Dạy online lớp 1, 2: Nên dừng
Những học sinh lớp 1, 2 mà đang gặp khó khăn về đọc, viết, giờ học online càng không hiệu quả.
Nhiều trẻ dễ bị bỏ lại phía sau
Sở GD-ĐT Hải Phòng vừa quyết định dừng triển khai dạy trực tuyến đối với học sinh khối 1, 2 do không hiệu quả và gây khó khăn cho phụ huynh. Đối với các khối lớp 3, 4, 5 của bậc tiểu học, việc học trực tuyến vẫn triển khai nhưng cũng chỉ ôn tập bài cũ.
Quyết định này của Hải Phòng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh cũng như chuyên gia trong ngành.
Chia sẻ trên Zing, PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quyết định của Hải Phòng là hợp lý trong điều kiện học sinh nghỉ thời gian ngắn.
Theo ông Nam, học trực tuyến đòi hỏi xử lý thông tin liên tục, đòi hỏi các em khả năng tập trung cao độ, làm việc đa nhiệm. Đa nhiệm ở đây là vừa lắng nghe thầy cô giảng bài vừa thao tác trên thiết bị, điều khiển bàn phím, con chuột. Do đó, chỉ một số học sinh có nề nếp học tập tốt mới theo được, còn lại đa số khó đáp ứng, dẫn đến nhiều em bị bỏ lại phía sau.
Nhiều ý kiến cho rằng việc dạy online cho học sinh lớp 1, 2 không hiệu quả
Ông cho hay trường hợp học sinh chỉ cần bị xao nhãng vài chục giây, không xử lý được thông tin, đã bỏ lỡ cả bài học. Trong khi đó, giáo viên không thể bao quát được cả lớp trên môi trường online. Cha mẹ dù có ngồi bên cạnh, đôi lúc cũng không thể dạy con học. Thậm chí, việc bố mẹ hướng dẫn thêm khiến trẻ trở nên căng thẳng, rối hơn.
Mặt khác, việc học online không hiệu quả còn do môi trường ở nhà không đảm bảo. Các thành viên ngồi xung quanh, đứa trẻ lớp 1, 2 vừa nằm, ngồi, vừa ăn vừa học thì chắc chắn không thể tốt được. Với các em nhỏ, như một phản xạ có điều kiện, phải ngồi vào đúng góc học tập, hoàn toàn yên tĩnh, mới học được.
“Về mặt thời gian, chúng ta có một năm chuẩn bị, làm quen với dạy trực tuyến nhưng thực tế có rất nhiều thầy cô chỉ dừng lại ở việc chuyển bài dạy trực tiếp lên mạng, chứ chưa có nhiều trò chơi, hoạt động tương tác để học sinh vui vẻ, hứng thú với bài học. Với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ tiểu học, nếu không thấy vui, không hứng thú, các em không thể theo được bài học”, PGS Nam nói.
Theo ông, việc học trực tuyến, kể cả sinh viên hay trẻ nhỏ, đều quan trọng ở cảm giác kết nối với lớp học, thầy cô hơn là nội dung kiến thức. Học trực tiếp trên lớp, cứ 15 phút hoặc hết một tiết, giáo viên sẽ cho các con đứng dậy làm một vài động tác vươn vai, xoay người và tương tác rất nhiều. Nhưng ở các lớp online mà ông quan sát, giáo viên cũng quên mất điều này.
Vị giảng viên cho biết, một số trường ở Hà Nội chuyển lớp học trực tuyến vào buổi tối, lúc 18h30 vì nghĩ rằng bố mẹ đi làm về có thể hỗ trợ con. Nhưng thực tế, thời điểm đó, bố mẹ vừa đi làm về đến nhà, con cái chưa được ăn uống, tắm rửa, họ cũng cạn kiệt năng lượng sau một ngày làm việc, thì chuyện kiên nhẫn ngồi học cùng con rất khó.
Chưa kể với những học sinh lớp 1, 2 mà đang gặp khó khăn về đọc, viết, giờ học online càng không hiệu quả, khoảng cách giữa các bạn trong lớp ngày càng cách xa. Những trẻ chậm hơn ở một số kỹ năng cũng có khoảng cách với những bạn khác.
Chính vì những lý do trên, PGS Trần Thành Nam cho rằng việc Hải Phòng dừng dạy học trực tuyến cho khối 1, 2 cũng là chuyện dễ hiểu và hợp lý trong điều kiện thời gian nghỉ học ngắn.
Nếu học sinh phải nghỉ dài ngày do dịch, chúng ta không thể để các em nghỉ mãi. Hơn nữa, trong tương lai, việc học online sẽ trở thành xu hướng khi xã hội tiến tới học tập suốt đời, các khóa học online sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Vậy nên, đối với học sinh tiểu học, việc chuẩn bị những gì cho trẻ khi học online mới là quan trọng.
“Tôi nghĩ ở cấp học này, việc truyền cảm hứng học tập cho con mới quan trọng. Nhiều khi chúng ta không cần quá chú tâm vào nội dung bài giảng, dài bao nhiêu phút, có dạy xong hay không. Thay vào đó, giáo viên tạo ra những trò chơi, video với nội dung sáng tạo, thú vị. Thay vì các con ở nhà xem YouTube thì xem những nội dung học tập như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên, với điều kiện chúng ta có nguồn học liệu số, kho bài giảng video chia sẻ cho tất cả giáo viên, học sinh trên cả nước”, PGS Nam nêu quan điểm.
Hiệu quả quá thấp
Trong khi đó, trao đổi với Người đưa tin pháp luật, chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương cũng ủng hộ quyết định dừng dạy và học online đối với lớp 1, 2 của Hải Phòng. Theo bà Hương, học trực tuyến có hiệu quả quá thấp so với yêu cầu và so với học tập trực tiếp. Với mọi cấp học, học trực tuyến thường để mất thời gian ở các khâu công nghệ liên quan, sự tập trung của học sinh và những tác động ngoại cảnh.
Với các học sinh khối lớp 1 và 2, việc học trực tuyến gần như không có hiệu quả. Các con quá nhỏ, sức tập trung kém, cha mẹ đi vắng sẽ khiến các con gần như không thể kết nối với giáo viên.
Bà Hương cho rằng, các địa phương khác cũng nên cân nhắc điều kiện của học sinh, như khả năng nhận thức, tập trung, khả năng sử dụng công nghệ của trẻ… để quyết định các phương án tương tự.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên – Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục (Bộ GD-ĐT) – cũng cho rằng: “Một đứa trẻ học lớp 1, lớp 2, khi học online chắc chắn phải có phụ huynh kèm cặp, khả năng tự học của lứ tuổi này tỉ lệ khả thi thường rất thấp. Thứ nhất, không phải gia đình nào cũng có thiết bị số để sẵn cho con. Thứ hai, đứa trẻ chưa đủ khả năng kiểm soát hành vi, chưa đủ chủ động và sự kiên trì để tự học online. Do đó, Sở GD-ĐT Hải Phòng, tạm dừng dạy học trực tuyến đối với các lớp này cũng là rất phù hợp”.
Băn khoăn với dạy học trực tuyến lớp 1, lớp 2
Không ít phụ huynh có con học lớp 1 tỏ ra rất lo lắng về hiệu quả của việc dạy học trực tuyến ở lứa tuổi này.
Phụ huynh có con học lớp 1 tỏ ra lo lắng về hiệu quả của việc dạy học trực tuyến - ẢNH MINH HỌA: THU THỦY
Một phụ huynh ở Q.Đống Đa (Hà Nội) cho biết các con vừa mới bước đầu biết đọc biết viết mà nay phải học trực tuyến thì sẽ rất khó theo kịp, vì đây vẫn là lứa tuổi phải uốn nắn từng chút một. "Với lớp 1, lớp 2, tôi nghĩ cô giáo nên gửi bài luyện viết hoặc ôn lại các bài đọc cho phụ huynh để gia đình kèm con vào buổi tối, giúp các con không quên mặt chữ, sẽ hiệu quả hơn là học trực tuyến", vị phụ huynh này nói.
Tâm sự phụ huynh ngày học sinh phải nghỉ Tết sớm để chống Covid-19
Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 với giáo dục tiểu học do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, các ý kiến của lãnh đạo sở GD-ĐT địa phương cũng bày tỏ băn khoăn về việc dạy học trực tuyến với lớp 1, lớp 2.
Ông Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, nêu thực tế nếu việc dạy học trực tuyến với lớp 1 phải kéo dài thì đây là vấn đề cần phải rất quan tâm để tìm giải pháp phù hợp với lứa tuổi. "Năm ngoái, do Covid-19 phải nghỉ kéo dài, dù đã học trực tuyến nhưng nhiều học sinh (HS) lớp 1 vào lớp 2 năm nay đã quên kỹ năng đọc, viết đã bước đầu làm quen trước đó", ông Quốc Anh nói.
Cũng tại hội nghị này, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có quy định cụ thể về dạy học trực tuyến. Ví dụ, kiểm tra đánh giá thế nào với kết quả dạy học trực tuyến, tính định mức giờ dạy cho giáo viên ra sao so với giờ dạy chính thức...
Vất vả lục từng đoạn phim tìm F1 của công chứng viên mắc Covid-19
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trong tháng 2 này sẽ ban hành thông tư về quy chế dạy học trực tuyến với cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài dạy, chuẩn bị nguồn học liệu phù hợp với từng đối tượng HS.
Cũng theo vị này, HS lớp 1, lớp 2 còn quá nhỏ nên khi triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Ở bậc tiểu học, tùy theo các tình huống cụ thể, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, các trường, giáo viên có thể linh hoạt kết hợp nhiều hình thức dạy học, hướng dẫn HS ôn tập, tự học từ xa.
Giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học Giáo dục sớm có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đúng về vấn đề này. Trẻ làm quen với công cụ học tập. Ảnh: Thế Đại Việc hiểu sai thậm chí hình thành ý tưởng về những cô bé, cậu bé thần đồng, những "master của tương lai" của các bố mẹ Việt. Không phải...