Học phí trường đại học công lập tự chủ: Cao thấp do đâu?
Dù tự chủ, các trường công lập vẫn được nhà nước tài trợ nên mức học phí sẽ thấp hơn các trường tư.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM học trong thư viện. Đây là một trong những trường đại học công tự chủ – HÀ ÁNH
Mức độ cách biệt học phí tùy vào từng ngành nghề, mức đầu tư của nhà nước, các nguồn thu, nguồn tài trợ khác cũng như chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo.
Theo Điều 65 của luật Giáo dục đại học sửa đổi, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ được xác định mức thu học phí và việc này phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo. Vậy làm sao để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật và xác định lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo?
Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục. Tài chính dành cho giáo dục nghề nghiệp của các nước đang phát triển như Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ đều sử dụng phương thức cùng “chia sẻ chi phí” (cost sharing) giữa chính phủ và người học.
Dù chuyển qua tự chủ, các trường công lập vẫn được nhà nước tài trợ nên mức học phí sẽ thấp hơn học phí ở các trường tư, mức độ cách biệt học phí tùy vào từng ngành nghề và mức đầu tư của nhà nước, các nguồn thu, nguồn tài trợ khác cũng như chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo. Các trường sẽ đưa ra mức học phí cạnh tranh và cam kết các điều kiện dạy và học cũng như chất lượng đầu ra với người học (trách nhiệm giải trình).
Thu của trường đại học công lập gồm thu tài trợ từ ngân sách nhà nước, từ hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của trường, từ nguồn khác và từ học phí – ĐÀO NGỌC THẠCH
Khi tính giá, mức học phí hay xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật cho chi phí trên một đơn vị sinh viên, trường cần tính đến tổng thu và tổng chi cùng với số lượng sinh viên của trường. Nếu thu và chi bằng nhau thì trường sẽ hòa vốn. Chi của trường đại học bao gồm chi phí cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của trường, chi cho đầu tư và hoạt động của trường, chi phí khấu hao hoặc chi sửa chữa lớn…
Thu của trường đại học công lập gồm thu tài trợ từ ngân sách nhà nước, thu từ hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của trường, thu từ nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp , cựu sinh viên ), và thu từ học phí của người học.
Như vậy, học phí cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào chi phí đầu tư đầu vào tương ứng với kết quả chất lượng đầu ra cao hay thấp, cũng như tỷ lệ các nguồn tài trợ cho trường công lập tự chủ như thế nào. Nếu cần chất lượng đầu ra tốt trường phải tăng chi đầu tư trên một sinh viên lớn hơn và nếu nguồn thu tài trợ từ ngân sách nhà nước bị cắt giảm, nguồn tài trợ khác không có, học phí đảm bảo cho mức hòa vốn của trường sẽ phải cao.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, những trường đại học có thương hiệu, có uy tín có thể tạo được các nguồn thu khác, như thu từ nghiên cứu khoa học và dịch vụ, nhận tài trợ từ các doanh nghiệp , cựu sinh viên sẽ thay thế cho phần tài trợ từ ngân sách bị cắt giảm. Trường có nhiều nguồn tài trợ, và tỷ trọng nguồn tài trợ trong tổng thu càng lớn, mức học phí sẽ càng thấp và ngược lại.
Để phát triển bền vững, ngoài đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường còn phải thực hiện trách nhiệm xã hội là có chính sách giảm học phí cho sinh viên nghèo , sinh viên vùng sâu, vùng xa.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn và đại dịch Covid-19, các trường cũng cần tính đến lộ trình tăng học phí đi kèm với trách nhiệm công bố giải trình, cũng như cam kết tăng chất lượng đào tạo như thế nào cho người học biết.
Vì sao trường đại học lớn phải xét tuyển bổ sung?
Dù phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng mạnh so với năm ngoái nhưng kể cả một số trường ĐH công lập vốn thu hút nhiều thí sinh quan tâm, cũng ra thông báo xét tuyển bổ sung.
Thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Xét tuyển bổ sung không phải hiện tượng lạ trong tuyển sinh ĐH mỗi năm nhưng đáng chú ý là năm nay phổ điểm tăng mạnh nhưng nhiều trường ĐH công lập có những ngành vốn thu hút nhiều thí sinh (TS) quan tâm như sư phạm, sức khỏe, công an... vẫn thông báo tuyển bổ sung.
Ngành ít thí sinh quan tâm
Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông báo xét tới 180 chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Nga và 43 chỉ tiêu ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đến thời điểm này, trường đã tuyển được khoảng 91% tổng chỉ tiêu. Dù mới nhận hồ sơ xét bổ sung vài ngày nhưng đã có gần 100 hồ sơ nộp về trường nên khả năng sẽ tuyển đủ số chỉ tiêu còn lại.
