Đại học công lập quốc tế trực thuộc Viện hàn lâm dành cho học sinh yêu khoa học công nghệ
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – Đại học Việt Pháp (USTH) vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành Quy định cơ chế tài chính đặc thù, mở ra cánh cửa để USTH sớm phát triển thành trường đại học công lập xuất sắc đẳng cấp quốc tế.
Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng Nhà trường.
Thưa PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh, được biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định ban hành qui định cơ chế tài chính đặc thù của USTH, theo đó Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng USTH thành trường đại học công lập xuất sắc đẳng cấp quốc tế. Quyết định này có vai trò gì cho sự phát triển của USTH trong tương lai?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Ngân sách Nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên cho USTH trong giai đoạn 2021-2025 là yếu tố quan trọng trong việc duy trì, đẩy mạnh các hoạt động cần thiết cho sự phát triển của USTH, thể hiện ở các mặt: (i) Nhân sự – Đảm bảo kinh phí để chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giảng viên trường, đặc biệt tạo điều kiện thu hút những giảng viên và chuyên gia giàu kinh nghiệm đến làm việc tại trường; (ii) Đào tạo – Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, thực hiện kiểm định quốc gia và quốc tế, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên nhà trường (iii) Nghiên cứu – Với cơ chế tài chính đặc thù mới, trường có thể tăng tỷ lệ từ nguồn kinh phí thường xuyên nhà nước cấp dành cho nghiên cứu của giảng viên và sinh viên cũng như tổ chức các hội thảo khoa học, góp phần xây dựng và phát triển USTH thành một trường đại học nghiên cứu đẳng cấp trong khu vực.
“Xây dựng USTH thành trường đại học công lập xuất sắc đẳng cấp quốc tế, và trở thành một trong những trường hàng đầu Đông Nam Á” có phải là áp lực với tập thể lãnh đạo và cán bộ giảng viên USTH?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Xây dựng một trường đại học là một nhiệm vụ không đơn giản với bất kỳ cá nhân hay tập thể nào, đối với USTH – được kỳ vọng trở thành trường Đại học công lập của Việt Nam nằm trong top đầu Đông Nam Á – lại càng là một hành trình nhiều khó khăn và thử thách.
Tuy nhiên, với trách nhiệm là một trong những người lãnh đạo Nhà trường, tôi luôn quyết tâm phải kiên định với mục tiêu mà hai Chính phủ đặt ra, từ đó lãnh đạo đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu để đạt được mục tiêu đó.
So với các trường đại học công lập quốc tế khác ở Việt Nam, USTH đang có những điểm gì thuận lợi hơn?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: USTH đào tạo chuyên về các ngành khoa học-công nghệ, lại nằm trong khuôn viên và trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ quan nghiên cứu về khoa học và công nghệ hàng đầu quốc gia nên Trường nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm về nhân lực và cơ sở vật chất cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của trường.
Quy định cơ chế tài chính đặc thù này đem lại những lợi ích cụ thể gì cho người học, thưa bà?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Nguồn thu chính của USTH để chi trả cho toàn bộ hoạt động của nhà trường là ngân sách Nhà nước cấp và thu học phí. Với quy định về cơ chế tài chính đặc thù này, trong giai đoạn 05 năm tới, chi phí cho các hoạt động của Trường sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50%, hay nói cách khác học phí của sinh viên được giảm một nửa, bên cạnh các lợi ích về chất lượng đào tạo, giảng viên mà người học được hưởng như trả lời trong câu đầu tiên. Tôi xin giải thích cụ thể hơn là nếu không có Nhà nước hỗ trợ, chi phí đào tạo trung bình cho 1 sinh viên tại USTH là 4000$, tuy nhiên hiện tại sinh viên chỉ phải đóng học phí 2000$ nhờ sự hỗ trợ của nguồn ngân sách Nhà nước.
Như vậy, sắp tới, để trở thành sinh viên USTH có thể sẽ khó khăn hơn?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Trở thành sinh viên của USTH không khó nếu các bạn học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, đặc biệt là có tình yêu và say mê khoa học. Hiện tại USTH tuyển sinh theo 2 hình thức: (i) Xét học bạ và phỏng vấn – áp dụng phương thức tuyển sinh trực tiếp của các trường Đại học châu Âu – diễn ra 3 đợt trước kỳ thi THPT Quốc gia (tháng 1, 3, 5); (ii) Tuyển sinh qua cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, trường cũng có các chính sách tuyển thẳng dành cho các thí sinh có thành tích học tập xuất sắc (điểm trung bình trên 8,5) hoặc đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia các môn khoa học tự nhiên.
Nhiều người vẫn nhầm USTH là một trường quốc tế tư thục hoặc nhầm với một trường đại học khác lâu đời hơn ở Việt Nam, theo bà có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Hiện nay, USTH đang đẩy mạnh các hình thức truyền thông để tăng độ phủ nhận diện thương hiệu trên toàn quốc, song song với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu để xây dựng vị thế riêng trong cộng đồng. Hi vọng rằng thông qua Quy định cơ chế tài chính đặc thù cho USTH của Thủ tướng Chính phủ, sẽ ngày càng có thêm nhiều người biết đến USTH như là một trường đại học công lập quốc tế, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Không ít phụ huynh và học sinh ở các tỉnh nghĩ rằng USTH có vẻ như là trường chỉ dành cho học sinh thành phố, bà có điều gì muốn chia sẻ?
PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh: Trước tiên tôi xin khẳng định USTH là trường đại học dành cho các bạn đam mê khoa học và công nghệ. Tại USTH, không có sự phân biệt giữa học sinh thành phố hay ngoại tỉnh. Thực tế là USTH đã chào đón hơn 2.000 sinh viên đến từ mọi miền đất nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Huế, TP HCM… Qua quá trình tuyển sinh và đào tạo, Nhà trường nhận thấy các bạn học sinh đều có chung niềm đam mê khám phá khoa học, yêu thích công nghệ, muốn theo đuổi các ngành về khoa học – công nghệ – kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các bạn học sinh ngoại tỉnh thường có ít cơ hội và điều kiện học tiếng Anh nên khả năng ngoại ngữ có phần hạn chế hơn so với các bạn ở thành phố. Vì vậy, Nhà trường đã cung cấp các khóa học tiếng Anh bổ trợ giúp các bạn học sinh tự tin học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh tại USTH.
Ngoài ra, USTH có chính sách học bổng đa dạng dành cho các bạn học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Có học bổng toàn phần trị giá 100% khóa học cho thí sinh đạt giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực các môn khoa học tự nhiên. Trường còn có các mức học bổng khác nhau: 40 triệu, 30 triệu, 20 triệu… và tất cả học sinh xuất sắc đều có cơ hội như nhau.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo bà, sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phải cần có những kiến thức gì để thích nghi với thị trường việc làm thời công nghệ 4.0?
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, sinh viên khi ra trường cần có nền tảng kiến thức vững vàng về lĩnh vực chuyên ngành mình theo học trong suốt những năm học đại học. Ngoài ra, các bạn cần có khả năng ngoại ngữ, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh. Bên cạnh đó cũng cần làm chủ các kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đó cũng là những lợi thế mà sinh viên USTH có được nhờ mô hình đại học tiên tiến chuẩn quốc tế và thế mạnh đào tạo các ngành khoa học-công nghệ-kỹ thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trân trọng cảm ơn.
Sinh viên dân tộc hộ khẩu tại vùng 135 có được giảm học phí?
Sinh viên Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) học đại học công lập, là người dân tộc Tày. Tháng 8/2020, sinh viên nhập hộ khẩu vào nhà người chú ở vùng 135. Sinh viên Lan Anh hỏi, sinh viên có được hưởng chế độ giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP không?
Ảnh minh họa
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Trường hợp sinh viên Nguyễn Lan Anh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 thì cần xác định rõ có thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 do vùng thuộc diện Chương trình 135 bao gồm cả các xã biên giới, xã an toàn khu.
Nếu trường hợp sinh viên Lan Anh là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chế độ giảm 70% học phí theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 3 Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Tăng tốc hội nhập Hơn 10 năm trước, việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường ĐH chủ yếu tập trung ở khối trường quốc tế và vài chương trình tiên tiến của những ĐH công lập tốp đầu. Ảnh minh họa/INT Những năm gần đây, đào tạo bằng tiếng Anh không còn là đặc sản của nhóm trường trên, mà còn của nhiều trường ĐH khác,...