Đường đến châu Âu của cô gái xứ Thanh
Từ vùng quê nghèo Thanh Hóa, Lê Thanh Huyền đã chủ động kết nối, tìm kiếm học bổng du học và hiện làm việc trong tập đoàn hàng đầu thế giới.
Lê Thanh Huyền, 37 tuổi, hiện là Marketing Specialist của Phòng Marketing, Công ty Asahi Kasei Medical Europe, một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Huyền đồng sáng lập trang song ngữ Anh – Việt, với các khách mời Việt Nam và thế giới – Beyond Trà Đá Podcast và Joylists. Huyền chia sẻ kinh nghiệm về việc học, xin học bổng và định hướng công việc cho các bạn trẻ.
Tôi sinh ra ở ngôi làng nhỏ ở Thanh Hóa, trong gia đình nghèo có bố mẹ làm nông. Mẹ mất lúc tôi 13 tuổi. Đến tận bây giờ, quê tôi vẫn chưa có máy rút tiền tự động.
Tôi học ở Đại học Hà Nội khóa 2003-2007, được một công ty Nhật tuyển vào chương trình đào tạo của họ, được đưa sang Trung Quốc học việc. Do công việc không phù hợp, tôi chuyển sang làm cho một số công ty khác ở Việt Nam. Tôi có cơ hội nhận được một công việc tốt ở Singapore và chuyển sang đó làm.
Khi đang làm ở Singapore, tôi nhận học bổng 75% MBA của trường Vlerick Business School ở châu Âu và hai thư mời nhận việc khi gần tốt nghiệp từ công ty ở Bỉ và Đức. Tôi chọn công việc ở Đức, làm ở phòng Marketing cho Công ty Asahi Kasei Medical Europe.
Nhờ lợi thế visa công việc thuộc diện Blue card Program (chương trình do Đức đề xuất cho Liên minh châu Âu nhằm thu hút người có trình độ về châu Âu làm việc với điều kiện mức lương nhận được cao hơn mức lương trung bình ở nước đó), sau khi ở Đức hai năm và thi bằng tiếng Đức, tôi đã có thẻ thường trú vô thời hạn (Permanent Resident).
Khi nói chuyện với bất kỳ ai ở đây, tôi đều nhận được câu hỏi: Tại sao có thể ở vị trí của mình ngày hôm nay khi xuất phát điểm như vậy?
Thanh Huyền hiện sống và làm việc tại Frankfurt. Ảnh: NVCC .
Có nhiều yếu tố, với tôi trước hết là sự tự tin vào chính mình và có mentor (cố vấn, những người có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn) nhiệt tâm. Hai yếu tố này thường đi song hành. Vậy làm thế nào để xây dựng sự tự tin vào bản thân và tìm được mentor phù hợp?
Mentor đầu tiên (trong số 4 mentor) của tôi là ông Eric, người Mỹ. Ông là quản lý cao cấp cho Merrill Lynch (hiện thuộc Bank of America). Trở thành triệu phú khi còn trẻ, đến tầm 40 tuổi ông đã về hưu và cùng vợ du lịch vòng quanh thế giới rồi quyết định xây dựng dự án làm từ thiện ở Việt Nam.
Chương trình của vợ chồng ông Eric (và những người ông kêu gọi hỗ trợ từ New York) đã cung cấp học bổng cho hàng nghìn học sinh, sinh viên khó khăn ở Việt Nam, từ bậc tiểu học đến khi học xong đại học. Năm nào, ông Eric cũng sang Việt Nam phỏng vấn từng học sinh cho chương trình.
Tôi có cơ hội gặp ông khi công ty cũ ở Việt Nam cùng tham gia dự án từ thiện. Khi nghe về ông, tôi thấy vô cùng ngưỡng mộ. Tôi nhận ra trên xe dù có rất nhiều người, song ông Eric ngồi một mình vì không ai dám nói chuyện. Ông nhìn khó gần và có vẻ mọi người sợ nên không dám bắt chuyện.
Tôi chỉ nghĩ đó là người mình muốn học hỏi nên chủ động chào ông và bắt chuyện. Trong mấy ngày tham gia dự án, tôi và ông nói chuyện về quá trình học tập của tôi, về định hướng công việc của giới trẻ, những dự án ông đã làm.
