Cứ giỏi, trường tư nhiều, cử nhân sư phạm đâu nhất thiết phải vào viên chức
“Mẹ em đang làm giáo viên cho nên ước mơ sau này của em là được làm cô giáo đứng trên bục giảng”, em Chúc An tâm sự.
Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ra Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.
Em Hà Mai Chúc An Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm nói nghề giáo viên là ước mơ từ bé của em. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chính sách này kỳ vọng sẽ khuyến khích và thu hút được những học sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Chia sẻ với phóng viên, em Hà Mai Chúc An, học sinh lớp 12A2 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, Hà Nội) nói nghề giáo viên là ước mơ từ bé của em.
“Theo em thì ngành sư phạm đòi hỏi người học phải có đam mê, có kiến thức tốt. Bởi thầy giỏi sẽ đào tạo được trò giỏi. Vì thế, ngành sư phạm rất cần thu hút được những học sinh giỏi vào.
Bên cạnh đó ngành sư phạm đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt để trở thành một người giáo viên tốt như là những kỹ năng về tâm lý hay là những kỹ năng về lắng nghe, thấu hiểu học sinh.
Bản thân em có mẹ là giáo viên trung học phổ thông, hàng ngày nhìn thấy mẹ say sưa với giáo án. Có những anh chị học sinh đã tốt nghiệp nhiều năm thi thoảng đến thăm mẹ. Từ đó, ước mơ được làm giáo viên, được đứng trên bục giảng cứ lớn dần trong em từ lúc nào không biết.
Chính vì thế, trong thời gian còn đang học phổ thông, em luôn trau dồi kiến thức cũng như các kỹ năng cần thiết để có thể thực hiện ước mơ là sau này được nối nghiệp của mẹ làm một cô giáo”.
Trước thực tế, có nhiều sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm và kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục ở đâu đó còn ít nhiều băn khoăn khiến không ít học sinh giỏi không chọn ngành này, em Hà Mai Chúc An nói nếu đã thực sự có đam mê, có tình yêu ngành sư phạm thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua được.
“Em thấy bây giờ có rất nhiều trường tư thục, trường quốc tế mở ra, chế độ đãi ngộ cũng rất tốt. Thế nên bản thân em nghĩ rằng việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường phụ thuộc vào sự năng động của bản thân mỗi người. Nếu thực sự có đam mê, có tình yêu với ngành sư phạm thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua được.
Ở nhà, bố mẹ em cũng rất muốn em theo ngành sư phạm, sau khi biết em có ý định theo học ngành sư phạm thì bố mẹ em rất vui. Bố mẹ em còn nói con gái mà theo ngành sư phạm thì sẽ ổn định hơn, có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình hơn.
Ở lớp em có rất nhiều bạn cũng có cùng ước mơ được làm giáo viên như em. Tất cả điều đó là động lực để em vượt qua những khó khăn trên con đường thực hiện ước mơ làm giáo viên sau này”.
Video đang HOT
Em Nguyễn Quang Huy. Ảnh: NVCC
Cũng đứng trước cơ hội lựa chọn nghề nghiệp sắp tới, em Nguyễn Quang Huy, lớp 12N2 Trường Trung học phổ thông Hồng Hà ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ cố gắng chuẩn bị từ bây giờ để năm tới chọn ngành Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Huy cho hay: “Với em nghề sư phạm là một nghề đáng quý. Việc được làm một thầy giáo đối với em cũng rất là thú vị. Tuy nhiên bản thân em nhận thấy em không có những tố chất để làm một giáo viên ví dụ như là sự kiên nhẫn khi làm việc với học sinh”.
Huy chia sẻ dù biết nhà nước có hỗ trợ 3,63 triệu đồng một tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường hưng em sẽ không vì thế mà thay đổi mong muốn.
Em bật mí thêm: “Gia đình em cũng có nhiều đời làm kinh doanh rồi cho nên đam mê của em là được học ngành Quản trị Kinh doanh. Học sư phạm ra trường cũng tương đối khó khăn trong việc xin việc. Em cũng thấy lương giáo viên lương cũng không đủ hấp dẫn bằng làm kinh doanh”.
Hỗ trợ tiền cho sinh viên sư phạm rất quý nhưng chưa phải giải pháp tối ưu
Quy định mới về việc hỗ trợ tiền sinh hoạt và miễn học phí cho sinh viên sư phạm chưa phải là giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng đầu vào.
Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm vừa được Chính phủ ban hành ngày 25/9 được kỳ vọng sẽ thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Nghị định này quy định: Sinh viên sư phạm sẽ được được hỗ trợ tiền đóng học phí, bên cạnh đó còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường.
Khi học sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Mộng Lai, Tổ trưởng Tổ Sinh Thể Công nghệ Quốc phòng, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Nhiều năm nay, học sinh giỏi không lựa chọn ngành sư phạm, có ngành sư phạm ở trường một số nơi phải dừng tào tạo vì không thể tuyển sinh.
Thầy Lai chia sẻ: "Có một nghịch lý đáng buồn là các phụ huynh đều mong muốn con mình được học với giáo viên giỏi, thế nhưng có rất ít học sinh giỏi lựa chọn theo nghề giáo. Điều này thực sự rất đáng lo".
Thầy Lai cho biết, học trò cũ của mình đang học tại một trường đại học đã chia sẻ sự thật đáng buồn của ngành sư phạm: Số lượng sinh viên theo học ngành sư phạm Sinh học của trường này trong 1 khóa chỉ có 6 sinh viên. Thế nhưng, ba khóa tiếp theo, việc đào tạo ngành này đành phải dừng lại vì không thể tuyển sinh.
Thầy Trần Mộng Lai (bên phải) khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên ngành sư phạm (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Theo thầy Lai, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc học sinh quay lưng với ngành sư phạm chính là vấn đề việc làm sau khi ra trường.
Thầy giáo trăn trở: "Nhiều em đam mê ngành sư phạm lắm, thậm chí là nuôi ước mơ từ nhỏ nhưng vẫn không thể chọn vì lo sợ không có việc làm.
Một học sinh cũ của tôi học lớp Chất lượng cao ngành Sư phạm Sinh học tại Đại học Sư phạm Hà Nội kể rằng, tổng số lớp có 15 sinh viên thì chỉ có 7 sinh viên ra trường trở thành thầy cô giáo, còn lại 8 em phải lựa chọn con đường khác khi không tìm được cơ hội cho mình".
Ở góc độ là người sắp lựa chọn ngành học vào năm sau, em Hồ Thị Hiền Thảo, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: bản thân dự định sẽ theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Theo chia sẻ của Hiền Thảo, bố mẹ em đều là giáo viên nhưng ban đầu không định hướng con gái theo học ngành sư phạm, riêng bản thân em cũng không có ý định theo nghề giáo viên.
Cho đến khi Hiền Thảo đạt kết quả 8.0 IELTS thì bố mẹ mới định hướng con gái học ngành sư phạm.
Hiền Thảo cho biết: "Trước đây, bố mẹ không muốn em học sư phạm vì cơ hội nghề nghiệp thấp, đồng lương chưa tương xứng so với sự vất vả của nghề.
Sau này, khi em thi IELTS đạt kết quả cao, bố mẹ muốn em học sư phạm để sau này dạy học ở Trung tâm".
Mục tiêu theo học ngành sư phạm của Hiền Thảo không phải là sau này làm việc tại các trường mà là dạy IELTS tại các Trung tâm Tiếng Anh.
Hiền Thảo khẳng định: "Học sư phạm tiếng Anh vẫn có cơ hội việc làm rộng mở, nếu sở trường, thế mạnh với môn học khác, em sẽ không chọn thi ngành sư phạm".
Thầy Hồ Văn Nhật Trường (bên trái) chia sẻ, sinh viên sư phạm cần học tập và tìm kiếm cơ hội, khẳng định bản thân và đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cần mở rộng đầu ra, đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm
Có thể thấy rằng, mối quan tâm lớn nhất của các học sinh khi chọn ngành sư phạm chính là vấn đề việc làm.
