Đào tạo cử nhân giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Sáng 29/10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao trong hoạt động năm 2021 của Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018- 2025″ (Đề án 33).
Tham dự hội thảo có các chuyên gia đến từ Đại học Eastern Finland – Wise Consulting Finland Oy (Phần Lan); Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến giáo dục mầm non; 29 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non; các trường mầm non, cơ quan quản lý giáo dục mầm non của nhiều tỉnh thành trê cả nước.
Tại hội thảo, 3 chủ đề chính được thảo luận liên quan đến xu hướng, mô hình đào tạo giáo viên mầm non trên thế giới và những đề xuất trong công tác đào tạo ở nước ta hiện nay; Nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Phát triển một số năng lực cốt lõi trong chương trình đào tạo.
Những báo cáo, bài viết tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non ở các cơ sở đào tạo trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; từ đó góp phần thực hiện đổi mới giáo dục mầm non đạt hiệu quả. Hội thảo cũng đã thiết lập mạng lưới trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non trong và ngoài nước.
Về xu hướng, mô hình đào tạo giáo viên mầm non trên thế giới và những đề xuất trong công tác đào tạo ở nước ta hiện nay, các ý kiến đã phân tích thực tiễn những mô hình, chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở một số cơ sở đào tạo trong nước, như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương,… Đồng thời, giới thiệu khung năng lực giáo viên mầm non khu vực Châu Á Thái Bình Dương; chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở Phần Lan, Australia, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia,… Từ đó, đề xuất các định hướng cho vấn đề xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn xã hội, quá trình đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non ở nước ta.
Liên quan đến nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non, các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích thực trạng đào tạo giáo viên mầm non và đặt ra những vấn đề cần đổi mới trong công tác đào tạo, chương trình đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự gắn kiến thức, kỹ năng với đạo đức nghề nghiệp trong nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo thông qua trải nghiệm thực tiễn, chú trọng cập nhật thành tựu của khoa học giáo dục và thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo.
Với nội dung phát triển một số năng lực cốt lõi trong chương trình đào tạo,các nghiên cứu đi sâu phân tích những năng lực cần thiết của người giáo viên mầm non, như: năng lực trí tuệ cảm xúc, năng lực quan sát, năng lực chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, năng lực cập nhật các vấn đề mới trong giáo dục mầm non, năng lực sử dụng ngoại ngữ… Từ đó, đưa ra những khuyến nghị về những nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá của giảng viên để hình thành những năng lực này ở người học trong chương trình đào tạo.
Bà Cù Thị Thủy phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cù Thị Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) nhận định: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025″ do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt là cơ hội tốt giúp các trường sư phạm có nguồn lực nhất định tổ chức các hoạt động chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Do vậy, cần tận dụng tối đa cơ hội này để mỗi cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng đổi mới chương trình, nâng cao năng lực cho giảng viên; đồng thời, kết nối với nhau tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển
Video đang HOT
Đào tạo giáo viên mầm non có mối quan hệ rất chặt chẽ và cần đi trước, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng đổi mới giáo dục mầm non. Do vậy, các hội thảo để trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong bối cảnh hội nhập và đổi mới mạnh mẽ giáo dục-đào tạo như hiện nay là rất cần thiết
Bà Cù Thị Thủy cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non sau 2020. Đây là công việc lớn, đòi hỏi sự thay đổi từ các cơ sơ giáo dục mầm non, cơ quan chỉ đạo, cơ sở đào tạo… Trong thời gian tới, các trường sư phạm cần tập trung nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thay đổi này của thực tiễn giáo dục mầm non.
“Bên cạnh các hội nghị, hội thảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có kinh nghiệm và tổ chức rất tốt trong những năm vừa qua. Đề nghị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục đề xuất và thực hiện các hoạt động tập huấn cập nhật các vấn đề mới trong đào tạo giáo viên mầm non, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên. Đặc biệt, tập trung vào các vấn đề đáp ứng yêu cầu đổi mới của thực tiễn giáo dục mầm non ở nước ta cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới” – bà Cù Thị Thủy trao đổi.
Bài 1: Bước đi chiến lược của ngành sư phạm Trường đại học Vinh
Việc thành lập Trường Sư phạm được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Vinh (Nghệ An) hướng tới xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á.
Lễ công bố thành lập Trường đại học sư phạm - Trường đại học Vinh.
Hơn 60 năm xây dựng và phát triển ngành sư phạm
Ngày 21/7/2021, Hội đồng trường Trường Đại học Vinh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐT về việc thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh.
Trường Đại học Vinh tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Vinh - là cơ sở đào tạo sư phạm chủ chốt và có uy tín trong cả nước, đã cung cấp hàng chục nghìn giáo viên các cấp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước.
Từ khi thành lập đến nay, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đã trở thành truyền thống và thế mạnh của Trường Đại học Vinh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời bình cũng như thời chiến, khi ở thành phố Vinh hay ở các địa phương nơi sơ tán, nhà trường luôn kiên trì với nhiệm vụ đào tạo giáo viên mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Lớp học tại giảng đường.
Nhà trường đã và đang có nhiều đóng góp to lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và đề xuất, đóng góp nhiều luận cứ khoa học làm nền tảng cho các cuộc cải cách, đổi mới giáo dục.
