Đổi mới chương trình, “quả bóng trách nhiệm” được đẩy về cho các thầy cô giáo?
Thử đặt vấn đề, nếu không xảy ra sự cố sách Cánh Diều thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do lựa chọn ngữ liệu khác như thế không?
LTS: Xung quanh câu chuyện về chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ tiếp tục gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích vấn đề này theo góc nhìn của ông. Để đảm bảo thông tin đến bạn đọc được khách quan, đa chiều, ngõ hầu làm sáng tỏ các vấn đề thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Những pha “chuyền bóng” điệu nghệ
Năm học 2020-2021 là năm chính thức áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 1 tháng triển khai, nhiều thầy cô giáo cho rằng chương trình lớp 1 quá nặng, học sinh theo không kịp nhất là các cháu vì tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà “không học chữ” trước.
Trước những ý kiến than phiền này, ngay lập tức các “chuyên gia” xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cùng những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng thanh minh, cho rằng chương trình không nặng.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này, theo họ là do các thầy cô giáo không hiểu, không nắm vững chương trình giáo dục phổ thông mới; đang có sự “nhầm lẫn”, không phân biệt giữa chương trình với sách giáo khoa nói chung…
Giáo viên Hải Phòng dạy tập huấn theo sách giáo khoa lớp 1 mới. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Đặc biệt, từ sau khi sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều xảy ra đến nay, quan điểm trên rất thường xuyên mang ra để làm “bùa hộ mệnh”.
Song song đó là sự khẳng định, “chương trình giáo dục” mới có tính “pháp lệnh” còn sách giáo khoa chỉ đóng vai trò như liệu tham khảo cho giáo viên trong quá trình dạy học.
Tiện đà, một số “chuyên gia” và các nhà quản lý còn “chuyền” luôn quá bóng trách nhiệm sang các thầy cô giáo.
Không ít người còn tự ý “ban quyền” cho các thầy cô giáo trong việc chủ động chọn ngữ liệu, văn liệu liên quan đến những hạt sạn trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều trong khi chờ nhóm tác giả này chỉnh sửa và Hội đồng thẩm định lại (chỉ là không biết đến bao giờ công việc chỉnh sửa này mới xong) như cách ông Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh đã phát biểu mới đây:
“Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp.
Giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.
Trên thực tế, sách giáo khoa chỉ là một trong những phương án dạy học. Nếu nội dung bài học trong sách giáo khoa chưa phù hợp, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau. Giáo viên có quyền phân bố nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương…” [1]
Bao biện, nói lấy được, đặt giáo viên vào sự đã rồi…
Chân thành và nghiêm túc mà nói, phát biểu trên của ông Nguyễn Văn Khánh không hẳn đã sai.
Tuy vậy, tại sao tôi cho rằng phát biểu này của ông Khánh và một số vị khác trong thời điểm hiện nay là sự bao biện, nói lấy được, nhất đặt các thầy cô giáo phổ thông vào chuyện đã rồi hơn là vì trách nhiệm của bản thân trước chủ trương lớn của đất nước?
Hay nói khác đi, những gì ông Khánh nói tuy đúng nhưng tiếc thay lại không “trúng”.
Có mấy vấn đề sau đây:
Thứ nhất, trong 2 năm qua kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được chính thức thông qua thì các vị đã làm gì nhất là công tác tập huấn cho giáo viên các cấp trên toàn quốc? Và công tác này được triển khai như thế nào? Kết quả ra sao để hôm nay bảo rằng giáo viên không hiểu và phân biệt sự khác nhau giữa chương trình và sách giáo khoa?
Ngoài ra, trong cái nhìn tổng thể của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xin được hỏi thời gian qua các vị đã làm gì để cụ thể hóa vấn đề này như một sự chuẩn bị dài hạn liên quan với vấn đề đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường đại học?
Đã có trường đại học sư phạm nào trên cả nước thiết kế hay điều chỉnh lại chương trình đào tạo giáo viên phổ thông các cấp nhằm phục vụ cho tinh thần đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này chưa?
Video đang HOT
Thứ hai, đế hôm nay các vị mớikhẳng định chương trình quan trọng hơn sách giáo khoa nhưng ngay khi có kết quả báo cáo việc thực nghiệm chương trình, bản thân tôi đã gửi đến Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết 3 vấn đề phản biện nhưng không ai lên tiếng trả lời.
Quan trọng nhất, tôi từng đặt vấn đề mục tiêu của chương trình giáo dục lần này là chuyển trọng tâm từ việc “truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, phẩm chất”, thế thì, cơ sở khoa học nào để ban soạn thảo và phát triển chương trình khẳng định kết quả thực nghiệm chương trình “rất thành công” và “không có thất bại”?
Bởi lẽ, việc thực nghiệm chương trình theo tôi biết chỉ tổ chức cho các thầy cô giáo dạy thử chứ hoàn toàn không có việc kểm tra, đánh giá khả năng tiếp thu và vận dụng từ phía học sinh? [2].
Đặc biệt, như nhiều giáo viên đã lên tiếng, để kiểm chứng và đảm bảo mục tiêu dạy học phát triển kỹ năng và phẩm chất theo chương trình mới thì cần áp dụng các phương pháp dạy học mới nào?
Phương thức, công cụ để đánh giá, kiểm tra kỹ năng và phẩm chất của học sinh ở từng môn học, cấp học ra sao?
Thứ ba, đến hôm nay các vị mới nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính pháp lệnh của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa chỉ là tài liệu phục vụ nhằm cụ thể hóa chương trình, vậy mà, trước đó, ngay khi chương trình còn chưa được phê duyệt thì các vị đã ký hợp đồng viết sách giáo khoa với các nhà xuất bản? Và sau khi chương trình được phê duyệt thì gần như không còn trách nhiệm gì nữa?
Sách giáo khoa không quan trọng bằng chương trình giáo dục vậy mà các nhà xuất bản trong khi tiếp cận với các địa phương bằng thái độ cạnh tranh không lành mạnh như lời phàn nàn của ông Nguyễn Minh Thuyết? [3]
Không những vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn rất chặt chẽ trong việc ban hành quy định liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa?
Và nhất là quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản tiếp cận với các địa phương hơn là giúp cho các trường nhất là các thầy cô giáo có thời gian nghiên cứu, lựa chọn bộ sách tốt nhất để dạy học?
Cuối cùng, tại sao đến giờ phút này các vị mới đồng loạt lên tiếng và nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông so với sách giáo khoa?
Nhất là sau khi dư luận phát hiện bộ sách sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều là một thảm họa thì mới lớn tiếng yêu cầu, cho phép các thầy cô giáo được quyền chọn và thay thế ngữ liệu, văn liệu để dạy học?
Thử đặt vấn đề, nếu không xảy ra sự cố sách Cánh Diều thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do như thế không?
Khi các vị bảo “giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác; nguồn tài liệu khác nhau..”, vậy xin hỏi, về phương diện pháp lý và quản lý hành chính Nhà nước về giáo dục, văn bản nào cho phép giáo viên tự do làm chuyện này?
Trong khi đó, để triển khai và áp dụng sách giáo khoa mới kể từ năm học 2020, theo Thông tư số 25 về việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông được Bộ ban hành ngày 26/8/2020 thì đến ngay cả các trường phổ thông cũng không hoàn toàn có quyền lựa chọn nói chi là các thầy cô giáo. Bởi, theo Thông tư 25, việc lựa chọn này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Theo đó, người đứng đầu các Hội đồng chọn sách là đại diện lãnh đạo Sở giáo dục địa phương; các thầy cô giáo phổ thông nhìn chung và về cơ bản chỉ được đóng góp ý kiến qua “kênh” tổ trưởng Bộ môn và Ban giám hiệu nơi họ công tác.
Từ đây, xin hỏi hiện tại các trường lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều nhưng bộ sách này đang xảy ra sự cố, vậy các thầy cô giáo có thể lên mạng xã hội chọn và lấy ngữ liệu để về làm tài liệu giảng dạy không? Như vậy, có vi phạm pháp luật không?
Hay nếu nói sách giáo khoa không quan trọng bằng chương trình thì tại sao Bộ Giáo dục không ra quyết định thu hồi sách Cánh Diều để các thầy cô giáo chuyển sang chọn ngữ liệu văn liệu ở các nguồn khác, bộ sách khác?
Tại sao Bộ Giáo dục không chọn giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ của mình; nhất là vì tương lai của các cháu học sinh mà lại chọn giải pháp tạo điều kiện cho nhóm tác giả bộ sách Cánh Diều?
Thay lời kết
Theo quy định và lộ trình thì vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới được thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”.
Điều này có nghĩa, ngoài việc tập huấn để nắm vững chương trình và nghiên cứu các bộ sách giáo khoa mới, các thầy cô giáo còn phải hoàn thành công tác giảng dạy của mình theo chương trình và sách giáo khoa cũ ở những lớp mà họ được phân công.
Đó là chưa kể đến những công việc liên quan đến sự vụ hành chính, hồ sơ, sổ sách hay các phong trào thi đua khác của ngành giáo dục…
Nói khác đi, trong bước chuyển tiếp này, các thầy cô giáo hiện nay phải đảm đương một khối lượng công việc cực lớn. Chứ không như các chuyên gia, xây dựng chương trình xong thì bắt tay vào viết sách giáo khoa.
Xong việc thì nhận tiền và hết trách nhiệm, các thầy cô giáo phải hàng ngày sống chết với những sản phẩm do các chuyên gia tạo ra.
Như giờ đây, khi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều xảy ra sự cố thì các thầy cô giáo phải lãnh đủ.
Các “chuyên gia”, các nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn và trách nhiệm nhất định phải nhìn thấy vấn đề trên và có những tính toán nhằm vạch ra một lộ trình thay đổi khoa học và phù hợp nhất để chia sẻ gánh nặng với các thầy cô giáo.
Và trách nhiệm này trước hết là thuộc về chính các chuyên gia, các nhà quản lý chứ không phải các thầy cô giáo ở phổ thông.
Không ai phủ nhận vai trò tối quan trọng của người giáo viên trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, dù cho nói thật mất lòng cũng phải nói rằng, “vị thế” của các thầy cô giáo phổ thông trong toàn bộ “quy trình” và bộ máy hành chính giáo dục nước nhà hiện nay trên thực tế, chỉ là “hữu danh vô thực”, “có tiếng mà không có miếng”…
Thế nên, các nhà quản lý, các chuyên gia xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa nếu vì lo sợ việc đổi mới giáo dục lần này không thành công mà đổ hết trách nhiệm cho các thầy cô giáo ở phổ thông thì theo tôi không những phiến diện mà còn rất vô cảm!
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-kho-thanh-cong-neu-giao-vien-van-le-thuoc-vao-sach-giao-khoa-post213408.gd
[2]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cau-hoi-nha-giao-gui-tong-chu-bien-co-so-nao-khang-dinh-thuc-nghiem-thanh-cong-post185937.gd
[3]: https://ngaynay.vn/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chuyen-khong-hay-lam-trong-canh-tranh-sach-giao-khoa-180235.html
"Khó khăn" chương trình lớp 1 có khiến Bộ thay đổi quan điểm cấm dạy chữ trước?
Bộ Giáo dục đã cấm học chữ trước lớp 1, sao lãnh đạo Bộ lại nói thực hiện chương trình lớp 1 năm nay khó khăn, một phần là do đầu ra mầm non chưa đảm bảo?
Năm học 2020-2021 này là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 1 và đến thời điểm này đã thực hiện được một nửa học kỳ...
Tuy nhiên, sau một nửa học kỳ trôi qua thì nhiều nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh phải đối mặt với một số khó khăn nhất định trong cách dạy, cách tiếp cận chương trình mới, sách giáo khoa mới.
Vì thế, tại Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì cũng đã đề cập về những khó khăn của chương trình lớp 1 năm nay.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi Hội thảo (Ảnh: moet.gov.vn)
Khó khăn trong việc thực hiện chương trình lớp 1 có phải tại "đầu ra" của bậc mầm non?
Ngày 28 tháng 6 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1 do Thứ trưởng lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Nghĩa ký.
Tại Chỉ thị này, Bộ yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay một số công việc sau:
"...Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với các cấp, các ngành huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1...". [1]
Như vậy, các địa phương, trường học và phụ huynh hiểu là việc cho học sinh học chữ, học số trước khi vào lớp 1 là sai, vi phạm chỉ thị này của Bộ.
Vì cho trẻ "tập tô, tập viết chữ" trước là: " phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1".
Thế nhưng, trong phần phát biểu mở đầu của Hội thảo ngày 02/11 vừa qua do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thì doThứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nêu quan điểm về những khó khăn của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 như sau:
Một phần lý do khiến việc thực hiện chương trình lớp 1 vừa qua có một số khó khăn vì chất lượng đầu ra của mầm non năm nay chưa đảm bảo do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các em chưa được làm quen mặt chữ; vào lớp 1 lại không có thời gian để quen nề nếp của cấp học mới. [2]
Vậy là một trong những lý do gây khó khăn trong việc thực hiện chương trình lớp 1 năm nay là do " chất lượng đầu ra của mầm non năm nay chưa đảm bảo do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các em chưa được làm quen mặt chữ".
Nhưng chính Bộ Giáo dục đã cấm dạy trẻ mầm non "tập tô, tập viết chữ", sao Thứ trưởng lại nói thực hiện chương trình lớp 1 năm nay khó khăn, một phần là do đầu ra mầm non chưa đảm bảo?
Có thể thấy nhận định nêu trên của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ có phần mâu thuẫn với quan điểm cấm dạy chữ trước lớp 1 thể hiện trong Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT mà Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ký trước đây.
Tuy nhiên, mâu thuẫn này không chỉ dừng ở phát biểu, mà còn nằm trong chính các văn bản của Bộ.
Chương trình giáo dục mầm non theo Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT yêu cầu trẻ 4-5 tuổi tập tô, làm quen chữ cái
Ngày 24/1/2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT về Chương trình giáo dục mầm non cũng do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký lại có những hướng dẫn khác với Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2013.
Tại phần III- mục tiêu chương trình giáo dục mẫu giáo ở Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT đã nêu yêu cầu phát triển ngôn ngữ như sau:
" - Có khả năng lắng nghe, hiểu lời nói trong giao tiếp hằng ngày.
- Có khả năng biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau (lời nói, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ...).
- Diễn đạt rõ ràng và giao tiếp có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày.
- Có khả năng nghe và kể lại sự việc, kể lại truyện.
- Có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của bài thơ, ca dao, đồng dao phù hợp với độ tuổi.
- Có một số kĩ năng ban đầu về việc đọc và viết". [3]
Trong đó, mục "Làm quen với việc đọc - viết" cho trẻ 5-6 tuổi yêu cầu trẻ phải biết:
" Chọn sách để "đọc" và xem; Kể truyện theo tranh minh họa và kinh nghiệm của bản thân; Biết cách "đọc sách" từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ đầu sách đến cuối sách.
Nhận ra kí hiệu thông thường: nhà vệ sinh, nơi nguy hiểm, lối ra - vào, cấm lửa, biển báo giao thông... Nhận dạng các chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt; Tô, đồ các nét chữ, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình". [3]
Với cách hướng dẫn, chỉ đạo trên của Bộ Giáo dục, việc tổ chức dạy chữ / làm quen với chữ cho trẻ trước lớp 1 là đúng hay sai?
Thực tế, những năm trước đây thì đa phần các phụ huynh đều cho con đi học thêm, hoặc dạy cho con em mình trước khi vào lớp 1. Chính vì thế, học sinh không bị động khi vào lớp 1.
Hơn nữa, đặc điểm của bậc học mầm non các cháu chơi là chính, nhưng vào lớp 1 học lại là chính, đó là một sự thay đổi không hề nhỏ với con trẻ, nếu không có sự chuẩn bị, có bước chuyển tiếp sẽ là một cú sốc với các em.
Nhưng, vì dịch Covid-19 nên những tháng đầu của năm 2020 thì các cháu mẫu giáo phải nghỉ học ở trường nhiều tháng trời và không đi học thêm trước chương trình lớp 1 như những năm trước đây.
Đây cũng là lý do " khiến việc thực hiện chương trình lớp 1 vừa qua có một số khó khăn vì chất lượng đầu ra của mầm non năm nay chưa đảm bảo" như phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hôm 02/11 vừa qua.
Vậy phải chăng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, đồng thời có những điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời về mặt chuyên môn để giúp trẻ mầm non có thời gian làm quen với chữ trước khi vào lớp 1.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Chi-thi-2325-CT-BGDDT-chan-chinh-tinh-trang-day-hoc-truoc-chuong-trinh-lop-1-197382.aspx
[2] https://moet.gov.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=7032
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Van-ban-hop-nhat-01-VBHN-BGDDT-Thong-tu-Chuong-trinh-giao-duc-mam-non-2017-342703.aspx
Sách giáo khoa cũ "rất ổn", thay mới làm gì? Khi thầy dạy không ra gì khiến trò học không ra gì thì mới sinh ra nặng nề bởi lẽ sách giáo khoa cũ đã tồn tại 20 năm nên giáo viên quen với cách dạy cũ. Chương trình mới hiện đã triển khai được một tháng đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Người ta không chỉ nhặt sạn...