‘Em phải cố gắng để giúp ba mẹ thêm vững tin’
Ba tháng ròng rã ôn bài, ngày nào cậu học trò cũng bắt đầu ngồi bàn học từ 6h30 sáng. Những di chứng để lại từ căn bệnh khiến Mẫn ngồi lâu đều bị đau cứng lưng, trí nhớ kém.
Tiếp sức đến trường 2021 – VÕ ĐẠI MINH MẪN. Video: HỮU HẠNH – BÌNH MINH – HUỲNH VY
Mùa tựu trường 5 năm về trước, Võ Đại Minh Mẫn đang là học sinh năm cuối tại Trường THCS Chi Lăng (quận 4). Nhập học được một tháng, Mẫn bắt đầu trải qua những cơn sốt và buồn nôn.
Vào một đêm, Mẫn lên cơn sốt cao li bì, nôn ói và đau cứng sau gáy. Anh Võ Đại Thạnh, cha Mẫn, lập tức gọi xe cấp cứu. Sau ba tiếng chờ đợi ở Bệnh viện Tai mũi họng (quận 3), người cha nhận tin dữ: Mẫn nghi bị ung thư vòm mũi.
Bằng mọi giá phải cứu con!
Nghe tình trạng con, anh Thạnh không tin vào tai mình. Các bác sĩ ở Bệnh viện Tai mũi họng trấn an, nói rằng chẩn đoán ban đầu còn cần thêm kết quả khẳng định. Hôm sau bác sĩ hội chẩn, gửi mẫu bệnh phẩm sau khi sinh thiết sang Trung tâm Y khoa Medic (quận 10) kiểm tra. Sau 11 ngày điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng, chờ đợi kết quả, gia đình chính thức nhận thông tin Mẫn bị ung thư vòm mũi giai đoạn 2.
“Lúc đó cả nhà suy sụp lắm. Con cái đang khỏe mạnh mà. Có hai đứa con mà một đứa bị như vầy. Đúng là trời giáng!”, anh Thạnh nghẹn ngào.
Qua cơn khủng hoảng, anh lấy lại bình tĩnh, an ủi vợ. “Còn nước còn tát, bằng mọi giá phải cứu con”, anh kể. Gia đình được bác sĩ hướng dẫn chuyển Mẫn sang Bệnh viện Truyền máu huyết học (quận 1) để điều trị.
Những tờ giấy ghi chú mang thông điệp nhắc nhở bản thân được Minh Mẫn treo trước bàn học Ảnh: BÌNH MINH
Bình thường vợ may gia công, anh Thạnh làm rửa xe trước nhà, đêm về phụ bán nước cho quán ốc, tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cho con học hành. Sau một tai nạn, anh Thạnh bị đau cột sống, không thể lao động nặng. Hai con hiếu học, dành hầu hết thời gian cho việc đèn sách. Giờ rảnh Mẫn phụ ba rửa xe, bán nước đến tận 11, 12 giờ khuya. Cuộc sống khó khăn nhưng vẫn là những ngày bình yên, chưa người nào biết trước phải đối diện chuỗi ngày sắp tới chiến đấu với căn bệnh ung thư sẽ ra sao.
“Bác sĩ nói hướng điều trị cho cháu là 5 giai đoạn hóa trị. Một lần đánh thuốc 2-3 tháng, từ 200-300 triệu đồng, chưa tính tiền thuốc phát sinh bên ngoài”, anh Thạnh nhớ lại. “Khi bác sĩ hỏi liệu gia đình có đủ khả năng lo cho cháu không, tôi trả lời xin các bác sĩ bằng mọi giá cứu cháu dù chúng tôi phải bán nhà hay ra đường ở”, anh Thạnh van nài.
Mỗi đợt Mẫn điều trị, người cha lại chạy ngược xuôi vay mượn tiền bạn bè, người thân khắp nơi. Có thời điểm cả tháng trời mọi người ăn uống cầm chừng, thức suốt đêm với Mẫn. 9 tháng trời điều trị, Mẫn được xuất viện. Anh Thạnh nói cả nhà “mừng còn hơn trúng số”.
“Chúng tôi về ổn định lại cuộc sống. Hôm nay về, ngày mai Mẫn xin nộp đơn vô trường để được học lại, không nghỉ thêm ngày nào”, anh kể về đứa con ham học. Lúc ấy, cả gia đình nợ hơn 1,5 tỉ đồng. Hai vợ chồng bàn với nhau chỉ còn cách bán nhà mới trả được nợ. Căn nhà ở quận 4 chỉ 11m2, nơi các con trải qua thời thơ ấu, nay đành bán lại hơn 900 triệu đồng cho quán ốc kế bên mở rộng kinh doanh.
“Tôi xin ông bà nội của Mẫn cho cầm sổ đỏ dưới nhà nội, mượn tiền ngân hàng, mua căn nhà nhỏ ở quận 12, chỉ mong con còn chỗ để đi về, học hành”, anh tâm sự. Cả gia đình giờ vẫn nợ hơn 400 triệu, nhưng Mẫn và anh trai có được căn phòng để sinh hoạt, học tập. Trong con hẻm nhỏ, cả nhà đang từng ngày tìm lại niềm tin vào tương lai.
Em phải cố gắng. Chỉ có mình mới có thể giúp ba mẹ vững lòng tin, giúp bản thân vượt qua khó khăn.
Võ Đại Minh Mẫn
Viết tiếp ước mơ
Chưa bao giờ Minh Mẫn ngừng cố gắng! Ngày mới vào viện, Mẫn mượn vở bạn chép bài, xin ba mẹ mang tập vào học. Suốt thời gian điều trị, cậu học trò tìm cách liên lạc với bạn bè để nắm tình hình trên lớp. Bất cứ lúc nào tỉnh táo, Mẫn ráng ngồi dậy, tập đi lại, tranh thủ xem phim tài liệu tiếng Anh để tăng vốn từ.
Trở về từ bệnh viện, Mẫn quay lại học lớp 9 cùng với các em khóa dưới. Quên bài vở sau thời gian dài không đụng đến; trí nhớ và sự nhanh nhạy kém đi nhiều do ảnh hưởng của những đợt hóa trị, song Mẫn tự dặn bản thân: “Người khác cố 1, mình phải cố 10″. Giờ giải lao, thay vì xuống sân chơi, Mẫn lấy bài tập toán và tiếng Anh ra làm. Cậu học trò xin thầy cô được đội nón vào lớp vì mái tóc đã rụng gần hết sau những đợt điều trị.
Miệt mài và nỗ lực, cuối năm Minh Mẫn vào danh sách học sinh giỏi của lớp, sau đó tiếp tục thi đậu cấp III vào Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12). Hai năm lớp 10, 11, Mẫn nhận kết quả học sinh khá với tổng điểm trung bình 7,9, cách mức giỏi không xa. Năm cuối cấp, Mẫn một lần nữa bứt phá, giành lại được danh hiệu học sinh giỏi.
Năm nay, những sĩ tử ôn thi đại học trong hoàn cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Ba tháng ròng rã ôn bài, ngày nào cậu học trò cũng bắt đầu ngồi bàn học từ 6h30 sáng. Những di chứng để lại từ căn bệnh khiến Mẫn ngồi lâu đều bị đau cứng lưng, trí nhớ kém.
Ngày gia đình còn điều kiện, Mẫn được học thêm tiếng Anh và yêu thích ngay từ cấp I. 18 tuổi, bạn nhận định tiếng Anh có thể giúp mình tìm cơ hội làm việc ở công ty nước ngoài, được đi du lịch để thỏa đam mê. Đó là động lực để Mẫn học ngày học đêm, thi đậu vào ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Ngoại ngữ – tin học TP.HCM (Huflit) với tổng điểm 33,15.
Bốn tháng nay, vợ chồng anh Thạnh không thể đi làm, cả nhà sống nhờ đồng lương 7 triệu đồng từ người con trai lớn. Nghe tin mức học phí của Mẫn vào khoảng 40 triệu đồng, cả gia đình bàn nhau xin nhà trường đóng thành hai đợt. Anh hai của Mẫn xin ứng trước lương, trả dần theo từng tháng, gom đủ 22 triệu đồng để Mẫn đóng trước đợt đầu.