Từ đó, tôi email hỏi ông những lúc cần lời khuyên, ví dụ có nên đi học MBA khi đang có một công việc rất tốt ở Singapore không, nên chọn công việc ở Bỉ hay ở Đức, hay khi tôi bắt đầu dự án start up bên Đức. Ông đã tìm và giới thiệu cho tôi một người làm một start up tương tự bên Mỹ để chia sẻ kinh nghiệm.
Tôi đã làm tất cả bởi bắt đầu từ suy nghĩ “Tôi đủ tốt, đủ giỏi – I am good enough”. Tôi không sợ nói chuyện với ông vì đơn giản không so sánh mình với ông và không nghĩ rằng mình không đủ giỏi, không đủ thông minh, mình quá thua kém…
Dù bố mẹ tôi làm nông và có bất cập nhất định trong việc giáo dục con cái, một điều tôi mới nhận ra gần đây và vô cùng trân trọng đó là tôi luôn được nghe rằng “Con đủ giỏi, đủ tốt – I am good enough, do đó uớc mơ để đạt được điều muốn là lẽ đương nhiên”. Điều này vô tình biến tôi thành con người tự tin vào bản thân, tin rằng cứ cố gắng sẽ đạt được điều mình muốn, cứ hỏi sẽ có người giúp…
Người Việt mình luôn nghĩ phải khiêm tốn, tuy nhiên nhiều khi ranh giới giữa sự khiêm tốn và thiếu tự tin là rất mong manh.
Video đang HOT
Huyền trong buổi đầu học lái xe ở Đức hồi tháng 2. Ảnh: NVCC .
Khiêm tốn hay thiếu tự tin?
Tôi có người cháu năm ngoái thi lên THPT. Tôi đã không ở Việt Nam lâu năm nên chỉ nói chuyện với bé qua điện thoai. Lần nào tôi hỏi việc học hành, bé cũng bảo cháu học bình thường, không tốt lắm, không dám mơ thi vào đại học mong muốn vì sợ rớt… Tôi tin là vậy, sau đó ngạc nhiên khi biết bé đỗ cấp 3 và nằm trong top 5 điểm cao nhất trường.
Nói chuyện mới vỡ lẽ bé rất thiếu tự tin, luôn nghĩ mình không đủ giỏi, không dám mơ cao. Khi nhận ra điều này, trong năm qua tôi tập trung nói chuyện để bé hiểu rằng chính sự thiếu tự tin đó đang kéo hẹp ước mơ của bé lại. Cuối cùng bé đã quyết định thi vào trường mong muốn…
Tôi nhận ra đây là điểm yếu nhiều bạn trẻ Việt mắc phải. Các bạn thiếu tự tin khi ra cộng đồng quốc tế, khi không có những thế mạnh như người bản địa. Tuy nhiên, thay vì nhìn theo hướng đó, bạn có thể nhìn ra mình có những thế mạnh mà người khác không có. Bạn có kinh nghiệm ở châu Á, bạn có sự năng động của Việt Nam – một trong những nước với nền kinh tế tăng trưởng nhanh đáng nể, có lịch sử bề dày của một nền văn hóa chú trọng vào học tập, có chí tiến thủ…
Và còn nhiều điều khác nữa. Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề là phương pháp hữu hiệu để trở nên tự tin hơn.
Tôi cũng có những lúc thấy choáng ngợp bởi môi trường xung quanh, cũng bị những phút nghi ngờ bản thân. Ví dụ khi đến lớp MBA với 90% thành viên là các bạn nam cá tính mạnh, bạn nào cũng thông minh, giỏi giang. Hay những ngày đầu tiên đi làm bên Đức khi tôi không có một người bạn, người thân nào và không nói được một câu tiếng Đức.
Việc đó là bình thường, điều quan trọng là không để bản thân chìm đắm trong tình trạng đó quá lâu. Nên nhớ rằng: “Doubt kills more dreams than failure ever will” – Sự nghi ngờ bản thân giết chết nhiều ước mơ hơn là sự thất bại.
