Để giáo viên không lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa
Giáo viên phải nắm rõ mục tiêu, khung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thì mới có thể sáng tạo, “thoát ly” được sách giáo khoa (SGK).
Ở chiều ngược lại, nếu phụ huynh không đồng ý việc giáo viên sáng tạo trong việc sử dụng SGK nghĩa là họ đang giới hạn quyền lợi của học sinh.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên. Ảnh: Hải Yến
Đó là những chia sẻ của bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Microsoft – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và phát triển giáo dục Innedu (TP.HCM) với Báo Đồng Nai.
Không cho giáo viên sáng tạo ngoài SGK là hạn chế quyền lợi của học sinh
* Thưa bà, giáo viên có quyền sáng tạo, không lệ thuộc vào SGK trong quá trình giảng dạy. Đó là ý kiến của các chuyên gia giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng cho phép điều này, đặc biệt trong thực hiện chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin này, nhiều phụ huynh lập tức phản ứng bằng câu hỏi: Vậy SGK dùng để làm gì?
- Đầu tiên, SGK mang đến lợi ích là giáo viên dựa vào đó để “lấy” được khung, sườn, mục tiêu và phương pháp dạy học. Còn nguyên liệu dùng để dạy học, truyền tải mục tiêu kiến thức, năng lực mà mỗi bài học đề ra thì giáo viên có thể tự sáng tạo. Chẳng hạn, với môn Tiếng Việt, nếu trong sách dùng nhiều từ ngữ địa phương mà học trò không hiểu thì cô có thể tìm những từ ngữ khác có nghĩa tương tự để thay thế.
Nhiều kiến thức trong sách sẽ nhanh chóng bị lạc hậu theo thời gian. Vì vậy, giáo viên không nên phụ thuộc SGK mà nên đi vào thực tiễn, phải dạy học vừa đảm bảo khoa học, vừa đảm bảo thực tiễn.
Theo tôi, nếu không đồng ý việc giáo viên sáng tạo trong sử dụng SGK tức là phụ huynh đang giới hạn quyền lợi của con họ. Bởi vì nhiều khi dữ liệu, các ví dụ trong sách chưa đủ thì giáo viên phải lấy thêm dữ liệu bên ngoài.
Ví dụ, khi tôi còn là giáo viên dạy môn Hóa học ở trường THCS, đến bài Dầu mỏ, trong SGK có hình vẽ cấu trúc của 1 túi dầu dùng để minh họa. Tấm hình này rất đơn sơ. Để học sinh dễ hiểu hơn, tôi đã lên mạng để tìm kiếm 1 video về khai thác dầu mỏ bằng tiếng Iran. Khi xem video đó, học sinh rất thích. Rõ ràng, tôi vẫn dạy về “dầu mỏ” nhưng không sử dụng nguyên liệu SGK cung cấp mà tự tìm kiếm một nguyên liệu khác hiệu quả hơn.
Tuy vậy, nếu giáo viên chưa đủ độ sáng tạo thì sẽ sử dụng nguyên xi những nguyên liệu mà SGK cung cấp.
Theo bà, có thể phân chia mức độ sáng tạo của giáo viên khi sử dụng SGK như thế nào?
- Theo tôi, có thể đưa ra 5 mức sử dụng SGK, tùy vào năng lực, sức sáng tạo của giáo viên như sau:
Mức 1, mức an toàn nhất, là “bê” nguyên xi SGK. Tức là SGK có gì thì dùng nấy. Giáo viên chỉ sáng tạo trong cách tổ chức hoạt động hoặc bố cục lại nội dung.
Video đang HOT
Giáo viên Trường THCS THiện Tân (H.Vĩnh Cửu) đang hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm. Ảnh:H. Yến
Mức 2, giáo viên sử dụng nguyên nội dung trong SGK, chỉ thay một chút “nguyên liệu” (chẳng hạn như các ví dụ, dẫn chứng); hoặc thay thế một vài chi tiết tương đương với chi tiết đã có trong sách.
Mức 3, giáo viên sử dụng đúng kế hoạch giảng dạy nhưng thay luôn nội dung lớn, tức là bài học khác, miễn là đáp ứng được khung chương trình. Lúc này, việc thay thế nội dung của giáo viên cần sự cho phép của tổ chuyên môn. Ở đây không phải tổ chuyên môn giới hạn giáo viên mà là hỗ trợ để giáo viên lựa chọn đúng, đủ hàm lượng kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần đạt được theo khung chương trình.
Mức 4, giáo viên sáng tạo đến mức tích hợp kiến thức nhiều môn học để tạo thành chủ đề tích hợp liên môn, dự án học tập.
Mức 5, nghiên cứu khoa học. Đối với mức độ này, SGK chỉ là một trong các kênh để tham khảo.
Cần phân biệt chương trình giáo dục phổ thông với SGK
* Vậy muốn “thoát ly” SGK, giáo viên cần phải làm gì, thưa bà?
