Cứ xếp Lịch sử vào môn thi bắt buộc tuyển sinh đại học, chất lượng sẽ khác
“Ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”, Giáo sư Tung thông tin.
“Nếu dạy Lịch sử theo cách bắt học sinh nhớ dằng dặc những số liệu, ngày tháng, sự kiện, hỏi cụ thể trận đánh đó địch chết bao nhiêu, bắn rơi bao nhiêu máy bay mà buộc các em phải trả lời chính xác thì ai cũng sợ và bản thân tôi cũng sợ” đó là chia sẻ của Giáo sư Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đến nay vẫn có thực tế là điểm thi môn Lịch sử luôn thấp so với các môn học khác và tình trạng học sinh cũng “không ham thích” và học có tính chất đối phó, điểm thi thấp.
Nhìn nhận từ thực tế điểm thi môn Lịch sử thấp, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng đây là mối nguy hại bởi trong kỉ nguyên hội nhập có 2 môn học góp phần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt nhất cho thế hệ trẻ đó là Ngoại ngữ và Lịch sử.
Nếu môn Ngoại ngữ tạo ra chìa khóa, bệ đỡ để học trò gia nhập thế giới toàn cầu hóa thì các em chưa giỏi, còn môn Lịch sử giúp dù hội nhập đến đâu cũng không quên nguồn gốc, bản sắc dân tộc Việt Nam thì kết quả điểm thi như vậy là rất đáng buồn.
Do đó việc Đại biểu Quốc hội quan ngại, toàn dân quan ngại về kết quả này là hoàn toàn chính đáng.
Giáo sư Phạm Hồng Tung (ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, nghiên cứu phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước Quốc hội, cá nhân Giáo sư Phạm Hồng Tung chưa thật hài lòng bởi vấn đề này được nêu ra tại nghị trường Quốc hội trong nhiệm kỳ của 4 đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây (từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến nay), điều đáng ngạc nhiên là tất cả đều cho rằng lỗi là do phương pháp dạy học và thi kiểm tra đánh giá môn Lịch sử chưa đúng, thiên về hỏi diễn biến, ghi nhớ máy móc sự kiện ngày tháng…
Do đó đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cách trả lời như vậy chưa hẳn đã chỉ ra được gốc rễ của vấn đề. Bởi vì thực tế, trong quá trình nỗ lực đổi mới dạy và học môn Lịch sử thì cách dạy, cách thi đã có chuyển biến, giáo viên Lịch sử ở nhiều nơi đã và đang cố gắng đổi mới cách giảng dạy, cách đánh giá, không còn chỉ dạy diễn biến, chỉ hỏi ngày tháng sự kiện, không còn áp đặt kiến thức như trước.
Dùng thi cử để kéo chất lượng môn Lịch sử là giải pháp cấp thời
Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, vấn nạn nằm ở chỗ, đổi mới cách dạy, cách thi ở mức độ tương đối cơ bản rồi mà kết quả thi vẫn chưa cải thiện.
“Xin hãy đọc các mã đề thi môn Lịch sử trong tổ hợp Khoa học xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có những câu hỏi dễ đến mức không tưởng, thậm chí có tới trên dưới 30/40 câu người ra đề cố gắng “biếu” điểm cho thí sinh mà thí sinh vẫn không đạt được.
Chỉ cần đọc qua sách giáo khoa, nghe thầy cô giảng bài chắc chắn sẽ làm được nhưng có những học sinh nghĩ Ấn Độ ở châu Phi… sự thật là vậy, tôi cho rằng điểm thi còn chưa phản ánh hết, có thể còn đáng buồn hơn như vậy”, thầy Tung nhận định.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng điều quan trọng là do xã hội có đánh giá cao chất lượng giáo dục Lịch sử hay không, xã hội có tạo cơ hội cho nó hay không, nếu bây giờ tuyển sinh đại học coi Lịch sử là môn xét tuyển chính thì ắt hẳn kết quả sẽ khác đi.
Biết bao ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến công nghiệp văn hóa, du lịch, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, quảng cáo, kinh tế, quy hoạch đô thị, cho đến quốc phòng, an ninh, hành chính, quản lý xã hội… đều sử dụng rất nhiều tri thức lịch sử nhưng tuyển sinh đầu vào không có môn Lịch sử là môn bắt buộc, cho nên học sinh chỉ thi đối phó, làm sao không bị liệt để xét tốt nghiệp. Nếu thay đổi điều này thì có thể câu chuyện sẽ khác. Đây có thể coi như một giải pháp cấp thời.
Muốn cải thiện chất lượng thì phải bỏ hội chứng môn chính, môn phụ và gia tăng tổ hợp tuyển sinh, có như vậy Lịch sử mới có cơ hội quan tâm và chắc chắn sẽ có kết quả khả quan. Tức là dùng thi cử để kéo chất lượng lên.