“Mẫn nói thôi để năm sau con thi đại học lại, chọn trường nào học phí thấp một chút, nhưng tôi biết con thích tiếng Anh từ năm lớp 1. Bổn phận làm cha mẹ, tôi phải lo cho con được học”, anh Thạnh nói.
Từ “Ước mơ của Thúy” đến “Tiếp sức đến trường”
Năm 2016, Minh Mẫn may mắn nằm trong danh sách bệnh nhi ung thư được chương trình “Ước mơ của Thúy” do báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Cả Mẫn và anh Thạnh đều chia sẻ chương trình “Ước mơ của Thúy” là nguồn động viên tinh thần trong những ngày khó khăn ấy. Năm nay, Mẫn nộp đơn xin học bổng “Tiếp sức đến trường”.
“Em mong chương trình giúp sức cho em. Sau này em sẽ quay lại phát triển tiếp chương trình, mang những món quà tinh thần cho các bạn tân sinh viên khác viết tiếp ước mơ”, bạn trải lòng.
'Tôi từng ghét học trực tuyến, nhưng nó thực sự tốt hơn...'
Tôi đã từng ghét việc dạy và học trực tuyến. Tôi đã từng ước rằng tất cả chúng ta sẽ trở lại với nền giáo dục "bình thường" sau Covid.
Tôi đã từng ghét việc dạy và học trực tuyến. Tôi đã từng ước rằng tất cả chúng ta sẽ trở lại với nền giáo dục "bình thường" sau Covid.
Thế nhưng bây giờ, dù tôi không muốn nói điều này với bạn, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại "bình thường" nữa, và nó thực sự tốt hơn.
Tôi sẽ cho bạn biết những khả năng nào nằm phía trước trong giáo dục hậu Covid, và tại sao chúng ta không nên cố gắng trở lại "bình thường".
Chuyện của Minh
Tôi gặp Minh - học sinh giỏi lớp 10 từ một tỉnh nhỏ ở miền Trung.
Ước mơ của Minh là du học. Qua một vài tờ báo mà cậu đọc vào mùa hè, cậu muốn đi Mỹ. Minh biết rằng cậu sẽ cần SAT, TOEFL, 2 thư giới thiệu từ giáo viên của mình, và rất nhiều hoạt động ngoại khóa để thực hiện ước muốn của mình.
Nhưng vấn đề ở chỗ nơi Minh sinh sống không có bất kỳ trung tâm SAT nào. Giáo viên của cậu không biết Tiếng Anh và không tin rằng Minh có thể nhận được học bổng, do đó từ chối viết thư giới thiệu cho cậu. Cũng không có câu lạc bộ sinh viên hoặc tổ chức nào trong địa bàn tỉnh mà Minh có thể tham gia.
Minh có thể đến thành phố lân cận mỗi tuần để tham gia câu lạc bộ sinh viên và học SAT, nhưng gia đình cậu không có khả năng kinh tế để chịu khoản chi phí đó. Minh thực sự rất thất vọng.
Nhưng rồi cậu đã tìm ra giải pháp: Internet. Cậu tìm thấy một chương trình tư vấn trực tuyến miễn phí để kết nối với sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Họ tư vấn cho cậu cách thành lập tổ chức sinh viên ở quê nhà, giới thiệu trang web miễn phí để tự học SAT (Khan Academy).
Minh cảm thấy tự tin hơn rất nhiều vì đang chủ động trong việc học tập của mình. Cậu nhận ra rằng đi học "bình thường" là không đủ.
Câu chuyện của Minh không đặc biệt, bởi có quá nhiều sinh viên Việt Nam tại các tỉnh, thành nhỏ đang học ở những ngôi trường ít có tài trợ, ít nguồn lực, ít thông tin về học bổng và ít có cơ hội ngoại khóa.
Với sự tập trung giáo viên và nguồn lực giáo dục tốt nhất tại các thành phố lớn, sinh viên từ các tỉnh nhỏ đơn giản là không được tiếp cận các nguồn lực này.
Lối thoát duy nhất của những học sinh này là học trực tuyến - một hình thức giáo dục mà chúng ta đã liên tục nghe những lời chỉ trích kể từ khi Covid bắt đầu.
Tuy nhiên, hầu hết những lời chỉ trích mà tôi nghe được đều xuất phát từ những sinh viên sống ở thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM). Họ nhớ các lớp học offline với giáo viên hàng đầu và những người bạn tuyệt vời của mình.
Nhưng không có một học sinh nào từ nền tảng kém đặc quyền (về địa lý) mà tôi biết lại than phiền về việc học trực tuyến. Hoàn toàn ngược lại, họ đều thích nó.
Tại sao ư? Bởi vì đây là lần duy nhất mà một người như tôi - một giáo viên "tầng trên" - có thể tiếp cận và kết nối với họ, để đáp ứng nhu cầu của họ.
Cơ hội của học trực tuyến
Quang Tùng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Năm lớp 11, khi nhận được học bổng của United World College (Trường Liên kết Thế giới - UWC), Tùng quyết định đi du học. Sau 2 năm, 9X giành được học bổng toàn phần 280.000 USD (hơn 6,5 tỉ đồng), lựa chọn học song song hai ngành là Giáo dục và Kinh tế tại Trường ĐH Macalester College (Mỹ).
Covid-19 cho tôi một cơ hội để nhìn sâu vào đặc quyền của mình. Đó là đặc quyền được trải nghiệm một nền giáo dục đưa mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến cùng một phòng học thể chất. Và đặc quyền được từ chối nó, để cho rằng nó "không đủ tốt" khi được thực hiện trong một không gian trực tuyến.
Covid-19 đã cho tôi thấy một mảnh ghép quan trọng về tương lai của giáo dục mà tôi đã cố gắng tránh "biết": học trực tuyến.
Học trực tuyến hạ thấp xuống rào cản địa lý của phòng học, giảm chi phí cả về tiền bạc và thời gian, và quan trọng nhất là tập hợp được học sinh từ các trải nghiệm đa dạng tham gia và đóng góp.
Tôi muốn bạn tưởng tượng ra sự "bình thường" cũ, nơi những hội nghị lớn, những khóa học ngắn hay trại hè diễn ra. Những sự kiện này sẽ diễn ra ở đâu? Ở các thành phố lớn. Thật tuyệt nếu được tham dự những sự kiện này nếu bạn sống ở những thành phố đó.
Nhưng nếu bạn không ở đó thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sống trong một thị trấn nhỏ cách xa 400 km mà không có đủ tiền để tham gia? Điều gì sẽ xảy ra nếu thứ duy nhất bạn có thể mua được là một chiếc laptop cũ và một đường truyền internet có phần ổn định?
Bạn có thể tham gia trực tuyến không? Hay bạn chỉ có thể mơ về một ngày mà bạn sống ở những thành phố lớn đó, để tham gia những sự kiện offline lớn đó, để trở thành một phần của cộng đồng mà bạn nghĩ rằng bạn thực sự thuộc về?
Tất cả chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới mà bất cứ ai có máy tính xách tay kết nối internet đều có thể tìm thấy và tham gia vào cộng đồng của họ.
Một thế giới mà những rào cản tới kiến thức và cộng đồng học tập không còn là rào cản về địa lý nữa.
Một thế giới mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy thuộc về một cộng đồng những nghệ sĩ/ triết gia/ nhà văn/ nhạc sĩ/ nhà địa chất/ nhà giáo dục... cho dù chúng ta ở đâu.
Điều đó sẽ không xảy ra nếu mọi thứ trở lại "bình thường" cũ. Vì vậy, chúng ta phải nắm lấy thế giới mới mà học trực tuyến đem lại, và làm cho nó trở nên tốt hơn.
Đó là con đường tiến về phía trước.
Trường đại học ở TP.HCM chi học bổng khủng 'săn' học sinh giỏi Năm 2021, hàng loạt suất học bổng từ 40 đến 230 triệu đồng/suất vừa được Trường ĐH Công nghệ Thông tin đưa ra để thu hút thí sinh giỏi vào trường. Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa có thông báo chính sách học bổng tuyển sinh năm 2021. Theo đó, trong mùa tuyển sinh đại học năm nay,...