Đừng bỏ qua! Cá rô đồng có thể làm thuốc chữa bệnh theo những cách siêu dễ này
Không đơn giản là món ăn ngon, khoái khẩu, thực tế thì cá rô đồng còn có thể được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh từ xa xưa mà chúng ta vẫn vô tình bỏ qua.
Cá rô đồng không chỉ được sử dụng trong ăn uống đơn thuần
Cá rô đồng là loài cá nước ngọt, sống phổ biến ở các ao, ruộng lúa, sông rạch… Chúng có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên 2 hàm.
Cá rô đồng là loài cá nước ngọt, sống phổ biến ở các ao, ruộng lúa, ao đìa, sông rạch…
Cá rô đồng có lẽ là loài cá rất quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Ở làng quê, chuyện đi câu cá rô đồng về nhà, rán lên ăn giòn giòn, hay luộc cá nấu canh bánh đa thơm ngon… có lẽ đã từng quá quen thuộc với nhiều người. Nhưng bạn có biết cá rô đồng, ngoài việc là món ăn ngon, còn có thể được sử dụng làm thuốc chữa bệnh?
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, cá rô có vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng bổ ích cho tỳ vị, chữa chứng tràng phong hạ huyết ích khí lực, lợi gân xương, làm cho người cảm thấy khỏe khoắn, bớt đau đầu nhức mỏi…
Cá rô có vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng bổ ích cho tỳ vị, chữa chứng tràng phong hạ huyết ích khí lực…
Cá rô đồng là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong 100g thịt cá rô có chứa nước 74,2g, protein 19,1g, lipid 5,5g, tro 1,2g, các chất khoáng vi lượng như can xi 16,4mg, phốt pho 151,2mg, Fe 0,25mg, vitamin B1 (thiamin) 0,01mg, B2 (riboflavin) 0,1mg, axit nicotinic 1,9mg, cung cấp 126kcal cho cơ thể.
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng cá rô đồng để chế biến thành món ăn có tác dụng tăng cường sức khỏe, chữa bệnh. Cá rô đồng nấu rau cải, đập thêm chút gừng tươi sẽ là món ăn thanh đạm, bổ dưỡng lại giúp bồi bổ khí huyết, rất tốt cho người mới ốm dậy, cá rô đồng nấu bánh đa chữa cảm mạo, đầy bụng, khó tiêu…
Từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng cá rô đồng để chế biến thành món ăn có tác dụng tăng cường sức khỏe, chữa bệnh.
Món ăn chữa bệnh từ cá rô đồng
Video đang HOT
Theo chuyên gia, bạn có thể sử dụng cá rô đồng để chế biến thành những món ăn, bài thuốc dễ làm lại có tác dụng cực tốt như sau:
- Suy khí huyết, cơ thể gầy yếu, cảm lạnh, nôn mửa, ăn uống không tiêu: Cá rô đồng 200g, rau cải xanh 500g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ. Đem cá rô sơ chế sạch, đánh vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang, rửa sạch nhớt. Đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc với gừng, chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá đem giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước (lọc bằng nước luộc cá sẽ thơm ngon hơn). Rau cải đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm. Đun sôi nước cá, cho cải xanh vào nấu, gần chín cho thịt cá vào nấu chín, nêm gia vị vừa miệng. Ăn khi nóng.
Cá rô đồng bổ khí huyết, rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể.
Hoặc bạn có thể sử dụng cá rô đồng nấu với hành củ và rau răm, canh cá rô nấu miến (cá rô nấu với miến, nấm hương, hành củ, rau răm) cũng có tác dụng bổ huyết, tốt cho người bị suy nhược.
- Hỗ trợ điều trị bệnh gút: Cá rô đồng 2 – 3 con làm sạch, lá lốt 30g rửa sạch, củ cải 100g thái lát, nghệ 1 – 2 lát, gia vị vừa đủ. Cho tất cả vào nồi thêm nước xâm xấp, đun lửa nhỏ om đến khi nhừ là được.
- Trẻ nhỏ nóng nhiệt, chậm lớn: 3-5 con cá rô đồng, 100g đậu xanh, 100g gạo tẻ. Luộc cá rô đồng chín, gỡ lấy thịt, phi dầu hành và gia vị cho thơm. Gạo vo sạch nấu thành cháo, sau đó cho cá và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Ăn cá rô đồng cũng có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, chữa ho…
- Thanh nhiệt, chữa ho đờm vàng: Cá rô đồng 3 – 5 con, rau má 150g. Cách làm: Cá rô nướng gỡ lọc lấy thịt, xương cá giã nhuyễn lọc để lấy nước vừa đủ. Rau má rửa sạch, thái nhỏ. Đun sôi nước cá, cho rau má vào, thêm vài lát gừng, gia vị cho vừa miệng và thưởng thức.
- Chữa phong thấp, nhức mỏi xương khớp: Cá rô đồng 3 – 5 con, rau nhút 150g. Cá rô luộc hoặc nướng gỡ lấy thịt, nước luộc cá và xương xay nhuyễn lọc lấy nước nấu sôi cho rau nhút, thêm củ sen, khoai sọ gia vị gừng mắm muối vừa đủ nấu canh ăn.
- An thần, nhuận tràng, cực tốt cho người ăn ngủ kém, suy nhược thần kinh, táo bón: Cá rô 200g, rau nhút 200g. Cách làm: Cá làm sạch, luộc chín, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá đem giã nhỏ, lọc lấy nước nấu chung với nước luộc cá. Rau nhút 300g, bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, cắt khúc. Nấu nước cá sôi, cho thịt cá vào, đến khi sôi lại thì cho rau nhút vào, nêm gia vị, canh sôi lại là được. Ăn nóng với cơm.
Theo Helino
Hạt sen ngon, bổ nhưng khi ăn không được bỏ qua những lưu ý này nếu không muốn hại thân
Hạt sen được dùng để chăm sóc sức khỏe và làm đẹp rất hiệu quả nhưng điều quan trọng là bạn cần phải sử dụng đúng cách.
Hạt sen và những lợi ích không thể bỏ qua
Vào mùa hè, không còn gì tuyệt vời hơn khi được sử dụng hạt sen nấu chè, nấu cháo ăn giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, hạt sen có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cổ tinh.
Nhiều nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, hạt sen chứa nhiều tinh bột (60%), đường raffinose, 1% chất đạm, 2% chất béo và có một số chất khác như canxi, phốt pho, sắt, lotusine, demethyl coclaurine, liensinine, isoliensinine.
Hạt sen có vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường, cổ tinh.
Trong hạt sen còn có bộ phận nữa chính là tâm sen, cũng có tác dụng không kém. Tâm sen hay còn gọi là tim của hạt sen có tên gọi trong Đông y là Liên tử tâm, tên vị thuốc là Liên tâm. Bộ phận dùng làm thuốc là tâm của hạt sen. Tâm sen nằm trong các hạt sen cũng được sử dụng trong y học truyền thống châu Á như là một loại thuốc có tác dụng an thần và thanh nhiệt. Về thành phần hóa học, tâm sen có chứa Alcaloid, flavonoid, axit amin.
Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy tâm sen (mầm) nằm giữa hạt sen có vị đắng tính hàn, tác dụng thanh tâm khử phiền, chỉ huyết sáp tinh. Dùng làm thuốc được ghi trong sách "Thực tính bản thảo" (đời cuối nhà Đường).
Trong hạt sen còn có bộ phận nữa chính là tâm sen, cũng có tác dụng không kém.
"Tâm sen có vị đắng, tính hàn, vào kinh tâm, có công năng thanh tâm hỏa, trấn kinh, an thần, gây ngủ, bình can hạ áp, có tác dụng thanh nhiệt, dùng khi ôn nhiệt tà nhiệt, tâm phiền bất an, bất ngủ, cao huyết áp", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
Mặc dù vậy, làm thế nào để sử dụng hạt sen đem lại nhiều lợi ích sức khỏe thì không phải là vấn đề ai cũng nắm rõ.
Lưu ý không được bỏ qua khi sử dụng hạt sen
Không bỏ tâm sen khi muốn sử dụng hạt sen chữa bệnh mất ngủ
Theo lương y Bùi Hồng Minh, hạt sen phải kết hợp với tâm sen mới phát huy tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa chứng suy nhược thần kinh, chữa mất ngủ cũng như công dụng an thần. Nếu hạt sen bỏ đi tâm sen thì không có tác dụng trong vấn đề này nữa. Khi đó, hạt sen chỉ có tác dụng kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa mà thôi.
Hạt sen phải kết hợp với tâm sen mới phát huy tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa chứng suy nhược thần kinh, chữa mất ngủ cũng như công dụng an thần.
Tâm sen trong hạt sen sử dụng trong thời gian dài không tốt cho người bị hư nhiệt
Theo lương y Bùi Hồng Minh, mặc dù tâm sen rất tốt nhưng những người bị hư nhiệt không nên dùng nhiều. Về lâu dài, bạn có thể bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Đặc biệt là sử dụng tâm sen về lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng sinh lý, cụ thể nhất chính là suy giảm ham muốn tình dục.
Những người bị âm hư không nên dùng, mặc dù uống vào vẫn ngủ được. Bởi lẽ, chỉ ít lâu sau, bạn sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường và tắc tĩnh động mạch, phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt. Hàm lượng alkaloid trong tâm sen rất cao, có tác động dược lực mạnh và ảnh hưởng đến sức khỏe tim, do đó liều dùng rất quan trọng và đặc biệt không sử dụng lâu dài.
Hạt sen không dùng cho những người bị bệnh tim mạch bởi trong tâm sen có chứa độc tính alkaloid.
Không dùng hạt sen cho người mắc bệnh tim mạch
Hạt sen không dùng cho những người bị bệnh tim mạch bởi trong tâm sen có chứa độc tính alkaloid. Vì tâm sen có chứa độc tính nên muốn sử dụng làm thuốc trước tiên phải khử độc rồi mới dùng. Có thể khử độc bằng cách sao tâm sen ngả màu vàng nhưng không cháy để độc tố thoát hết ra ngoài.
Cần chú ý liều dùng và không nên dùng lâu dài hạt sen. Vì vậy, những người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen nhất thiết phải bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.
Những người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen nhất thiết phải bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.
Không dùng hạt sen khi bị rối loạn tiêu hóa
Trong Đông y, hạt sen có tính bình, không độc nên nếu dùng hạt sen đúng cách hoặc với lượng vừa phải sẽ có tác dụng kiện tỳ - kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều thì hạt sen có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Bởi vì trong hạt sen có chứa nhiều vitamin và các khoáng chất nên khi đang bị rối loạn tiêu hóa sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng hấp thu khó khăn hơn.
Chuyên gia lưu ý thêm, hạt sen cũng là một vị thuốc trong Đông y. Do đó, khi sử dụng nhất thiết không được lạm dụng, nên tham khảo ý kiến chuyên gia Đông y trước khi sử dụng hạt sen để phát huy tác dụng sức khỏe tốt nhất.
Theo Helino
Điểm danh 5 "ông lớn" quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 298 triệu đồng với 5 công ty có hành vi sản xuất, quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y...