Em bé chào đời nhờ những dòng máu ‘lạ’ trong đại dịch Covid-19
Chị Tân tâm sự, con trai không chỉ mang dòng máu của bố, của mẹ mà mang cả dòng máu của những người lạ nhưng có tấm lòng nhân ái, đã giang tay giúp đỡ mẹ con chị trong đại dịch.
“Một người bệnh tan máu bẩm sinh đang mang trong mình mầm sống bé nhỏ. Tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, đe dọa sức khỏe của mẹ và đặc biệt là sự sống của thai nhi.
Chúng ta có thể phòng ngừa dịch Covid-19 bằng cách tự bảo vệ bản thân. Nhưng người mẹ này không thể bảo vệ con và chính mình nếu như không có máu!”.
Bài viết này được đăng tải trên Fanpage của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ngày 14/3. Thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, người dân rất hoang mang, lo lắng. Các điểm hiến máu vắng lặng, ngân hàng máu cạn kiệt. Rất nhiều bệnh nhân chờ máu trong vô vọng.
“Em muốn hiến máu tặng chị”, “Ngày 28/3 này em đủ điều kiện hiến máu, em chắc chắn có mặt tại viện”, “Tôi ở Bắc Giang, muốn hiến thì khu vực nào gần nhất?”, “Mình mới sinh 2 tháng có đi hiến máu được không?”…
Hàng trăm bình luận ngỏ ý được giúp đỡ. Hơn 700 lượt người chia sẻ, cùng kêu gọi. Thai phụ sau đó đã may mắn có đủ máu truyền, sức khỏe của mẹ và bé đều được đảm bảo. Những người chị Tân không biết tên, không biết mặt ấy chính là ân nhân mà mẹ con chị suốt đời mang ơn.
Chị Nguyễn Thị Minh Tân khi mang bầu tháng thứ 5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Chị Nguyễn Thị Minh Tân, sinh năm 1986, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình là nhân vật chính trong bài kêu gọi nói trên. Chị Tân là bệnh nhân tan máu bẩm sinh, thời điểm ấy đang mang bầu tháng thứ 6. Để đảm bảo sự phát triển của thai nhi, mỗi tháng, chị phải truyền từ 4 đến 5 đơn vị máu (tương đương 1,2 lít).
Khi thai được 4 tháng, chị Tân nhận thông báo bệnh viện không còn máu dự trữ cho nhóm O của mình. Nhờ tất cả người thân, bạn bè giúp đỡ, chị cầm cự thêm được 2 tháng. Tới tháng 6 của thai kỳ, chị Tân chỉ có thể chờ đợi nguồn máu hiến từ cộng đồng khi mọi mối quan hệ quen biết đều đã nhờ cậy.
Video đang HOT
Nhiều ngày không được truyền máu, cơ thể người mẹ trẻ rệu rã tới nỗi không thể bước đi.
“Lúc nào tay chân cũng run rẩy, nói chuyện một chút lại thấy hụt hơi, kiệt sức, đến thở cũng thấy mệt mỏi. Giai đoạn ấy, tôi hầu như chỉ có thể nằm một chỗ”, chị Tân tâm sự. Bác sĩ cho biết, nếu mẹ không được truyền máu, em bé sẽ không thể phát triển và sống sót.
Thời điểm tưởng như tuyệt vọng nhất, chị Tân đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Người mẹ trẻ cho biết, chị rất xúc động và bất ngờ trước tình cảm từ những người xa lạ.
Số máu được hiến tặng sau đó đã giúp chị an toàn vượt qua những tháng tiếp theo của thai kỳ và cứu sống rất nhiều sản phụ, bệnh nhân cần máu khác.
11h trưa ngày 2/6, bé trai kháu khỉnh khỏe mạnh chào đời trong niềm hạnh phúc vô cùng của vợ chồng chị Tân. Trước và sau ca mổ lấy thai, chị Tân được truyền máu để đảm bảo an toàn. Em bé đã được khám sàng lọc, không mang các gen bệnh.
