Đừng chủ quan khi bị đau đầu
Những cơn đau đầu thoáng qua hoặc lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u não, tăng áp lực sọ não, dị dạng mạch máu, thần kinh.
Điều đặc biệt nguy hiểm là chứng đau đầu ở trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ trẻ bị đau đầu đến khám tại các khoa thần kinh khoảng trên 10%.
Dễ bị bỏ qua
Theo bác sĩ Dương Đình Phúc, Trưởng khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 354, đau đầu là một biểu hiện của rất nhiều loại bệnh khác nhau do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân cơ năng (hay không có tổn thương) thường xảy ra ở người trẻ, khi làm việc căng thẳng, lo lắng quá mức hoặc do thời tiết, đau đầu vận mạch, đau đầu do co cứng cơ…
Video đang HOT
Đau đầu do nguyên nhân trong hộp sọ thường do xuất huyết não, tụ máu dưới màng cứng mạn tính ở người già, xuất huyết dưới nhện, tắc mạch não cấp, các viêm nhiễm của não – màng não, các khối u trong não, các bệnh của hệ động mạch não như phình tách, túi phồng do dị dạng hay do xơ vữa.
Những cơn đau đầu thoáng qua hoặc lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u não, tăng áp lực sọ não, dị dạng mạch máu, thần kinh.
Đối với trẻ em, nguyên nhân hàng đầu của đau đầu ở trẻ là viêm đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên (mũi, họng, hầu, thanh quản, xoang, tai…) hoặc do bệnh ở thần kinh trung ương như viêm não, u não, não úng thủy, tăng áp lực sọ não. Đau đầu do viêm tai, hoặc có thể do bệnh ở răng. Ở trẻ nhỏ còn có thể gặp bệnh đau nửa đầu do rối loạn vận mạch (hội chứng Migraine).
Đây là bệnh được xếp vào tốp 5 bệnh hàng đầu hay gặp ở trẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sau bệnh hen suyễn, dị ứng, béo phì và trầm cảm. Trong một số trường hợp do bị dị dạng mạch máu (động mạch, tĩnh mạch) cũng có thể gây nên chứng đau đầu.
Chú ý đến trẻ nhỏ
Khi trẻ kêu đau đầu, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm và xem xét các biểu hiện kèm theo. Cần cặp nhiệt độ cho trẻ xem có bị sốt không, hỏi xem trẻ có đau họng, đau răng, đau nhói trong tai hay không. Bên cạnh đó xem trẻ có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc màu da của trẻ có thay đổi không (xuất huyết, sung huyết, nổi mẩn…).
Cũng cần hỏi xem trẻ có buồn nôn và có bị nôn lần nào không. Cha mẹ cũng cần hỏi xem hằng ngày ngồi học trên lớp có thấy mỏi mắt, nhức đầu khi nhìn vào các chữ, số trên bảng và nhìn có rõ nét không. Khi đã biết được các thông tin nghi có liên quan đến chứng đau đầu của trẻ, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Cần đặc biệt chú ý những cơn đau đầu có biểu hiện bất thường như: Đau đầu dữ dội, dai dẳng, đau đầu kèm buồn nôn, sốt cao, đau đầu kèm đau khối cơ vùng gáy, đau đầu kèm giảm hoặc mất thị lực, thính lực. Đau đầu ở bệnh nhân tuổi trên 50, ở người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu tăng, đau đầu nhiều ở người có bệnh tim, người đang phải dùng các thuốc chống đông cho van tim nhân tạo… đau đầu ở người có tiền sử hoặc đang điều trị viêm tai giữa, viêm tai xương chũm.
Khi có biểu hiện đau đầu khác thường, nên đến bệnh viện để khám cụ thể, chứ không nên vội quy cho đau đầu do “thời tiết” hay do “hội chứng tiền đình”.
Theo VNE