Giáo sư Marco Abbiati thông tin về hệ thống giáo dục, văn bằng của Italy
Luật hiện hành ở Italy rất chặt chẽ, mỗi khóa đào tạo Cử nhân hay Thạc sĩ đều được định danh bằng một mã số với số tín chỉ tương ứng là 180 và 120.
Dự án Recoasia là dự án Erasmus KA2 nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nhận chứng chỉ, văn bằng quốc gia giữa các cơ sở giáo dục đại học và Trung tâm NARIC của Châu Á với các nước thuộc Châu Âu. Tham gia dự án có 5 đối tác Châu Âu và 15 đối tác Châu Á (Việt Nam, Thái Lan, Mông Cổ, Campuchia, Srilanka) trong số đó bao gồm Trường Đại học Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu thuộc dự án Erasmus RecoAsia đã tiến hành phỏng vấn Giáo sư Marco Abbiati - Giảng viên Đại học Tổng hợp Bologna (trường đại học đầu tiên của châu Âu) và hiện đang là Tùy viên khoa học tại Đại sứ quán Italy ở Hà Nội - về một số vấn đề thuộc dự án có liên quan đến hệ thống giáo dục đại học và văn bằng của Italy nói riêng và của các nước EU nói chung.
Giáo sư Marco Abbiati. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xin chào Giáo sư.
Giáo sư Marco Abbiati : Vâng, xin chào các bạn đồng nghiệp ở Trường Đại học Hà Nội.
Như Giáo sư đã biết, trước đây thị trường các nước nói tiếng Anh là lựa chọn số một cho sinh viên du học ở các bậc đào tạo khác nhau nhưng trong mười năm trở lại đây, du học ở các nước EU nói chung và Italy nói riêng đã trở nên phổ biến hơn.
Để thị trường EU và Italy hấp dẫn hơn với người học, chúng tôi thấy cần giới thiệu rõ hơn về hệ thống giáo dục đại học của các nước trong Khu vực Giáo dục đại học châu Âu. Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ lần này ở Việt Nam, Ngài có thể cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi xin phép được bắt đầu với hệ thống giáo dục đại học của Italy.
Hệ thống giáo dục đại học của Italy có những khóa học cấp bằng nào và các loại bằng đó là gì, thưa Giáo sư?
Giáo sư Marco Abbiati: Trước đây hệ thống giáo dục đại học của Italy có hai khóa đào tạo cấp bằng là Diploma Universitario (thời gian đào tạo 2-3 năm) và Diploma di Laurea (thời gian đào tạo 4-6 năm). Hiện nay, những văn bằng này được gọi là văn bằng theo hệ giáo dục đại học cũ. Kể từ khi tham gia Tiến trình Bologna (1999), hệ thống giáo dục đại học của Italy được chia thành 3 chu kỳ/giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Laurea Triennale - Đại học (kéo dài 3 năm): 180 ECTS (tín chỉ châu Âu)
- Giai đoạn 2: Laurea Magistrale - Thạc sĩ (kéo dài 2 năm): 120 ECTS
- Giai đoạn 3: Dottorato di Ricerca - Tiến sĩ (kéo dài ít nhất 3 năm)
Người học sau khi hoàn thành chương trình của giai đoạn 1 sẽ được cấp Bằng Đại học (Laurea) và được công nhận học vị Cử nhân (Dottore), hoàn thành giai đoạn 2 sẽ được cấp Bằng Thạc sĩ (Laurea Magistrale/ Laurea Specialistica/ Laurea a Ciclo Unico) và được công nhận học vị Thạc sĩ (Dottore Magistrale).
Bên cạnh đó, còn có một loại văn bằng thứ ba (kết hợp cả Laurea Triennale và Laurea Magistrale) mang tên Laurea a Ciclo Unico, chỉ áp dụng cho một số ngành như Y, Dược, Luật, Kiến trúc, với tổng thời lượng 300 ECTS và kéo dài 5 năm liên tục sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, người học có thể tiếp tục giai đoạn 3 và hoàn thành giai đoạn này sẽ được cấp Bằng Tiến sĩ (Dottorato di Ricerca) và được công nhận học vị Tiến sĩ (Dottore di Ricerca).