Chị Tân chia sẻ, từ khi biết tin mang thai, chị vừa mừng, vừa lo lắng vì đã lớn tuổi lại đang mang bệnh. Chị mắc tan máu bẩm sinh thể trung bình, thông thường cần lên viện 2 tháng một lần để truyền máu, thải sắt. Tuy nhiên khi có bầu, sức khỏe yếu hơn, chị phải đều đặn lên viện 1 tháng một lần.
Suốt quá trình mang thai với vô vàn khó khăn, khoảnh khắc con cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng chị Tân đều không kìm được nước mắt.
Hiện tại, em bé đã được hơn 1 tháng, rất ngoan và đáng yêu. Sức khỏe của mẹ và bé đều rất tốt.
Em bé chào đời khỏe mạnh là niềm vui rất lớn cho vợ chồng chị Tân
Chị Tân biết mình mắc bệnh tan máu bẩm sinh năm 2013. Trước đó, từ nhỏ, chị đã luôn thấy cơ thể yếu ớt, da xanh xao, không làm được việc nặng. Thậm chí, việc đi bộ cũng làm chị hụt hơi, mất sức rất nhiều. Khám tại bệnh viện địa phương, chị Tân được chẩn đoán thiếu máu, phải bổ sung thêm sắt.
Tới năm 2013, 2 năm sau khi sinh bé đầu tiên, các triệu chứng ngày càng nặng. Chị Tân đột ngột sụt tới 12 kg, yếu tới nỗi không thể tự làm những việc đơn giản nhất như quét nhà hay rửa bát. Tới khám tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chị mới biết rõ về bệnh tình của mình.
“Ban đầu, tôi không chấp nhận sự thật là mình có bệnh, không chịu uống thuốc, cơ thể cứ thế càng rệu rã. Đến một ngày, ngồi trong nhà và nhìn thấy mọi người đi lại, trẻ con chạy nhảy, cười đùa, tôi mới nhận ra mình chỉ đang tồn tại chứ không sống. Tôi cần thay đổi, vì bản thân và gia đình mình”, chị Tân tâm sự.
Từ đó, chị cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, quyết tâm ăn uống, tập thể dục thật nhiều. Sau mỗi đợt truyền máu, thải sắt, chị lại thấy cơ thể như được “hồi sinh”.
Ôm đứa con bé bỏng trong vòng tay, chị Tân chia sẻ, chị vừa có thêm một động lực lớn nữa để chiến đấu với bệnh tật.
“Có được ngày hôm nay, tôi rất biết ơn các bác sĩ và cộng đồng đã giúp đỡ mẹ con tôi. Con mang dòng máu của bố, của mẹ, nhưng cũng mang dòng máu của cả những tấm lòng nhân ái trong đại dịch Covid-19. Con được sống là nhờ mọi người”, chị Tân nói.
Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là nhóm bệnh gây tan máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính.
Thalassemia được truyền từ cha mẹ sang con theo cơ chế di truyền lặn, trẻ sinh ra mắc bệnh chỉ khi cả bố và mẹ là người mang gen bệnh. Như vậy, người mang gen Thalassemia hoàn toàn có thể sinh ra con khỏe mạnh nếu kết hôn với người không mang gen.
Bệnh Thalassemia có ba mức độ nặng, trung bình và nhẹ. Trong đó, thể nặng biểu hiện rõ nhất ở tháng thứ 4-6 của trẻ và ngày càng nặng hơn với tình trạng thiếu máu trầm trọng, da và củng mạc mắt vàng, lách to, chậm phát triển thể chất…
Theo thống kê của Liên đoàn Thalassemia Thế giới, Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh (10% dân số) và mỗi năm có thêm 2.000 trẻ mới sinh ra mắc bệnh.
Nhà thứ hai của bệnh nhân liên quan đến máu
Với 35 năm thành lập, nhiều bệnh nhân đã điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 18 năm, tháng có 31 ngày thì tới 12 ngày ở bệnh viện. Họ phải coi đây như nhà thứ hai của mình.
Anh Lại Huy Quốc kiểm tra lại sức khỏe
Anh Lại Huy Quốc (40 tuổi, quê ở Thái Bình) thường xuyên bị chảy máu từ nhỏ nhưng cho đến khi 20 tuổi, anh vẫn chưa biết mình mắc bệnh gì. Đến năm 2001, anh lên Viện Huyết học - Truyền máu khám và mới được chẩn đoán bị bệnh hemophilia (máu khó đông). Lúc này anh vừa tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông, chuẩn bị xin việc thì nhận được tin mình bị căn bệnh không thể chữa được. Tất cả hoàn toàn sụp đổ, anh cực kỳ sợ hãi, nhìn đâu cũng thấy bế tắc mịt mù. Anh Quốc nằm liệt 3 tháng ròng, máu chảy trong khớp gối khiến anh gần như không đi lại được.
Sau đó anh gặp GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, lúc đó là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu và được nhận vào làm tình nguyện tại Trung tâm Hemophilia. Ở đây anh được điều trị miễn phí, đồng thời hỗ trợ các bác sĩ viết phần mềm quản lý và phân tích số liệu về tình hình người bệnh hemophilia. Được điều trị đầy đủ, sức khỏe anh dần dần hồi phục. Nỗi sợ hãi qua đi, niềm tin lại trở lại với anh. Khi sức khỏe tốt hơn, anh xin được việc và bắt đầu đi làm. Anh tranh thủ sắp xếp thời gian vừa điều trị, vừa đi làm, nhiều khi bị chảy máu nhưng anh vẫn cố chịu đau đớn để làm nốt công việc sau đó mới vào viện.
Hiện nay, anh có một gia đình nhỏ ấm áp với người vợ luôn thấu hiểu bệnh của chồng và có hai con khỏe mạnh. Anh vẫn thường nói với các con anh: "Cuộc sống của bố bắt đầu từ Trung tâm Hemophilia, bố được chữa trị ở đây, có cơ hội làm việc đầu tiên cũng ở đây, có được cuộc sống gần như bình thường là nhờ các bác sĩ ở Viện Huyết học - Truyền máu TW. Nếu như chỉ nói lời cảm ơn với các bác sĩ thì thực sự không thể đủ".
Năm 2019 cũng là năm đánh dấu những bước phát triển mới của Bệnh viện, trở thành cơ sở điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu lớn nhất cả nước, được người bệnh và nhân dân tin tưởng. Từ chỗ chỉ có một đơn nguyên lâm sàng là Phòng Bệnh máu với 35 giường bệnh, sau 35 năm Viện đã có 8 đơn vị lâm sàng, số lượng người bệnh điều trị nội trú luôn duy trì từ 1.200 - 1.300 người mỗi ngày. Năm 2019, bệnh nhân đến khám là 154.829 lượt (gấp trên 41 lần so với năm 2004), bệnh nhân điều trị nội trú là 41.480 lượt (gấp trên 12 lần so với năm 2004). Đối với nhóm bệnh máu di truyền như hemophilia, thalassemia (tan máu bẩm sinh), Viện đã nỗ lực, tìm mọi cách nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, kết nối, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh...
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định: "Việc mở thêm một điểm hiến máu cố định trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân tham gia hiến máu, kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và Tết nguyên đán sắp đến. Điểm hiến máu cũng sẽ phát huy được lợi thế của Hà Nội với địa bàn có dân số đông, tập trung ở khu vực nội thành, có tiềm năng lớn về nguồn người hiến máu. Thêm một địa chỉ hiến máu là thêm cơ hội và sự lựa chọn về thời gian, địa điểm để mỗi người dân có thể hiến máu nhắc lại thường xuyên, nhờ đó giúp phong trào hiến máu phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, bền vững".
QUỲNH HOA
Theo baovanhoa
Mẹ mang gene bệnh tan máu bẩm sinh có thể sinh con khỏe mạnh Nhiều cặp vợ chồng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh đã sinh con khỏe mạnh nhờ chẩn đoán trước chuyển phôi. Cha mẹ những bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh luôn mong mỏi sinh được đứa con khỏe mạnh. Ảnh: Công Thắng Trong những năm gần đây, nhiều cặp vợ chồng mang gene bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) đã...