Một người tặng toàn bộ nội tạng và 2 cánh tay hồi sinh 6 bệnh nhân
Từ nguồn tạng hiến tặng của người cho chết não , 6 người khác đã hồi sinh một cuộc đời mới, trong đó có nam thanh niên mới 18 tuổi.
GS Mai Hồng Bàng , Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca lấy và ghép đa mô tạng từ người cho chết não .
12 bàn mổ hoạt động đồng thời với sự tham gia của hơn 150 y bác sĩ, thực hiện cùng lúc việc lấy, phẫu tích tạng và triển khai 5 ca ghép, bao gồm: Ghép 2 phổi cho một bệnh xơ phổi ; ghép gan cho trường hợp suy gan cấp trên nền xơ gan do viêm gan B, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, ghép 2 cẳng tay cho nam thanh niên 18 tuổi.
Toàn cảnh ca lấy và ghép tạng với hơn 150 y, b ác sĩ tham gia tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vào ngày 16/9 vừa qua
Riêng trái tim được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để cứu một bệnh nhân bị suy tim nặng, đang thoi thóp từng giờ.
GS Bàng chia sẻ, tính từ lúc gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tặng tạng, các y bác sĩ chỉ có 24 giờ để chuẩn bị, sau đó lấy và ghép tạng hơn 10 giờ liên tiếp.
Phức tạp nhất là ca ghép 2 lá phổi cho nam bệnh nhân 54 tuổi, bị xơ phổi nguyên phát 2 năm nay. Đây là bệnh lý gây xơ hóa phế nang và mô kẽ của phổi, theo thời gian sẽ gây thiếu oxy nghiêm trọng. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để dành lại sự sống cho người bệnh nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các thầy thuốc.
Bệnh nhân ghép phổi khoẻ mạnh ngày xuất viện
Ghép phổi được đánh giá là một kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới hiện nay.
Hơn 1 tháng sau ghép, bệnh nhân ghép phổi được xuất viện khoẻ mạnh. Đây cũng là ca ca ghép phổi thứ 6 thành công tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong ca lấy, ghép đa mô tạng lần này, một nam thanh niên 18 tuổi may mắn được ghép 2 cánh tay. Cách đây 3 năm, khi em chưa đầy 15 tuổi, em không may gặp tai nạn chất nổ hóa học khi làm thí nghiệm khiến hai cẳng tay dập nát không thể bảo tồn, phải cắt cụt.
Cuộc sống của em kể từ đó gặp nhiều khó khăn, giấc mơ ngồi trên ghế nhà trường của cậu học sinh này cũng không còn.
Rất may mắn khi em đã được hiến tặng đôi cẳng bàn tay. Ca ghép thành công ngoài mong đợi, vết ghép đã liền sẹo, tưới máu tốt, nam thanh niên hiện đang tập vật lý trị liệu và sẽ tiếp tục đi học trở lại trong thời gian tới.
Hình ảnh trước và sau ghép phổi của nam thanh niên 18 tuổi
Đây là ca ghép chi thể thứ hai được thực hiện tại bệnh viện, sau thành công của ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống được thực hiện vào đầu năm nay.
1 bệnh nhân ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận cũng đã hồi phục rất tốt, lần lượt được xuất viện 3 tuần sau ghép.
Từ nguồn tạng và phần chi thể hiến tặng, 6 bệnh nhân khác đã có cuộc sống mới, diện mạo mới. Tất cả đều gửi lời tri ân sâu sắc tới nghĩa cử cao đẹp của người hiến và gia đình, tự hứa sẽ trân quý phần thi hài và tri ân lại cuộc đời.
PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết: Ghép phổi đã khó, điều trị sau ghép khó gấp bội
Ghép thận, ghép gan, ghép tim thì Việt Nam đã ghép thường quy nhưng ghép phổi các bệnh viện mới thực hiện 5 ca, hiện 3 ca bệnh nhân giữ được sự sống. Ghép phổi khó về mặt kỹ thuật nhưng việc chăm sóc, điều trị sau ghép còn khó gấp bội.
Ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện ở BV Việt Đức
Chuyên gia Việt Nam không thua kém gì các chuyên gia của thế giới
Ghép tạng ở Việt Nam tuy được tiếp cận sớm, nhưng thực hiện rất muộn. Việt Nam đi sau thế giới khoảng gần 50 năm. Năm 1965-1966 giáo sư, viện sĩ Tôn Thất Tùng đã thực hiện ghép tạng thực nghiệm thành công. Nhưng do điều kiện kinh tế cũng như điều kiện phát triển của y học Việt Nam lúc bấy giờ chưa thể thực hiện được kỹ thuật này.
