Đến Sài Gòn thưởng thức đồ uống nào?
Sài Gòn với hàng trăm loại nước giải khát khác nhau, món nào món ấy đều lạnh hơi đá làm dịu đi đáng kể cái nóng xứ Nam.
Sài Gòn nóng quanh năm, người ta hay bảo, Sài Gòn chỉ có hai mùa: một mùa nóng và một mùa… nóng hơn. Có lẽ vì thế nên nơi đây mới có “vô thiên lủng” các loại thức uống và đồ giải khát, mà món nào cũng cảm nhận được hơi lạnh của đá bào, đá viên, đá cục. Nếu du lịch ở đây, ngoài 5 món ăn Sài Gòn không thể bỏ qua, bạn sẽ muốn thử qua những loại đồ uống Sài Gòn dù có thể chúng được bán trong các quán lúp xúp đơn giản hay nhà hàng sang trọng.
Café
Café Sài Gòn không chỉ là café mà còn là tên gọi chung khi người ta muốn mời nhau đi hàn huyên. Chuyện đi uống café đã trở thành phong cách sống của người dân Sài Gòn. Du lịch nơi đây, nếu bỏ qua café thì thật là một thiếu sót quá lớn. Hãy yên tâm rằng dù bạn có sở thích kiểu nào, café Sài Gòn cũng phục vụ và đáp ứng tốt.
Bạn thích sự hòa mình giữa thiên nhiên? Hãy đi café Bệt ngay công viên 30/4, gần nhà thờ Đức Bà. Người cạnh người trên những con đường nhỏ với giấy báo lót và ly nhựa đồ uống. Một kiểu café không cần bàn ghế, không mái che, không long lanh ánh đèn… khoáng vô cùng, đặc biệt vô cùng. Đồ uống ở đây vì thế cũng “mềm” lắm, chỉ khoảng từ 8.000 đồng.
Café cóc, café vỉa hè là nét đặc trưng của Sài Gòn (Ảnh minh họa)
Bạn thích hòa vào café đậm phong cách Sài Gòn nhất? Hãy đến những quán cóc ven đường, ngồi ghế nhựa và gọi ly café đen đá, café sữa đá, vừa mặc quần sà lỏn, vừa nhâm nhi thức uống và tờ báo mới, ngắm cuộc sống vun vút trước mặt. Thoải mái và bình dị vô cùng.
Bạn thích sự nhanh chóng? Các quán café “take a way” khắp nơi ở Sài Gòn sẽ đáp ứng cho bạn đồ uống mang theo người một cách tiện lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Trên các con đường, nhất là khu trung tâm, không khó để tìm ra một quán “take a way” với giá chỉ từ 12.000 đồng/ly.
Bạn thích café là thật café? Những quán café rang xay xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố trung tâm Sài Gòn như Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn, Đinh Tiên Hoàng… sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Đến đây, bạn tha hồ chọn loại hạt café và ngửi mùi café nguyên chất được rang xay tại chỗ, rồi thưởng thức vị café đậm và thơm. Tùy theo bạn muốn thử café Việt hay café của các hãng nổi tiếng mà giá giao động khá lớn, từ 20.000 đồng cho đến hơn 100.000 đồng/ly.
Bạn thích không gian đẹp, thu hút ánh nhìn? Hãy đến café vườn với những tiểu cảnh được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, đem lại cho bạn chỗ thư giãn thoải mái nhất. Tìm đến các quán ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Q.3, Tân Bình… bạn sẽ không thất vọng với giá cũng đa dạng như các loại thức uống, trung bình khoảng 25.000 – 30.000 đồng/ly.
Bạn thích một chốn trầm mặc và đầy suy tư? Sài Gòn sôi động vẫn sẽ có chỗ cho bạn trong café sách, café nhạc jazz, nhạc Trịnh…
Còn nhiều, nhiều loại café khác nữa mà một bài viết không thể kể hết. Bạn hãy thử khám phá đồ uống Sài Gòn qua café xem sao, thú vị lắm đấy.
Nước sâm nhưng không phải được chế biến từ củ nhân sâm quý hiếm. Nước sâm Sài Gòn là tên gọi thức uống giải khát dân dã quen thuộc của xứ Nam Kỳ. Nó có thành phần chính là mía lau, rau bắp, rễ tranh. Mía lau có tác dụng thanh nhiệt, làm cho hết khát. Rễ tranh và râu bắp có tính lợi tiểu, dùng hỗ trợ mía lau để thanh nhiệt, đồng thời đẩy nhiệt ra khỏi cơ thể. Nước sâm có nhiều biến thể: sâm bông cúc, sâm hoa nhài, sâm rong biển, sâm atiso… Nó không quá ngọt mà thanh thanh, thoang thoảng hương thơm mát nhẹ nên được nhiều người ưa thích.
