Ghép thận đầu tiên cho trẻ suy thận giai đoạn cuối, có đột biến gen thành công
Thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW phẫu thuật ghép thận thành công cho bé trai N.M.T (11 tuổi, ở Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen WT1.
Ca ghép thận thành công đánh dấu bước ngoặt mới trong kỹ thuật điều trị bệnh lý suy thận của các thầy thuốc Bệnh viện Nhi TW.
Sưng mắt kéo dài, bệnh nhi được phát hiện hội chứng thận hư kháng thuốc
Bé trai N.M.T (11 tuổi, ở Hà Nội) là con thứ nhất trong gia đình có hai anh em. Theo lời kể của mẹ, bé T. đã mổ tinh hoàn ẩn lúc con được 2 tuổi và phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp 2 thì với niệu đạo tạo hình 8 cm lúc con 6 tuổi.
Từ khi phẫu thuật đến năm 9 tuổi, bé không có biểu hiện gì bất thường. Đầu năm 2018, thỉnh thoảng sau mỗi lần ngủ dậy trẻ có biểu hiện sưng mắt hai bên. Gia đình nghĩ đó chỉ là biểu hiện thông thường khi trẻ con khóc hoặc ngủ dậy nên đã không cho con đi khám.
Sau một thời gian, tình trạng sưng mắt nhiều hơn, gia đình bắt đầu lo lắng và đã đưa con đến Bệnh viện Nhi TW để khám.
Tại đây, cháu được các bác sĩ chẩn đoán hội chứng thận hư kháng thuốc, không đáp ứng điều trị các thuốc ức chế miễn dịch điều trị thông thường dẫn đến suy thận mạn. Đến đầu năm 2020, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại BV Nhi TW.
Ê kíp tiến hành ghép thận cho bệnh nhi Ảnh:BVCC
Video đang HOT
Với tình trạng này, TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng Khoa Thận và lọc máu, BV Nhi TW cho biết, nếu không được thay thế thận, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
“Việc chạy thận nhân tạo kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc chạy thận nhân tạo tuần ba lần tại bệnh viện làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, trẻ không thể đến trường hoc hành vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi; ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình bệnh nhi do bố mẹ phải nghỉ việc đưa trẻ đi chạy thận”- TS.BS Thu Hương cho hay.
Nhiều nguy cơ khi trẻ bị đột biến gen u nguyên bào thận
Trường hợp của bệnh nhân T. đã được đưa ra hội chẩn tại Hội đồng Ghép thận của BV Nhi TW để xem xét việc ghép thận. Do tiên lượng xa của ghép thận rất khác nhau trên trẻ hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen và không đột biến gen, Hội đồng ghép thận đã chỉ định làm xét nghiệm phân tích gen (giải trình tự toàn bộ vùng gen biểu hiện) cho bé T. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé T bị hội chứng thận hư dẫn đến suy thận là do đột biến gen WT1.
Trong buổi hội chẩn,TS. BS Vũ Chí Dũng – Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa và Di truyền, BV Nhi TW cho biết: Gen WT1 là gen ức chế u Wilms (u nguyên bào thận), có vai trò trong quá trình biệt hóa tuyến sinh dục từ mầm sinh dục ban đầu từ trong thời kỳ bào thai. Gen WT1 cũng tham gia vào quá trình cấu tạo của thận, khi có đột biến của gen WT1 thì sẽ gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau, trong đó có bệnh hội chứng thận hư, dẫn đến suy thận. Trẻ bị đột biến gen WT1 có nguy cơ cao tiến triển thành u Wilms (U nguyên bào thận) và ung thư tuyến sinh dục vì tuyến sinh dục không được biệt hóa hoàn chỉnh và bị loạn sản.
“Việc phát hiện đột biến gen có giá trị rất lớn trong việc điều trị cho trẻ bị hội chứng thận hư kháng thuốc, đặc biệt là trẻ có chỉ định ghép thận. Do đó, trẻ sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư kháng thuốc cần được làm xét nghiệm gen sớm”- TS. Dũng khuyến cáo.
Nhóm hội chẩn đã quyết định chỉ định phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân, xác định rõ các yếu tố nguy cơ và cách thức phẫu thuật, gây mê, hồi sức cụ thể trong trường hợp bệnh này.
Phối hợp nhiều chuyên khoa và cuộc phẫu thuật kéo dài 8h đã “hoá giải” thành công ca bệnh khó
Ngày 1/3/2021, bệnh nhi N.M.T được ghép thận từ người cho sống, và ca phẫu thuật được tiến hành trong 8 tiếng đồng hồ. Đây là ca ghép thận đầu tiên tại BV Nhi TW đối với trẻ bị suy thận giai đoạn cuối do đột biến gen WT1 hiếm gặp.
Bác sĩ Lê Anh Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu- BV Nhi TW cho biết, đây là một ca phẫu thuật ghép thận phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của ê-kíp phẫu thuật và các chuyên khoa Nội tiết, Thận.
“Trước đây, những bệnh nhân đã từng ghép thận không cần phải cắt thận, nhưng đối với trường hợp bệnh nhân T., ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cùng một lúc cắt hai thận và tinh hoàn (bị loạn sản) hai bên để tránh nguy cơ ung thư hóa thận và tuyến sinh dục do đột biến gen WT1, sau đó tiến hành ghép thận mới cho bệnh nhân.