Tuy nhiên GS Tùng đã cho tất cả những chuyên gia về ngoại khoa, gây mê hồi sức của BV Việt Đức đi học ở tất cả các nơi trên thế giới. Như lứa chúng tôi đi học ở nước ngoài thì cũng dành tới một năm về ghép tạng.
Đến năm 1992, ở Việt Nam mới thực hiện ca ghép thận đầu tiên do một giáo sư Đài Loan giúp các nhà khoa học ở Việt Nam tiến hành tại BV quân y 103.
Đến năm 2004, cũng tại BV 103, GS người Nhật Masatoshi Makuuchi Makuchi giúp Việt Nam thực hiện trường hợp ghép gan đầu tiên từ thuỳ gan trái của bố cho con.
Sau năm 2000, y tế Việt Nam có đầy đủ điều kiện tại các cơ sở y tế, có đủ máy móc, thiết bị để chẩn đoán và điều trị như chụp CT, cộng hưởng từ, phương tiện can thiệp mạch,... Cũng từ thời điểm này, ghép tạng ở Việt Nam phát triển tương đối mạnh.
Hiện nay trên cả nước đã thực hiện được khoảng gần 5.000 ca ghép thận với 18 trung tâm ghép thận, khoảng 160 ca ghép gan; hơn 40 ca ghép tim và 5 ca ghép phổi....
Muốn ghép tạng được, ngoài cơ sở vật vật phải có lực lượng y bác sĩ dồi dào, giỏi chuyên môn...Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đi đầu trong ghép tạng.
Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức đã ghép hơn 80 ca về gan, xấp xỉ 1.000 ca thận, hơn 30 ca ghép tim, và 3 ca ghép phổi... Kết quả các ca ghép này tương đối tốt.
Đặc biệt, những bệnh nhân sau ghép gan, thận, tim thì tỷ lệ sống sau mổ tương đương với tỷ lệ của thế giới. Nói về kỹ thuật, các chuyên gia Việt Nam không thua kém gì các chuyên gia của thế giới.
Bằng chứng là các ca ghép từ người này cho người khác, hoặc chia gan ra để ghép, ghép gan, tim, thận của người chết não cho người khác... kể cả kỹ thuật nội soi ghép thận cũng ngang ngửa với thế giới.
Nhưng nói về kinh nghiệm thì Việt Nam chưa bằng các trung tâm của thế giới. Vì đây là một nghề y học thực hành cho nên cần phải được tôi luyện, phải làm. Trên thế giới có những trung tâm thực hiện hàng ngàn ca ghép gan, ghép thận, tim... Người ta ghép nhiều thì có kinh nghiệm và làm giỏi hơn.
Ghép tạng là kỹ thuật cuối cùng nhằm thay thế tạng hỏng bằng tạng mới. Và đây là kỹ thuật cuối cùng, là kỹ thuật cao nhất trong y học mà ai cũng hướng tới.
Ghép phổi là một kỹ thuật cực kỳ khó
Ghép thận, ghép gan, ghép tim thì Việt Nam đã ghép thường quy và kết quả tương đối tốt. Riêng về ghép phổi thì ở Việt Nam mới thực hiện 5 ca và hiện nay 3 ca còn sống.
Có thể nói chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về ghép phổi.
Ghép phổi khó về mặt kỹ thuật, nhưng đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội.
Vì ngoài yếu tố miễn dịch thì còn phải dựa trên các yếu tố khác như nhiễm trùng, chăm sóc sau mổ... Đây là những vấn đề cực kỳ khó khăn mà các trung tâm trên thế giới nói chung, đặc biệt ở Việt Nam những nơi ghép phổi như Việt Đức và một số nơi cũng chuẩn bị đầy đủ chi tiết, bài bản đều phải đối diện.
Kỹ thuật này đòi cần phải chuẩn bị tỷ mỉ, kỹ càng bởi vì tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận. Vì thế việc ghép phổi hết sức cân nhắc, hết sức thận trọng, hết sức tỷ mỷ thì mới hy vọng ghép được.
Ghép phổi hiện nay có hai nguồn, một là lấy một thuỳ phổi, một phần phổi của người cho sống ghép cho người có bệnh; nguồn thứ hai lấy từ người cho chết não ghép cho người có bệnh.