Video đang HOT
Nước sâm không phải làm từ nhân sâm nhưng vẫn được ưa thích vì tác dụng giải nhiệt nhanh chóng (Ảnh: Internet)
Đang đi đường nóng bức, tấp vào lề đường, gọi một ly sâm lạnh uống liền thì thật “đã khát”. Những con đường ở Sài Gòn hiếm khi vắng bóng nước sâm. Nhưng đáng chú ý là nước sâm ở Lê Hồng Phong – Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Thuật – Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng… Giá của nước sâm rất bình dân, chỉ từ 5.000 đồng/ly.
Gần miền Tây nên nước dừa kết hợp với tắc (quất) là món uống bình dân thanh mát được người Sài Gòn ưa chuộng. Đó chỉ đơn giản là ly nước dừa nguyên chất, bỏ thêm một muỗng mứt tắc ngọt lịm, trộn lẫn với cơm dừa thái nhỏ, thêm chút đá. Vậy mà bao nhiêu người nghiện cái vị ngọt ngọt, bùi bùi của cơm dừa và mùi tắc thanh tao ấy. Giữa trời đổ lửa, uống ly nước dừa, nghe cái mát lạnh chảy tràn trong khoang miệng, chảy cả vào lòng mới hiểu và cảm nhận hết ý nghĩa tuyệt vời của thức uống này.
Món đơn giản này mà khiến không biết bao người nghiện (Ảnh: Intertnet)
Con đường nước dừa nổi tiếng nhất Sài Gòn là Pasteur (Q.3), công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), công viên Tao Đàn (Q.1)… với giá chỉ từ 7.000 đồng/ly
Nước mía Sài Gòn cũng nhiều không kém café cóc ở đây. Uống nước mía, ngồi vỉa hè tám chuyện cũng là một thói quen của nhiều bạn trẻ Sài Thành.
Cùng từ một quy trình như bao nơi khác nhưng nó vẫn có những vị riêng, ít nơi nào trùng lặp. Nước mía Sài Gòn không ngọt gắt mà có vị ngọt dịu, thường được ép cùng lát cam, lát thơm hay vài quả tắc. Có chỗ còn biến tấu với chanh muối. Nhờ vậy mà nước mía ngon hơn, bổ dưỡng hơn và đặc biệt mới lạ. Một ly nước mía nguyên chất thơm mùi tắc, thỉnh thoảng pha chút đắng của vỏ tắc hòa tan trong cái lạnh của đá viên quả là món giải khát tuyệt vời.
Ở Sài Gòn, người ta uống nước mía cũng nhiều không kém café (Ảnh minh họa)
Các quán nước mía ngon tọa lạc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương (Q.5)… cũng với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly.
Chè
Chè ở ở Sài Gòn phong phú từ số lượng các loại chè đến lực lượng đông đảo những quán chè xe chè, rong ruổi khắp trên đường phố. Ở đâu ta cũng có thể bắt gặp vô vàn tên chè từ quen thuộc, truyền thống của Việt Nam: đậu đen, đậu xanh, bà ba… hay chè gốc “ngoại” như: chè Hoa, chè Nhật, chè Thái, chè Mỹ, chè Campuchia… Mỗi loại là một hương vị đem lại cảm nhận khác nhau cho người ăn.
Sài Gòn là “vương quốc” các loại chè (Ảnh minh họa)
Nếu tiện đường tham quan, bạn hãy dạo qua đường Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Châu Văn Liêm (Q.5), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.10), chợ Bàn Cờ, chợ Lê Hồng Phong (Q.10)… để thấy một “ thế giới chè” ngay trong lòng thành phố.
Các đồ uống Sài Gòn cũng đa dạng như ẩm thực Sài Gòn. Quan sát cách uống, đồ uống, bạn sẽ hiểu hơn tính cách hào sảng, phóng khoáng của con người xứ này. Dù bạn là ai, làm gì thì các hàng quán ven đường hay nhà hàng lớn đều coi bạn như nhau, không hề phân biệt đối xử. Bạn từ đâu đến đây không quan trọng vì Sài Gòn vốn dĩ xởi lởi với tất cả, bao dung với tất cả.
Theo Eva
Thức uống giải nhiệt ngày nóng
Nước dừa tắc, trà chanh, nước sắn dây, chanh dây.... là những thức uống giải nhiệt tốt cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng của Sài Gòn.