Giáo sư Marco Abbiati chụp ảnh lưu niệm với giáo viên và sinh viên của Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia và Phát triển hợp tác - Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Trong quá trình triển khai dự án RecoAsia, chúng tôi thấy có nhiều loại văn bằng khác nhau như Diploma di Master universitario di I livello (MUI), Diploma di Master universitario di II livello (MUII), Diploma di Specializzazione. Vậy Ngài có thể giải thích rõ sự khác biệt giữa những văn bằng này?
Giáo sư Marco Abbiati : Ngoài 3 khóa học cấp bằng chính thức như tôi vừa đề cập, các trường đại học ở Italy còn tổ chức một số lượng có hạn các khóa đào tạo nâng cao kiến thức chuyên ngành.
Để mở một khóa đào tạo cấp bằng, các cơ sở giáo dục đại học phải được CUN - Hội đồng giáo dục đại học quốc gia Italy - và Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Italy thông qua, cấp mã ngành và chịu kiểm định quốc gia định kỳ.
Một góc trường đại học Bologna. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Các trường đại học có thể mở các khóa đào tạo khác nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành nhưng chứng chỉ của những khóa học này không tương đương với bất cứ văn bằng nào. Master Universitario là một ví dụ.
Đây là chứng chỉ của những khóa học định hướng nghề do các trường đại học tự mở (hoặc liên kết với doanh nghiệp) và tự chịu trách nhiệm về chương trình đào tạo.
Những khóa học này có thời gian đào tạo từ một đến vài năm, do cơ sở đào tạo tự kiểm tra chất lượng, mà không chịu sự kiểm định quốc gia. Master Universitario gồm hai loại: MUI (điều kiện đầu vào là bằng Đại học - Laurea Triennale), và MUII (điều kiện đầu vào thường là bằng Thạc sĩ- Laurea Magistrale).
Sau khi hoàn thành những khóa học này, người học được cấp chứng chỉ gọi là Diploma di Master nhưng không được công nhận bất kỳ học vị nào. MUI không tương đương với bằng Thạc sĩ và không thể là điều kiện để học lên giai đoạn cao hơn, dù nằm ở chu kỳ 2 và khung trình độ 7.
Tương tự như vậy, dù nằm ở chu kỳ 3 và khung trình độ 8 nhưng MUII không tương đương với bằng Tiến sĩ và chỉ được xem như một khóa học bổ trợ, cung cấp cho người học thêm kiến thức chuyên ngành.
Như vậy ở đây có sự hiểu lầm với thuật ngữ "Master" trong hệ thống giáo dục của các nước nói tiếng Anh. Vậy làm thế nào để không bị nhầm lẫn khi công nhận văn bằng, đặc biệt với những văn bằng trong hệ thống giáo dục của Italy có sử dụng từ này?
Giáo sư Marco Abbiati : Nhầm lẫn chỉ có thể xảy ra trong quá trình dịch văn bằng. Luật hiện hành ở Italy rất chặt chẽ, mỗi khóa đào tạo Cử nhân hay Thạc sĩ đều được định danh bằng một mã số với số tín chỉ tương ứng là 180 và 120. MUI và MUII không được cấp mã ngành đào tạo và thường có số tín chỉ không cố định.
Trên trang web của các cơ sở giáo dục đại học đều có thông tin mô tả rõ về khóa học, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, yêu cầu đầu vào, văn bằng được cấp, thậm chí cả phụ lục văn bằng. Tất cả các khóa đào tạo Cử nhân - Laurea Triennale của Italy đều có mã ngành bắt đầu bằng chữ L (ví dụ CLASSE L01: Cử nhân về Di sản văn hóa) trong khi khóa đào tạo Thạc sĩ - Laurea Magistrale có mã ngành là LM (ví dụ CLASSE LM49 - Thạc sĩ về Quản lý hệ thống du lịch văn hóa).
Thưa Giáo sư, vậy MUII và Diploma di Specializzazione giống nhau và khác nhau ở điểm nào và có tương đương với bằng Tiến sĩ hay không?
Giáo sư Marco Abbiati: Điểm giống nhau là ba khóa đào tạo này đều ở chu kỳ 3, khung trình độ 8, với điều kiện đầu vào là bằng Thạc sĩ - Laurea Magistrale. Tuy nhiên MUII và Diploma di Specializzazione chỉ là chứng chỉ đào tạo theo định hướng nghề, không hề tương đương với bằng Tiến sĩ - Dottorato di Ricerca.
Ngoài ra, khóa đào tạo cấp Diploma di Specializzazione là do các trường đào tạo chuyên ngành (trực thuộc các trường đại học) tổ chức và chỉ mở cho các ngành như Y, Kiến trúc, Di sản văn hóa, Tâm lý học... và kéo dài ít nhất hai năm thay vì ít nhất một năm như đối với MUII.
Trường đại học Bologna. Ảnh: Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Italia cung cấp
Italy là quốc gia nổi tiếng về âm nhạc, hội họa, múa, thời trang.... và nhu cầu học các ngành nghệ thuật này mỗi năm một tăng cao. Các ngành này đều có quá trình đào tạo dài hơi, vậy bằng cấp của các ngành này sẽ được công nhận như thế nào?
Giáo sư Marco Abbiati : Italy và các nước trong Khu vực Giáo dục đại học châu Âu có hệ thống AFAM. Các trường thuộc hệ thống AFAM thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sản xuất trong các lĩnh vực nghệ thuật như: visual art (nghệ thuật thị giác bao gồm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết kế...) âm nhạc, múa và kịch.
Hiện tại, hệ thống này gồm 145 trường trong đó có 82 trường công lập và 63 trường ngoài công lập. Văn bằng do các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống AFAM cấp tương đương với văn bằng trong hệ thống đào tạo tín chỉ và gồm 3 giai đoạn của Tiến trình Bologna. Tuy nhiên do tính đặc thù của khối ngành này, giữa các cơ sở đào tạo sẽ có quy định khác nhau về điều kiện đầu vào và chương trình đào tạo.
Giờ chúng tôi đã hiểu rõ các khái niệm về hệ thống giáo dục cũng như văn bằng của Italy. Xin phép hỏi Ngài một câu hỏi cuối cùng: Ngài có lời khuyên gì với sinh viên Việt Nam muốn du học ở Italy?
Giáo sư Marco Abbiati: Các bạn cần xác định rõ mục đích trước khi đi du học. Khóa học nào cũng để có kiến thức nhưng có khóa học sẽ cung cấp kiến thức chuyên ngành định hướng nghề nghiệp như MUI, MUII, còn để có văn bằng được công nhận học vị các bạn cần chọn các khóa đào tạo Cử nhân (Laurea triennale), Thạc sĩ (Laurea Magistrale/ Laurea Magistrale a Ciclo Unico/ Laurea Specialistica) và Tiến sĩ (Dottorato di Ricerca). Tôi hy vọng qua những giải thích của mình, các bạn trẻ sẽ tự tin để lựa chọn đất nước của chúng tôi và các khóa học đúng với mục tiêu và kỳ vọng.
Xin chân thành cảm ơn Ngài về những thông tin quý báu mà Ngài đã cung cấp. Chúng tôi tin tưởng rằng sự đóng góp của Ngài sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Italy trong lĩnh vực giáo dục nhất là giáo dục đại học. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ phía Ngài và Đại sứ quán Italy tại Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án nói riêng cũng như trong việc thực hiện quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung.
Giáo sư Marco Abbiati: Cảm ơn các bạn đã tạo điều kiện cho tôi được thực hiện một trong những nhiệm vụ của Tùy viên Khoa học và tôi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ bất kỳ khi nào các bạn cần.
Đạt 9.0 IELTS cũng không phải là tài năng "IELTS chỉ là một bài thi không hơn không kém. Và mỗi năm thế giới có đến hàng trăm nghìn người đạt được năng lực tiếng Anh IELTS ở nhiều mức độ khác nhau. Giữa IELTS và tài năng không liên quan gì đến nhau cả". - TS Phạm Hiệp nhấn mạnh. TS. Phạm Hiệp, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát...