Dạy học trực tuyến: Nhà trường định hướng, giáo viên chủ động
Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến (DHTT) đòi hỏi nhà trường, thầy cô tìm ra và triển khai nhiều giải pháp và không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng dạy học…
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà, Hoàn Kiếm – Hà Nội học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Thích nghi
Chuyển sang triển khai DHTT với học sinh (HS) lớp 1 từ đầu năm học là một thách thức không nhỏ bởi điều giáo viên (GV) thiếu nhiều hơn cả là kỹ năng. Cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Ngoài học hỏi đồng nghiệp, tự học về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giáo viên đồng thời nghiên cứu chương trình, bài dạy để chọn tích hợp nội dung tương tự thành một chủ đề để giảng dạy; soạn lại giáo án, cách sử dụng ngôn từ trong bài giảng cũng chuyển đổi để phù hợp với DHTT.
Mặt khác, HS ở lứa tuổi mầm non lên tiểu học, tập trung kém, thích hoạt động hơn ngồi một chỗ… nếu GV không “đánh thức”, khơi dậy hứng thú học tập, DHTT sẽ là áp lực và khó khăn với HS. Do đó cô đã tăng cường các trò chơi mà học trong hầu hết các bài giảng, tiết học để HS hứng thú học. Cách học này cũng đồng thời giúp HS được ôn luyện, tăng cường khả năng đọc, viết.
Đặc biệt, cô Phương còn chuẩn bị kỹ khâu soạn giáo án để quá trình dạy học phải phát huy tối đa 2/3 thời gian HS nhìn vào sách giáo khoa, hạn chế nhìn máy tính, tránh ảnh hưởng tới mắt. Thay đổi hình thức học tập đồng nghĩa hàng loạt quy tắc dạy học được thiết lập mới và triển khai…
DHTT đối với HS khối 2 bước sang năm thứ 2 tại Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây, Hà Nội) được cô Khuất Thị Nga – Hiệu trưởng cho biết còn nhiều khó khăn trong tuần đầu tiên bởi GV và HS đều chưa thích ứng. Hơn thế, HS chưa đủ SGK, thiết bị học… khiến DHTT chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Theo cô Khuất Thị Nga, khả năng ứng dụng CNTT và kỹ năng DHTT còn hạn chế. Vì vậy Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Tổ trưởng khối 2 và GV bộ môn cùng triển khai dạy thực nghiệm trên Zoom, lấy GV làm HS để đưa ra tình huống xử lý.
Video đang HOT
Về kĩ thuật, hướng dẫn GV quy trình cập nhật, cài đặt phần mềm dạy học, chia nhóm nhỏ HS… Được tháo gỡ đúng “nút thắt” GV và HS toàn trường đặc biệt với khối 1 và 2 đã đạt được hiệu quả nhất định trong mỗi tiết học.
“Triển khai DHTT hầu hết GV đều mong muốn phòng chuyên môn, nhà trường cùng “chung tay” trong việc xây dựng bài giảng đúng trọng tâm kiến thức, phương pháp dạy học phong phú. Cùng đó cần được đầu tư phần mềm dạy học, kiểm tra đánh giá định kỳ hiệu quả, phù hợp…”, cô Loan trao đổi.
Cô Hoàng Thị Phương Loan, dạy lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng bày tỏ: Kỹ năng GV cần hỗ trợ khi DHTT là xây dựng bài giảng trọng tâm, ngắn gọn theo hướng dẫn của ngành nhưng vẫn phù hợp với đặc điểm riêng HS địa phương. Đặc biệt, kỹ năng khai thác ứng dụng củng cố kiến thức thông qua trò chơi để tạo hứng thú học tập và giúp HS ghi nhớ bài nhanh, lâu cũng không phải GV nào cũng làm tốt…
Bài giảng trực tuyến của cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Ảnh: NTCC
Tăng cường kĩ năng
GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Muốn tăng cường kỹ năng DHTT cho GV trước hết phải gắn liền với nâng cao khả năng ứng dụng CNTT từ khâu soạn bài.
Mặt khác, DHTT có nhược điểm lớn là khả năng tương tác. Quá trình dạy học, GV có thể đẩy mạnh các trò chơi mà học từ các phần mềm trực tuyến. Nếu HS ngồi lâu với màn hình máy tính, điện thoại mà phương pháp dạy học không sinh động, hấp dẫn sẽ khiến HS chán nản.
Và để DHTT chất lượng, nhà trường cần quan tâm xây dựng các bài giảng mẫu chung từ chính kinh nghiệm, chuyên môn của GV tổ chuyên môn, nhà trường. Sau đó thầy cô cùng chia sẻ để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Tâm lý trong DHTT cũng là một vấn đề cần được quan tâm. GV cần xác định DHTT sẽ khiến cảm hứng giảm đi đáng kể nên cần có ý thức tự tạo cảm hứng. Cùng đó cần tránh áp lực, căng thẳng không đáng có khi nghĩ rằng đang dạy học cho cả phụ huynh. Cần “biến” phụ huynh thành GV trợ giảng hữu ích tại nhà. Sự xuất hiện của phụ huynh là động lực để nâng cao chất lượng bài giảng.
Đặc biệt, GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh: DHTT hiệu quả phải gắn liền với việc bồi dưỡng GV. Công việc này có thể do sở, phòng GD&ĐT tổ chức nhưng cũng có thể do chính nhà trường tiến hành qua mời chuyên gia hỗ trợ, trao đổi. Việc bồi dưỡng cần dựa trên thực tế DHTT của địa phương, GV, HS nhà trường…
Ở góc độ quản lý, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chỉ ra: DHTT trong bối cảnh dịch bệnh tuy là giải pháp tình thế, nhưng GV và nhà trường không nên suy nghĩ chỉ tạm thời mà qua quýt, không đầu tư cho chất lượng dạy học.
Cần xác định tâm thế DHTT có thể áp dụng bất kỳ hoặc dạy song song với dạy học trực tiếp. DHTT là “mảnh đất” mới cần khai thác, sáng tạo, khám phá, phát huy… để từ đó nhà trường có thể đưa ra kế hoạch, định hướng để GV dựa vào triển khai hiệu quả.
Thầy Đào Chí Mạnh nhấn mạnh: DHTT với nhiều GV vẫn đang triển khai theo “phom” của dạy học trực tiếp do đó nhà trường cần giúp GV hiểu về DHTT và xây dựng học liệu điện tử chung để việc dạy học chủ động hơn. Nhà trường phải đóng vai trò định hướng, chỉ đạo trong DHTT để tránh tình trạng mỗi GV triển khai một phách.
Về phía GV, khi dạy học chuyển sang một hình thức, “công cụ” khác thì tự học hỏi để sớm thích nghi. DHTT dù không được đào tạo từ đầu, nhưng cần thiết phải tự học, thích nghi và có trách nhiệm truyền kiến thức tốt nhất tới HS…
DHTT hiệu quả cần đặt ra những nguyên tắc riêng cho lớp và tuyệt đối không “tiết kiệm” lời khen HS. GV có thể khen từ điều nhỏ nhất mà HS làm tốt (tư thế ngồi học, viết, đọc tiến bộ, ý thức học tốt…). Được khen sẽ giúp HS lớp 1 thêm tự tin, những em chưa được khen cũng hình thành ý thức vươn lên, tự thay đổi, sửa chữa nhược điểm theo hướng dẫn của GV… – Cô Nguyễn Thị Lan Phương
Cơ hội để đổi mới
Cho đến nay học sinh các vùng giãn cách xã hội đã học trực tuyến từ 2 đến 5 tuần tùy địa phương, cấp học.
Ảnh minh họa/INT
Một trong những vấn đề mà nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh băn khoăn thời gian qua là việc kiểm tra, đánh giá khi dạy học trực tuyến sẽ thực hiện như thế nào và có đảm bảo công bằng hay không?
Liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định khá chi tiết. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường xây dựng và bổ sung tiêu chí, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh khi học trực tuyến vào quy chế của trường.
Theo đó, trong quá trình dạy học, giáo viên phụ trách môn trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, bản báo cáo quá trình học tập của học sinh, bài thu hoạch... Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua Internet, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại kết quả học tập của học sinh sẽ được thực hiện trực tiếp tại trường theo quy định của Bộ. Trong trường hợp học sinh không thể đến trường với lý do bất khả kháng, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Mặc dù, ngành đã có hướng dẫn nhưng do những khó khăn trong môi trường dạy học trực tuyến nên không ít giáo viên, nhà trường còn lúng túng. Đơn cử như với học sinh lớp 1 đánh giá không thể yêu cầu kết quả tuyệt đối, nhất là môn Tiếng Việt. Ở yêu cầu sửa cách phát âm, đọc vần cho học sinh, giáo viên sẽ gặp khó do không nghe được phát âm chuẩn của các em như khi học trên lớp do hạn chế của đường truyền, thiết bị...
Thời gian đầu triển khai, việc cán bộ quản lý và giáo viên còn lúng túng với hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến là điều đương nhiên, nhất là khi điều kiện hạ tầng, kỹ thuật dạy học của đội ngũ chưa đều tay. Vì thế, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng dạy học, xây dựng đội ngũ chuyên trách hỗ trợ cán bộ quản lý và giáo viên trong việc thực hiện dạy học và đánh giá, đồng thời có chính sách thỏa đáng hỗ trợ những trường hợp người học không thể tham gia học tập trực tuyến để phụ huynh và học sinh yên tâm, là cần thiết.
Cũng cần thấy rằng kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn nhưng đây đồng thời là cơ hội để mỗi giáo viên, nhà trường đổi mới công tác này. Xác định dạy học trực tuyến có thể kéo dài, nhiều trường ở TPHCM, Cần Thơ đã sẵn sàng phương án tổ chức các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ phù hợp.
Giáo viên chủ động sử dụng các yêu cầu đơn giản sau mỗi chủ đề học tập như vẽ bản đồ tư duy kiến thức, làm bài tập về nhà trên các ứng dụng học trực tuyến. Với bài kiểm tra định kỳ, hay còn gọi là bài kiểm tra 1 tiết, có sự thống nhất trong các tổ bộ môn và toàn trường để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Như tại TPHCM, bộ môn Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) lên kế hoạch cho học sinh thực hiện dự án để lấy điểm bài kiểm tra giữa kỳ. Có bộ môn thì tính toán cho học sinh toàn khối làm bài trong cùng một thời gian cố định trên ứng dụng Google form kết hợp với Zoom để giáo viên có thể giám sát...
Đánh giá học sinh không chỉ dựa vào kết quả một, hai bài kiểm tra định kỳ mà cần kết hợp qua hồ sơ học tập, sản phẩm của học sinh; tổ chức cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong cùng lớp học, cả người dạy lẫn người học sẽ được cởi bỏ áp lực. Quan trọng hơn, mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của người học theo đó được thực hiện một cách tự nhiên, hiệu quả nhất.
Dừng học trực tuyến lớp 1 là 'không nhắm mắt làm ngơ' Việc Hải Phòng quyết định dừng học trực tuyến với học sinh lớp 1 và lớp 2 nhận được đa số ý kiến đồng tình của dư luận. Không ít ý kiến cho rằng đây là quyết định thẳng thắn, vì chất lượng giáo dục... Việc Hải Phòng dừng học trực tuyến với lớp 1 là quyết định được sự đồng tình, ủng...