Dồn điểm lẻ, sáp nhập trường học: Cốt lõi là sự đồng thuận của người dân
Sáp nhập cơ sở nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng là mục tiêu của địa phương, kỳ vọng của ngành GD và người dân.
Trường Mầm non Tân Tú được đầu tư, xây dựng khang trang đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, dồn dịch, sáp nhập chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện trên nguyên tắc: Lấy sự đồng thuận của nhân dân làm cốt lõi, hiệu quả là mục tiêu thực hiện.
Chuyển biến sau sáp nhập
Tháng 1/2020, Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) được sáp nhập từ 3 trường mầm non công lập gồm: Thanh Bính, Trường Thành và Hợp Đức. Cô Phạm Thị Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một năm sau sáp nhập, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Trường đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I và đạt kiểm định chất lượng mức độ II.
“Đáng nói, chủ trương sáp nhập tạo được sự đồng thuận của toàn thể nhân dân cũng như phụ huynh học sinh, nên mọi hoạt động giáo dục của nhà trường được chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh đồng tình hưởng ứng, tích cực hỗ trợ” – cô Mai cho biết, đồng thời khẳng định: Nhờ sáp nhập, các nguồn lực đầu tư cho nhà trường có trọng tâm. Năm 2020, nhà trường được đầu tư xây dựng khu vui chơi có mái vòm, khu trải nghiệm của trẻ và làm mới nhà để xe của cán bộ, giáo viên.
Nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, từ năm 2017, UBND huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) thực hiện sáp nhập một số cơ sở giáo dục. Riêng năm 2017, sáp nhập 6 cơ sở giáo dục thành 3 cơ sở. Năm học 2019 – 2020, huyện sáp nhập 2 trường mầm non: Tân Tiến và Tú Trĩ thành Trường Mầm non Tân Tú. Trưởng phòng GD&ĐT Đặng Hữu Dương cho biết: Chủ trương sáp nhập đã giúp huyện tập trung nguồn lực để đầu tư hiệu quả hơn. Trường Mầm non Tân Tú, sau sáp nhập được đầu tư cơ sở vật chất khang trang: Xây mới 4 phòng học, xây dựng sân trường và các công trình phụ trợ khác.
“Trước khi Trường Mầm non Tân Tú được sáp nhập, huyện muốn đầu tư gì cũng phải đắn đo, suy tính; muốn tập trung nguồn lực để xây dựng chuẩn quốc gia cũng khó. Sau sáp nhập, bài toán này đã từng bước được tháo gỡ” – ông Dương chia sẻ và cho biết: Năm 2021, huyện dự kiến sáp nhập thêm Trường Tiểu học Tân Tiến và Trường Tiểu học Tú Trĩ thành Trường Tiểu học Tân Tú; Trường Mầm non Quân Bình và Trường Mầm non Hà Vị thành Trường Mầm non Quân Hà.
Video đang HOT
Khu vui chơi của học sinh Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: NTCC
Giá trị cốt lõi
Tại tỉnh Yên Bái, trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn bản, khu dân cư. Điều này gây khó khăn trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư chuẩn hóa và hiện đại hóa trường lớp. Ông Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: Trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18,19-NQ/TW, tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Theo đó, tỉnh ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020″.
Đến nay, toàn tỉnh còn 400 trường, giảm 130/530 trường; còn 478 điểm trường, giảm 287/765 điểm trường. Số học sinh được học bán trú tăng trên 11.000 em, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường, làm quen với môi trường tập thể, rèn luyện kỹ năng sống.
Qua đó, góp phần thu gọn đầu mối, giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức các lớp học ở điểm trường lẻ; đồng thời bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng công tác quản lý, công tác giáo dục, nhất là giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc và chăm sóc trẻ em vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo ông Tuấn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, bằng cách làm sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh đồng thời tập trung ưu tiên, bố trí nguồn vốn và tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục, cơ bản giải quyết khó khăn về phòng học và các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu của học sinh bán trú. Mặt khác, địa phương tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, sơ kết, đánh giá, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh và linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp các cơ sở giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao đổi: Trước hết, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, với quyết tâm cao, đi kèm với hành động quyết liệt của người đứng đầu. Phải thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ trên quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân, lấy sự đồng thuận của nhân dân làm cốt lõi, lấy hiệu quả là mục tiêu để thực hiện.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm mục tiêu tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, thống nhất phân bổ ngân sách, theo hướng khoán, đặt hàng, giao nhiệm vụ trong hệ thống chính trị và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trước hết với giáo dục mầm non. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời chi trả chính sách những đối tượng thuộc diện sau sắp xếp.
Chúng tôi chỉ đạo giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động sau sắp xếp. Tỉnh đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong đó có đội ngũ giáo viên hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc khác phù hợp cho trên 1.600 viên chức dôi dư sau sắp xếp – sáp nhập cơ sở giáo dục. – Ông Trần Huy Tuấn
Dồn điểm lẻ, sáp nhập trường là yêu cầu tất yếu
Đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS), điểm lẻ được trường học nhiều địa phương mở đến từng thôn, bản. Điểm lẻ đã hoàn thành nhiệm vụ khi địa phương vùng khó đều hoàn thành phổ cập GD tiểu học, MN 5 tuổi...
Học sinh được chăm sóc bữa ăn tại điểm trường thuộc Trường PTDTBT TH Lùng Tám (Quản Bạ - Hà Giang). Ảnh: TG
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu triển khai CTGDPT 2018, dồn điểm trường lẻ, sáp nhập trường học là cần thiết để tập trung đầu tư nguồn lực lẫn nhân lực.
Khó bó khôn
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn quốc có khoảng 13.995 trường tiểu học với 17.609 điểm trường. Tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26. Phần lớn trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường, thậm chí trên 10 điểm lẻ. Các điểm trường lẻ và chính đang có sự chênh lệch đáng kể từ nguồn lực, tới nhân lực.
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) cho biết: Với 99% HS dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao...), địa bàn xã Trung Lý là đồi núi trải rộng nên trường có 1 điểm chính, 8 điểm lẻ mới đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS.
Các điểm trường lẻ có hơn 300 HS, từ lớp 1 - 5. HS vẫn phải học lớp ghép nhiều trình độ khác nhau: lớp 1 - 2; lớp 1 - 3, lớp 3 - 4. Đặc biệt, 6/8 điểm trường lẻ vẫn không có điện lưới, không màn hình, máy chiếu. Ánh sáng phòng học phụ thuộc vào điện năng lượng mặt trời... Điều đó đồng nghĩa, GV không thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học.
Sự cồng kềnh của các điểm trường khiến việc bố trí GV thêm khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh trường vẫn thiếu GV Tiếng Anh, Tin học theo biên chế. Hiện việc dạy học môn Tiếng Anh tại các điểm trường lẻ gần như "trắng" hoặc triển khai theo từng năm bởi 1 GV không thể giảng dạy ở tất cả điểm trường. Với môn Tin học, điểm trường lẻ cũng chưa thể triển khai do không có điện, thiếu cơ sở vật chất.
Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh - Hà Giang) là trường vùng cao có số điểm trường "kỷ lục" với tổng cộng 20 điểm. Điểm trường lẻ xa nhất cách điểm trường trung tâm 27km. Hiện trường vẫn duy trì 12 lớp ghép/15 điểm trường (ghép trình độ lớp 1 - 2, 2 - 3, 3 - 4).
Thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long cho biết: Để dự giờ thăm lớp đủ 19 điểm trường lẻ, ban giám hiệu cùng 5 tổ khối chuyên môn phải chia thành nhiều đoàn, triển khai nhiều lần. Thậm chí để sinh hoạt chuyên môn, trường phải bố trí vào ngày nghỉ, chiều thứ 6 để GV các điểm trường có thể tham dự đủ. Nhà trường phải thông báo trước để thầy cô về kịp và không ảnh hưởng tới dạy học.