Sau 10 ngày ghép thận, hiện sức khoẻ bé trai N.M.T tạm thời ổn định và ăn uống bình thường Ảnh:BVCC
Một khó khăn nữa là bệnh nhi đã bị vô niệu 2 năm nay nên bàng quang rất nhỏ chỉ tương đương với trẻ 1 tuổi. Niệu đạo đã tạo hình cũ rất khó khăn để đặt ống dẫn lưu theo dõi nước tiểu sau ghép. Tuy nhiên, sau nhiều giờ nỗ lực, ca phẫu thuật đã thành công”- BS Dũng chia sẻ.
Hiện tại, sau 10 ngày ghép thận, bé trai N.M.T tạm thời ổn định và ăn uống bình thường, cháu tiếp tục được theo dõi tại Khoa Thận và Lọc máu, BV Nhi TW.
Dự kiến trẻ sẽ được xuất viện trong thời gian tới. Khi trẻ đến tuổi dậy thì sẽ được dùng hocmon testoteron thay thế để giúp trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và nâng cao chất lượng sống cho trẻ.
Người chồng hồi sinh từ quả thận của vợ
Anh James Reeser, 48 tuổi, Nam Dakota, trở lại cuộc sống mới nhờ quả thận người vợ Lindy hiến tặng.
Cô Lindy hiến thận cho chồng hôm 10/2. Anh James kiên cường chiến đấu chứng thận đa nang (PKD), căn bệnh di truyền trong gia đình anh qua nhiều thế hệ. Ông của James mất vì căn bệnh này khi 62 tuổi, mẹ và em gái anh đều được ghép tạng do biến chứng suy thận.
Theo bệnh viện Mayo Clinic, PKD là tình trạng bệnh nghiêm trọng gây ra bởi các cụm u nang trong thận và có thể lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Thông thường, căn bệnh này sẽ dẫn đến biến chứng huyết áp cao và suy thận. Thế hệ con cái có khả năng bị di truyền bệnh từ bố mẹ với tỉ lệ 50%.
James chia sẻ: "Gia đình biết khả năng tôi cũng mắc bệnh, nên mẹ đã cho tôi đi xét nghiệm từ năm tôi 17 tuổi. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng chế ngự bệnh tật, nên tôi không uống rượu hay làm bất kỳ việc gì gây hại cho thận".
Trước đó, thận của James chỉ hoạt động ở mức 16%. Đây là thời điểm tốt nhất để cấy ghép là khi chức năng thận của bệnh nhân còn từ 16% đến 20%. Khi xuống tới 15%, người bệnh cần lọc máu để cầm cự cho đến khi tìm được thận cấy ghép. Quá trình tìm người hiến có thể mất từ 3 đến 5 năm.
James và Lindy tại nhà của họ. Ảnh: USA Today .
James và Lindy gặp nhau năm 1993 khi còn là sinh viên tại Đại học Nam Dakota. Hai người hẹn hò trong 10 tháng và đính hôn sau đó 10 tháng. Năm 1995, cặp đôi làm đám cưới và hiện có hai người con trưởng thành.
Tên của Lindy nằm trong bản danh sách dài những người được kiểm tra về độ tương thích nhưng không phải ai cũng có thể hiến tạng. Họ phải trải qua một quá trình thử nghiệm để đảm bảo không có tình trạng tiềm ẩn nào ảnh hưởng đến người hiến tặng hoặc người nhận.
Lindy kể: "Họ liên tục xét nghiệm máu, chụp X-quang và làm hàng loạt xét nghiệm khác. Nếu kết quả trả về chứng minh tôi là một người khỏe mạnh, họ sẽ ghép máu của chúng tôi với nhau để xem thận của người nhận có chấp nhận thận của tôi hay không". Tuy nhiên, ngay cả khi thận của Lindy và James hợp với nhau về mặt sinh học, vẫn có khả năng thận của cô không đủ lớn so với cơ thể của chồng.
James chia sẻ: "Cuối cùng thì cô ấy lại là người hợp với tôi nhất về mặt sinh học. Khi xét nghiệm thêm, các bác sĩ nhận thấy Lindy có quả thận lớn hơn so với kích thước cơ thể. Do đó, thận của chúng tôi sẽ không quá chênh lệch như chuyên gia phán đoán. Quá trình ghép tạng có thể diễn ra là nhờ vợ tôi".
Việc cấy ghép ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 2/12/2020, nhưng trì hoãn sau khi James có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV vào cuối tháng 10. Vài tuần sau, Lindy cũng mắc bệnh.
Tới nay, hai tuần sau ca cấy ghép, James và Lindy đang hồi phục tốt và mong chờ được viết tiếp một chương mới trong cuốn sách cuộc đời. James chia sẻ: "Cuộc sống của tôi thực sự thay đổi. Giờ đây, hai vợ chồng có thể cùng nhau làm tất cả những việc mà chúng tôi hằng mơ ước. Ngày trước, tôi thậm chí còn không muốn đến trung tâm mua sắm. Tôi đã quá mệt mỏi và chẳng muốn làm bất cứ việc gì".
Những thông tin hữu ích về bệnh suy thận Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng thận, được chia thành 2 nhóm là suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp diễn ra trong vài ngày, sau khi điều trị có thể phục hồi một phần hoặc hoàn toàn chức năng thận. Trong chuỗi chương trình Livestream Sống khỏe cùng Hoàn Mỹ, tổ chức vào cuối năm 2020,...