Đổi mới dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số từ Thông tư 32
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32/TT-BGDĐT sau khi nhận thấy những quy định đã ban hành xuất hiện một số bất cập cả về cơ sở pháp lý và thực tế cần phải điều chỉnh và thay thế.
Ảnh minh họa.
Phạm vi và điều chỉnh
Trước đó, ngày 15/7/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, ngày 3/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 50 hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định.
Trên cơ sở quy định đó, các địa phương có nhu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh đã triển khai việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Thông tư liên tịch số 50 đã bộc lộ một số bất cập cả về cơ sở pháp lý và thực tế. Những bất cập này cần phải điều chỉnh và thay thế.
Trước yêu cầu thực tiễn của ngành Giáo dục nước nhà, ngày 22/11/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 32/TT-BGDĐT (Thông tư 32) hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Thông tư 32 gồm 8 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; điều kiện tổ chức dạy học; quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học; nội dung, phương pháp và kế hoạch dạy học; hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, chế độ chính sách và tổ chức thực hiện.
So với Thông tư liên tịch trước đó, Thông tư 32 đã lược bỏ Điều 6 quy định về việc cấp chứng chỉ vì nội dung hướng dẫn về dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho người học là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại miền núi, vùng DTTS đã có quy định riêng.
Video đang HOT
Về nội dung, Thông tư 32 có nhiều điểm mới trong tất cả các điều. Cụ thể, tại khoản 2 của điều 1, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm đối tượng áp dụng “trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên” theo Luật giáo dục 2019 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về điều kiện của việc tổ chức dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Thông tư nêu rõ hơn điều kiện thứ nhất để tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số “Người dân tộc thiểu số ở địa phương có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS”.
Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể “Đối với các tiếng dân tộc thiểu số có nhiều bộ chữ, việc lựa chọn bộ chữ để dạy học do Bộ GD&ĐT quyết định”;
Điều chỉnh quy định điều kiện về chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS “Chương trình tiếng DTTS do Bộ GDĐT ban hành, sách giáo khoa tiếng DTTS được Bộ GDĐT phê duyệt” cho phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục 2019. Về trình độ chuẩn của giáo viên dạy tiếng DTTS cũng được Thông tư điều chỉnh theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019.
Vai trò, trách nhiệm cơ sở
Cùng với đó, Thông tư cũng bổ sung quy định về quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học như bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ sở giáo dục, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT trong việc tổng hợp nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh người DTTS.
Mặt khác, quy định về báo cáo tổng hợp nguyện vọng, nhu cầu học tiếng DTTS của học sinh người DTTS vào thành phần hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT về việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học cũng được bổ sung thêm.
Về nội dung, phương pháp, kế hoạch, Thông tư 32 đã rút ngắn đi để tránh chồng chéo với quy định tại Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ban hành chương trình 8 tiếng DTTS.
Riêng với hình thức tổ chức dạy học, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về hình thức tổ chức dạy học môn Tiếng dân tộc theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; bổ sung thêm “trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên” theo Luật Giáo dục 2019.
Theo nội dung của Thông tư 32, trường CĐSP không còn là cơ sở dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS vì không phù hợp với khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019. Thông tư cũng thay cụm từ “cơ sở đào tạo” thành “cơ sở giáo dục đại học” cho phù hợp.
Tại Điều 8 của Thông tư quy định về chế độ chính sách cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung. Cụm từ “biên chế” đã được bỏ đi do không còn phù hợp với quy định Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Đồng thời, bổ sung thêm đối tượng phó hiệu trưởng. Cụm từ “mức lương tối thiểu chung” được thay bằng cụm từ “mức lương cơ sở” cho phù hợp với quy định về chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng tại đây, Điều 12 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP và bổ sung thêm cụm từ “bảo hiểm thất nghiệp” vào câu cuối cho phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thông tư 32 cũng bỏ quy định trang cấp vở viết cho người học là học sinh để đảm bảo theo đúng quy định “Người học được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng DTTS phù hợp với từng đối tượng”.
Đặc biệt, dựa trên quy định của Thông tư về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng DTTS , Bộ GD&ĐT đã lược bỏ quy định đối với đối tượng người học để tránh trùng lặp.
Tương tự, quy định về chế độ chính sách đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS học tiếng DTTS cũng được lược bỏ do chính sách này đã được quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng tại Điều 8 của Thông tư 32, Bộ GD&ĐT đã bỏ hai nội dung là quy định về biên chế giáo viên do không còn phù hợp với thực tế và quy định về kinh phí phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếng DTTS do nội dung này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Cuối cùng, Thông tư 32 đã lược bỏ và bổ sung một số nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cô giáo trẻ sáng tạo trong phương pháp dạy học
"Pôgru ùr (cô giáo) dạy toán của chúng em đó. Nhờ pôgru ùr Châu mà bây giờ chúng em không sợ học môn toán nữa", Krajan Sarin, lớp 6A4, khoe với tôi khi cùng các bạn vây quanh cô giáo Nguyễn Bảo Châu, Trường THCS Hùng Vương dưới chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Một tiết "học mà chơi, chơi mà học" của cô Bảo Châu và học trò.
