Ghé quán chả cá Hà Nội lâu đời nhất Sài Thành
Có mặt tại Sài Gòn từ 20 năm trước, cho tới nay, quán Chả cá Hà Nội vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng nhờ bí quyết nêm nếm gia truyền, chỉ chủ quán nắm rõ nhất.
Chả cá Hà Nội từ lâu được biết đến như một món ăn nổi tiếng của vùng đất cố đô. Theo chân những thực khách sành ăn, món ngon này dần di chuyển vào các tỉnh phía Nam và được nhiều người chào đón. Tại Sài Gòn, có không ít nhà hàng, quán ăn phục vụ món ăn này, song nổi tiếng nhất, thâm niên nhất, thậm chí có hẳn trong danh mục địa chỉ những quán ăn nên ghé của du khách nước ngoài là nhà hàng bún chả cá Hà Nội, lúc trước tọa lạc ở đường Trần Nhật Duật, giờ chuyển sang khu Kênh Đào, Phú Mỹ Hưng (Q.7)
Với những thực khách ghiền món ăn này thì tạo hình của món ăn không quá lạ, song với những thực khách lần đầu tiên thưởng thức, ắt hẳn đều ngạc nhiên vì nó khá giống món bún trộn với chảo cá lăng nướng vàng ươm, cùng các nguyên phụ liệu như bún, rau sống, bánh tráng, đậu phộng, mắm tôm, chén chanh nhỏ… Nhưng lạ nhất là sự có mặt của những gốc hành hoa bào mỏng, ngâm giấm, giòn nhẹ, không hăng, không cay và có tác dụng khắc chế mùi tanh của chả cá.
Cách ăn của chả cá Hà Nội cũng cầu kỳ như cách bài trí món ăn. Đó là việc phải nhón từng nguyên, phụ liệu theo thứ tự cho vào chén, sau đó điểm xuyết thêm vài miếng chả cá vàng ươm, cuối cùng gia giảm thêm một ít màu sậm của mắm tôm, khiến chén bún chả trở nên lung linh và đẹp mắt. Song như thế vẫn chưa gọi là đủ, nếu thưởng thức cùng dân sành món này, bạn còn được hướng dẫn vắt thêm vài lát chanh vào chén, rồi trộn tất cả cho hòa vào nhau.
Dễ ăn và ăn ngon, song tìm hiểu mới biết, để có được thành phẩm như thế, phải trải qua hàng loạt công đoạn khó khác nhau. Bắt đầu từ nguyên liệu chính của món ăn. Để có món chả cá ngon, người đầu bếp phải biết chọn lọc từ những con cá lăng tự nhiên có trọng lượng lớn, quan trọng nhất là còn sống. Đơn giản song không dễ để vận chuyển cá lăng từ Hà Nội vào Sài Gòn. Ngoài lý do giá thành bị đẩy lên cao, việc di chuyển lâu và xa khiến tỷ lệ cá sống vào đến nơi là rất thấp. Để khắc phục điều này, cá lăng của quán được nhập từ Đồng Nai, ở các khu vực thuộc sông La Ngà hay hồ Trị An, thác Ba Dzọt. “Những khu vực này nước có dòng chảy mạnh nên chất lượng cá cũng không thua kém bao nhiêu so với ngoài đó”, chị khẳng định.
Cách làm chả cá rất đơn giản. Cá còn sống, làm sạch, thái miếng, ướp gia vị, khi khách gọi món thì nướng chín sơ trên than hồng rồi dọn ra bàn. Song điều tiên quyết để chả cá tại đây luôn trội hơn so với các quán khác, để bao nhiêu lần ghé đến, món ăn đều giữ đúng vị là ở khâu tẩm ướp. “Dù thịt có độ dai, ngọt, nhưng thịt cá lăng được xếp vào hạng “khó chiều” và khó kết đôi với gia vị. Chỉ cần lỡ tay thêm một tẹo thì cả mẻ cá coi như đổ bỏ. Vì thì, dù tay nghề của đầu bếp không tệ, song để bảo đảm, chị luôn là người đảm trách khâu ướp cá theo công thức gia truyền với tỷ lệ chính xác từng miligam”, chủ quán cho biết.
Ngoài cá có nguồn cung cấp gần, các gia vị khác như mắm tôm, rau, thậm chí chanh cũng được chọn lựa từ những cơ sở cung cấp uy tín nhất và phải đúng là những loại rau mà người Hà Nội dùng. Tỉ mỉ, tinh tế như thế nên không khó để hiểu tại sao dù đã nhiều lần thay đổi địa điểm, nhà hàng vẫn có rất nhiều khách quen, hay địa chỉ chả cá Hà Nội của chị tại Sài Gòn được vinh danh trong các cẩm nang du lịch của các nước châu Âu.
Là nhà hàng đậm vị Bắc, nên đến đây, ngoài Chả cá Hà Nội, bạn còn có cơ hội thưởng thức thêm hàng loạt món ăn đậm vị của vùng đất thủ đô như bún cá rô, bún chả, bún đậu mắm tôm, ốc nhồi thịt… Giá mỗi món từ 45.000 đồng, riêng một phần chả cá Hà Nội cho hai người giá khoảng 150.000 đồng.
Video đang HOT
Bánh đa nướng và lạc rang, hai món vặt không thể thiếu của chả cá Hà Nội
Địa chỉ: Chả cá Hà Nội,07 Garden Court 1, Khu Kênh Đào, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP. HCM.
HUỲNH HẰNG
Theo Infonet
Chả cá Hà Thành: Hồn Hà Nội giữa lòng Sài Gòn.
Loại cá để làm nên hương vị đặc trưng cho món chả cá Hà Nội đó là cá lăng. Để tạo nên miếng cá còn giữ nguyên mùi vị thơm ngon và dẻo khi ăn, cá phải được nướng bằng nẹp tre tươi trên than hoa thay vì để trong lò nướng.
"Phải quyết tâm lắm tôi mới dám mở cửa hàng ở giữa Sài Gòn, nơi mà đường đi tôi còn chưa rành" - ông chủ của quán Chả cá Hà Thành tại Sài Gòn chia sẻ.
Cái mối duyên nợ ấy được ông Minh, chủ quán chả cá Hà Thành (số 10/8 Trần Nhật Duận, P. Tân Định, Q 1) say sưa kể khi chúng tôi ghé thăm quán vào một buổi chiều. Vì sắp đến giờ quán mở (thường là 5 giờ 30 chiều) nên ông Minh cũng như các nhân viên của mình phải tất bật lắm. "Nhìn thì ai cũng nghĩ đơn giản đó thôi nhưng để ăn được món chả cá đúng theo cách của người Hà Nội lại không dễ dàng chút nào. Tất nhiên, cá là thành phần chính nhưng nếu thiếu đi: hành củ, đậu phộng, mắm tôm, húng láng, bún... thì đâu còn là món chả cá nữa. Mỗi thứ tưởng chỉ một chút chút thôi nhưng đều kì công lắm" - ông Minh chia sẻ.
Được chứng kiến toàn bộ công đoạn để tạo nên món chả cá Hà Thành đặc trưng chúng tôi mới thấm thía lời ông.
Loại cá để làm nên hương vị đặc trưng cho món chả cá Hà Nội đó là cá lăng. Cá Lăng tươi sống sau khi mua về, được làm sạch nhớt, phi lê ngay để lấy phần thịt ngon nhất và loại bỏ hoàn toàn xương. Sau khi cắt miếng vừa ăn cá được tẩm ướp đúng 2 tiếng đồng hồ sau đó mới đem đi nướng. Ông cũng nhấn mạnh, phải được tẩm ướp 2 tiếng đồng hồ sau đó mới đem đi nướng. Riêng về phần gia vị thì ông chỉ tiết lộ rằng để tạo nên màu vàng cho cá là do nghệ tươi để khử tanh còn các gia vị khác là gì, ông xin giấu vì đó là bí quyết.
Để tạo nên miếng cá còn giữ nguyên mùi vị thơm ngon và dẻo khi ăn, đó là cá phải được nướng bằng nẹp tre tươi trên than hoa thay vì để trong lò nướng. "Ngày xưa, các cụ nhà mình cứ kẹp cá lại nướng trên than hoa và cá chín đến đâu thì ăn luôn đến đó chứ không đợi cả mẻ như bây giờ" - ông chia sẻ.
Chỉ mới nghe đến các công đoạn chế biến cá thôi chúng tôi cũng đủ sốt ruột khi nhìn những miếng cá vàng, thơm bắt đầu dậy mùi trên bếp. Sau khi sơ chế, tẩm ướp và nướng, cá được xếp thành từng lượt trên chảo dầu. Hành lá và thì là được rải đều lên trên cá nóng lên một lần nữa, lại được thẩm thấu bởi hành và thì là, miếng cá được tôn lên bậc cuối cùng.
Ông Minh hướng dẫn cho tôi cách ăn: gắp bún vào chén, một miếng cá nóng hổi, vài hạt đậu phộng, một lát ớt, một cọng rau thơm, rưới một chút mắm tôm. Ông chỉ vào chén của tôi: màu vàng của miếng chả cá và đậu phộng là màu của kim, màu xanh của rau thơm và hành thì là tượng trưng cho mộc, màu trắng của bún tượng trưng cho thuỷ, màu đỏ của ớt là màu của hoả, màu đen xám của mắm tôm tượng trưng cho thổ - ấy là ngũ hành. Chúng ta ăn cả vũ trụ đấy!
Miên man theo những chia sẻ của ông Minh chúng tôi đã ăn hết "tinh hoa của trời đất" tự lúc nào không hay và tự nhủ sẽ còn ghé quán vào một ngày không xa. Khi ra về, khách bắt đầu tấp nập và những đơn hàng mang chả cá đến giao tận nhà cũng đã đầy hơn. Trên mỗi bàn, bát đũa cũng được sắp xếp ngay ngắn chờ đợi những thực khách đến thưởng thức chả cá Hà Thành - món ăn tinh hoa của đất trời và là một phần của văn hóa ẩm thực người Hà Nội.
Nhà hàng Chả cá Hà Thành
Địa chỉ: 10/8 Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Q.1, TP.HCM
ĐT: 0866840611 - 0943901859
Theo tapchiamthuc
[Chế biến]- Bún thịt nướng Thịt nướng mềm, thơm mùi sả, vừng, ăn kèm với rau và nước mắm chua ngọt. Nguyên liệu: - 300g thịt nạc vai, thịt có chút mỡ khi nướng sẽ không bị khô - 3 thìa nhỏ mật ong - 1/4 bát con sả băm nhuyễn - 3 thìa canh vừng trắng - Muối, tiêu, đường, bột nêm - Nước mắm, chanh, tỏi,...