Đánh giá đúng kết quả xét nghiệm Covid-19
Những ngày gần đây, người dân khá lo lắng trước các thông tin về kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính rồi dương tính, dương tính rồi âm tính, cho ra viện lại dương tính trở lại…
Lý giải khoa học cho những tình huống này như thế nào?
Xét nghiệm rất quan trọng
Trong y khoa, sau khi hỏi và thăm khám với 4 thủ pháp cơ bản là nhìn, sờ, gõ nghe để có hướng về căn bệnh, bác sĩ phải dựa vào các thủ pháp cận lâm sàng khác để xác định bệnh, rồi từ đó chọn ra liệu pháp điều trị thích hợp.
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm là công cụ quan trọng nhất, vì không chỉ để xác định chẩn đoán, mà còn để theo dõi, dự phòng.v.v…
Trong đại dịch COVID-19, có hai nhóm kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện sự hiện diện của SARS-CoV-2 là: (1) phát hiện vật liệu di truyền ARN của nCoV, và (2) phát hiện các kháng thể miễn dịch của cơ thể với virus này.
Xét nghiệm PCR: phát hiện vật liệu di truyền của SARS-CoV-2
PCR (Polymerase Chain Reaction) là các kỹ thuật phân tử giúp khuếch đại một đoạn gene ARN, giúp phát hiện sự có mặt của virus. Mẫu bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch họng mũi họng hầu. Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản…
RT-PCR là xét nghiệm phân tử hiện đại nhất hiện nay. Xét nghiệm PCR cho phép chúng ta xác định sự hiện diện của SARS-CoV-2 với một vài mẫu gene acid nucleic, một mảnh “xác chết”, chứ không cần sự hiện diện của cả con virus đang sống.
Xét nghiệm máu: phát hiện các kháng thể chống SARS-CoV-2
Bên cạnh xét nghiệm sinh học phân tử PCR phát hiện RNA của virus, còn có các loại xét nghiệm huyết thanh học khác để phát hiện các kháng thể chống SARS-CoV-2 như IgM, IgA, IgG hoặc tổng số kháng thể trong máu đã được nghiên cứu, phát triển.
Vì kháng thể được tổng hợp, hình thành theo thời gian bị nhiễm bệnh, và khả năng miễn dịch của người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 kích thích tổng hợp kháng thể ở bệnh nhân khoảng 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm virus. Do đó, các xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong giai đoạn bệnh lý cấp tính.
Độ nhạy Se, và độ đặc hiệu Sp của một xét nghiệm
Để đánh giá chất lượng một xét nghiệm, các nhà chuyên môn dựa vào hai yếu tố: (1) cho phép phát hiện SARS-CoV-2 với một nồng độ hiện diện rất thấp, và (2) không nhầm lẫn SARS-CoV-2 với một loại coronavirus tương tự. Nghĩa là các xét nghiệm tìm SARS-CoV-2 này phải đạt hai chỉ tiêu lý tưởng:
Có độ đặc hiệu (specificity Sp) đến 100% và sai số dương giả là 0%, tức là chỉ cho kết quả dương khi thật sự là SARS-CoV-2, và không cho dương giả với các coronavirus khác.
Có độ nhạy (sensibility Se) đến 100% và sai số âm giả là 0%, tức là có thể phát hiện rất sớm trong giai đoạn virus SARS-CoV-2 mới xâm nhập, và không hề bỏ sót tức là cho kết quả âm tính giả.
Video đang HOT
Trong thực tế, không thể có xét nghiệm lý tưởng, vừa có Se lẫn Sp đều 100%. Do đó, cần phải có chuyên gia phân tích và luận giải, cũng như làm thêm các xét nghiệm bổ sung khác.
Các dạng kết quả xét nghiệm RT-PCR
* Âm tính không có virus, hay không có mẫu gene axit nucleic
* Dương tính có virus, hay có mẫu gene acid nucleic
* Âm tính rồi dương tính giai đoạn ủ bệnh chuyển sang phát bệnh; kỹ thuật xét nghiệm lần đầu không đủ độ nhạy Se.
* Dương tính rồi âm tính giai đoạn phát bệnh chuyển sang lành bệnh; kỹ thuật xét nghiệm lần đầu làm sai; kỹ thuật xét nghiệm lần sau không đủ độ nhạy Se.
* Dương tính, âm tính rồi dương tính lại bệnh nhân đã lành còn lại vài mẫu gene axit nucleic; kỹ thuật xét nghiệm làm sai; tái phát ?
Bàn luận
Cho đến nay, xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm là kỹ thuật tốt nhất để xác định nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Và cũng như mọi xét nghiệm y khoa khác, RT-PCR cũng không thể vừa nhạy vừa đặc hiệu, vừa có Se lẫn Sp đều 100%. Do đó, cần phải có chuyên gia phân tích và luận giải, cũng như làm thêm các xét nghiệm bổ sung khác.
