Đi bộ đến nhà Gươl học trực tuyến, học sinh Cơ tu mong sớm đến trường
Để đeo theo con chữ trong suốt thời gian Covid-19 hoành hành, học sinh người đồng bào Cơ tu ở Đà Nẵng phải đi bộ đến nhà Gươl để học trực tuyến.
Học sinh đồng bào Cơ tu ở Đà Nẵng học trực tuyến tại nhà Gươl – HUY ĐẠT
“Học xong chạy nhanh về để nấu cơm cho em”
Năm học mới 2021 – 2022 của các học sinh tại TP.Đà Nẵng thời gian qua được tổ chức theo hình thức học trực tuyến vì chính quyền vẫn đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Học sinh người đồng bào Cơ tu miền núi phía tây TP.Đà Nẵng ngày ngày phải vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để đeo theo con chữ theo hình thức học trực tuyến.
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng chừng 40 km, ngày mới của học sinh người đồng bào Cơ Tu tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bắt đầu bằng việc đi bộ đến nhà Gươl thôn Tà Lang – Giàn Bí để tham gia buổi học trực tuyến.
Các học sinh đồng bào Cơ tu (xã Hòa Bắc) phải đi bộ đoạn đường 3km để đến nhà Gươl học trực tuyến – HUY ĐẠT
Một buổi sáng sớm ngày cuối tháng 9, phóng viên Báo Thanh Niên có mặt tại xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) ghi nhận buổi học trực tuyến của học sinh miền núi TP.Đà Nẵng. Giữa không khí trong lành của núi rừng, đường xá vắng người vì lực lượng chức năng vẫn còn kiểm soát chặt chẽ người ra vào “vùng xanh”, thỉnh thoảng có tiếng xe máy của người dân đi làm rẫy.
Đồng hồ điểm 7 giờ 30 phút, em Đinh Thị Minh Phượng (học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Tri Phương) và bạn cùng lớp Trương Quốc Mạnh (trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) có mặt tại nhà Gươl thôn Tà Lang – Giàn Bí để bắt đầu buổi học trực tuyến.
Lớp học trực tuyến tại nhà Gươl có 3 học sinh, đây là những học sinh khó khăn, gia đình không có thiết bị điện tử để học trực tuyến – HUY ĐẠT
Dưới nhà Gươl cao ráo, sạch sẽ rộng khoảng 100 m 2 , chỉ vỏn vẹn có 2 học sinh Cơ Tu ngồi cạnh nhau rồi chăm chú nhìn qua màn hình máy tính có gắn camera. Đây là thiết bị do nhà trường lắp đặt để phục vụ cho việc học của các em.
Đến giờ giải lao, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng học sinh người đồng bào. Đinh Thị Minh Phượng cho biết mỗi ngày em cùng bạn Mạnh phải lội bộ đoạn đường hơn 3km để đến được nhà Gươl tham gia buổi học trực tuyến.
“Tụi em bắt đầu đi bộ từ 6 giờ sáng, đến nhà Gươl lúc 7 giờ 30 khởi động máy tính xong thì đến giờ học luôn. Mấy ngày đi bộ để học trực tuyến khiến tụi em cũng quen dần rồi”, Phượng kể.
Video đang HOT
Mạnh và Phượng (áo trắng) nghiêm túc chép bài trong buổi học trực tuyến tại nhà Gươl – HUY ĐẠT
Đinh Thị Minh Phượng tâm sự, ba mẹ ngày ngày thức dậy từ mờ sớm, lên rẫy làm thuê, dịch bệnh kéo dài khiến gia đình Phượng vốn đã khó khăn nay càng thiếu thốn hơn. Ba mẹ chỉ có điện thoại với chức năng nghe và gọi. Thời điểm nhà trường thông báo học trực tuyến thì ba mẹ mượn được một chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng nhà có 2 chị em, Phượng đành nhường chiếc điện thoại “xịn” đó cho em học trực tuyến ở nhà, còn mình thì di chuyển mỗi ngày 6 km đến nhà Gươl học cùng bạn.
“Buổi sáng thì đi bộ với các bạn em thấy không mệt, quen rồi ạ. Nhưng trưa về thì em phải chạy nhanh hơn, bỏ xa các bạn ba mẹ đi làm rẫy trưa không về nên phải chạy nhanh về nhà nấu cơm em ăn nữa”, Phượng nói.
Cùng tham gia học tại nhà Gươl, em Trương Quốc Mạnh (thôn Tà Lang) cho biết, đây là buổi học trực tuyến thứ 3 của lớp 7. Thời gian qua, nhà trường thường xuyên soạn bài tập, in, phát tận tay cho học sinh để làm bài.
“Em được nhà trường tạo điều kiện học trực tuyến tại nhà Gươl của thôn sau thời gian làm bài tập tại nhà, được nghe thầy cô giảng bài qua máy tính em thấy thích thú hơn”, Mạnh nói.
Muốn sớm đến trường gặp bạn bè
Không khí buổi học diễn ra khá nghiêm túc, giáo viên liên tục đặt câu hỏi, tương tác với học sinh thường xuyên. Chép xong bài tập, Mạnh tâm sự: “Tụi em học trực tuyến khá thuận lợi, chỉ có đi bộ hơi mệt. Tụi em mong rằng sớm được đến trường, đi học ở lớp để gặp bạn bè và thầy cô. Được vui chơi giờ giải lao…”.
Chung cảm nghĩ đó, em Phượng cho hay, từ khi nghỉ hè đến nay em chưa được gặp lại bạn bè, giờ chỉ muốn sớm được đi học.
Em Trương Quốc Mạnh (áo cam) chép bài tập về nhà, kết thúc buổi học trực tuyến thứ 3 tại nhà Gươl thôn Tà Lang – Giàng Bí (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang) – HUY ĐẠT
Anh Trương Quốc Minh, phụ huynh em Mạnh, cho biết: “Dịch bệnh nên con phải đến nhà Gươl học. Mình không có điện thoại cho con nhà trường chăm lo thiết bị như vậy là rất mừng. Địa phương là “vùng xanh” rồi mong sao các cháu đi học ở trường trở lại sớm hơn”.
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc), cho biết, trong số các học sinh ở trường thì có 65 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu ở hai thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khó khăn, nên nhà trường đã bàn với người dân lấy nhà Gươl để các em làm chỗ ngồi học trực tuyến.
Tan học, em Đinh Thị Minh Phượng (giữa) chạy thật nhanh về để nấu cơm trưa cho em vì ba mẹ đều đã đi làm rẫy – HUY ĐẠT
“Người dân đã giao chìa khóa nhà Gươl, sửa soạn lại bàn ghế và để học sinh ngồi học. Trường đã bố trí 2 dàn máy tính tại 2 nhà Gươl của thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí, để các em học sinh đồng bào đến học. Các trường hợp như: không có điện thoại, hoặc điện thoại cũ… thì đều có thể đến học. Hiện có 3 em đồng bào Cơ Tu thường xuyên học các nhà Gươl của thôn”, thầy Vũ thông tin.
Thầy Vũ cũng cho hay còn 62 em học sinh đồng bào Cơ Tu còn lại đều được tiếp cận chương trình học trực tuyến của trường tổ chức.
Ngoài ra, có một số em học sinh người Kinh chưa có trang thiết bị, trường cũng vận động các em học sinh này đến nhà bạn để học tạm thời. Do dịch Covid-19 nên không thể tập trung hết học sinh thiếu trang thiết bị học tập trung tại nhà Gươl được.
“Trường cũng lên danh sách học sinh thiếu trang thiết bị học tập để báo cáo cấp trên hỗ trợ việc học trực tuyến. Dự kiến ngày 26.9, Huyện Hòa Vang sẽ tổ chức trao tặng hơn 30 máy tính bảng cho các em nơi đây”, Thầy Vũ thông tin.
Học trực tuyến vùng khó: Lên đồi, xuống sông... tìm sóng
Nhà nằm ở vùng "lõm" sóng điện thoại, trong khi nhà trường thực hiện dạy trực tuyến để tránh dịch, nhiều HS, SV ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát phải đem sách vở, điện thoại ra đường... hứng sóng học bài.
Em Tặng Thị Diện - sinh viên Trường ĐH Hồng Đức dựng lều trên đồi học trực tuyến.
Giờ học... bập bõm
Em Tặng Thị Diện hiện là sinh viên lớp K23A, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức, nhà ở bản Pù Quăn, xã Pù Nhi, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Do địa hình nơi gia đình em Diện ở, sóng điện thoại rất yếu, vì thế để thuận lợi cho việc học trực tuyến, bố em phải dựng chiếc lều ở trên một đồi đất cao. Mỗi sáng, Diện mang sách vở, giấy bút và chiếc điện thoại của mình lên chòi để tiếp sóng và học bài. Tuy nhiên, ở khu vực này tiếp sóng cũng chập chờn, nên việc tiếp cận bài vở cũng không được thuận lợi.
"Những hôm trời mưa, hay mất điện lưới, em phải nghỉ học. Em chỉ mong sao đợt dịch bệnh này được khống chế, để chúng em xuống trường học trực tiếp. Hàng ngày, các thầy, cô giáo lên lớp đều động viên chúng em cố gắng khắc phục khó khăn, chịu khó học tập vì tình hình dịch bệnh đang khá phức tạp.
Thực ra, việc học trực tuyến, nếu có điều kiện về thiết bị, máy móc và tiếp sóng tốt cũng không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, do khu vực gia đình em sinh sống, sóng điện thoại rất yếu, nên đành phải lên đồi đi... tìm sóng", Diện chia sẻ.
Còn em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát lại phải "đi tìm sóng" điện thoại ở... dưới sông Mã, để có thể học bài trực tuyến.
Nhà Khanh ở khu tái định cư mới - bản Co Cài, xã Trung Lý (Mường Lát) sát với triền sông Mã. Thế nhưng, khu vực nhà Khanh lại khó tiếp được sóng điện thoại, nên em phải xuống bè nuôi cá lồng của gia đình để ở và học bài.