Tuy nhiên, theo thầy Đông, dù thầy cô đã nỗ lực hết sức song chất lượng giáo dục giữa điểm trường lẻ và chính có chênh lệch đáng kể. Việc dạy học ứng dụng CNTT vô cùng hạn chế. Các môn Tiếng Anh, Tin học vẫn phải triển khai dạy học luân phiên và không học liền mạch. Có điểm trường không dạy học Tiếng Anh. Thậm chí, HS lớp 3, 4, 5 được dồn ghép về điểm trường chính mới bắt đầu học Tiếng Anh.
Những bất cập tại điểm lẻ cho thấy việc dồn điểm lẻ hay sáp nhập trường đồng cấp, liên cấp là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt trước yêu cầu cụ thể về nhân lực, vật lực khi triển khai CTGDPT 2018.
Tuy nhiên, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Thực hiện dồn điểm trường cần dựa trên nguyên tắc "tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập cho HS, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục...
Các điểm trường chính với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: TG
Giải pháp nào cho điểm trường?
Thầy Dương Văn Đông chia sẻ: 20 điểm trường hiện nay là con số được nhà trường tích cực triển khai dồn ghép trong nhiều năm qua (trước đây có khoảng gần 30 điểm trường). Tuy nhiên, ngân sách địa phương cấp cho các trường có hạn nên việc dồn ghép trường lớp đòi hỏi đầu tư về cơ sở vật chất mới đáp ứng được việc dạy và học..
Để không bị động và bảo đảm cho việc dồn ghép trường lớp, những năm qua nhà trường tích cực trong việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục từ các tổ chức, cá nhân. Khi có đủ nguồn lực, nhà trường nhờ phụ huynh ủng hộ về ngày công lao động trong việc xây mới, tu sửa các điểm trường. Từ đó, số lớp ghép đã giảm, chất lượng giáo dục dần tăng cao.
Cô Sền Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương - Lào Cai) cũng cho biết: Chất lượng giáo dục tại điểm trường chính tốt hơn điểm lẻ bởi trẻ được học tập trong không gian, góc học tập đủ đồ chơi đồ dùng học tập. Do đó khả năng nói và nhớ tiếng Việt của trẻ điểm trường chính tốt hơn ở các điểm trường lẻ. Khi vào học lớp 1, trẻ thông thạo tiếng Việt sẽ tiếp thu và học nhanh hơn.
"Nhà trường đã tính đến dồn ghép 7 điểm lẻ sao cho hợp lý để HS được học tập trung trong môi trường giáo dục toàn diện hơn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn là phải bảo đảm đúng khoảng cách, cha mẹ thuận tiện đưa đón trẻ trong ngày. Dồn ghép điểm trường nếu không hợp lý không chỉ sai quy định mà còn không duy trì tỉ lệ chuyên cần, ảnh hưởng về chất lượng..." - cô Thơm bày tỏ.
HS điểm trường chính được bán trú tại trường, học ngày 2 buổi, có sự kèm cặp thường xuyên của thầy cô nên kiến thức, kĩ năng tốt hơn rất nhiều. Tại các điểm trường lẻ dù không còn học lớp ghép nhưng cơ sở vật chất thiếu, HS thiếu trải nghiệm, cọ xát, tiếp cận với đầy đủ đồ dùng học tập hiện đại nên tiếp thu chậm hơn, kĩ năng giao tiếp thiếu tự tin... - Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang)
Dồn dịch điểm lẻ, sáp nhập trường học: Trường chung không ai khóc Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp được Nghệ An thực hiện nhiều năm nay với những đơn vị quy mô trường lớp giảm, nhiều điểm lẻ. Cô trò Trường THCS Long Lộc (Nghĩa Đàn) từng phải học trong lán tạm để xe đạp do phòng học hư hỏng, nguy hiểm. Bên cạnh những nơi đạt hiệu quả cũng có không ít...