Cựu trợ lý thân cận hợp tác với cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Trump
Cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Hope Hicks, người từng là trợ lý thân cận của Tổng thống Mỹ đã tham gia cuộc điều tra của Hạ viện nhằm vào ông Donald Trump.
Cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng Hope Hicks. Ảnh: Getty
Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler đã gửi cho Hope Hicks một lá thư chi tiết hồi đầu tháng 3, đề nghị cô cung cấp các tài liệu liên quan đến một loạt các chủ đề, bao gồm cả các tuyên bố sai của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), sau đó là vụ sa thải cựu giám đốc FBI James Comey, nghi vấn ông Trump chỉ đạo dùng tiền để đổi lấy sự im lặng của những phụ nữ tuyên bố từng có quan hệ tình ái với ông trong quá khứ.
Yêu cầu bao gồm các tài liệu từ “bất kỳ nhật ký cá nhân hoặc công việc, tạp chí hoặc cuốn sách khác có ghi chú, hồ sơ hoặc mô tả về các sự kiện hàng ngày” về ông Trump, chiến dịch tranh cử, Tổ chức Trump và văn phòng điều hành của Tổng thống.
Hicks và các quan chức chính quyền hiện tại khác đã đồng ý cung cấp tài liệu cho ủy ban, theo phát ngôn viên Daniel Schwarz. Luật sư của cô Hicks từ chối bình luận về thông tin này.
Video đang HOT
Diễn biến mới nhất xảy ra trong bối cảnh Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Nhà Trắng bất đồng về quy mô các cuộc điều tra do cơ quan lập pháp tiến hành. Theo đó, văn phòng tổng thống dường như chưa cung cấp thông tin cho ông Nadler theo như ông yêu cầu dù đã qua hạn chót vào ngày 19/3. Chính vì vậy, phía Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã gửi thư yêu cầu tới các bên có liên quan, yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ cuộc điều tra.
Sự hợp tác của Hope Hicks hoàn toàn trái ngược với cựu nhân viên Nhà Trắng John Kelly – người đang phải đối mặt với một loạt câu hỏi từ Ủy ban về vai trò của ông trong quá trình giải phóng mặt bằng an ninh Nhà Trắng. Ông Kelly trả lời thông qua văn phòng luật sư Nhà Trắng trong khi cô Hicks dường như đang tương tác trực tiếp với Ủy ban Tư pháp Hạ viện.
Mặc dù đã đồng ý hợp tác nhưng không rõ cuối cùng Hicks sẽ cung cấp bao nhiêu thông tin.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)
Theo Doisong&phapluat
Sóng gió bủa vây Tổng thống Mỹ
Phản ứng lại việc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump cản trở công lý và lạm quyền, Nhà Trắng lên tiếng cho rằng đây là hành động "đáng hổ thẹn và gian dối". Cuộc điều tra mới nhất nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ cho thấy mâu thuẫn giữa Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ nắm quyền và Nhà Trắng tiếp tục bị đẩy lên cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tin đồn luận tội
Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã yêu cầu Nhà Trắng cung cấp các tài liệu liên quan đến 81 cá nhân và tổ chức để phục vụ cuộc điều tra về nghi vấn cản trở tư pháp hoặc lạm quyền. Nhiều nhân sự trong đội ngũ vận động tranh cử của đảng Cộng hòa và các cựu phụ tá ở Nhà Trắng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)... đều nằm trong danh sách các đối tượng phải cung cấp tài liệu theo yêu cầu của ủy ban trên. Trong số này còn có con trai cả của Tổng thống Donald Trump là Donald Trump Jr. và Jared Kushner, con rể của Tổng thống Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler cho biết, đảng Dân chủ sẽ xem xét thêm cáo buộc tham nhũng và cản trở công lý đối với Tổng thống Mỹ. Lấy dẫn chứng cho cáo buộc Tổng thống Donald Trump cản trở công lý, ông Nadler đề cập đến việc Tổng thống Mỹ hồi tháng 5-2017 sa thải giám đốc FBI James Comey, người đứng đầu cuộc điều tra nghi vấn mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump với Nga và nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Việc thu thập bằng chứng của đảng Dân chủ khiến dư luận đồn đoán rằng đây có thể là nền tảng để tiến tới quá trình luận tội đối với Tổng thống Donald Trump mặc dù ông Nadler khẳng định, hiện còn quá sớm để bàn đến vấn đề này. Để thông qua quyết định luận tội Tổng thống Donald Trump, đảng Dân chủ cần hơn 50% số phiếu ủng hộ tại Hạ viện, nơi đảng này kiểm soát từ tháng 1-2019.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cũng khẳng định, đã có bằng chứng cho thấy sự thông đồng giữa ủy ban bầu cử của ông Donald Trump với Nga khi đề cập đến một cuộc họp năm 2016 tại Tháp Trump, nơi mà một luật sư người Nga hứa sẽ gây ảnh hưởng tới các thông tin của bà Hillary Clinton - ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ vào thời điểm đó. Trong một diễn biến liên quan, 2 ủy ban khác của Hạ viện Mỹ gồm Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Giám sát chính phủ cùng Ủy ban Tình báo đã gửi một bức thư tới Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao để yêu cầu cung cấp những nội dung chi tiết về các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sẵn sàng hợp tác
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi đảng Dân chủ mở cuộc điều trần công khai cựu luật sư Cohen của Tổng thống Donald Trump, với hàng loạt cáo buộc nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ như tham gia tranh cử để đánh bóng tên tuổi, phân biệt chủng tộc... Ngay sau đó, ông Donald Trump đã chỉ trích và cho rằng phiên điều trần diễn ra vào ngày ông gặp lãnh đạo Triều Tiên đã góp phần khiến hội nghị không đạt thỏa thuận. Các đồng minh quen thuộc của tổng thống cũng chỉ trích đảng Dân chủ vì đã tổ chức buổi điều trần trong lúc ông Donald Trump đang ở nước ngoài. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đánh giá sự thù ghét ông Donald Trump của phe Dân chủ đã ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Mặc dù vậy, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong hoạt động thu thập bằng chứng của đảng Dân chủ. Bất chấp những xôn xao về cuộc điều tra nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ, thăm dò dư luận mới nhất của NBC News và Wall Street Journal cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump vẫn ở mức cao, chiếm 46%.
THANH HẰNG (tổng hợp)
Theo SGGP
Ông Trump có thoát nổi tình cảnh 'tứ bề thọ địch'? Các thành viên Dân chủ tại Hạ viện Mỹ vừa khởi động một "cuộc tổng tấn công" nhằm vào mọi góc cạnh trong đời sống chính trị, kinh doanh và cá nhân của Tổng thống Donald Trump. Khởi đầu "cuộc tổng tấn công" này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, ngày 4/3, gửi thư cho 81 cá nhân, cơ quan và thực...