Cựu bộ trưởng kinh tế Đức bị tố cợt nhả phóng viên
Cựu bộ trưởng kinh tế Đức Rainer Bruederle đã bị một nữ phóng viên của tạp chí Stern cáo buộc buông lời gạ gẫm khiếm nhã đối với cô tại quầy bar khách sạn, vụ việc khiến chính giới Đức nổi sóng.
Nữ phóng viên 29 tuổi Laura Himmelreich, viết trên tờ báo tuần Stern rằng chính trị gia Rainer Bruederle của đảng Dân chủ tự do (FDP) đã liếc nhìn vào ngực cô và nói: “Cô cũng có thể căng đầy trong một chiếc áo dirndl” (dirndl là loại chiếc váy trễ cổ truyền thống dành cho phụ nữ của vùng Bavaria) hồi năm ngoái.
Theo lời Himmerlreich, sau đó ông Bruederle nói với cô: “Các nhà chính trị luôn gục ngã trước các phóng viên”. Tiết lộ nói trên nằm trong một bài báo đề cập tới chuyện nhiều quan chức thích “đùa cợt” đối với cánh phóng viên nữ.
Ông Bruederle, 67 tuổi, từng nắm giữ chức cựu bộ trưởng kinh tế, đồng thời đang cạnh tranh chức chủ tịch FDP với đương kim bộ trưởng kinh tế gốc Việt Philipp Roesler.
Bruederled đã từ chối bình luận về bài báo trên, song các quan chức hàng đầu của FDP đã lên tiếng bảo vệ chính trị gia này, cáo buộc phóng viên nói trên đã phạm vào một “điều cấm kỵ” khi tiết lộ những câu chuyện trong các cuộc rượu mang tính riêng tư.
“Cách thức để thông báo về một việc diễn ra cách đó một năm thật hoàn toàn không công bằng,” Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle cho hãng thông tấn DPA biết.
“Rõ ràng và có cơ sở là bài báo này nói nhiều về phóng viên của Stern hơn là về ngài Bruederle,” đại diện FDP Rainer Stinner nói.
Ngay cả đảng Dân chủ Xã hội đối lập cũng vào cuộc.
Video đang HOT
“Nó cho thấy một cách lý giải kỳ quặc về một người tác nghiệp bằng cách trò chuyện với một chính trị gia tại một quầy bar khách sạn lúc nửa đêm,” đại biểu quốc hội Sebastian Edathy nói trên tờ Tageszeitung.
Tuy nhiên, một số bài xã luận đã chỉ trích gay gắt cách cư xử lỗ mãng mà phụ nữ phải đối mặt trong công việc cũng như bức tường im lặng xung quanh vấn đề này, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà chính trị gia có quyền lực nhất là một phụ nữ, đồng thời là đất nước được coi là “có đạo đức” hơn so với nước láng giềng Pháp.
Cây bút Nina Bovensiepen của tờ Sueddeutsche Zeitung đã gọi vụ việc này là “mối quan hệ vô hại” nhưng cũng nói rằng nó đã đụng chạm đến một vấn đề nghiêm trọng.
“Vấn đề này vẫn do đàn ông chiếm ưu thế,” cô viết. “Các cáo buộc về tình dục và vượt quá giới hạn rõ ràng là rất phổ biến ở đây.”
Một biên tập viên có thâm niên của tạp chí Der Spiegel, Patricia Dreyer, nói rằng cô rất “biết ơn” phóng viên của Stern.
“Các phóng viên nữ thường gặp phải những lời nhận xét ngu xuẩn, những sự quyến rũ ngớ ngẩn, bị hạn chế sự xuất hiện và gặp tai tiếng vì giới tính của mình giống như hàng triệu phụ nữ trong các lĩnh vực khác và đang phát ốm vì điều đó,” cô viết.
Cô lưu ý rằng những cuộc “họp báo có cồn” bên lề các sự kiện chính trị là thường là nơi để các phóng viên tìm kiếm các tin tức hậu trường.
Anja Maier của Tageszeitung cho biết thêm: “Sự ác ý chống lại Himmelreich, những lời dèm pha và khiếm nhã – đó là tất cả những dấu ấn rõ ràng cho thấy cô đã làm đúng: mở ra mặt tối của mối quan hệ giữa chính trị và truyền thông”.
Rainer Bruederle (trái) và bộ trưởng kinh tế gốc Việt Philipp Roesler tại đại hội đảng FDP. Ảnh: AFP
Cuộc tranh luận này là một ví dụ điển hình về truyền thông mạng xã hội, khi các tài khoản Twitter ở Đức đã xuất hiện một cơn lũ những lời luận bàn về đề tài tình dục trong cuộc sống hàng ngày, cũng như vấn đề nữ quyền.
Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel, Steffen Seibert đã từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại Bruederle, nhưng ông nói rằng nền tảng pháp luật trong những vụ việc như này cần phải rõ ràng.
“Tất nhiên thủ tướng tin vào cách tiếp xúc chuyên nghiệp và có phép tắc trong chính trị cũng như giữa các chính trị gia với các phóng viên,” ông nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Theo VNE
Nhà giàn mùa biển động
Từ mũi tàu, nhà giàn sừng sững như ngay trước mắt, ấy vậy mà như hai bàn tay gần nhau trong gang tấc mà không thể chạm vào nhau sau cả năm dài xa cách. Vì sự đỏng đảnh của thời tiết mà bao tâm tư, tình cảm đành phải thể hiện bằng cách khó ai nghĩ tới, đầy da diết, và những giọt nước mắt giấu sau những nụ cười lúc từ biệt.
Chuyển quà lên nhà giàn bằng dây
Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng B hải quân đã từng chia sẻ những ngày đầu nhận quà khắp mọi miền đất nước đi chúc tết nhà giàn, nhân dân nhiều địa phương đã gọi điện thắc mắc: sao ra tận nơi rồi lại còn chúc tết "qua loa", hát "qua loa", quà lại buộc dây kéo lên thế? Làm việc kiểu đấy là không được đâu! Thế mới biết đồng bào cả nước quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sỹ DK1 thế nào.
Thực tế, quà tết thường đưa ra sát dịp cuối năm, dịp mà nhiều dân đi biển vẫn gọi là mùa gió chướng, sóng yên được chốc lát là mưa giông kéo đến lúc nào. Trong chuyến đi này, nhiều lần, mỗi khi tàu thả neo cánh phóng viên chúng tôi lại nhào ra để "đánh giá" mức độ sóng với niềm hi vọng sẽ được lên nhà giàn. Rồi khi chứng kiến tận mắt con xuồng được hỗ trợ bằng dây neo tứ bề ngay sát mạn thuyền mà vẫn "chồm" lên, chồm xuống trong bọt trắng xóa của những lớp sóng tràn qua mạn tàu, mới thấy nguy hiểm luôn cận kề với cả những người lính dày dạn kinh nghiệm.
Thượng tá Lê Đình Việt , Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng B Hải quân không thể nào quên lần nhận nhiệm vụ trên tàu HQ - 617 trực tại cụm Ba Kè năm 1990. Lúc đó trên nhà giàn có đồng chí cùng học, cũng là người bạn rất thân đang là chính trị viên. Bỗng bão đến bất chợt, mưa to gió lớn, sóng tràn qua cả thành tàu, nhà giàn bị đổ. Nhận lệnh từ đất liền, các anh cắt ngay phao, liên tục chạy quanh trong sóng gió để kiếm tìm đồng đội... Sóng gió tan đi, nhà giàn đổ nghiêng nằm đó mà người không còn nữa... "Biết bao đồng chí của tôi đã hy sinh. Bạn tôi quê Hà Nội, bao dự định với người yêu, gia đình nằm lại với biển khơi. Đó là một trong nhiều mất mát mà người lính DK1 phải chịu đựng, cũng là nơi rèn ý chí, quyết tâm để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cũng như không để mất mát một đồng chí, đồng đội nào nữa...", Thượng tá Lê Đình Việt xúc động.
Thời nào cũng vậy, sóng gió không thể nói trước luôn là câu cửa miệng của người đi biển. "Vận chuyển từng túi quà, gói hàng không bị ngấm nước biển, bị va đập là nhiệm vụ của chúng tôi, chỉ cần thất lạc hay làm hỏng một túi quà là cả chuyến đi coi như không trọn vẹn", Thượng úy Nguyễn Chiến Chinh, thủy thủ tàu HQ-624 chia sẻ. Mỗi khi sóng gió trên cấp 7, để đảm bảo an toàn chỉ có những thủy thủ lão luyện cả về kỹ thuật lẫn thể lực mới được tham gia "cấp hàng" vì chỉ cần một sai sót cũng dẫn đến mất mát không đáng khi xuồng luôn bị sóng đánh đập vào mạn tàu dữ dội. Lúc đó xuồng không thể tiếp cận vì sóng dồn, cách nhà giàn 100 mét sẽ gặp phao buộc dây do nhà giàn ném trôi theo sóng ra. Mỗi thủy thủ trên xuồng buộc những túi hàng theo khoảng cách quy định rồi buông ra để nhà giàn kéo lên. Để tránh việc hàng hóa, quà tặng bị ướt, có những túi nilon đặc biệt sản xuất riêng cho DK1. 2 lớp nilon bên trong, 1 lớp bao đay bên ngoài, hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng. Ngay cả khi xuồng tiếp cận được chân nhà giàn sóng dồn vẫn đưa xuồng nhấp nhô, va đập liên tục... Nhìn nhau mà cũng chỉ hỏi thăm được vài câu rồi lại lên đường làm nhiệm vụ.
Thượng tá Lê Đình Việt kể lại chuyến tàu ra chúc tết các nhà giàn hồi năm 2008. Khi mưa gió nổi lên, sóng to không thể hạ được xuồng, đành phải đọc thư chúc tết của Đảng ủy Bộ tư lệnh Vùng B Hải quân qua máy bộ đàm. Sau đó, trong đoàn có cô ca sỹ khi hát "qua loa" thấy các chiến sỹ nhà giàn không ngại mưa gió đứng cả ra ban công để nghe cô đã bước ra ngoài hành lang, cầm micro hát trong mưa gió. Cô hát nhiều bài lắm, vừa hát vừa khóc, nước mắt nhòe trong mưa gió...
Nữ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam hát chúc tết các chiến sỹ nhà giàn DK1/7 qua bộ đàm
Chiều 16-1-2013, tàu HQ-624 đến cụm Huyền Trân. "Nàng" Huyền Trân vốn dịu dàng êm ả là thế mà hôm nay sóng gió lên cao, trên trời nhiều đám mây đen kéo đến báo hiệu sắp có cơn giông. Sau khi chuyển quà qua dây, các đồng chí trong đoàn công tác chúc tết cán bộ, chiến sỹ nhà giàn DK1/7. Các nữ phóng viên thay nhau hát tặng các anh những bài hát về người lính hải quân, về mùa xuân mà mắt đỏ hoe. "Tâm nguyện chúng tôi là muốn trực tiếp trao quà tận tay các đồng đội kiên cường giữa biển khơi nhưng an toàn cho cán bộ, chiến sỹ luôn là ưu tiên hàng đầu. Chúc tết "qua loa" nghẹn ngào lắm, khó tả hết được cảm xúc lúc đó...", Đại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng vùng B hải quân, trưởng đoàn công tác tâm sự.
Gần tết, biển càng động mạnh với những cơn bão, áp thấp, hay đơn giản chỉ cần một đợt không khí lạnh tràn về. Thấy những đám rong rêu nổi từng quãng trên mặt nước..., Đại úy Trần Quang Đông, Thuyền trưởng tàu
HQ -624 nói : "Biển sắp động rồi". Tàu nhổ neo, đi một vòng quanh nhà giàn DK1/7, ba hồi còi kéo vang, từ nhà giàn vang lên tiếng tù và từ biệt... những cánh tay vẫy chào tha thiết, cười đấy mà trong lòng mặn chát, "Giữ sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhé!", những người con trung kiên của đất nước.
Theo ANTD
Trung Quốc: sa thải đại biểu quốc hội hãm hiếp phụ nữ có thai 7 tháng Ngày 3/12, một đại biểu quốc hội kiêm tổng giám đốc một công ty quốc doanh tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã bị sa thải sau khi bị một nữ phóng viên tố giác ông đe dọa và hãm hiếp cô trong thời gian dài, ngay cả khi cô có thai 7 tháng. Nữ phóng viên Wang Dechun trả lời phỏng...