Thường để sàng lọc cộng đồng, các nhà khảo sát chọn các xét nghiệm có độ nhạy càng cao càng tốt, nghĩa là chấp nhận “dương tính giả”, sau đó đưa những người dương tính này làm xét nghiệm có độ đặc hiệu càng cao càng tốt để khẳng định (confirm) lại kết quả xét nghiệm sàng lọc ban đầu. Mô hình mẫu cho việc sàng lọc cộng đồng này là xét nghiệm tìm HIV trong một quần thể dân cư: Đầu tiên cả tập hợp được làm xét nghiệm sàng lọc Determine có độ nhạy khá cao. Các mẫu máu dương tính với Determine sẽ được chuyển đến CDC để xét nghiệm Western Blot để khẳng định kết quả.
Một điều lưu ý, PCR là xét nghiệm sinh học phân tử rất hiện đại và phức tạp. Do đó, các kỹ thuật viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu lấy và xử lý mẫu bệnh phẩm, đến quá trình tiến hành xét nghiệm, tính toán… để cho các kết quả xét nghiệm tin cậy, giúp bác sĩ lâm sàng có cơ sở để chẩn đoán, điều trị, theo dõi, giám sát, quản lý bệnh nhân.
TS.BS Trần Bá Thoại – Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam
BS Trương Hữu Khanh phân tích kỹ về ca bệnh 22 và cảnh báo
Ca bệnh 22 dương tính trở lại khiến công chúng lo lắng đặt nhiều dấu hỏi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) chuyên gia dịch tễ học - phân tích kỹ về ca bệnh 22 và đưa cảnh báo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) chuyên gia dịch tễ học (Ảnh: Alobacsi)
Virus vào người để làm gì?
PV: - Thưa bác sĩ, ông có chỉ dẫn gì trước sự lo lắng của công chúng về việc ca bệnh 22 dương tính trở lại?
BS Trương Hữu Khanh: - Để thôi lo lắng, trước hết hãy tìm hiểu kỹ về việc con virus này nó vào cơ thể con người để làm gì.
Virus không tự nhân đôi mà phải nhờ ký chủ. Nó dùng cấu trúc tế bào của ký chủ để tổng hợp thành nhiều virus con.
Một lượng virus xâm nhập vào đường hô hấp hay tiêu hóa hoặc qua da không thể phân phát ngay cho người xung quanh vài con để lây lan. Nó cần thời gian để nhân lên, và nhân lên đủ số lượng thì sẽ phát tán và làm cho con người phát ra triệu chứng. Thời gian này gọi là thời gian ủ bệnh.
Tiền chứng thì có khi không rõ triệu chứng nhưng đã có thể lây bệnh cho người khác.
Khởi phát là bắt đầu sốt nhẹ nhẹ, ho chút chút nếu là bệnh hô hấp.
Toàn phát thì ho nhiều, sốt nhiều và phát tán virus nhiều.
Hồi phục là giai đoạn hết dần triệu chứng đa số do virus hết dần, và cơ thể đã tạo ra kháng thể hay có thể đã chiến thắng con virus rồi.
Cơ thể có thể phát tán ra virus là từ khi tiền chứng chứ trong giai đoạn ủ bệnh thì tuyệt đối không. Việc phát tán virus tăng dần từ tiền chứng tới khởi phát và toàn phát.
Người không có triệu chứng nhưng có virus và tiếp tục lây bệnh, hay người không có triệu chứng nói chung thì gọi là người lành mang trùng chứ không phải giai đoạn ủ bệnh.
Như ca bệnh 22, sau giai đoạn hồi phục, khỏi bệnh, có thể là trong các tế bào bạch cầu vẫn còn chứa đoạn gene di truyền của virus nhưng chỉ là số lượng rất ít, hay nói khác đi là nồng độ virus thấp. Khi sử dụng kỹ thuật xét nghiệm PCR trên mẫu bệnh phẩm, vẫn có khả năng phát hiện số lượng virus này.
Muốn biết rõ, chỉ cần lấy thêm mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm thêm, sẽ nghiên cứu được số lượng virus mà ca bệnh 22 đang mang là bao nhiêu, virus đã tiếp tục nhân lên chưa?
Giải pháp quan trọng nhất đối với nhóm người lành mang trùng này là cách ly. Còn đối với người tiếp xúc, chỉ cần mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà bông. Chỉ hai yếu tố này thôi là đảm bảo khó có thể lây nhiễm trong giai đoạn ca 22 đang mang một số lượng virus ít ỏi như thế.
Bằng chứng là, cho đến sáng nay, toàn bộ các xét nghiệm những người tiếp xúc gần với ca bệnh 22 trong thời gian cách ly tại Đà Nẵng và trong lúc bệnh nhân người Anh này đi qua TP.HCM để quá cảnh sang Anh đều có kết quả âm tính với nCoV.
Xe đưa ca bệnh 22 xuất viện cùng 2 bệnh nhân khác hôm 27/3 tại Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Đã cần lo lắng về virus biến chủng hay chưa?
PV: - Về giả thiết khiến nhiều người đang lo lắng là virus có thể biến chủng, né tránh hệ thống miễn dịch mà người bệnh đã tạo ra sau thời gian điều trị, để quay trở lại thì sao thưa bác sĩ?
BS Trương Hữu Khanh: - Nói như một số người cho rằng virus Corona chủng mới đã tiến hóa thành hai chủng khác nhau là chưa đúng. Tất cả đều có cây phả hệ chứ không phải tự nhiên mà biến hóa đa dạng vậy.
Thông thường khi nhiễm virus, giai đoạn đầu virus nhân lên rất nhiều trong cơ thể. Cơ thể sẽ huy động hệ thống tế bào sản xuất kháng thể, chặn lại không cho virus nhân lên, bệnh nhân được điều trị khỏi. Qua giai đoạn sau, bệnh nhân có thể thuộc một trong hai nhóm. Một nhóm là hoàn toàn không còn virus trong cơ thể. Nhóm thứ hai là virus trở thành cộng sinh, vẫn ở trong cơ thể mà không gây bệnh.
Còn về các biến chủng của virus, khả năng này có, nhưng chúng ta chưa đủ cơ sở khoa học để nói về nó. Công chúng cũng không cần lo lắng về virus biến chủng. Bởi như trường hợp dương tính trở lại của ca bệnh 22, lý giải nó theo hướng người lành mang trùng thì hợp lý, bây giờ toàn bộ những người tiếp xúc gần với ca bệnh 22 đều đã âm tính, chứng tỏ con virus này đã suy yếu, nói khác đi là đã khá "thân thiện" với người mang nó chứ không còn "ác tính" như hồi đầu mới xuất hiện trên ký chủ này.
Còn nếu đặt giả thuyết đã có biến chủng của virus, chắc chắn chủng mới sẽ có sức "công phá" mạnh mẽ, lây lan "ác tính" mới hợp lý.
Ca bệnh số 22 và 23 tại sân bay Đà Nẵng ngày 10/4 trước khi di chuyển vào TP.HCM (Ảnh: Hồ Xuân Mai)
Tín hiệu vui nhưng cần hết sức thận trọng
PV: - Thưa bác sĩ, nếu phân tích như ông thì công chúng có nên lo sợ trước việc dương tính trở lại của ca bệnh 22?
BS Trương Hữu Khanh: - Ca bệnh 22 dương tính trở lại nhưng virus khá yếu, lành tính dần đi, hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Đây là tín hiệu vui. Công chúng không cần lo lắng suy diễn nhiều.
Tuy nhiên, tín hiệu vui không phải để chủ quan. Điều mà tất cả nên ý thức rõ lúc này là càng phải nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bởi thực tế chữa bệnh ở Trung Quốc có tới 10% bệnh nhân hồi dương tính trở lại với nCoV. Các nước khác chưa thống kê tỷ lệ nhưng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính trở lại nên nếu đã phát hiện ca bệnh 22 dương tính trở lại thì biện pháp phòng ngừa càng phải nghiêm ngặt hơn ở mọi nơi, mọi môi trường.
Nhất thiết đảm bảo quy trình cách ly với các bệnh nhân kể cả sau khi hồi phục, xuất viện, bắt buộc tuân thủ xét nghiệm đánh giá sau 5 ngày, 14 ngày. Bệnh nhân xuất viện vẫn nên hạn chế tiếp xúc với người thân và cộng đồng trong ít nhất là 14 ngày tiếp theo.
PV: - TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất phải đánh giá tính rủi ro đối với dịch bệnh COVID-19. Ngày hôm qua, TP.HCM vừa đình chỉ hoạt động của một công ty có trên 70.000 công nhân, do tỷ lệ 81% rủi ro với COVID-19. Lãnh đạo TP.HCM đang tiếp tục yêu cầu toàn bộ các nhà trường đánh giá tỷ lệ rủi ro này để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trước thời điểm học sinh, sinh viên quay trở lại trường. Thưa bác sĩ, điều cần làm nhất đối với cộng đồng trong lúc này là gì?
BS Trương Hữu Khanh: - Thứ nhất, theo dõi thông tin từ cơ quan y tế, xem những người dương tính với nCoV đã đi đâu, làm gì. Rồi tự xem lại hoạt động của mình, xem mình hoặc người thân, đồng nghiệp của mình có nguy cơ không.
Thứ hai, kể cả khi không có nguy cơ, thì vẫn nên tuân thủ tự cách ly ai ở nhà người đó là tốt nhất. Nếu thấy bắt đầu xuất hiện triệu chứng thì tham vấn tổ chức y tế, cơ quan chức năng, đề phòng cho người già, người có yếu tố nguy cơ trong gia đình mình.
Hòa Bình
Giới khoa học đang phát triển phương pháp xét nghiệm Covid-19 tốt hơn Xét nghiệm huyết thanh học sẽ giúp xác định các nhân viên y tế có thể làm việc an toàn, không cần thiết bị bảo vệ hay chịu cách ly xã hội. Để xét nghiệm người nghi nhiễm virus corona, chuyên viên y tế sẽ lấy bệnh phẩm từ mũi hoặc họng dưới của bệnh nhân gửi đến kỹ thuật viên phòng thí...