Giải bài toán thiếu giáo viên: Đa dạng nguồn tuyển có là giải pháp lâu dài?
Có một thực tế là tình trạng thiếu giáo viên từ nhiều năm nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Nhất là với yêu cầu của chương trình mới như học hai buổi/ngày, giáo viên tích hợp, giáo viên ngoại ngữ… thì thiếu giáo viên là một trong những cản trở không nhỏ đến hiệu quả chương trình.
Sau nhiều năm tạm dừng, Bộ GD&ĐT vừa có hai thông tư ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Liệu đây có phải là giải pháp lâu dài về nguồn tuyển?
Vẫn thiếu giáo viên dù bổ sung biên chế thường xuyên
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tổng số giáo viên thiếu hụt trên cả nước hiện rơi vào khoảng 70.000. Trong đó, bậc mầm non thiếu trên 45.000 giáo viên, bậc tiểu học thiếu trên 20.000, bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên và bậc THPT thiếu trên 9.000.
Chỉ riêng với môn ngoại ngữ và tin học, các địa phương đã thiếu gần 40.000, trong đó khoảng 13.600 giáo viên tin học và hơn 27.000 giáo viên ngoại ngữ. Riêng ở cấp tiểu học, so số lượng giáo viên hiện có, các trường đang thiếu hơn 6.000 giáo viên tin học và hơn 5.000 giáo viên ngoại ngữ.
Trong khi đó, năm học 2021-2022, ngành giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Trong các chuyến kiểm tra của Bộ GD&ĐT tới các địa phương về việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT, ý kiến từ nhiều cơ sở đều nêu về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ý kiến từ nhiều đoàn đại biểu Quốc hội từ thực tế địa phương cũng cho thấy: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không phải chuyện một sớm một chiều. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu thực trạng: Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn thiếu 1.448 biên chế sự nghiệp. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực tế chỉ thiếu 963 biên chế. Từ đó, đoàn kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có chủ trương bổ sung thêm cho tỉnh Hậu Giang 963 biên chế sự nghiệp giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Hiện tượng chỉ tiêu biên chế chênh lệch so với thực tế yêu cầu cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước.
Trước những nội dung liên quan đến việc làm, Bộ GD&ĐT cho biết, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 29-9-2020) quy định việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên là nhiệm vụ và quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về chỉ tiêu biên chế thì Bộ Nội vụ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát biên chế, thực hiện biên chế để báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế (Công văn số 6450/BNV-TCBC ngày 5-12-2020 về việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp ngành giáo dục).
Bộ GD&ĐT luôn ủng hộ việc bổ sung biên chế cho địa phương nhằm đáp ứng đủ về số lượng nhà giáo trong công tác dạy học và sớm có ý kiến thẩm định gửi Bộ Nội vụ khi nhận được đề xuất của địa phương.
Trên thực tế, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là chuẩn bị đội ngũ để triển khai chương trình ở lớp 2, lớp 6, nhiều địa phương đã bổ sung biên chế, chuẩn bị tập huấn giáo viên. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2020-2021 đã yêu cầu các trường cần quan tâm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022. Rà soát, lên danh sách giáo viên sẽ đảm nhận việc dạy học lớp 2, lớp 6 để sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngay khi có thông báo.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vấn đề của thiếu giáo viên khó giải quyết được trong thời gian ngắn, vì tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương, ở số môn, ở các cấp khác nhau là khác nhau, ở các địa bàn khác nhau cũng có tính chất khác nhau.
Sau 7 năm ra quyết định dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT, Bộ GD&ĐT vừa có thông tư cho phép thực hiện lại việc này.
Rộng nguồn tuyển giáo viên từ những ngành khác là một giải pháp phù hợp, nhưng về lâu về dài vẫn phải cân đối, tính toán chính xác hơn về nhu cầu giáo viên để điều chỉnh đào tạo từ chính các trường sư phạm (Ảnh: P.T)
Mở rộng nguồn tuyển có phải là giải pháp?
Đối tượng áp dụng đối với người có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học là người có bằng cử nhân các chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất và ngoại ngữ. Để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người học phải hoàn thành 35 tín chỉ.
Đối tượng học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên THCS, THPT là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học của bậc THCS, THPT. Người học phải hoàn thành 34 tín chỉ để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng giúp đa dạng “nguồn cung” và giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhiều bậc học. Đây cũng được xem như động thái mở đường cho cử nhân ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên ở trường công. Bởi hiện nay tỉ lệ tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm ra trường khá thấp, trong khi đó tại một số địa phương tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Thực tế là vấn đề mở rộng nguồn tuyển nhân lực cho ngành sư phạm vừa được “mở lại” này có phải là giải pháp lâu dài hay không? Theo đánh giá, đây là giải pháp phù hợp, nhưng về lâu về dài, vẫn phải tính đến việc đào tạo đủ nguồn cung tại các trường sư phạm.
Vì mấy lí do như sau: Đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã chính thức có một cuộc điều tra về nhu cầu giáo viên trong vòng 5 năm tới tại các địa phương, số giáo viên đang làm việc, số cử nhân sư phạm đã ra trường chưa xin được việc, số đang đào tạo… từ đó, Bộ đã tham gia điều tiết chỉ tiêu ngành sư phạm trong mấy năm trở lại đây.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT: Năm 2020, toàn hệ thống có 102 cơ sở tham gia đào tạo các ngành sư phạm trình độ ĐH, CĐ mầm non. Tổng chỉ tiêu các trường đề xuất là 84.475. Căn cứ vào các nguyên tắc và tiêu chí nêu trên, Bộ GD&ĐT xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu, tương đương khoảng 64% chỉ tiêu đề xuất của các địa phương. Thực tế là năm 2019 chỉ tiêu sư phạm nói chung giảm, nhưng năm 2020 lại tăng, đó là sự điều tiết của Bộ đảm bảo: Cung đủ cầu.
Nhưng có một vấn đề đặt ra là chỉ tiêu giao cho các trường sư phạm tăng, tỉ lệ nhập học ngành sư phạm không cao. Trừ một số trường trọng điểm, có uy tín, tỷ nhập học của các trường có đào tạo sư phạm thấp, có trường chỉ đạt 50% chỉ tiêu. 50% chỉ tiêu đó lại không hoàn toàn 100% ra trường.
Thêm vào đó, yêu cầu của chương trình mới cần giáo viên của những bộ môn khác nhau: Như dạy tích hợp, như ngoại ngữ, như âm nhạc, và nhất là sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học rất ít người học. Dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ, cử nhân ra trường thì thừa, nhưng giáo viên vẫn thiếu.
Vì thế, rộng nguồn tuyển cho những ngành khác là một giải pháp phù hợp, nhưng về lâu về dài vẫn phải cân đối, tính toán chính xác hơn về nhu cầu giáo viên của từng vùng, từng bộ môn, từng cấp học, đào tạo đặt hàng sát thực tế địa phương thì tình trạng thiếu giáo viên mới được giải quyết triệt để.
Bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có nguyện vọng làm giáo viên: Trường sư phạm "bắt tay" vào việc
Bộ GD&ĐT mới ban hành 2 Thông tư hướng dẫn về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên.
Sinh viên Trần Thu Hà (thứ ba từ phải qua trái). Ảnh: NVCC
Quy định này giúp nhiều sinh viên có thể hiện thực hóa ước mơ được đứng trên bục giảng.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Phấn khởi khi biết Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên; Trần Thu Hà - sinh viên lớp K43 ngành cử nhân Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 bộc bạch: Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội trở thành giáo viên đang đến rất gần với em. Em sẽ cố gắng học thật tốt để có tấm bằng cử nhân, sau đó sẽ đăng ký học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để được cấp chứng chỉ, biến ước mơ trở thành hiện thực.
Thực tế nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, trên đại học mong muốn trở thành giáo viên, nhưng vì không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nên dù đã có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp cũng không có cơ hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT phù hợp với thực tiễn khách quan và luật định.
TS Cao Bá Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) khẳng định: Sự ra đời của Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương, đặc biệt đối với nhu cầu tuyển dụng các môn đặc thù như: Giáo dục thể chất, Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ...
Hiện nhiều địa phương thiếu giáo viên dạy các bộ môn liên quan đến năng lực này. Trong khi, nguồn cử nhân ngoài ngành sư phạm, có năng lực chuyên môn giỏi, nhưng lại không đủ điều kiện làm giáo viên do chưa học qua nghiệp vụ sư phạm. Điều này đã được các sở GD&ĐT đưa ra trong các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ sư phạm. Theo đó, hầu hết các ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có trình độ cử nhân chuyên ngành phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu của các địa phương, và có được nguồn giáo viên chuyên môn tốt.
"Đứng trên góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy, trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của các trường sư phạm, mỗi sinh viên đều có khoảng 30 - 35 tín chỉ học về nghiệp vụ sư phạm, nhằm phát triển năng lực nghiệp vụ. Còn lại là các tín chỉ nhằm phát triển năng lực chuyên ngành.
Trong đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được đưa ra ở Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có số tín chỉ tương tự. Người tốt nghiệp cử nhân (chuyên ngành phù hợp) đã đáp ứng đủ về các năng lực chuyên ngành.
Vì vậy, sau khi bồi dưỡng chương trình nghiệp vụ sư phạm, các em hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia giảng dạy ở bậc phổ thông" - TS Cao Bá Cường khẳng định.
Một lớp học của ngành cử nhân Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC
Lên kế hoạch triển khai
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh, Thông tư được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện quy định Luật Giáo dục 2019 về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo.
Theo đó, Thông tư ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho các đối tượng không được đào tạo sư phạm, nhưng có nguyện vọng trở thành giáo viên; đặc biệt là cho các môn học còn thiếu giáo viên do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở một số môn học đặc thù như: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...
"Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ "Có nguyện vọng trở thành giáo viên". Đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu học viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng, việc có được tuyển dụng vào làm giáo viên hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng. Tức là loại hình giáo viên đó có thiếu hay không?" - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi.
Khẳng định, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã thực hiện và tiếp tục có kế hoạch triển khai các hoạt động bồi dưỡng, TS Cao Bá Cường nhấn mạnh: Trường sẽ tập trung vào phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên cả về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, nhằm thực hiện tốt việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên và các đối tượng có nhu cầu.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và kĩ năng cho đội ngũ giảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, gắn kết quá trình đào tạo với bồi dưỡng giáo viên.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cụ thể. Cùng với đó, thành lập các ban soạn thảo tài liệu bồi dưỡng chương trình, bám sát đề cương, nội dung và yêu cầu của Thông tư. Ngoài ra, tổ chức các hội thảo về tài liệu bồi dưỡng và hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để thực hiện tốt chủ trương này.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Thông tư quy định: Các cơ sở đào tạo giáo viên được Bộ cho phép mở mã ngành đào tạo nào được tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho môn học thuộc mã ngành đó. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những ai có nhu cầu. Trước hết, nhà trường căn cứ vào quy định tại Thông tư, rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài liệu, học liệu nhằm bảo đảm chất lượng trong quá trình triển khai.
Hòa Bình: Bảo đảm đủ giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học Sở GD&ĐT Hòa Bình vừa có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023. Ảnh minh họa Theo đó, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023, Sở yêu cầu các Phòng...