quan đến việc thực hiện tự chủ đại học; thách thức với chất lượng đào tạo để đáp ứng sự đòi hỏi cao hơn và sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được quan tâm đúng mức và kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công bố quốc tế còn thấp so với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực quản trị, quản lý của các cơ sở giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu của phát triển giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.
Đưa định hướng và giải pháp cho giáo dục đại học trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh việc thể chế hóa (sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan) để đổi mới căn bản và toàn diện. Cùng với đó là nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đổi mới cơ chế tài chính đại học; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Giáo dục đại học còn nhiều tiềm năng, nhưng quản lý nhà nước phải đổi mới kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển này. Từ đó, Thứ trưởng tin tưởng, khi thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tạo động lực đúng đắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển giáo dục đại học.
Theo giaoducthoidai.vn
"Các trường đại học không thể tự nhận trường tốt, trường lớn được" Việc hội nhập quốc tế của giáo dục đại học là cả một quá trình dài để ta xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận là trường tốt, mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định...