Là cơ sở giáo dục đại học đa ngành nhưng trường luôn lấy chất lượng đào tạo giáo viên làm nòng cốt để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành ngoài sư phạm. Trường đã quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trải qua hơn 60 năm đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh đã công tác ở hầu hết các vùng, miền, địa phương trong cả nước, đáp ứng yêu cầu về nhân lực giáo viên các cấp học, bậc học.
Trường Sư phạm được thành lập đáp ứng sự mong mỏi của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên nhằm gìn giữ, nâng cao thương hiệu, vị trí của các ngành đào tạo giáo viên của Nhà trường, khẳng định truyền thống sư phạm hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Vinh.
Giáo viên trong Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc.
Trường Sư phạm được thành lập làm tăng vị thế của các khoa/ngành sư phạm trong trường, giúp cho Trường Đại học Vinh có một đơn vị đào tạo mới, đủ mạnh, xứng đáng với vị thế vốn có của các ngành sư phạm. Là cơ hội để tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, của nhân dân và cộng đồng xã hội.
Đào tạo giáo viên trong giai đoạn mới
Trên thế giới, đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành là mô hình phổ biến ở đa số các nước phát triển như: Hoa kỳ, Anh, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn quốc,... Mô hình này tận dụng được thế mạnh của các ngành khoa học giáo dục, vừa tận dụng được thế mạnh của các ngành khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng; bổ sung cho nhau, tối ưu hoá được nguồn nhân lực đa dạng và phong phú của các trường đại học đa ngành trong đào tạo giáo viên.
Là một trường đại học đã khẳng định uy tín và đẳng cấp trong đào tạo giáo viên, Trường Đại học Vinh cần có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học để đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu mới.
Từ năm 2016, trường được Bộ GD&ĐT chọn là 1 trong 8 cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của cả nước; tham gia Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP)... khẳng định vị thế của Trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Từ năm 2017, Trường Đại học Vinh đã tiến hành tái cấu trúc, thành lập các viện đào tạo, trong đó có Viện Sư phạm Tự nhiên và Viện Sư phạm Xã hội. Mô hình hoạt động của các viện này đã khẳng định ưu thế, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành phát triển, tăng cường tính tự chủ, giải phóng các nguồn lực, thực hiện tốt chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Mô hình trên cũng cho thấy sự cần thiết tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa để Trường Đại học Vinh có một trường sư phạm, phát huy hết được năng lực, chất lượng đội ngũ và truyền thống đào tạo. Đồng thời cũng là cơ hội để có thể đầu tư, phát triển các ngành đào tạo sư phạm của nhà trường.
Sinh viên sư phạm trong ngày vui tốt nghiệp.
Việc thành lập Trường Sư phạm cũng nhằm cải tiến mô hình đào tạo giáo viên từ năm 2021, phát triển hơn nữa ngành sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, giữ vững thương hiệu đào tạo sư phạm.
Khẳng định vị thế của Trường Đại học Vinh trong lĩnh vực đào tạo sư phạm, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành sư phạm cho sinh viên, đưa chương trình đào tạo của nhà trường đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, ngang tầm với khu vực và quốc tế, trước mắt là phù hợp với chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO, đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu của xã hội đối với ngành sư phạm
Những cải tiến nổi bật về chương trình đào tạo
Từ năm 2017, Trường Đại học Vinh đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO. Lần đầu tiên và cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước. Trường Đại học Vinh triển khai phát triển tiếp cận CDIO cho các ngành đào tạo giáo viên cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2021, Trường Sư phạm được thành lập với chức năng chính là đào tạo trình độ đại học và sau đại học các ngành đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các bậc học và nhân lực chuyên môn nghiệp vụ khác cho ngành giáo dục.
Ngay khi mới ra đời, từ khóa 62 (tuyển sinh năm 2021), Trường Sư phạm đã tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của các trường phổ thông thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Những hoạt động của Trường đại học sư phạm - Trường Đại học Vinh.
Trường đã đưa các học phần dạy học dự án vào các chương trình đào tạo. Chương trình mỗi ngành sư phạm có 7 học phần dự án được phân bổ trong 8 học kỳ/4 năm học từ năm thứ nhất đến năm cuối, trong đó có 4 học phần khoa học giáo dục và 3 học phần khoa học cơ bản. Sinh viên sẽ được tiếp cận trường phổ thông và chủ động trong việc tổ chức học tập ngày từ học kỳ đầu tiên và thực tập nghề nghiệp ở học kỳ cuối cùng.
Ngoài ra việc cải tiến chương trình đào tạo, gắn dạy học dự án với nghiên cứu khoa học, chính sách đối với giảng viên và sinh viên sư phạm cũng được Trường chú trọng tạo nên luồng không khí mới trong công tác đào tạo giáo viên của Trường Đại học Vinh.
Các chương trình đào tạo của Trường Sư phạm đã và sẽ được kiểm định theo chuẩn Quốc tế và chuẩn quốc gia. Trong số 14 ngành đào tạo sư phạm, có 1 ngành (Sư phạm Toán học) đã được kiểm định và đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Quốc tế (AUN-QA), có 3 ngành (Sư phạm Hoá học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học) đã được kiểm định và đạt tiểu chuẩn Quốc gia.
Hiện tại, Trường Sư phạm đang thực hiện quy trình kiểm định theo tiêu chuẩn Quốc gia cho 3 ngành học trên.
(Còn nữa)
Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030 Đó là mục tiêu Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ...