Đấu thầu trong đào tạo giáo viên nghe hay nhưng khó khả thi?
Bộ GD-ĐT đang có dự thảo văn bản về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, UBND các tỉnh sẽ xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục của địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc đặt hàng đào tạo hay đấu thầu giáo viên không giống với những hàng hóa thông thường. “Sản phẩm” của quá trình đào tạo này sẽ quyết định đến chất lượng nền giáo dục một quốc gia.
“Việc đấu thầu đào tạo giáo viên ban đầu nghe có thể rất hay, nhưng lại không mấy khả thi. Việc đấu thầu nếu được tiến hành, một số trường đào tạo giáo viên có thể ủng hộ vì sẽ có thêm thí sinh, nguồn thu. Về phía địa phương, nếu không công tâm, cũng có thể xảy ra tình trạng giao dịch ngầm, hứa hẹn lại quả để được trúng thầu.
Học sinh nhiều em chưa biết chọn ngành nào cũng có thể tặc lưỡi vào sư phạm vì được miễn học phí, lại được đảm bảo đầu ra. Nhưng thực tế học xong các em có về địa phương hay không lại là chuyện khác.
Như vậy, chính sách này sẽ thu hút được nhiều người vào sư phạm, nhưng liệu có thực sự chất lượng hay không, đầu ra của quá trình đào tạo chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu mà địa phương mong muốn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lo ngại.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng việc đấu thầu trong đào tạo giáo viên là không khả thi. (Ảnh: KT)
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cần thấy được những tính chất đặc biệt trong đào tạo giáo viên, trong đó những giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phải gắn chặt với nhu cầu và đặc điểm từng địa phương. Nên việc chọn một trường sư phạm bất kỳ để đấu thầu đào tạo giáo viên là không nên.
Thực tế, trước đây, mỗi địa phương đều có một hệ thống các trường cao đẳng sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục mới nâng chuẩn trình độ giáo viên từ bậc tiểu học lên thành cử nhân. Do đó hệ thống các trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương sẽ chỉ còn duy nhất nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất giải pháp rằng Bộ GD-ĐT cần có lộ trình, chính sách để nâng chuẩn các trường cao đẳng sư phạm địa phương thành các trường đại học sư phạm. Đây là những trường sẽ chịu trách nhiệm về đào tạo đội ngũ giáo viên cho chính địa phương đó.
“Khi đào tạo tại chỗ, những sinh viên này sau khi ra trường sẽ có sự gắn bó hơn với quê hương, địa phương mình. Giả sử nếu đấu thầu những trường đại học ở trung ương, sinh viên có quê ở Hà Nội sau khi học xong được cử về Lai Châu, Sơn La, hay một tỉnh miền núi nào đó công tác, thì liệu các em có muốn đi hay không. Nhiều người nếu đi cũng sẽ có tâm lý muốn nhanh chóng kết thúc thời hạn 3 năm để được trở về, như vậy chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ không đảm bảo. Chưa nói đến việc quê quán một nơi nhưng lại có thể phải công tác ở một nơi khác xa hơn gây khó khăn cho chính giáo viên”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Video đang HOT
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc nâng chuẩn các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương không chỉ giúp giải quyết bài toán về đào tạo giáo viên phục vụ nhu cầu tại chỗ, mà còn giúp nâng cao trình độ dân trí của chính địa phương đó, như vậy cùng lúc có thể đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
“Việc nâng chuẩn các trường sư phạm cần lộ trình cụ thể, song trước mắt có thể áp dụng mô hình “3 năm cộng 1″, tức trong 3 năm đầu, việc đào tạo giáo viên giao cho các trường cao đẳng tại địa phương đã có nhiều kinh nghiệm, trong năm cuối, có thể gửi những sinh viên này đi đào tạo tại các trường ĐH Sư phạm ở Trung ương. Sau khi tốt nghiệp sẽ quay về địa phương để phục vụ công tác giảng dạy”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên theo từng giai đoạn, thời gian chênh nhau về nhu cầu giáo viên có khi chỉ từ 5-7 năm. Lý do là phần lớn giáo viên thuộc khu vực công lập, biên chế nhà nước, đến tuổi sẽ về hưu đồng loạt, hay mỗi giai đoạn thay sách giáo khoa, chương trình sẽ đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
TS Nguyễn Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) (Ảnh: KT)
Hiện nay theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng sẵn hoặc đấu thầu để được đào tạo theo nhu cầu của các địa phương.
“Giải pháp đưa ra có vẻ hay, nhưng lại không thực sự khả thi. Bởi lẽ, các địa phương chịu trách nhiệm về quy mô, số lượng giáo viên, nhưng cũng cần chịu trách nhiệm về việc đào tạo, chất lượng giáo viên, không thể chỉ đẩy cho các trường ở trung ương.
Nếu muốn chịu trách nhiệm, địa phương cũng cần nâng cao vai trò của các trường sư phạm tại chính địa phương. Theo Luật Giáo dục, giáo viên từ Tiểu học trở lên phải có trình độ cử nhân, đáng ra phải có lộ trình nâng dần các trường từ cao đẳng ở địa phương lên các trường đại học.
Còn nếu làm như hướng của Bộ, các địa phương được quyền tự chủ trong quy mô tuyển sinh nhưng lại không chịu trách nhiệm với với chất lượng giáo viên mà phải dựa vào các trường trung ương. Điều này dẫn đến việc nhiều em học đại học tại các trường ĐH Sư phạm lớn nhưng sau khi học xong lại không muốn về các địa phương, thậm chí chấp nhận bồi hoàn lại học phí để có những cơ hội việc làm tốt hơn”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh rằng, việc đấu thầu đào tạo có thể áp dụng với những nhân lực mang tính đại trà, giáo viên là nguồn nhân lực đặc biệt, do đó không thể đặt ván đề đấu thầu mà cần tập trung đưa ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo./.
Những nỗi lo "đính kèm" với đặt hàng, đấu thầu giáo viên
Không ít chuyên gia giáo dục đang băn khoăn về chất lượng khi cho phép đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.
Thận trọng nếu không hậu quả rất lớn
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước nội dung đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội. Không ít chuyên gia giáo dục cũng tỏ rõ những băn khoăn liên quan đến chất lượng giáo viên được đào tạo trong giai đoạn tới.
Cụ thể, nội dung này được đề cập tại hội nghị Triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do bộ GD&ĐT chủ trì kết nối với ba đầu cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo dự thảo hướng dẫn của bộ GD&ĐT, UBND tỉnh/thành là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương. Địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
Vấn đề đấu thầu đào tạo giáo viên đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên chủ trì và phối hợp với bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 116.
Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (có thể thông qua hình thức đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ thông báo. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức để các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng phần mềm dùng chung nhằm hỗ trợ các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên điều phối cung - cầu.
Hội nghị Triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương do bộ GD&ĐT chủ trì kết nối với ba đầu cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Phát biểu ngay tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội) đã bày tỏ một số lo ngại: "Trước kia đào tạo giáo viên sử dụng cơ chế giao nhiệm vụ, còn bây giờ theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu, việc này nếu làm phải từng bước, thận trọng nếu không hậu quả là rất lớn. Ví như có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên nhưng chỉ tập trung để đi đấu thầu, như vậy khó tập trung cho chuyên môn đào tạo ra một giáo viên giỏi...".
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng băn khoăn: "Làm thế nào để đảm bảo cân bằng cung - cầu giáo viên? Thái Nguyên hiện thiếu hơn 5.000 giáo viên, trong khi biên chế Chính phủ giao thấp hơn nhiều, do đó, rất khó xác định số lượng đặt hàng do biên chế cứng. Bên cạnh đó, hiện địa phương chưa xử lý được nguồn giáo viên bên ngoài. Việc đặt hàng và đấu thầu của tỉnh có thể không đảm bảo".
Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn và công khai thực hiện
Trao đổi về nội dung đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT) chỉ ra: "Nếu như cho phép đặt hàng, đấu thầu, thì việc đầu tiên, bộ GD&ĐT phải xây dựng được một tiêu chuẩn cho các đơn vị tham gia đấu thầu. Tiêu chuẩn đó có thể về giá cả (nằm trên khung nào cho phép hoặc tùy theo năng lực của đơn vị trả phí); tiêu chuẩn đó phải dựa trên kết quả của đơn vị tham gia đấu thầu (đã đào tạo được bao nhiêu giáo viên và chất lượng của đội ngũ đã được đào tạo đó ra sao?)...
Cần đặc biệt lưu ý, đối với tiêu chí đấu thầu, mức phí chỉ được chiếm phần trăm nhỏ thôi, điều quan trọng là đối tác đấu thầu đó đã đào tạo bao nhiêu giáo viên, phải công khai, chứng minh được chỉ số hiệu quả đào tạo, giả sử với những đơn vị đấu thầu đã từng đào tạo thành công thì sẽ được nhân hệ số "tín nhiệm" lên.
Về chỉ số hiệu quả đào tạo giáo viên, cần phải căn cứ vào bộ tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, gồm nhiều mức độ đạt được khác nhau. Theo đó, giáo viên được phép tự đánh giá mình, học sinh đánh giá giáo viên, đồng nghiệp đánh giá lẫn nhau, cấp trên đánh giá giáo viên..., phải dựa trên những đánh giá đa chiều đó mới ra được kết quả đánh giá chính xác. Nếu kết quả có độ chênh thì cần đội ngũ chuyên môn bước vào thẩm định, còn nếu độ chênh không đáng kể thì có thể chấp nhận".
"Bên cạnh đó, khi đưa ra một kế hoạch nào đó, phải có một văn bản hướng dẫn chi tiết đi song hành, chứ không phải đợi ra kế hoạch rồi một thời gian sau mới ra văn bản hướng dẫn, như vậy thì không thể thực hiện được. Ngoài ra, văn bản đó cũng sẽ trở thành hành lang pháp lý để các bộ phận, cá nhân đi đúng hướng. Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng được một bộ tiêu chuẩn đánh giá, để đưa vào làm thang đo, xem kết quả thực hiện đã đạt được mức độ nào" - vị chuyên gia giáo dục này phân tích thêm.
Theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn triển khai đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên mà không để xảy ra hệ lụy tiêu cực.
Một trong những kỳ vọng đối với đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, chính là "làm sao để chúng ta có một hệ thống vận hành trơn tru, cân đối giữa cung - cầu; trong đó, cung là nơi các cơ sở đào tạo giáo viên, cầu chính là các địa phương". Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, hai chuyện này hoàn toàn độc lập với nhau: "Tôi cho rằng, việc cho phép đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên không thể giải quyết được chuyện thừa thiếu giáo viên.
Có một thực tế như thế này, một giáo viên được đào tạo một cách đàng hoàng tử tế mà tại một số nơi, không có tiền nộp vào là không được tuyển dụng. Có những người phải lo chạy vạy 100-200 triệu đồng để có việc làm, không biết đến bao giờ mới "hồi vốn". Một số địa phương, mặc dù trường học thiếu giáo viên nhưng lại không có biên chế để tuyển dụng, phải thuê giáo viên hợp đồng hoặc thậm chí không có hợp đồng. Điều này xuất phát từ tư duy máy móc, áp giáo dục vào định biên của công chức...
Chính vì vậy, quan trọng là các bộ/ngành phải có sự "chung lưng", đưa ra giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu nhằm giải quyết các hệ luỵ thừa thiếu giáo viên cục bộ và các vấn đề xã hội khác".
Nếu các đơn vị chuyên môn giúp bộ GD&ĐT đào tạo giáo viên thì hợp lý hơn
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Phạm Tất Dong (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) bày tỏ: "Tôi thấy rất ngạc nhiên và hoàn thành không đồng ý đưa chuyện đấu thầu vào đào tạo giáo viên. Tôi cho rằng điều này là vô nguyên tắc giáo dục, chúng ta vất vả xây dựng hệ thống trường sư phạm, bởi một lẽ, đào tạo sư phạm là một môi trường đặc biệt, cần đứng riêng ra, không phải ai muốn "nhúng tay" vào cũng được. Đào tạo giáo viên thì phải có cơ quan chuyên môn, chứ không thể do địa phương đặt hàng, rồi hình thành các cơ quan gọi thầu... theo một kiểu rất "chợ búa". Chưa kể, hiện nay, còn quá nhiều giáo viên đang thất nghiệp, tại sao không đào tạo lại, huấn luyện lại họ mà lại phải đưa hình thức mới vào đào tạo?
Chúng ta đã có "máy cái" là trường sư phạm chứ không phải "máy con", vốn đã có chuyên môn và kinh nghiệm đào tạo, tại sao lại nghĩ đến đấu thầu? Nếu như vậy thì phải giải tán hệ thống các trường sư phạm, để tồn tại làm gì?
Đáng lẽ, nếu chỉ kêu gọi những viện nghiên cứu, những cơ quan khoa học, có điều kiện, hiểu biết khoa học, sư phạm, đứng ra hỗ trợ bộ GD&ĐT trong việc đào tạo giáo viên thì nghe còn có vẻ thực tế hơn".
Đặt hàng đào tạo giáo viên: Chất lượng, minh bạch, đảm bảo cung - cầu Mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng trong công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, với ba đầu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng., Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết,...