Theo tài liệu trên thế giới, ghép hai phổi từ người cho chết não là tốt nhất. Bởi vì ghép phổi từ người cho sống thì chỉ lấy được một phần, ví dụ lấy được một thuỳ phổi cho nên không bằng lấy được toàn bộ lá phổi có đầy đủ chức năng.
Đáng lưu ý, điều kiện chăm sóc của ghép phổi là cực kỳ khó khăn, nên ngay cả trên thế giới, người ta ghép phổi lấy từ người cho chết não tỷ lệ thành công cao hơn. Việt Nam mới thực hiện ghép phổi 4- 5 ca chưa có kinh nghiệm nhưng các chuyên gia của Việt Nam cũng chỉ ra rằng ghép phổi từ người cho chết não là tốt nhất.
Muốn ghép phổi phải có chỉ định chặt chẽ về người cho, người nhận, về chọn bệnh nhân về các yếu tố miễn dịch về điều kiện thực hiện kỹ thuật, chăm sóc sau ghép...
Ghép tạng nói chung phát triển thành công, mở ra hy vọng cứu được nhiều người sống làm việc. Ví dụ suy gan giai đoạn cuối nếu được tiến hành ghép gan mà thành công thì người đó lại khoẻ mạnh bình thường. Hay suy thận giai đoạn cuối, thận mất chức năng, người bệnh phải tiến hành lọc thận nhưng tốn kém... Bệnh nhân một tuần phải nằm trong bệnh viện để lọc 3 lần... Hay những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối nếu không được can thiệp thì sẽ chết. Nhưng nếu ghép được tim thì sự sống của họ lại hồi sinh.
Cho nên, ghép tạng thành công mở ra tia hy vọng cho những người suy tạng giai đoạn cuối có thể sống được.
Hiện nay trên thế giới cũng vậy, Việt Nam có hàng chục nghìn người chờ ghép thận, hàng nghìn người chờ ghép gan và có hàng nghìn người chờ ghép tim và có rất nhiều người chờ ghép phổi. Nhưng khó khăn nhất bây giờ không phải là kinh tế, là trang thiết bị khi máy móc của chúng ta đã đủ, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, có chuyên môn đặc biệt ở những trung tâm lớn nhưng thiếu nguồn tạng cho.
Ở Bệnh viện Việt Đức, tính từ năm 2010 đến nay mới xin được khoảng gần 90 tạng từ người cho chết não (trong khi mỗi năm ở Việt Đức có xấp xỉ gần 1.000 người chết não mà một năm chỉ xin được 10 người).
Đối với nguồn tạng ở người cho sống cũng là một vấn đề buộc các bác sĩ phải cân nhắc với điều kiện đảm bảo người cho tạng còn một nửa thận, một nửa gan phải sống khoẻ mạnh làm việc bình thường. Đấy là một khó khăn đòi hỏi bác sĩ phải tính toán rất kỹ.
Một lần nữa, tôi vẫn phải lưu ý, trong tất cả các loại ghép đó, ghép phổi là khó nhất. Khó về mặt kỹ thuật, khó về mặt chăm sóc, hồi sức sau ghép. Ở Việt Đức trường hợp đầu tiên ghép phổi là một cháu bé mà nếu không được ghép thì không thể sống sót. Ca ghép sau đó được tiến hành, nhưng cháu phải nằm lại viện chăm sóc thêm 7- 8 tháng mới xuất viện.
Trong ghép phổi có hàng trăm bệnh lý khác nhau, nhưng chỉ định nhiều nhất hiện nay là bệnh phổi tắc nghẽn, các bệnh lý về phổi khác... mà người bệnh không đảm bảo chức năng sống thì tiến hành ghép.
Tuy nhiên một lần nữa tôi phải nhấn mạnh ghép phổi là cực kỳ phức tạp cần phải chọn bệnh nhân, phải có chỉ định đúng, phải chuẩn bị đầy đủ cả về lực lượng, nhân lực, vật lực, có sở vật chất...đầy đủ.
(Ghi theo lời PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết - PCT Hội ghép tạng Việt Nam, Nguyên GĐ BV Việt Đức)
Kỹ thuật ghép tạng có nhiều bước tiến vượt bậc Với những thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng trong những năm gần đây, các chuyên gia thế giới đã công nhận kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam là thường quy và đạt đến tầm quốc tế. Được biết đến là cái nôi của ngành ghép tạng Việt Nam, với ca ghép thận đầu tiên trên người năm 1992, sau 28 năm...