Dưới đây là một vài thức uống có tác dụng giải nhiệt, lại tốt cho sức khỏe.
1. Dừa tắc
Đây là thức uống rất phổ biến ở Sài Gòn.
Nước dừa tắc. Ảnh: K.H.
Theo đông y, nước dừa ngọt, không độc, giúp tăng cường khí lực, rất tốt cho sức khỏe. Dừa tắc được pha chế đơn giản với nước dừa, cơm dừa, mức tắc và đá viên. Chỉ chừng đó thôi là bạn đã có một ly nước thanh ngọt, mát lành giúp xua đi cái nắng nóng giữa trưa Sài Gòn.
2. Nước sắn dây
Bột sắn dây là thức uống mát lành, thích hợp trong những ngày nắng nóng. Có nhiều cách để bạn pha chế nước sắn dây như pha với sữa đặc, pha với chanh và quất hay pha với nước và đường. Lưu ý là không nên pha sắn dây với mật ong vì có hại với sức khỏe.
Nước sắn dây. Ảnh: C.K.
Trong mùa hè, thích hợp nhất là pha bột sắn dây với chanh hoặc quất, vì có tác dụng chữa chứng cảm nắng, khô mũi, rôm sảy ở trẻ nhỏ và có thể giúp bạn giải rượu. Pha chế món này khá đơn giản. Lấy bột sắn dây pha với nước để nguội, khuấy tan bột sắn. Thêm đường vào khuấy đều, sau đó vắt chanh hoặc quất vào, cuối cùng là cho ít đá lạnh và thưởng thức.
3. Nước chanh leo
Nếu bạn thích hương thơm cùng vị chua chua của chanh leo thì không nên bỏ qua thức uống được pha chế từ loại quả này. Chọn những quả chanh leo đã chín, vỏ hơi héo, bổ đôi, lấy phần ruột cho vào cốc, bỏ vỏ. Cho phần ruột vào máy sinh tố, thêm ít đường và nước rồi xay thật mịn.
Nước chanh leo. Ảnh: C.K.
Dùng đồ lọc để loại bỏ phần bã đen, cho nước cốt chanh leo vào ly, thêm ít đá và dùng lạnh. Thức uống có hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng rất dễ chịu, vị chua chua đặc trưng của chanh leo đem đến sự ngon miệng.
4. Trà chanh
Đây là thức uống có nguồn gốc từ Hà Nội đang rất được giới trẻ Sài Gòn ưa thích. Được pha chế đơn giản với một ít nước trà, đường, chanh khuấy đều rồi cho vào ít đá. Đơn giản và thuận tiện, ngon miệng cùng mức giá vừa phải nên những quán trà chanh vỉa hè Sài Gòn đang trở nên đông nghịt khách vào những ngày nóng.
Nước trà chanh. Ảnh: H.S.
Theo y học, nước trà giúp giảm mệt mỏi, loại bỏ độc tố. Trong thời tiết nắng nóng, uống trà vừa tốt cho sức khỏe vừa đã khát. Ngoài ra, uống trà thường xuyên còn giúp cơ thể phòng ngừa một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch... Tuy nhiên, chỉ nên uống trà vào buổi sáng, trưa, chiều, không nên uống vào buổi tối vì dễ làm mất ngủ.
5. Nước rau má
Rau má là một loại rau bổ dưỡng, nhiều vitamin, tính mát lành có tác dụng giải nhiệt, giải độc, chống say nắng... Rau má thường được xay thành nước cùng với đường và đá.
Nước rau má. Ảnh: C.K.
Chế biến món này rất dễ nên bạn có thể tự làm ở nhà. Rau má mua về nhặt bỏ lá sâu, rửa thật sạch qua nhiều lần nước. Vớt ra để ráo, sau đó cho rau má vào máy sinh tố, xay mịn với đường. Chế nước rau má ra ly, cho đường vào khuấy đều, cho thêm đá và dùng lạnh.
Ngoài ra còn một số thức uống khác như: nước chanh, nước cam, nước ép dưa hấu, nước râu bắp... cũng rất có ích cho cơ thể trong ngày nắng nóng.
Theo Vnexpress
[Chế biến] - Chè khoai môn nếp cẩm Bát chè ngon mắt bởi sự phối hợp giữa màu tím đậm của nếp cẩm, tím nhạt của những khối khoai môn, hòa quyện trong cốt dừa trắng tinh và những hạt bột báng trong veo, phảng phất những sợi dừa nâu vàng. Nguyên liệu: 1 lon gạo nếp cẩm (nếp cẩm); 250g khoai môn 60g dừa khô nạo; 300g đường thốt nốt...