Gập ghềnh con đường gia nhập NATO của Ukraine
Con đường tiến vào NATO của Ukraine sẽ trở nên rõ ràng hơn chỉ khi Kiev thực hiện các cải cách chống tham nhũng và giải quyết xung đột với Nga, cũng như tình hình chính trị ở Mỹ có lợi cho Ukraine.
Theo kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Vilnius (Litva) tuần qua, các nhà lãnh đạo khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nhất trí về gói ba yếu tố nhằm đưa Ukraine đến gần hơn với khối. Yếu tố đầu tiên bao gồm việc tạo ra một chương trình hỗ trợ cho Ukraine để có thể chuyển đổi sang các tiêu chuẩn của NATO. Yếu tố thứ hai là thành lập Hội đồng NATO-Ukraine, và yếu tố thứ ba liên quan đến việc hủy bỏ kế hoạch hành động thành viên cho Ukraine, điều này sẽ rút ngắn quá trình gia nhập của Kiev. Tuy nhiên, không có lời mời chính thức nào được khối này mở rộng tới Kiev.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 12/2022. Ảnh: AP.
Các chuyên gia cho rằng con đường tiến vào NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn chỉ khi Kiev thực hiện các cải cách chống tham nhũng và giải quyết xung đột với Nga, cũng như tình hình chính trị ở Mỹ có lợi cho Ukraine. “Về nguyên tắc, có thể sẽ mất nhiều thập kỷ để Ukraine xóa bỏ mọi rào cản khi gia nhập NATO ngay cả khi đạt được hòa bình. Ví như Ukraine sẽ cần phải làm sạch nạn tham nhũng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, có khả năng NATO sẽ tìm cách đẩy nhanh quá trình kết nạp”, ông John Mueller, nhà khoa học chính trị và giáo sư danh dự tại Đại học Bang Ohio, nhận xét.
Trong khi đó, ông James Sperling, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Akron, nhấn mạnh rằng một trong những yêu cầu để Kiev gia nhập liên minh NATO là giải quyết tất cả các tranh chấp lãnh thổ còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là Kiev phải khiến Moscow công nhận biên giới trước năm 2014 của Ukraine và rút quân, hoặc đạt được một giải pháp lãnh thổ với Điện Kremlin để làm cơ sở cho mối quan hệ trong tương lai giữa các quốc gia. Chuyên gia này nói với Sputnik rằng một số thỏa thuận với Nga nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển ở Biển Azov cũng sẽ được thực hiện.
Ngoài ra, ông James Sperling dự đoán triển vọng thực sự của việc Ukraine gia nhập NATO là một vấn đề hoàn toàn khác do một số vấn đề, trong đó quan trọng nhất là lập trường của chính phủ Mỹ. Ví dụ, nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, tư cách thành viên của Ukraine trong NATO sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán trong suốt thời gian ông cầm quyền, và bản thân khối NATO sẽ may mắn nếu như còn tồn tại. Vị chuyên gia tiếp tục gợi ý rằng một rào cản khác mà Kiev sẽ phải vượt qua là quyền phủ quyết tiềm ẩn từ các thành viên NATO hiện tại, trích dẫn ví dụ về Thụy Điển, quá trình kết nạp Stockholm đã bị cản trở bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Và không thể không nhắc tới Mỹ. Cuộc khủng hoảng Ukraine đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Washington phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng trong việc xác định giới hạn hiện diện quân sự của mình ở châu Âu. Bất kỳ động thái thực sự nào của Mỹ trong việc mời Ukraine gia nhập NATO đều đồng nghĩa với việc sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Nhiều người tin rằng, một lựa chọn ít rủi ro hơn sẽ là hứa hẹn với chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky một số đảm bảo song phương đặc biệt.
Khối quân sự NATO được thành lập trên cơ sở sự phân chia thực sự của châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến II. Khối quân sự này được thành lập vào năm 1949 để chính thức tước đi khả năng tự đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại và học thuyết quân sự của các đồng minh của Mỹ tại châu lục này. Về mặt này, NATO không khác gì Hiệp ước Warsaw đã xuất hiện trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước NATO khác chưa bao giờ là một liên minh theo nghĩa truyền thống. Trong thế kỷ trước, các liên minh cổ điển đã không còn tồn tại hoàn toàn – khoảng cách về khả năng quân sự giữa các siêu cường hạt nhân và mọi quốc gia khác trên thế giới trở nên quá lớn.
Video đang HOT
Một liên minh quân sự giữa các nước tương đối bình đẳng là có thể như đã từng có cho đến giữa thế kỷ trước nhưng vũ khí hạt nhân đã khiến điều này trở nên bất khả thi. Các quốc gia có chủ quyền cũ của châu Âu đã trở thành một căn cứ lãnh thổ mà từ đó các cường quốc có thể đàm phán trong hòa bình và hành động trong chiến tranh. Việc thành lập NATO và sự gia nhập sau đó của các quốc gia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Tây Đức vào liên minh là một sự chính thức hóa ranh giới thống trị của Mỹ mà Liên Xô đã đồng ý trong quan hệ song phương.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc mở rộng sự kiểm soát của Mỹ đối với các đồng minh cũ của Nga ở Đông Âu và thậm chí cả các nước cộng hòa Baltic cũng không phải là một chính sách gây rủi ro nghiêm trọng cho Washington. Ngẫu nhiên, đây là lý do tại sao NATO có một quy tắc không chính thức là không kết nạp các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với các quốc gia thứ ba.