"Từ hôm 6/9 đến nay, em học trực tuyến bằng điện thoại. Lớp em có hơn 40 bạn và một số bạn học ghép nữa, nên rất khó khăn để vào lớp, nghe giảng suốt cả buổi. Chúng em chỉ mong sao hết dịch để được lên trường học trực tiếp với thầy cô. Hai hôm nay, trời mưa rất to, nước sông đang dâng (đây là vùng lòng hồ thủy điện Trung Sơn - PV), nên khi xuống bè ngồi học, em cũng rất lo lắng", Khanh tâm sự.
Giáo viên Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) dạy trực tuyến trên lớp học. Ảnh: Thế Lượng
Thử thách sự kiên nhẫn
Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết: Địa bàn thị trấn Mường Lát đang trong vùng giãn cách xã hội, nên nhà trường phải tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên nhà trường không thể bố trí cho học sinh học theo lớp được, mà chỉ tổ chức 3 lớp (mỗi khối 1 lớp).
"Trước mắt nhà trường tổ chức như vậy để giáo viên, học sinh làm quen với phương pháp dạy và học online. Sau khi giáo viên, học sinh thành thục phương pháp dạy và học rồi, nhà trường sẽ triển khai đại trà, đồng thời nâng cấp hệ thống hạ tầng", thầy Văn cho hay.
Cũng theo thầy Văn, để thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến, nhà trường hợp đồng với VNPT huyện Mường Lát một gói cước trong vòng 3 tháng. Mỗi phòng Room chứa được 300 học sinh vào truy cập mạng.
"Những ngày đầu thực hiện phương pháp dạy, học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đang còn lúng túng. Nhưng đến thời điểm này, mọi việc đã suôn sẻ hơn và đang đi vào nền nếp.
Về kinh phí đường truyền, gói cước cũng không phải quá đắt, nên trước mắt nhà trường ký hợp đồng 3 tháng với VNPT, để thử nghiệm. Sau khi hết giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trở nên ổn định, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh quay lại trường học", thầy Văn chia sẻ.
Em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát học trực tuyến trên bè cá lồng ở sông Mã.
Liên quan đến vấn đề học sinh có đủ điều kiện, thiết bị, máy móc để học trực tuyến hay không? Thầy Văn cho biết, theo khảo sát của nhà trường, hiện có khoảng 70% học sinh có máy tính, hoặc điện thoại.
"Trong số 30% học sinh còn lại không tham gia vào lớp học trực tuyến đa phần đều gặp khó khăn, như: Không có thiết bị để học trực tuyến, hoặc do gia đình các em ở bản vùng sâu, xa không có sóng điện thoại. Do đó, nhà trường đang lên kế hoạch, sau khi hết giãn cách xã hội, học sinh trở lại trường, các thầy cô tăng cường dạy bù chương trình cho các em. Nhà trường cũng hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, để đón học sinh quay lại trường học.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, trong thời gian này, các thầy cô đang triển khai ôn tập, củng cố lại kiến thức cho các em. Mục tiêu trước mắt là, làm sao để giữa giáo viên và học sinh tương tác lẫn nhau thành thạo việc học trực tuyến. Sau khi giáo viên, học sinh đã thành thạo việc dạy và học trực tuyến, nhà trường mới triển khai dạy vào chương trình chính khóa.
"Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cho tình huống nếu phải học trực tuyến lâu dài. Chúng tôi sẽ lập danh sách những học sinh không thể học trực tuyến và báo cáo lên cấp trên, để di chuyển các em về ở khu ký túc xá của trường. Bởi, nhà trường có khu ký túc xá chứa được hơn 60 học sinh.
Như vậy, số học sinh này sẽ cùng ăn, ngủ tại trường, để giáo viên có thể dạy trực tiếp cho các em được. Còn những em có điều kiện tiếp cận được phương pháp học trực tuyến, thì vẫn phải ở tại nhà để học. Nhà trường cũng đã xác định, nếu dịch bệnh kéo dài, khó khăn đến đâu, sẽ cố gắng khắc phục đến đó với tinh thần học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", thầy Văn nói.
Cô Hà Thị Hương, giáo viên dạy Ngữ văn khối 12, Trường THPT Mường Lát cho biết: Những ngày đầu học trực tuyến nhiều học sinh lúng túng. Khi bước qua tuần thứ 2, tình trạng có cải thiện hơn, nhưng số lượng học sinh tham gia vào lớp học chỉ đạt khoảng 50 - 60%. "Nhìn chung, những em tham gia được lớp học đều chăm chú nghe cô giáo giảng bài và chịu khó làm bài tập. Tuy nhiên, do phương pháp dạy trực tuyến không hiệu quả bằng dạy trực tiếp, giáo viên không quán xuyến hết được cả lớp, nên có học sinh không hào hứng học", cô Hương cho hay.
Học trực tuyến ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn vì học sinh thiếu thiết bị Với hình thức học trực tuyến "tránh dịch", hàng hàng học sinh tại Trà Vinh gặp khó vì không đủ khả năng mua sắm thiết bị. Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ, đầu năm học này tỉnh Trà Vinh quyết định cho toàn bộ học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT chuyển sang học trực tuyến. Giáo viên...