Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm
Trước sự dư thừa nhân lực ngành sư phạm, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH sẽ giảm mạnh chỉ tiêu các ngành này trong mùa tuyển sinh 2014.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giảm tới 30%
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến giảm 500 chỉ tiêu so với năm 2013. Cụ thể, trong nhóm các ngành sư phạm, trường cân nhắc tăng 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, mỗi ngành 30 chỉ tiêu; còn lại hầu hết đều giảm từ 20 đến 30 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong số những ngành giảm chỉ tiêu, có nhiều ngành cơ bản như: vật lý, sinh học, ngữ văn, địa lý, lịch sử… Đặc biệt, có những ngành giảm chỉ tiêu tới 30% so với năm ngoái, chẳng hạn sư phạm hóa học, giáo dục quốc phòng an ninh đều giảm từ 150 xuống còn 100…
Không chỉ trường ĐH trọng điểm, việc giảm chỉ tiêu ngành sư phạm cũng diễn ra mạnh mẽ ở các trường ĐH vùng và địa phương. Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho hay năm 2014 nhà trường đang cân nhắc giảm chỉ tiêu một số ngành. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định các ngành sư phạm sẽ giảm từ 5 đến 10%.
Trường ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến sẽ giảm một số ngành như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, một trong hai ngành sư phạm địa lý và sư phạm lịch sử. Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, cho biết tùy theo tình hình thực tế thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành, trường sẽ phân bổ chỉ tiêu cho phù hợp.
Trường ĐH Tây nguyên cũng quyết định sẽ giảm khoảng 10% chỉ tiêu các ngành sư phạm. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc giảm chỉ tiêu này sẽ tiến hành đồng loạt ở tất cả các ngành.
Tuyển sinh chưa theo dự báo
Trước khi các trường thực hiện việc giảm chỉ tiêu thì trong năm 2013, Bộ đã 2 lần ra văn bản yêu cầu các trường giảm dần việc tuyển sinh các ngành sư phạm. Trong văn bản ra ngày 11.7, Bộ thông báo tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ. Giữa tháng 12, Bộ tiếp tục yêu cầu các trường khi xác định và đăng ký cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm chính quy năm 2014 phải theo hướng giảm dần. Lý do việc điều chỉnh chỉ tiêu này để phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế, đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực ngành này.
Video đang HOT
Tình trạng dư thừa nhân lực ngành sư phạm đã diễn ra nhiều năm nhưng đến năm nay Bộ mới chính thức có động thái cảnh báo. Và chỉ khi có yêu cầu của Bộ, các trường mới bắt đầu cắt giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, việc cắt giảm chỉ tiêu không chỉ thực hiện theo tinh thần văn bản của Bộ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh chỉ tiêu các ngành sư phạm nhằm phù hợp với yêu cầu nhân lực thực tế qua dự báo của các địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng việc điều chỉnh một mặt theo yêu cầu của Bộ nhưng quan trọng là để tuyển sinh cho sát với yêu cầu thực tế của xã hội: “Thực tế có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Chẳng hạn như ở tỉnh Đắk Lắk, sinh viên sư phạm chỉ có mấy người được nhận vào dạy”. Tương tự, thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh thừa nhận: “Do cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó khăn nên ngày càng ít người học quan tâm các ngành này và cũng vì người học không có nên trường quyết định cắt bớt chỉ tiêu”.
Rất tâm tư, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí phân tích: “Các ngành sư phạm nhu cầu người học vẫn cao nhưng thực tế nhu cầu nhân lực của xã hội hiện không ổn định. Tuy nhiên, có thể do chưa có đủ thông tin để nhận biết điều này nên người học vẫn đăng ký thi vào sư phạm. Là đơn vị đứng giữa, căn cứ vào nhu cầu thực tế việc làm, trường cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp hơn”.
Khái quát nguyên nhân hiện tượng này, lãnh đạo một trường ĐH sư phạm cho rằng việc giao chỉ tiêu của Bộ trước nay chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của các trường mà không bám vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế. Điều ấy kéo dài đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhân lực sư phạm như hiện nay. Để giải quyết căn bản vấn đề, Bộ cần tiến hành rà soát kỹ nhằm quy hoạch mạng lưới các trường đủ năng lực đào tạo sư phạm. Với ngành sư phạm chỉ nên giao cho những trường trọng điểm thay vì dàn trải như hiện nay. Đặc biệt, việc giao chỉ tiêu các ngành sư phạm cần phải bám sát vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế của các địa phương.
Theo TNO
Áp lực "con nhà nòi" chọn nghề
Sở thích không trùng với nghề nghiệp truyền thống gia đình, không ít học trò khổ sở vì áp lực phải theo nghề bố mẹ. Khi đó "lối đi riêng" của các em thường gặp phản ứng dữ dội từ người thân.
Được chọn nghề từ... trong bụng
Em Nguyễn Mạnh Tiến, học sinh lớp 11 ở TPHCM cho hay từ nhỏ, em đã nghĩ sau mình sẽ thành thầy giáo khi nhiều thế hệ trong gia đình đều công tác trong ngành giáo dục. Bố mẹ Tiến hiện đang là quản lý tại các trường học, họ xác định con sẽ theo nghề như một điều hiển nhiên.
Lên cấp 3, Tiến nhận ra mình thích làm việc trong lĩnh vực Du lịch, đi đây đó, khám phá những vùng miền, văn hoá... Để xác định rõ hơn về đam mê của mình, Tiến tham ra rất nhiều chương trình ngoại khóa, đi du lịch, đọc nhiều tài liệu liên quan nhưng cậu gặp không ít rào cản từ gia đình.
Không ít học sinh bị áp lực chọn nghề từ gia đình. Trong ảnh: HS lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, TPHCM tham gia tư vấn mùa thi 2013.
"Bố mẹ nói nếu chọn nghề khác phải tự lo liệu, gia đình không ai ủng hộ. Nếu theo nghề giáo, bố mẹ hỗ trợ rất nhiều nhưng lại không đúng đam mê của em. Bố mẹ thường nói theo nghề giáo phải thật sự yêu thích mà sao còn cố ép em?", Tiến bức bối.
Có đam mê đối với công việc tạo mẫu tóc nên em Lê Ngọc Thuỳ, học sinh lớp 12, ngụ ở Q.10, TPHCM dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề trước khi học nâng cao về lĩnh vực này. Mơ ước và dự tính đó như biến em thành "tội đồ" trong gia đình vốn có truyền thống trong ngành Y.
Thuỳ đã nói rõ mình không đủ khả năng, cũng không có tố chất để làm bác sĩ nhưng bố mẹ em gạt đi, khẳng định nhà mình có gen về nghề, học Y ra sẽ không phải lo lắng về chỗ làm hay tương lai về sau. Thuỳ phản kháng, khư khư bảo vệ sở thích "làm tóc" của mình liền bị bố, hiện đang là trưởng khoa tại một bệnh viện, quát rằng nghề của Thuỳ đã được chọn từ khi cô... còn trong bụng mẹ, không theo thì "mày không phải con của bố".
Cả nhà quay sang tạo áp lực với Thuỳ, người mẹ còn khóc lóc bỏ ăn để gây sức ép với con. Cuối cùng, cô nữ sinh chấp nhận nộp hồ sơ ngành Y theo ý bố mẹ với tâm trạng chán chường, bi quan.
Trong chương trình tư vấn mùa thi diễn ra mới đây tại một trường học ở Q.1, TPHCM, một bà mẹ nhờ các chuyên gia giải đáp là làm sao để đứa đang con đòi thi vào ngành Điện của mình chấp nhận thi vào Tài chính ngân hàng. Lý do bà đưa ra là vợ chồng mình cho đến bạn bè thân quen chủ yếu làm việc trong lĩnh vực Ngân hàng, con theo đúng nghề thì cơ hội phát triển rất lớn.
Nhiều ý kiến khuyên người mẹ nên quan tâm đến sở thích, khả năng của con nhưng bà vẫn khăng khăng cho rằng con phải theo đúng nghề của gia đình, còn chọn nghề khác sẽ phải tự bơi rất vất vả.
Cần tìm tiếng nói chung
Em Nguyễn Lê Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Phú Hoà (huyện Củ Chi, TPHCM) bày tỏ rất nhiều bạn bè của em phải đối diện với áp lực chọn nghề theo gia đình. "Hầu hết học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Có thể các bạn đam mê một lĩnh vực nào đó nhưng chưa chắc chắn nên khi tác động từ gia đình thì rất hoang mang. Mà hầu hết bố mẹ lại có xu hướng muốn con theo nghề của mình hoặc theo ý mình mà chưa quan tâm đến khả năng, sở thích của con", Ngọc Hân cho hay.
"Ép" con theo nghề mình, phụ huynh thường xuất phát từ tâm lý khi có nền tảng trong gia đình thì công việc về sau của con sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều người muốn con theo nghề nhưng không dựa trên năng lực, sở thích của con. Hoặc có nhưng họ lại không phân tích giúp con hiểu điều đó mà thường có thái độ "ra lệnh" nên gây nên bức xúc ở con.
Việc chọn nghề cần phải cân nhắc nhiều yếu tố về năng lực, lực học, sở thích, điều kiện, nhu cầu xã hội...
Th.S Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng bộ môn Tâm lý, ĐH Sài Gòn cho hay, khi thí sinh và bố mẹ không tìm được tiếng nói chung trong việc chọn nghề sẽ dẫn đến căng thẳng cho cả hai. Bố mẹ kỳ vọng vào con, còn con lại cho rằng bố mẹ đang "ép" mình.
Tuy nhiên, không phải mong muốn nào của bố mẹ cũng sai vì họ hiểu được năng lực, khả năng của con. Và không phải lựa chọn ngành nghề nào theo sở thích của các bạn trẻ cũng đúng, rất nhiều học sinh chọn nghề theo sở thích nhưng chỉ sau một thời gian, họ chán nản khi nhận ra đó không phải là đam mê thật sự của mình.
Bởi thế, bà Dao cho rằng, phụ huynh và con cái cần phải cân nhắc giữa hai mong muốn, xem ngành nghề nào thật sự con cái có thể theo đuổi và thực hiện dựa trên năng lực, lực học, sở thích, điều kiện, nhu cầu xã hội...
Theo ThS Khắc Hiếu - ĐH Sư phạm TPHCM, trước hết học sinh nên lắng nghe ý kiến của bố mẹ vì nhiều trường hợp ý kiến của bố mẹ rất hợp lý. Còn khi thấy mong muốn của bố mẹ không phù hợp với mình, các em nên thuyết phục, phân tích để bố mẹ tin tưởng vào lựa chọn của mình.
ThS Hiếu nhấn mạnh, việc định hướng nghề nghiệp của cha mẹ với con cái rất cần thiết nhưng chỉ mang tính hỗ trợ, gợi ý còn quyết định vẫn thuộc về con. Phụ huynh nên khéo léo tạo điều kiện cho con va chạm với ngành nghề mình theo đuổi để biết rõ đó có phải là nghề đam mê thật sự của con hay không. Tuyệt đối không nên làm mọi cách ép con chọn nghề theo ý mình một cách chủ quan vì như vậy có thể phá huỷ cả tương lai của con.
Ông Trần Anh Tuấn - phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM cho biết theo khảo sát, hiện có khoảng 60% học sinh chọn sai ngành học, điều này gây rất nhiều lãng phí cho bản thân các em, gia đình và cả xã hội.
Hoài Nam
Theo dân trí
Cử nhân đói dài vì thất nghiệp, hay thất nghiệp vì không sợ đói? Khi tìm hiểu thực tế về tình trạng sinh viên đại học ra trường đói dài vì thất nghiệp tại Đà Nẵng, chúng tôi gặp một câu hỏi ngược: cử nhân đói dài vì thất nghiệp, hay thất nghiệp vì không sợ đói? Rất nhiều cử nhân vừa tốt nghiệp không thể tìm ngay được việc làm đúng trình độ bằng cấp, ngành...