Sự mở rộng của NATO sau Chiến tranh Lạnh dựa trên sự lừa dối, với việc Mỹ hứa với Moscow rằng họ sẽ không mở rộng khối liên minh quân sự này đến biên giới Nga. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, Nga không đủ sức mạnh để chống lại, đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tạo ảnh hưởng lên các quốc gia không có mối đe dọa xung đột quân sự ngay lập tức. Cách tiếp cận của Mỹ đối với NATO vẫn đúng với triết lý của những người chiến thắng năm 1945: không có quốc gia có chủ quyền, chỉ có các vùng lãnh thổ được kiểm soát.
Một khi quyết định được đưa ra ở Washington, đó chỉ là vấn đề chiến lược để đảm bảo rằng chính quyền địa phương đưa ra quyết định “đúng”. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi việc gia nhập NATO của các quốc gia mới trong những năm 1990 và 2000 được “đóng gói” với sự mở rộng của Liên minh châu Âu. Điều này mang lại cho giới tinh hoa tại các nước đó mọi lý do để khao khát gia nhập khối, từ đó họ mong đợi những lợi ích vật chất hữu hình.
Đối với các quốc gia đã gia nhập, NATO trở thành sự đảm bảo cho sự ổn định nội bộ. Vì các quyết định quan trọng nhất đối với họ được đưa ra bên ngoài hệ thống chính trị quốc gia của họ, không có lý do gì để cạnh tranh nội bộ và không có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng. Tất nhiên, không có quốc gia nào an toàn trước những xáo trộn chính trị nội bộ nhỏ, chẳng hạn như những xáo trộn chính trị do thay đổi chính phủ – đặc biệt nếu quốc gia nắm quyền không được Mỹ ưa thích.
Nhưng những thay đổi căn bản, thường liên quan đến các vấn đề chính sách đối ngoại, đã trở nên bất khả thi. Các chính quyền ở Đông Âu và Baltic ngay lập tức nhận ra rằng họ sẽ không tồn tại lâu trong quyền lực mà không nằm dưới sự kiểm soát của Washington – sự đoạn tuyệt với Moscow và vị trí ngoại vi của của họ hứa hẹn quá nhiều vấn đề.
Việc mời Ukraine gia nhập NATO có thể có ý nghĩa hoàn toàn mới đối với chính sách đối ngoại của Mỹ – sẵn sàng chiến đấu trực diện với một đối thủ ngang hàng như Nga.
G7 công bố "kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine
Kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva hôm 12/7, tuy Ukraine vẫn đứng ngoài Liên minh Bắc Đại Tây Dương nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky hài lòng ra về sau khi được khối G7 và các đồng minh mạnh mẽ cam kết "hỗ trợ về an ninh một cách lâu dài".
Mục tiêu là tăng cường "khả năng phòng thủ" của Ukraine, ngăn cản mọi kế hoạch quân sự của Nga.
Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào lúc mà các nước đồng minh đang đúc kết bản tuyên bố chung đã không thay đổi được gì.
Tổng thống Ukraine không thuyết phục được các lãnh đạo NATO đồng ý về một bản tuyên bố chung cùng với lịch trình cụ thể kết nạp Kiev vào liên minh.
Chung cuộc, lập trường thận trọng nhất đã chiếm thế áp đảo. Đó là quan điểm của Mỹ và Đức, muốn tránh leo thang xung đột với Nga. Như vậy là Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO trừ khi các nước đồng minh chấp thuận và hội đủ các điều kiện. Nhượng bộ duy nhất là Ukraine sẽ đốt ngắn được một giai đoạn, tức là sẽ không phải trải qua giai đoạn thực hiện các nghĩa vụ chính trị, kinh tế và quân sự được ấn định trong kế hoạch hành động để gia nhập Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Tổng Thư ký NATO Jens Stoitenberg tại thượng đỉnh NATO ở Litva, ngày 12/7.
Trong khi chờ đợi Kiev, NATO sẽ đẩy mạnh thêm quan hệ nhằm chuẩn bị cho các cuộc thương lượng trong tương lai trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Ukraine. Hội đồng này đã có cuộc họp đầu tiên vào hôm 12/7. Đây là cơ hội để các bên bàn thảo trở lại về những biện pháp bảo đảm an ninh, hỗ trợ quân sự, tài chính, về vật chất cho một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh. Đây là một định dạng mới nhằm tăng cường hợp tác giữa Kiev và liên minh NATO gồm 31 quốc gia.
Ông Stoltenberg giải thích rằng, Hội đồng NATO-Ukraine sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên ở cấp nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, tổng tham mưu trưởng và đại sứ. Ngoài ra, các nhóm công tác chuyên đề đặc biệt sẽ được thành lập. Điều đó có nghĩa rằng, cơ quan này sẽ chính xác như Hội đồng Nga-NATO, được thành lập vào năm 2002.