- Trước tiên, giáo viên cần phải nắm rất rõ mục tiêu, khung chương trình GDPT. Đó chính là khung sườn mà giáo viên bám vào để phát triển nội dung dạy học. Hơn ai hết, giáo viên cần phải phân biệt được mục tiêu, khung chương trình và sách giáo khoa. Từ mục tiêu của GDPT, Bộ GD-ĐT mới ban hành khung chương trình. Các nhà biên soạn SGK dựa vào khung chương trình này để viết SGK.
Tôi thường xuyên tập huấn cho giáo viên ở nhiều tỉnh, thành và nhận thấy số lượng người nắm rõ mục tiêu, khung chương trình GDPT chưa nhiều. Vì không hiểu rõ nên không sáng tạo được; thậm chí họ không dám thay đổi thứ tự, cấu trúc của bài học. Từ đó, nhiều người dạy một cách máy móc…
Muốn sáng tạo, “thoát ly” SGK, giáo viên thậm chí phải biết cả mục tiêu, khung chương trình của những môn học khác để có thể tích hợp kiến thức cho học sinh trong mỗi bài học.
Hiện nay, giáo viên đang hiểu về chương trình GDPT mới một cách máy móc chứ chưa nhìn thấy được lộ trình phát triển của chương trình qua từng lớp học, bậc học; họ không tìm được điểm logic, liên kết giữa các bài học với nhau. Do đó, họ khó có thể tạo được chủ để tích hợp trong dạy học.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tập huấn các module tiếp theo để thực hiện chương trình GDPT mới. Theo tôi, chính hình thức tập huấn cũng cần được cải thiện để lôi cuốn, hấp dẫn giáo viên hơn. Điều này không chỉ giúp họ tiếp thu tốt nội dung tập huấn mà còn tạo động lực để họ tìm hiểu kỹ hơn về chương trình GDPT mới.
Theo bà, các tổ, nhóm chuyên môn có vai trò như thế nào trong sự sáng tạo của giáo viên?
- Chương trình GDPT mới được thiết kế theo hướng mở. Bộ GD-ĐT không quy định cụ thể số tiết học trong từng buổi, từng tuần cho mỗi môn học mà chỉ quy định tổng thời gian cả năm cho mỗi môn học. Do vậy, nhà trường được quyền chủ động xây dựng kế hoạch cho cả năm học. Các tổ chuyên môn trực tiếp tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học cho từng môn. Việc lập kế hoạch phải dựa vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học quy định trong chương trình (không phải là dựa vào SGK). Đồng thời, kế hoạch này cũng phải phù hợp với đặc điểm học sinh, các điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
Rõ ràng, giáo viên là người trực tiếp soạn giảng, lên lớp và có quyền sáng tạo nhưng đòi hỏi họ phải vững về năng lực chuyên môn. Trách nhiệm, sứ mệnh của tổ nhóm chuyên môn là hỗ trợ đề giáo viên làm được điều đó.
Xin cảm ơn bà!
Giáo viên phải nhặt sạn và tìm ngữ liệu thay thế, thay sách giáo khoa mới làm gì
Những ngữ liệu này, là cẩm nang cho học sinh tiểu học khi học. Bởi thế, giáo viên không thể tùy tiện thay thế.
Mới đây, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, người đã được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngữ liệu trong sách giáo khoa cần chuẩn, chỉnh không như văn bản lỗi này (Ảnh: Tùng Dương).
Cô Diễm Quyên khẳng định, giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình mới. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất để chương trình giáo dục mới thành công chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học của các thầy cô giáo.
Giáo viên phải lấy mục tiêu chương trình để xây dựng bài dạy cho mình, không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa.
Là giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Bởi, chương trình mới dù có hoàn thiện đến đâu nhưng giáo viên thụ động, ngại đổi mới thì chương trình mới rất khó đạt được mục tiêu và xem như một thất bại lớn.
Nói rồi, cô Quyên cho biết, có những phần kiến thức trong sách nhanh chóng bị lạc hậu theo thời gian: "Trước đây tôi có đi dự giờ môn Địa lý ở một trường học, giáo viên dạy học theo sách giáo khoa, đưa ra thông tin nước ta có những loại khoáng sản nào, với trữ lượng bao nhiêu, phân bố ở khu vực nào...
Tuy nhiên, sau buổi học, tôi góp ý rằng, những thông tin, con số đó là của 10 năm trước rồi, bây giờ mình thử đến vùng đó xem, khoáng sản đó còn không, trữ lượng bao nhiêu nữa".
Đó là lý do giáo viên không nên phụ thuộc sách giáo khoa mà nên đi vào thực tiễn, phải dạy học vừa đảm bảo khoa học, vừa đảm bảo thực tiễn.
Vì sao số liệu buộc phải thay đổi, cập nhật hàng năm còn ngữ liệu gần như bất di bất dịch đối với học sinh tiểu học?
Ví dụ mà cô giáo Quyên đưa ra chỉ là số liệu trong sách giáo khoa. Mà số liệu thì khi dạy buộc giáo viên phải thay đổi hàng năm mới phù hợp với thực tế.
Số liệu là gì? Vì sao lại bắt buộc phải thay khi dạy?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu khái niệm của số liệu: Số liệu là tài liệu biểu hiện bằng những con số. Ví như trong sách giáo khoa hay có số dân của cả nước, của các châu lục hay của thế giới...
-Chỉ số tăng trưởng kinh tế hàng năm, diện tích các loại cây trồng, tỷ lệ che phủ rừng của nước ta.
-Sản lượng đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, chỉ số chăn nuôi... những số liệu ghi trong sách giáo khoa, giáo viên phải cập nhật thường xuyên trong lúc dạy vì mỗi năm một biến đổi với con số khác nhau...
Hầu như hiện nay, không có giáo viên nào dạy đến phần số liệu lại vẫn trung thành với những số liệu cũ ghi trong sách nữa vì đây là yêu cầu bắt buộc của chuyên môn mà thầy cô giáo phải thực hiện.
Cái mà chúng ta đang bàn cãi hiện nay là việc thay đổi ngữ liệu ( không phải là số liệu) trong sách giáo khoa, cụ thể là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1
Giáo viên nói rằng ngữ liệu trong sách không thể thay thế còn các chuyên gia lại nói rằng giáo viên có quyền làm điều đó.
Vậy ngữ liệu là gì? Và vì sao lại không thể thay thế?
Ngữ liệu từ ngữ tiếng Việt bao gồm từ tiếng Việt và những đơn vị từ vựng tiếng Việt khác có tư cách tương đương với từ như cụm từ tự do, thành ngữ, tục ngữ...
Ngữ liệu được đưa vào sách giáo khoa tiểu học để cung cấp cho học sinh kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, đồng thời bồi dưỡng cho các em thái độ, tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ.
Vì thế, khi soạn sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học, việc lựa chọn ngữ liệu là cả một vấn đề khó khăn và kỳ công.
Để đưa một ngữ liệu vào sách giáo khoa, người biên soạn phải đọc rất nhiều và phải chọn lọc thật kỹ càng. Ngữ liệu phải đáp ứng những kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ cần dạy và đáp ứng các mặt tình cảm, nhận thức của học sinh, chứ không thể vì bí bách, khó tìm ngữ liệu mà lấy đại cho được rồi bớt xén về ngữ nghĩa cho phù hợp.
Với học sinh tiểu học, ngữ liệu cần đơn giản, dễ hiểu và trong sáng; không nên bớt xén nghĩa của đơn vị từ vựng trong từ điển; lại càng không thể vì lý do phù hợp chủ điểm mà bất chấp các yêu cầu về nhận thức, về tình cảm, tâm lý học sinh.
Trong sách giáo khoa, ngữ liệu được đưa vào giúp học sinh nắm kỹ nội dung bài học để đạt mục tiêu giáo dục. Khi đưa vào sách giáo khoa, người biên soạn nên cân nhắc, chọn lựa ngữ liệu có tính phổ quát, đảm bảo tính giáo dục, phù hợp nhận thức, tình cảm, tâm lý lứa tuổi học sinh. [1]
Với tầm quan trọng của ngữ liệu như thế nên khi chọn đưa vào sách giáo khoa yêu cầu phải chuẩn mực.
Những ngữ liệu này, là cẩm nang cho học sinh tiểu học khi học. Bởi thế, giáo viên không thể tùy tiện thay thế.
Nếu nói sách giáo khoa không còn là pháp lệnh thì trên cơ sở những ngữ liệu ấy, thầy cô có quyền mở rộng kiến thức thêm cho phù hợp với học sinh giỏi và có thể hạ chuẩn xuống thấp hơn cho phù hợp với học sinh yếu.
Nhưng để thay đổi hoàn toàn những ngữ liệu này ( ví dụ như những văn bản đầy sạn trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 như "Hai con ngựa"; "Ước mơ của táng đá"; "Tấm cám"; "Cua, cò và đàn cá"; "Lừa, thỏ và cọp" ...sẽ không hợp lý và vô cùng bất lợi cho học sinh khi các em sẽ lấy tài liệu ở đâu để học và ôn tập?
Những phân tích trên cho thấy, tầm quan trọng của những ngữ liệu trong sách giáo khoa để các nhà biên soạn phải thật cẩn thận trong khâu biên tập, thẩm định và lựa chọn. Đừng vì sợ trách nhiệm để "đá quả bóng" qua chân giáo viên, trao cho họ cái quyền quá lớn là thay đổi ngữ liệu dẫn đến học sinh sẽ là người gánh chịu đầu tiên những khiếm khuyết trong giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ngu-lieu-sach-giao-khoa-can-lua-chon-phu-hop-post203457.gd
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một giáo viên đang dạy bậc tiểu học.
Đại kế giáo dục người thầy là gốc Nhà nước nên tăng lương cho giáo viên ở một chế độ thỏa đáng thì người ta sẽ tận tâm. Nếu người thầy tận tâm thì chất lượng giáo dục sẽ nâng lên. PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW chia sẻ những trăn trở về nghề giáo. "Giáo viên...