Hà Huy Công, sinh viên năm nhất Trường Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ quyết định chọn nghề giáo xuất phát từ đam mê, vì tình yêu với nghề dạy học. Là học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, Công được tuyển thẳng vào trường.
Tuy nhiên, với quyết định học ngành sư phạm, Hà Huy Công gửi lá đơn đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trình bày nguyện vọng sau khi ra trường được về công tác tại tỉnh nhà.
Nói về quy định mới sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền sinh hoạt, Hà Huy Công khẳng định: "Quy định này có thể là yếu tố làm tăng sức hút cho ngành Sư phạm, từ đó tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng đầu vào.
Riêng bản thân em theo đuổi nghề vì đam mê nên em quan tâm nhất là vấn đề sau này mình có cơ hội để được sống với nghề, cống hiến đam mê đó hay không".
Chia sẻ về chính sách trên, thầy Trần Mộng Lai khẳng định: "Chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có thể thu hút nhiều học sinh đến với nghề, nâng cao chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu, không thể giải quyết triệt để bài toán chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay".
Theo thầy Lai, song song với việc nâng cao chất lượng đầu vào phải giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên ngành Sư phạm, phải đảm bảo cho các em được công tác tại các cơ sở giáo dục sau khi ra trường.
Mặc dù được hỗ trợ về tài chính nhưng bài toán việc làm vẫn chưa được giải quyết thì chắc chắn vẫn còn nhiều học sinh giỏi băn khoăn trước khi bước vào cánh cổng trường sư phạm. Thậm chí nhiều học sinh giỏi chọn ngành sư phạm nhưng liệu rằng sau này cơ hội nghề nghiệp có thực sự đến với các em không.
"Ngoài việc tạo sức hút đầu vào còn cần mở rộng đầu ra cho ngành sư phạm. Cần vạch ra lộ trình cụ thể, từ việc công bố chỉ tiêu, tổ chức thi tuyển viên chức. Quan trọng hơn, khi đã thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, phải có chính sách đảm bảo để các em có việc làm, được cống hiến, xây dựng, phát triển nền giáo dục", thầy Trần Mộng Lai chia sẻ.
Thầy Hồ Văn Nhật Trường, thủ khoa khoa sinh Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là giáo viên của Trường Trung học Thực hành - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
"Quy định mới hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có những quy định ràng buộc kèm theo rất hợp lý, các bạn phải ký đơn là hoạt động trong ngành giáo dục từ 2 - 5 năm, nếu sau khi ra trường bạn không cống hiến cho nghề thì các bạn sẽ gửi lại mức học phí cho nhà nước là công bằng".
Tuy nhiên, thầy Trường cũng trăn trở trước câu chuyện đầu ra của ngành sư phạm.
Theo chia sẻ của thầy Trường, cơ hội nghề nghiệp với ngành sư phạm đang rất rộng mở, các bạn có thể công tác tại các trường công lập, trường tư thục, trường Quốc tế hay các cơ sở giáo dục tư nhân,...
Tuy nhiên, sinh viên ngành sư phạm trong quá trình học tập các bạn tự tìm cơ hội và khẳng định bản thân nhiều hơn để đáp ứng những yêu cầu của ngành hiện nay.
Thầy Hồ Văn Nhật Trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học để đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các trường phổ thông.
Bên cạnh đó, thầy Trường cũng cho biết, muốn thu hút đầu vào cho ngành sư phạm cần phải đảm bảo sự quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên. Ngoài ra, khi giáo viên có mức sống ổn định thì họ sẽ toàn tâm toàn ý đầu tư, cống hiến cho giáo dục, đưa nền giáo dục phát triển đi lên.
Bi kịch khi chọn nghề sư phạm chỉ vì được hỗ trợ tiền sinh hoạt và miễn học phí Nếu em không chọn nghề giáo mà một nghề khác (y, dược...) như bao bạn bè thì giờ em đâu long đong, lận đận như vậy? Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, bên cạnh đó còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường. Đây...