Cô giáo Nguyễn Bảo Châu sinh năm 1992, là cô giáo trẻ của trường, từng theo học chuyên ngành Sư phạm toán tại Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, đến năm 2013, cô chính thức về giảng dạy tại Trường THCS Hùng Vương ở huyện Lạc Dương có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhớ lại những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô Châu chưa thể quên những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, cứ lo sợ mình giảng học trò không hiểu. Khi có thêm kinh nghiệm nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, giờ mỗi ngày đến trường là một niềm vui: "Lớp mình một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Trong quá trình dạy học, mình nhận thấy có không ít em sợ môn toán, xem môn toán chỉ là những con số khô khan, khó tiếp nhận. Để giúp học sinh hứng thú, yêu thích môn học này, mình đã mày mò tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp truyền thụ mới. Mình lồng ghép phương thức "học mà chơi, chơi mà học" trong mỗi tiết toán. Nhờ vậy, học sinh đã yêu môn toán, chất lượng học tập tiến bộ rõ rệt.
Chăm chú theo dõi câu chuyện của chúng tôi, Cil Rim, học lớp 6A4 do cô Châu chủ nhiệm, nói: "Giờ học môn toán của pôgru ùr Châu thích lắm, được chơi nhiều trò chơi bổ ích, như ô chữ bí mật, cùng leo núi, ai nhanh hơn, hái hoa dân chủ... cả lớp đều vui".
"Nghề chọn người...", câu nói này có lẽ đúng với cô giáo trẻ Nguyễn Bảo Châu. Trong giải pháp dự thi cấp tỉnh của cô: "Tổ chức trò chơi học tập trong dạy học môn toán tại Trường THCS Hùng Vương", cùng với việc giúp học sinh có góc nhìn mới hơn về môn học này, cô giáo Châu đã đưa ra giải pháp đáp ứng xu hướng đổi mới là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. "Có nhiều cách để khắc sâu kiến thức sau mỗi tiết học. Nhưng, hình thức khắc sâu kiến thức thông qua trò chơi đem lại sự thoải mái, nhẹ nhàng cho cả học sinh và giáo viên. Qua trò chơi, học sinh thêm một lần được thực hành các kiến thức đã học ngắn gọn hơn giáo viên có thêm một cách kiểm tra nhanh việc nắm kiến thức của học sinh", cô Châu phân tích.
Các tiết học của cô luôn được áp dụng nhiều kỹ thuật dạy, như "khăn trải bàn" (hoạt động theo nhóm, mỗi học sinh làm việc độc lập vài phút, sau đó chia sẻ, thảo luận và thống nhất câu trả lời) "các mảnh ghép" (là hình thức học tập hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp những ý kiến cá nhân sau đó được ghép lại thành kiến thức bài học)... "Mình quan niệm, kiến thức chỉ có giá trị khi được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Do vậy, trong quá trình dạy học, mình chuyển giao nhiệm vụ, bài tập cho từng em. Khi đó, giáo viên sẽ nắm được khả năng của mỗi em để có giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, mình cũng rút ra được những điểm cần bổ sung, chỉnh sửa trong bài giảng", cô Bảo Châu chia sẻ. Cô giáo Châu cũng nghĩ ra phương pháp: "Nâng cao hiệu quả học tập thông qua định hướng một số phương pháp trong giải hệ phương trình cho học sinh lớp 9". Bằng việc hệ thống một số phương pháp cơ bản và xây dựng hệ thống bài tập từ đơn giản đến nâng cao, đã giúp học sinh định hình cơ bản khi gặp hệ phương trình và hình thành kỹ năng giải hệ phương trình ngay từ lớp 9.
Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Bảo Châu còn giữ vai trò Bí thư Đoàn trường. Cô giáo Châu luôn cố gắng tìm hiểu, tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong trào bảo vệ môi trường, giúp đỡ bạn học khó khăn... do Đoàn trường tổ chức đều thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia. Thầy Đặng Phước Công, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương cho biết: "Cô Bảo Châu luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc mạnh dạn đổi mới, áp dụng nhiều phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Với tính cách vui vẻ, hòa đồng, cô luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến". Năm học qua, cô đạt thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được tặng danh hiệu "giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh".
Độc đáo "không gian văn hóa truyền thống" của một trường học mầm non Từ các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày hay những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo đã tạo nên không gian văn hóa vô cùng độc đáo ngay tại lớp học. Đây là ý tưởng sáng tạo của các giáo viên Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa....