Dạy học theo chương trình, SGK mới: Dần đi vào nền nếp
Nhận định của ông Đặng Tự Ân -Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Sau 1 học kỳ với nhiều bỡ ngỡ, việc dạy học theo chương trình, SGK mới đang dần đi vào nền nếp.
- Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về kết quả triển khai chương trình, SGK mới với lớp 1 sau 1 học kỳ triển khai qua theo dõi thực tế?
Có thể nói, sau một học kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1, chúng ta thấy có sự chuyển biến nhất định. Ví dụ, việc đọc thông, viết thạo sau hết học kỳ học sinh cơ bản đã làm tốt, có nơi làm tốt hơn với cùng một thời gian khi triển khai chương trình cũ.
Nhiều giáo viên lạc quan chia sẻ trên các phương tiện truyền thông là học sinh đến trường vui, chăm chỉ, bước đầu biết tham gia các hoạt động học tập; ít bỡ ngỡ, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết làm quen cách tự học, tự giác làm một số việc nhỏ… Đây là kết quả nhiều hứa hẹn, nhất là các em chủ yếu là vui chơi ở giai đoạn học mẫu giáo. Bên cạnh đó, không tránh khỏi còn có những khó khăn ban đầu trong quá trình dạy và học và đây là lẽ thường tình, vì nói như lời 1 bài hát: “Ngày đầu chưa quen/ Đường cày đâu thẳng ngay.”.
Ông Đặng Tự Ân
- Nếu nhìn nhận về khó khăn, ông sẽ quan tâm đến điều gì?
Năm học này khó khăn lớn nhất chúng ta gặp phải là việc định vị lại nhà trường để phát triển giáo dục thời kỳ công nghiệp 4.0.
Chúng ta biết rằng, mục tiêu chủ yếu của Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển mạnh từ việc truyền thụ kiến thức, sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Tôi nghĩ đây là bản chất của triết lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới của chúng ta.
Do đó, chúng ta phải thay đổi toàn bộ các cấu phần của một chương trình giáo dục, đó là nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đó, khó khăn nhất theo tôi vẫn là thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới đánh giá học sinh.
Với phương pháp dạy học, thay đổi bao trùm là biến quá trình truyền thụ kiến thức một chiều trên lớp thành quá trình tương tác giữa thầy và trò; là quá trình học tập của học sinh phải là quá trình hoạt động để các em tự tiếp thu kiến thức và áp dụng kiến thức đó vào thực tế.
Với đánh giá cũng phải theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tức bỏ đánh giá chỉ chú trọng điểm số mà chuyển sang đánh giá quá trình, đánh giá bằng nhận xét, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, thông qua đó xác định được mức độ và quá trình hình thành phẩm chất, năng lực học sinh… Đây là những thay đổi rất cơ bản và rất mới mà việc thực hiện nó quả thực không dễ dàng.
Video đang HOT
Đại dịch Covid-19 như một cơn bão ồ ạt kéo dài, làm đảo lộn các nhà trường, khiến quá trình dạy học không còn như truyền thống mà chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc học sinh tạm nghỉ học ở nhà.
- Hiện học sinh lớp 1 đã được đánh giá theo quy định mới. Ông thấy cách đánh giá này đã “khớp” với đổi mới chương trình, SGK?
Trước hết, đánh giá học sinh tiểu học đã triển khai qua các giai đoạn: giai đoạn thử nghiệm khi triển khai chương trình Trường học mới – VNEN; sau đó Bộ GD&ĐT triển khai các Thông tư quy định đánh giá được điều chỉnh dần theo nhu cầu thực tiễn; và đến nay thực hiện theo Thông tư 27 – đánh giá theo tính chất cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 5 cho học sinh tiểu học toàn quốc.
Cách đánh giá này, theo tôi là rất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền giáo dục phát triển của các nước và phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Cách đánh giá này đi liền, song song với quá trình dạy học, học đến đâu đánh giá đến đó, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh qua từng giai đọan học tập; không như giai đoạn trước là thực hiện đánh giá sau khi đã học xong một đơn vị kiến thức hay một giai đoạn giáo dục.
Cách đánh giá mới, điều quan trọng nhất với giáo viên là cần cái tâm, tức là phải có sự say mê, bền bỉ, thương trẻ và mong muốn giúp trẻ học tập tốt và phát triển bản thân, và quan trọng hơn là phải có năng lực đánh giá học sinh. Năng lực này được hình thành từ quá trình đào tạo trong các trường sư phạm và từ việc thường xuyên bồi dưỡng các kỹ thuật đánh giá trong quá trình giáo viên đứng lớp.
- Ở chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh nữa, vậy theo ông khi đó giáo viên có vai trò ra sao để tạo nên tiết học hiệu quả và hứng thú với các em học sinh?
Với chương trình mới, SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu, thậm chí là một học liệu tham khảo để hỗ trợ giáo viên dạy học trên lớp. Đúng như theo khuyến cáo của UNESCO, SGK phải là tài liệu hỗ trợ ban đầu cho giáo viên, tiến tới bài giảng của giáo viên phải tích hợp được nhiều tài liệu khác nhau, từ hợp tác của các giáo viên và cả học sinh.
Tất nhiên, tiến tới bài giảng thoát ly được SGK phải có lộ trình và theo từng bước, tùy mức độ phụ thuộc vào năng lực hiện có của giáo viên và hiện trạng của các nhà trường.
Vì vậy, yêu cầu này rất phù hợp với việc chúng ta chuyển đổi từ quản lý sang quản trị nhà trường. Thực hiện quản trị nhà trường đòi hỏi tính tự chủ rất cao. Vì vậy, Điều lệ trường phổ thông THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD&ĐT ban hành cũng đã nhấn mạnh cho phép nhà trường chủ động trong soạn giảng nói riêng và tổ chức hoạt động chuyên môn nói chung.
- Năm học 2020 – 2021 là năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo ông, ngành Giáo dục nên chăng cần có sơ kết, tổng kết để thấy rõ những việc đã và chưa làm được, đúc rút kinh nghiệm từ đó làm tốt hơn trong thời gian tiếp theo?
Điều này rất cần thiết và nên làm. Theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương kế hoạch thực hiện sơ kết một học kỳ triển khai chương trình, SGK mới với lớp 1. Hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai công tác sơ kết, từ cấp trường đến cấp phòng GD&ĐT, sau đó là cấp sở GD&ĐT, để cuối cùng tổ chức một hội nghị cấp toàn quốc.
Đầu ra của hội nghị phải chỉ ra được những điểm mới của dạy học và giáo dục theo theo mục tiêu đổi mới, tức là đánh giá theo chuẩn nào. Nghĩa là không phải chuẩn kiến thức và kỹ năng như trước mà chuẩn phát triển năng lực phẩm chất học sinh.
- Hai điều kiện quan trọng triển khai chương trình mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Là Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, ông có thể chia sẻ những định hướng sắp tới mà Quỹ này thực hiện hỗ trợ thực hiện chương trình mới?
Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nguồn lực chưa nhiều nên chúng tôi chưa có tham vọng trong việc hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn đi đầu trong triển khai một số hoạt động đổi mới mang tính tiên quyết, cơ bản trong đổi mới giáo dục phổ thông; trước hết là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Đặc biệt, chúng tôi rất chú ý xây dựng trường học hạnh phúc – đây không chỉ là một phong trào được Bộ GD&ĐT phát động và đang triển khai, mà còn là khuyến cáo của UNESCO cho các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt trọng tâm rất lớn để đi đầu trong bồi dưỡng giáo dục STEM cho tất cả các trường, đặc biệt là trường phổ thông trung học.
- Xin cảm ơn ông!
Hiểu giáo dục để đánh giá đúng sách giáo khoa
Để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, quyền quyết định chủ yếu ở giáo viên, nhà trường chứ không phải sách giáo khoa.
Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yêu cầu cốt lõi trong Chương trình và SGK mới. Ảnh: Thế Đại
Bởi thầy cô là người gần gũi, hiểu năng lực, nhu cầu mỗi trò; cán bộ quản lý hiểu rõ điều kiện cơ sở vật chất nhà trường, đặc thù địa phương.
Nhiều bộ SGK - kích thích giáo viên tự chủ
Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, hội nhập với giáo dục các nước phát triển. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành hiện thực hóa chủ trương đổi mới cho giáo dục những năm tới. Sách giáo khoa là một phương án dạy học dựa trên chương trình quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục theo hướng tới phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Sách giáo khoa chỉ là một phương án mở giúp giáo viên thuận lợi trong hướng dẫn học sinh trải nghiệm từng đơn vị kiến thức của bài học.
Tuy được chọn một bộ sách giáo khoa, nhưng mỗi giáo viên vẫn có quyền tham khảo và vận dụng các cách tiếp cận, giải quyết với cùng một vấn đề kiến thức ở các bộ sách giáo khoa khác nhau. Sách giáo khoa chỉ là một trong những công cụ giúp học sinh bày tỏ biểu cảm, cách nghĩ rồi cùng nhau thảo luận, hợp tác, chủ động tìm cách sở hữu kiến thức cho chính mình. Dạy và học đổi mới cũng từ quan điểm này mà phát triển.
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đại Quang
Ngoài ra cũng cần hiểu, sách giáo khoa là yếu tố tĩnh, giáo viên sẽ lựa chọn linh hoạt sách giáo khoa, thậm chí bài học phù hợp với phương pháp giảng dạy, sao cho quá trình truyền thụ kiến thức có hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Theo ông Đặng Tự Ân, đây cũng có thể được hiểu như cách làm có độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh. Tình trạng thầy đọc trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà nhiều và chồng chất sẽ dần loại bỏ.
"Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở trải nghiệm nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Dạy học sẽ có nhiều cảm hứng do thông qua thực tiễn của cả giáo viên và học sinh. Có thể nói, khi có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Cùng với đó, sẽ thay đổi định hướng cải cách giáo dục từ Trung ương hay chính là thay đổi từ trên xuống. Điều này giúp Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát thực, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, cùng với cách làm, hiệu quả rất khác nhau ở các vùng miền trong cả nước" - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
Quá trình làm sách theo cơ chế xã hội hóa còn giúp các tác giả và NXB hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong các khâu để hoàn thành cuốn sách. Họ được tự chủ chọn tác giả, xây dựng bản thảo, tự lo kinh phí; kèm theo đó là trách nhiệm, sự cẩn trọng để có được bộ sách giáo khoa tốt nhất. Ngoài ra, đổi mới làm sách giáo khoa lần đầu có ở Việt Nam sẽ chống được độc quyền của các NXB trong việc in ấn và phát hành sách giáo khoa.
Học sinh lớp 1 tham gia giờ học theo SGK mới. Ảnh: Thế Đại
Thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường
Đánh giá sách giáo khoa tăng hay giảm tải không thể nhìn vào nội dung dạy học trong một bài học mà phải theo chương trình môn học của Bộ GD&ĐT. Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Phải có cách nhìn xuyên suốt về nội dung và kế hoạch dạy học cho cả môn học, lớp học và rộng hơn cho cả bậc học.
Nội dung học ở tiểu học vốn là những kiến thức rất căn bản; do đó, không có sự khác biệt lớn giữa nội dung dạy học cũ và mới, vẫn chỉ là những vấn đề về đọc viết, tính toán và tìm hiểu khoa học thường thức. Một số môn học mới cũng là mong muốn hình thành những kỹ năng cơ bản bước đầu cho học sinh. Tuy nhiên, phương pháp dạy học đổi mới sẽ lại là áp lực không nhỏ cho cả thầy và trò. Trong trường hợp này, nâng cao năng lực dạy học, tự bồi dưỡng tay nghề của mỗi giáo viên và nhà trường sẽ là cứu cánh.
Bên cạnh đó, thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường sẽ cấp thiết, mang lại hiệu quả rõ rệt khi thực hiện giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Giáo viên được tự chủ chuyên môn, tức là mỗi nhà trường được quyền xây dựng chương trình nhà trường của riêng mình. Được thay đổi kế hoạch dạy học, dồn hay tách tiết trong phạm vi quy định của chương trình môn học. Nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: Sách giáo khoa là pháp lệnh, nên sợ sệt, chưa dám mạnh dạn thay đổi hoạt động chuyên môn, trong khi học sinh và điều kiện hiện có của nhà trường mình không tương đồng.
Cũng theo ông Đặng Tự Ân, nếu sách giáo khoa có "sạn", thì phải nhặt hết "sạn". Có điều, giống như bát cơm có "sạn", bản chất không phải cơm ôi, cơm thiu và như vậy sách giáo khoa vẫn luôn có thể là nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi lớn tâm hồn và tri thức cho lớp trẻ.
Chúng ta có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và giáo viên có quyền lựa chọn độc lập hoặc tích hợp nhiều phương án khác nhau để hợp thành bài giảng của lớp mình, trường mình. Giáo viên tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo, sẵn sàng bước ra khỏi "vùng cấm" của cách dạy học cũ thì hoàn toàn làm chủ bài giảng của mình một cách thành công nhất. - Ông Đặng Tự Ân
Năm học mang dấu ấn đặc biệt Với nỗ lực "tạm dừng đến trường, không dừng học", các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông đã hoàn thành chương trình năm học, "cán đích" đúng lộ trình (trước ngày 15/7). Cô và trò Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm trong lễ bế giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Thế Đại Việc vừa chống dịch, vừa bảo đảm...