NATO, một liên minh dựa trên sự đảm bảo an ninh chung - khái niệm tấn công vào một bên là tấn công vào tất cả - đã cẩn thận tránh mở rộng bất kỳ sự can dự quân sự vững chắc nào tới Ukraine, vì lo sợ nó có thể tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga. Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg khẳng định "tương lai của Ukraine là ở trong NATO" nhưng khối này không nói rõ là khi nào. Và, để đưa ra "một tín hiệu mạnh" gửi tới Moscow, phương Tây hôm 12/7 công bố một "kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài" cho Ukraine. Trong khi đó, khối G7 và một số quốc gia khác cam kết hỗ trợ Ukraine "xây dựng lại một lực lượng quân đội đủ sức tự vệ và tránh mọi cuộc tấn công trong tương lai".
Thông cáo chung của G7 nhấn mạnh, đây sẽ là một chương trình "đầu tư lâu dài". Lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Canada) có một cuộc họp với Tổng thống Ukraine và các bên chính thức công bố "kế hoạch hỗ trợ an ninh lâu dài" đó. Khối G7 cam kết tiếp tục yểm trợ Ukraine đặc biệt là giúp quốc gia này nâng cao khả năng phòng không, pháo binh, tình báo, huấn luyện. Trên thực tế, điều này sẽ chuyển thành các thỏa thuận song phương với Kiev về viện trợ tài chính và quân sự dài hạn để duy trì hoạt động kinh tế và quân sự của Ukraine.
G7 cam kết cung cấp thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên biển và trên không cho Ukraine.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ "sớm" bắt đầu các cuộc đàm phán như vậy với Kiev. "Chúng tôi hy vọng các đồng minh và đối tác khác ngoài G7 sẽ muốn tham gia sau đó và thực hiện các thỏa thuận song phương của riêng họ", quan chức này nói. Một số quốc gia khác sẽ tham gia vào sáng kiến này, trong đó có Ba Lan và Rumania cũng như một số quốc gia trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương như Australia, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Ngoài ra, G7 tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực kinh tế, chính trị đối với Nga liên quan đến chiến dịch đặc biệt của nước này ở Ukraine. "Chúng tôi sẽ làm việc để đảm bảo rằng các biện pháp gây áp lực cho Nga tiếp tục tăng lên, bao gồm thông qua các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, cũng như hỗ trợ các nỗ lực buộc tội những người chịu trách nhiệm bao gồm cả những người liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng", thông báo của G7 nói. Các nước G7 tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ "nỗ lực của các cơ chế quốc tế, chẳng hạn như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã viết trong bài báo "Thời đại đối đầu", đăng trên Rossiyskaya Gazeta, rằng phương Tây sẽ cần cải tổ một số tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, trong nỗ lực để đạt được một thỏa hiệp với Liên bang Nga. Trả lời phỏng vấn nhật báo Lenta.ru, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga duy trì lập trường của mình về các vấn đề cần thiết để giải quyết tình hình ở Ukraine. "Lập trường của chúng tôi không thay đổi đáng kể. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, nhưng chúng tôi sẽ tuân theo các lợi ích hợp pháp của mình và sẽ cân bằng các cách tiếp cận để đạt được một giải pháp khả thi với tình hình thực địa", ông Lavrov cho biết.
Ngày 12/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng các kế hoạch của G7 nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine là nguy hiểm vì chúng xâm phạm an ninh của Nga. "Chúng tôi có quan điểm tiêu cực về việc Ukraine đòi gia nhập NATO và tuyên bố gần đây của các quốc gia G7 rằng họ sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh và đưa ra thông báo liên quan đến Ukraine. Chúng tôi tin rằng đó là một sai lầm và nó có thể rất nguy hiểm", Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Ông Peskov lưu ý rằng "bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, trên thực tế, các quốc gia này cho thấy sự coi thường nguyên tắc quốc tế về an ninh không thể chia cắt. Điều này có nghĩa là bằng cách cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ đang xâm phạm an ninh của Nga", ông nhấn mạnh. Người phát ngôn của Tổng thống Nga chỉ ra rằng quyết định như vậy của G7 có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong dài hạn, trung hạn và thậm chí là ngắn hạn. "Chúng tôi hy vọng rằng những ý kiến này bằng cách nào đó sẽ được lắng nghe và sự khôn ngoan sẽ được thể hiện bởi nếu không, bằng cách đưa ra những quyết định như vậy, các quốc gia này đang biến châu Âu thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều trong nhiều năm tới", ông Peskov cảnh báo.
Xung đột Nga-Ukraine: Moscow 'bác' khả năng hòa đàm, G7 cam kết hỗ trợ Kiev dài lâu với điều kiện này Ngày 13/7, trả lời phỏng vấn báo Lenta.ru (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, thông tin về cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Ukraine trong tháng 7 này là "sai sự thật". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ thông tin về cuộc hòa đàm Nga-Ukraine trong tháng này. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) Ngoại trưởng Lavrov...