Tuy nhiên về lâu về dài thì đó không phải biện pháp để cải thiện chất lượng giáo dục Lịch sử mà chúng ta phải tạo ra cơ hội việc làm thực sự mang lại niềm vui, có thu nhập cao từ nền tảng của giáo dục Lịch sử. Nhưng cho đến nay thì thực tế không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới vẫn còn nhiều điều nan giải.
“Tôi quan sát trên thế giới, ở nhiều nước phát triển cũng vậy. Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử – Văn hóa của Đức ra trường, mức lương trước thuế là khoảng 1.700 euro/ tháng, trong khi một sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, công nghệ y tế thì lương trước thuế tối thiểu lên tới 5.500-7.500 euro/tháng. Ở Mỹ hay Canada cũng như vậy. Cho nên ngay ở các nước phát triển, phần đông học sinh cũng chỉ học Lịch sử để đối phó, bởi cơ hội việc làm ít mà thu nhập lại rất thấp”, Giáo sư Tung thông tin.
Cuối cùng, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, muốn cải thiện chất lượng dạy và học môn Lịch sử thì đó là bài toán của cả xã hội chứ không phải của riêng ngành giáo dục, chừng nào còn thi ra câu hỏi dễ để biếu điểm cho học sinh thì tác hại sẽ tiêu diệt học thật.
Nếu tạo ra cơ hội phát triển từ giáo dục Lịch sử, cơ hội việc làm tốt thì khó mấy các con cũng sẽ cố gắng, chắn chắn Sử không khó hơn các môn học khác.
Và có một cái nằm trong lỗi của giáo dục Lịch sử từ trước đến nay đó là áp đặt tri thức vào học sinh, coi môn học này là món ăn có sẵn, không có lựa chọn khác. Nhưng trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì đã có những cố gắng giúp học sinh thấy môn Lịch sử thực sự là môn khoa học, giàu tính khám phá, sáng tạo chứ không phải môn học thuộc lòng, áp đặt kiến thức.
Đặc biệt tri thức Lịch sử không chỉ đem lại bài học kinh nghiệm cho cuộc sống mà làm sao mang lại cơ hội việc làm rộng lớn cho các em.
Những việc tân Bộ trưởng GD-ĐT nói 'phải làm ngay'
Trả lời báo chí ngay sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc đến nhóm việc nóng, cấp bách 'muốn hay không cũng phải làm ngay'.
Thu nhập giáo viên được cải thiện là lời hứa của nhiều đời bộ trưởng Bộ GD-ĐT - ĐÀO NGỌC THẠCH
Đó là kỳ thi THPT, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và mong muốn "thu nhập của người thầy được cải thiện"... Tuy nhiên, trên thực tế những việc tân bộ trưởng nói "phải làm ngay" đều đã bàn nhiều.
Quốc hội bầu 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của chính phủ
Kỳ thi THPT cần ổn định hay cần thay đổi ?
Tháng 3.2021, trong kiến nghị của cử tri xung quanh kỳ thi THPT, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc thi cử thay đổi liên tục, thiếu sự ổn định cần thiết, gây tâm lý bất an cho người dân và các cơ sở giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho rằng: "Qua các năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội".
Bộ GD-ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 cho giai đoạn 2021 - 2025 với những điều chỉnh kỹ thuật theo từng năm cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GD-ĐT; tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy; đồng thời tích cực chuẩn bị và từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện.
Như vậy, chủ trương về kỳ thi THPT của Bộ GD-ĐT dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là giữ ổn định trong 5 năm tới, cá nhân ông cũng nhiều lần nhắc tới từ khóa "ổn định" khi chỉ đạo về kỳ thi này.
Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói kỳ thi này là việc cấp bách ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Chưa rõ việc gì cần "phải làm ngay" với kỳ thi này theo lời ông Sơn, nhưng việc giữ ổn định hay cần thay đổi về cách thức tổ chức và mục tiêu của kỳ thi này vẫn là vấn đề gây tranh cãi trước đây cả chục năm. Cứ sau mỗi kỳ thi THPT, câu chuyện giữ hay bỏ kỳ thi này lại được khơi lại, đề xuất, kiến nghị...
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, chia sẻ cần tổ chức một cách thi cử khác với hiện nay. Với kỳ thi THPT như lâu nay, Bộ muốn ổn định, các trường ĐH cũng vậy nhưng đó không phải là cách tốt để đánh giá đúng chất lượng. Vì Bộ đang "bao cấp" cả khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của ĐH nên cả địa phương và cơ sở đào tạo đều ỷ lại và không chịu trách nhiệm rõ ràng.
"Bộ nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường", ông Lâm nói và cho biết dù tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia rất công phu, tốn kém nhưng tỷ lệ tốt nghiệp vẫn trên 90%.
Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều lần khẳng định: luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT và mục đích chính trị của kỳ thi này là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: còn nhiều thách thức
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ khi việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chỉ mới đang chuẩn bị kết thúc năm học đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) với việc cho phép thực hiện nhiều SGK/môn học được thực hiện tại VN. Việc Bộ GD-ĐT ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình riêng của từng môn học trước khi biên soạn SGK được dư luận đánh giá là cách làm bài bản, chặt chẽ so với cuộc "cải cách" lần trước.
Tuy nhiên, với SGK mới, khi vừa thực hiện chưa đầy 1 học kỳ đầu tiên thì đã xuất hiện nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận một số điểm chưa phù hợp trong SGK có trách nhiệm của Bộ, hội đồng thẩm định, các nhà xuất bản và các tác giả. Bộ GD-ĐT tiếp thu và hứa tới đây sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cho rằng sau SGK lớp 1 còn tới 11/12 SGK phải được hoàn thành trong gần 4 năm tới. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe để điều chỉnh và không lặp lại những bất cập khiến dư luận bức xúc về SGK mới như thời gian gần đây.
Thách thức lớn trong đổi mới giáo dục phổ thông là thiếu giáo viên
Đội ngũ GV được khẳng định là yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới này đang đối mặt với một thách thức rất lớn là thiếu GV mà không có nguồn tuyển hoặc chỉ tiêu tuyển dụng ở hầu khắp các địa phương. Thống kê của Bộ GD-ĐT đến hết năm 2020 cả nước thiếu hụt khoảng 70.000 GV ở tất cả các cấp học.
Ông Đặng Tự Ân đề xuất: cần thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, tránh được mọi sai sót và cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt là khả thi, nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học mới.
"Thu nhập của người thầy được cải thiện": đã nghe hứa nhiều
Cũng trong chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn nói: "Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện". Điều này chạm đến mong mỏi chính đáng của giáo viên (GV) từ rất lâu nay. Tuy nhiên, hỏi rằng họ có đặt nhiều hy vọng về phát biểu này của tân bộ trưởng không, thực tế câu trả lời rất... ngập ngừng vì hứa hẹn về đồng lương của GV phải đủ sống đã qua nhiều thời kỳ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Một GV tiểu học ở Q.Đống Đa sẽ nghỉ hưu vào 2 năm nữa, cho biết: "Có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã khẳng định: Đến năm 2010 GV sẽ sống được bằng lương. Khi ấy chúng tôi vừa xúc động vừa đầy tin tưởng. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm trôi qua, đồng lương của GV cũng không được cải thiện so với các ngành nghề khác.
Mới đây nhất, khi bàn thảo để sửa đổi luật Giáo dục 2019, dự thảo ban đầu đưa vào nội dung "lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo luật Giáo dục 2019 trình Quốc hội thông qua. 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung này và cho rằng đề xuất như vậy sẽ "phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề"...
Nhắc lại câu chuyện này để thấy việc cải thiện thu nhập của nhà giáo sẽ không phụ thuộc vào mong muốn hay đề xuất của Bộ GD-ĐT mà có thể thực hiện được.
Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều lần phát biểu lương GV ở một số nước thành công nhất trong giáo dục để thấy dù lương GV không cao hơn một số ngành nhưng họ đủ sống trên mức trung bình, cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ, khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp là bí quyết để có đội ngũ GV chất lượng cao.
Thiếu cơ chế động viên, tạo động lực cho giáo viên làm việc
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Bộ GD-ĐT cần chú trọng phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đây là những nhân tố mang tính "nòng cốt" trong việc nâng cao, đổi mới chất lượng giáo dục. Trong môi trường giáo dục phổ thông, bà Nhiếp cho rằng chúng ta vẫn thiếu đi cơ chế động viên, tạo động lực cho GV làm việc. Phải có sự phân loại trình độ GV ở từng mức rõ ràng, nhất là về mức lương. Lương thưởng phải phù hợp với mức độ cống hiến của từng người.
Cứ viết sai so với trong sách là 0 điểm nên học trò rất sợ, thậm chí ghét môn Sử Muốn học trò yêu thích môn Lịch sử thì cả xã hội hãy chung tay cùng ngành giáo dục làm sao để các em được sống lại với diễn biến của lịch sử. Lâu nay không ít học sinh ngại môn Lịch sử, cho đó là môn phải học thuộc lòng với quá nhiều kiến thức về sự kiện, số liệu, nhân vật,...