Nguồn tuyển còn quá ít
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết trường kết thúc xét tuyển bổ sung vào ngày 19.10, có rất ít hồ sơ xét tuyển nộp vào trường. Theo tiến sĩ Lý, hiện tại có lẽ đã hết nguồn tuyển nên dù có tuyển thêm nữa cũng khó có thêm TS.
Theo thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông và Marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, số lượng TS nộp hồ sơ xét tuyển rất thưa thớt.
Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Ban Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, cho biết: "Nguồn tuyển đã không còn nhiều nữa vì có thể do dịch Covid-19 kéo dài, các trường công lập lớn xét tuyển bằng học bạ nhiều".
Đăng Nguyên
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì xét tuyển bổ sung 2 ngành gồm khúc xạ nhãn khoa và y tế công cộng áp dụng cho TS có hộ khẩu ngoài TP.HCM. Trong đó, ngành khúc xạ nhãn khoa tuyển 10 chỉ tiêu từ 21,15 trở lên và ngành y tế công cộng xét 20 chỉ tiêu từ 19 trở lên.
Một số trường ĐH đào tạo công an cũng xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu các ngành chính quy với mức điểm nhận hồ sơ trên 20.
Lý giải nguyên nhân của việc phải tuyển nhiều đợt, theo đại diện các trường, những ngành trường có xét tuyển bổ sung đều thuộc nhóm ngành ít TS quan tâm hoặc ngành mới mở. Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết năm nay trường xét tuyển bổ sung 2 ngành thuộc diện khá đặc biệt. Trong đó, ngành sư phạm lịch sử - địa lý là ngành mới đào tạo giáo viên tích hợp bậc THCS trường vừa có quyết định mở ngành chưa kịp tuyển sinh trong đợt 1.
Với ngành sư phạm tiếng Nga, theo thạc sĩ Quốc, là ngành khó tuyển sinh những năm trước, năm nay ở đợt 1 chỉ tuyển được 4 - 5 TS. Trong khi đó, năm 2019 trường ngưng tuyển sinh ngành này nên TS có thể bị hạn chế thông tin khi tham khảo tình hình tuyển sinh năm ngoái.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho biết trường xét bổ sung 2 ngành đặc thù. Trong đó, ngành khúc xạ nhãn khoa ngoài điều kiện điểm số trường còn xét dựa trên điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp và đây chính là rào cản với nhiều TS. Còn y tế công cộng luôn là ngành có điểm chuẩn thấp nhất các năm, không được nhiều TS lựa chọn bằng các ngành khác trong khối ngành sức khỏe.
Dịch Covid-19 tác động đến lựa chọn của thí sinh?
Nhiều trường ĐH công lập khác vốn thu hút nhiều TS quan tâm cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế TP.HCM xét tuyển thêm hơn 1.300 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo do trường cấp bằng và 21 ngành chương trình liên kết quốc tế do đối tác cấp bằng. Kết thúc đợt bổ sung trường chỉ tuyển được hơn 500 hồ sơ. Trong đó, các ngành chương trình do trường cấp bằng tuyển đạt trên 90% chỉ tiêu nhưng nhiều ngành chương trình quốc tế TS giảm mạnh so với năm trước. Dù vậy, trường này quyết định không xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo.
Theo đại diện trường này, có những tác động từ dịch Covid-19 đến việc lựa chọn học các ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế năm nay. Chương trình liên kết này thông thường có thời gian học tại chỗ và chuyển tiếp nước ngoài, trong khi thực tế trước mắt việc di chuyển giữa các nước vẫn còn hạn chế.
"Thậm chí năm nay còn có những trường hợp TS đã trúng tuyển vào trường nhưng phụ huynh vẫn đến xin rút hồ sơ để về trường tỉnh học cho gần nhà", người này cho hay.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung bằng cả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực cho 5 ngành chương trình đại trà, 3 ngành chất lượng cao và 6 ngành chương trình liên kết quốc tế. Kết thúc thời gian nhận hồ sơ vào 15.10, trường này đã tuyển gần đủ tổng chỉ tiêu cần tuyển đợt bổ sung với các ngành đại trà và chất lượng cao. Các ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế chỉ tuyển được vài người. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, những ngành thiếu cục bộ vẫn là những ngành khó tuyển nhiều năm như: công nghệ hóa học, quản lý tài nguyên môi trường.
Hội đồng trường Đại học: Vẫn hữu danh vô thực Một trong những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học đó là cuộc chuyển giao quyền lực từ cơ quan sở hữu sang Hội đồng trường (đối với các trường ĐH công lập). Nhưng thực tế cho thấy Hội đồng trường hiện nay vẫn chỉ là hữu danh vô thực. Theo GS. TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học...