Cô Tuyết bám bản “quên” bệnh tật
Tuyết 33 tuổi đã 8 năm bị viêm cầu thận mãn tính. Khi biết mình bệnh cô bảo mẹ: “Con bị nặng mẹ đừng chữa nhé! Nhà nghèo, đông con, mẹ dành tiền cho các em ăn học…”.
Cô Nguyễn Thị Tuyết luôn nỗ lực không ngừng vì nghề giáo là ước mơ. Ảnh: NVCC
Những lúc bệnh tật dày vò, Tuyết “nước mắt chan cơm” nhớ về mẹ già, em thơ và đàn “con nhỏ” ở trường.
Chắc em “buông” thôi!
Rời Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tuyết (SN 1988) đã nắn nót từng chữ để viết vào lá đơn xin lên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên công tác.
Với hoài bão của tuổi trẻ, cô hăm hở vượt 800km lên đường nhận nhiệm vụ không chút đắn đo. Cô Tuyết cũng chỉ biết đến huyện Mường Nhé là huyện miền núi, biên giới, khó khăn qua đài, báo chứ nào đã một lần được đặt chân.
“Vì từ nhỏ em đã ước mơ được dạy học cho các cháu vùng cao nên em cứ đi thôi chứ chẳng nghĩ gì. Ai ngờ khi vào đây thấy cuộc sống khó khăn quá, lại thấy thương các cháu hơn!”, cô Tuyết nhớ lại.
Năm 2011, cô Tuyết được tuyển dụng và phân công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Mường Nhé (nay thuộc huyện Nậm Pồ). Khó khăn thì nhiều vô kể vì ở đó gần như tất cả bắt đầu bằng con số “0″. Không biết tiếng dân tộc, không có nhà ở, một số điểm bản không đường, không có điện… Những giáo viên như cô Tuyết phải nhờ đến cánh nam nhi dựng hộ những túp lều nhỏ ven suối để làm nhà ở.
Thế rồi, 2 năm sau cô thấy trong người có biểu hiện lạ. Cảm nhận rõ tình hình sức khỏe của mình, cô Tuyết đã xin nhà trường cho đi thăm khám để kiểm tra sức khỏe. Và rồi cô nhận được tin mình bị viêm cầu thận mãn tính như tiếng “sét đánh” ngang tai.
“Ban đầu em cũng nghĩ rằng bị suy thận và nghĩ miên man rằng nếu đúng mà bị suy thận thật thì chắc em “buông” thôi. Em đọc báo, thấy bảo bệnh đó không thể chữa chạy cho khỏi được. Nếu chữa chạy thì cũng mất rất nhiều tiền”, cô Tuyết nghĩ lại.
“Ngay sau đó, em đã gọi về cho mẹ và nói: Nếu con bị nặng thì mẹ đừng chạy chữa cho con nhé! Nhà mình nghèo, lại đông con, mẹ nên dành tiền cho các em ăn học… Nhà em có 4 chị em gái. Em là thứ hai. Hai em một đứa học phổ thông còn lại thì học chuyên nghiệp. Nếu chạy chữa thì mẹ em lấy đâu ra tiền để lo bây giờ”, Tuyết nghẹn ngào.
“Nước mắt chan cơm”
Cứ thế, 8 năm đằng đẵng trôi qua, cô Tuyết cứ nén nỗi đau của riêng mình để bám bản, bám trường, bám từng trang giáo án và cùng sống chung với bệnh.
Mỗi năm cô dành dụm quỹ thời gian và tiền bạc ít ỏi có được cho vài lần vượt hơn 800km đường rừng để về Hà Nội chữa bệnh. Dành được bao nhiêu thì chỉ một lần đi thăm khám, thuốc men là hết.
Thương con, mẹ cô ở quê nhà Hưng Yên vẫn cóp nhặt từng đồng, nghe thấy ở đâu có thầy giỏi là tìm đến mua thuốc Nam về rồi lại gửi lên trường cho con. Ngần ấy thời gian cô sống chung với bệnh là ngần ấy ngày cô uống thuốc thay cơm.
Năm 2021, cô Tuyết bước sang tuổi 33. Các cụ ngày xưa thường nói: “Trai 30 tuổi còn son/ Gái 30 tuổi đã toan về già”. Cô Tuyết hiểu điều đó hơn ai hết bởi những lúc ốm đau, trái nắng trở trời, cô Tuyết cũng từng nghĩ đến một “bờ vai” để nương tựa. Thế nhưng nào có được như mong muốn. Khi hỏi về chuyện riêng tư và mong muốn cuộc sống gia đình, cô Tuyết chỉ cười nhẹ: “Em cũng đã nghĩ đến, nhưng hãy để tùy duyên anh ạ!”.
Những lúc ốm đau, chẳng người chăm sóc cô Tuyết lại “nước mắt chan cơm” nhớ về mẹ, nhớ về đàn em thơ nơi quê nhà. Cô chỉ muốn chạy thật nhanh về để ôm chầm lấy mẹ. Nhưng rồi cô lại nghĩ đến tương lai của đám trẻ vùng cao nên cũng chẳng đành lòng bước đi.
“Lúc em buồn, em lại rủ học sinh của mình ra vườn hoa chơi, rủ các em lao động, dọn vệ sinh trường lớp, cô trò quây quần bên nhau để thời gian trôi qua mau. Với lại nghề giáo đó là ước mơ của em từ lâu rồi mà, làm sao em bỏ lại các cháu ở đây được chứ!”, cô Tuyết tỏ vẻ mạnh mẽ.
“Trước thì cô Tuyết ở điểm bản xa, khó khăn vất vả. Biết là các cô từ xuôi lên rất thiệt thòi nên nhà trường đã điều động cô về điểm trường trung tâm vừa là để cho cô đỡ vất vả. Cũng là để cho cô có cơ hội gặp gỡ mọi người. Biết đâu duyên lành sẽ đến”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa nói.
“Trong công việc thì cô Tuyết là người có chuyên môn tốt, có năng lực và luôn hết lòng với học sinh. Năm trước, cô nằm trong đội tuyển đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cô đã đoạt giải. Đó là dấu ấn về chuyên môn mà cô tạo ra, chứ không phải bi quan khi biết mình có bệnh đâu. Còn ngoài công việc, cô ấy rất thân thiện, gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp, luôn được mọi người yêu mến”, thầy Quân chia sẻ.
“Cô ấy bị viêm cầu thận mãn tính. Thời gian đầu khi mới phát hiện ra bệnh thì nhà trường cũng tạo điều kiện cho cô ấy nghỉ 1 tháng không lương theo nguyện vọng cá nhân để điều trị dưới Hà Nội. Cô ấy cứ miệt mài điều trị như thế nên giờ bệnh tình cũng thuyên giảm rồi. Gần 2 năm nay, mỗi năm cô ấy chỉ phải về khám, theo dõi và điều trị khoảng 3 – 4 lần thôi chứ không như trước nữa. Cá nhân tôi cũng như thầy cô ở trường luôn mong cô sớm khỏi bệnh để yên tâm cống hiến”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân nói thêm.
Những "đôi mắt ướt" chờ Tết ở lưng chừng trời
Khi không khí Tết đang rậm rịch ùa về trên mọi miền đất nước, reo lên từng nhịp hân hoan trước thềm năm mới, vẫn có những không gian tĩnh mịch, được bao phủ bởi những làn sương bạc mơ màng.
Giữa núi rừng Tây Bắc, khi ngày Tết cổ truyền càng đến gần, những người "mẹ hiền" gùi chữ trên non càng nao lòng nhớ quê hương, nhưng vẫn tận tâm chăm chút những đứa con thơ.
Để đến với bản Tả Kố Ky, bản nghèo nhất của xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), chúng tôi phải vượt qua những cung đường đèo quanh co và đưa xe "bò" ngược dốc hơn 10km đường đất. Khi sương sớm vẫn còn giăng tà tà xung quanh, chúng tôi bắt gặp không khí nhộp nhịp chuẩn bị đón Tết truyền thống của người Hà Nhì.
Mới giữa tháng Mười Hai, nhưng không khí Tết của người dân bản địa cũng làm xao động đôi chút trong ánh mắt của cô giáo "cắm bản" duy nhất tại đây. Nhìn các gia đình quây quần ăn Tết sớm, có những giây phút nữ giáo viên không khỏi chạnh lòng...
Sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, nhưng cô Hoàng Thị Yến (39 tuổi), đã có hơn 10 năm gắn bó với trẻ em nơi rẻo cao Sín Thầu, Điện Biên. Một mình bám trường, bán bảm giữa mênh mông đồi núi, cô Yến là giáo viên duy nhất tại điểm bản Tả Kố Ky, trường mầm non Sín Thầu.
Nhìn dáng vẻ mảnh mai ấy, có lẽ ít ai biết rằng, cô đã trở thành giáo viên "cắm bản" được hơn 10 năm. "Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, nhìn thấy các thầy cô đứng trên bục giảng, tôi vô cùng yêu thích và đã theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo.
Xem trên tivi, tôi thấy bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao rất khó khăn, trẻ nhỏ chưa có nhiều điều kiện để học chữ, nên sau khi ra trường năm 2009, tôi viết đơn tình nguyện lên công tác tại Sín Thầu" - cô Yến bắt đầu nhớ lại. Trong ký ức vời vợi của người giáo viên này, những ngày tháng đầu tiên đặt chân lên điểm bản là một chuỗi thử thách lòng yêu nghề.
"Ngày đầu nhận công tác tại điểm trường Lỳ Mà Tá, đường dốc cao lại toàn đá to, không thể đi xe lên được, nên phải đi bộ tắt qua rừng với rất nhiều con suối, mất hơn 3 tiếng. Mùa mưa, nước dâng lên, có khi phải qua 3 - 4 lần đò mới vào đến điểm trường mầm non Sín Thầu. Sau khi từ điểm trường trung tâm lặn lội vào điểm bản, tôi cùng Trưởng bản đan vách tre, còn bà con dân bản thì đi cắt cỏ gianh về lợp, để làm lớp học cho trẻ.
Thuở ấy chưa có điện, giáo viên "cắm bản" chúng tôi chủ yếu soạn bài nhờ đèn dầu... Chúng tôi thường trở về điểm trường trung tâm vào chiều thứ Sáu để sinh hoạt chuyên môn và trao đổi kinh nghiệm.
Sáng Chủ nhật, giáo viên nào cũng ghé quán, mua sẵn nào là cá khô, nào là trứng với vừng, lạc,... để chiều kịp tay xách nách mang lên đến điểm bản rồi ở lại đến cuối tuần. Nhưng mà vui lắm! Điều khiến tôi trân trọng nhất là người dân ở đây rất mến các thầy cô giáo" - cô Yến thủ thỉ.
Nhiều năm trôi qua, con đường "gùi chữ nên non" của các thầy cô vẫn chưa từng dễ dàng. Hình ảnh ấn tượng nhất với cô Yến cũng chính là đường lên điểm bản: "Đến khi mua được xe và gắn bó với điểm bản Tả Kố Ky, tôi sợ nhất những ngày mưa gió, lúc lên cũng sợ mà lúc xuống lại càng sợ hơn vì phanh lại thì trơn, bánh xe bị trượt, đi một quãng lại phải dừng lại, lấy que gẩy đất ra mới có thể đi tiếp. Nhiều hôm bị ngã, tím hết cả bắp chân. Hôm nào mưa lớn, núi lở xuống, chắn ngang đường, tôi phải bỏ xe giữa đường để đi bộ vào...".
"Cũng có những lúc thoáng tủi thân, nhưng tôi chưa từng muốn bỏ nghề giáo, bỏ mảnh đất này để về miền xuôi" - cô Yến vừa nói, vừa ngồi xuống chỉnh lại chiếc dép cho lần lượt 4 học sinh trong lớp học của mình.
Ngược về phía trung tâm huyện Mường Nhé, rồi băng qua đoạn đường sương giăng mịt mù khi đồng hồ đã chỉ hơn 9h sáng, chúng tôi lại bắt gặp khung cảnh ấn tượng khác. Chiếc xe ì ạch men theo những vệt cỏ ven đường làm dấu, để tránh không sa xuống mép ta-luy, cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến trước tấm biển "Điểm trường Nậm Hà, Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong 1". Nơi đây chưa có điện, chưa có sóng điện thoại và nước sạch lại vô cùng khan hiếm.
Vừa tan giờ học buổi sáng, cô giáo Đinh Thị Thu Trang (30 tuổi) đang cùng học sinh chuẩn bị bữa trưa. Trong lúc cô lúi húi nhóm bếp, những học sinh lớp 1 và lớp 2 nhanh nhẹn phụ cô hái rau và rửa thật sạch.
Có lẽ, đây cũng là một giờ học kỹ năng sống đầy thiết thực. Từ gian bếp phía sau lớp học, cô Trang cất tiếng, những đứa trẻ cũng ngoan ngoãn gửi lời chào đến những vị khách lạ...
Trò chuyện với chúng tôi bên nồi cơm vừa cạn nước, cô Trang chia sẻ: "Điểm trường này không chỉ cách trung tâm một đoạn đường khó khăn, mỗi khi trời mưa là bắt buộc phải dắt xe hoặc nhờ người dân đưa qua; mà còn là nơi chưa có điện, chưa có sóng điện thoại và nước thì thiếu thốn.
Mỗi khi trời mưa đến, cô trò lại hối hả mang xô chậu ra hứng nước mưa để có thêm nước sinh hoạt". Có lẽ, với hơn 9 năm "cắm bản", những thiếu thốn nơi đây không còn là thử thách quá lớn đối với cô.
Những người mẹ thứ hai giữa vùng đất của mây ôm sương phủ ấy dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không khỏi có những giây phút thấy lòng mềm yếu, nhất là đứng trước tiếng gọi của người thân.
Cô Hoàng Thị Yến nhớ lại những ngày đầu tiên đưa con gái đầu lòng về quê chồng ở Nam Định. "Sau khi con gái học xong mẫu giáo, tôi gửi con về cho ông bà nội chăm sóc, do công việc trên này phải đi hun hút cả ngày dài, có khi là cả tuần, không có điều kiện chăm sóc con. Mỗi dịp Tết, chỉ được nghỉ khoảng một tuần, hai vợ chồng sắp xếp về Lạng Sơn thăm nhà ngoại mấy ngày rồi lại xuống Nam Định với nhà nội.
Thế là cả năm ròng, con gái chỉ được gặp mẹ trong vỏn vẹn mấy ngày. Con bé đếm từng ngày để chờ được gặp mẹ, và nó gọi đó là những "ngày hạnh phúc". Khi gọi điện, con đều reo lên: "A! Mẹ sắp về rồi!". Hồi mới học lớp 1, con vẫn òa khóc trước mặt mẹ khi phải chào tạm biệt. Nhưng từ năm học lớp 2, mỗi lần thấy mẹ chuẩn bị hành lý để trở lại với công việc, con không dám nhìn, chỉ lặng lẽ chạy vào buồng khóc, vì biết mẹ phải lên dạy chữ cho các em nhỏ" - đưa tay gạt vội đi phút yếu lòng lăn dài trên gò má, cô Yến vẫn còn xúc động.
Biết con gái phải chịu thiệt thòi vì không được ở bên bố mẹ, song, cô Yến nhìn thấy con tự lập hơn mỗi ngày thì cũng vững tâm hơn phần nào: "Bất ngờ lớn nhất đối với tôi chính là khi nghe con gái thỏ thẻ: "Mẹ ơi, sau này lớn lên, con muốn làm cô giáo giống mẹ".
Tôi cười hỏi: "Sao con lại muốn làm cô giáo? Mẹ đi dạy biền biệt cả năm, không ở bên con được, con không ngại vất vả ư?". Đôi mắt bé con lớp 4 như sáng lên: "Mẹ xa con nhưng mẹ vẫn không ngừng yêu thương con... Con thấy mẹ đi dạy các em, các em biết chữ, ngoan hơn, con cũng muốn như vậy!". Chỉ đơn giản là những khoảnh khắc, nhưng đó cũng là động lực cho tôi thêm gắn bó với mảnh đất Sín Thầu hơn mỗi ngày" .
Ở điểm trường Nậm Hà, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong 1, cô giáo Trang cũng có những phút ngậm ngùi: "Mỗi lần về thăm con, lúc chuẩn bị rời đi, con lại níu tay mẹ: "Mẹ ơi, sao mẹ đi làm suốt thế? Vì sao mẹ không ở nhà với bố và con?". Lúc đó, tôi lại chẳng nỡ rời, muốn ở lại ôm con mỗi ngày.
Nhưng nghĩ đến những học sinh trên điểm bản, nếu vắng thầy cô càng lâu, sẽ càng quên dần mặt chữ, nên vẫn nén xúc động để lên đường. Trên điểm bản không có sóng điện thoại, nên khi con ốm đau, tôi không thể kịp thời quan tâm. Về đến phòng là ngay lập tức tôi gọi điện cho con, nghe con tỉ tê chuyện ở nhà, ở trường, mọi mỏi mệt dường như tan biến. Sự trong trẻo, ngây thơ của con như liều vitamin giúp tôi xốc lại tinh thần cho ngày làm việc mới".
Câu chuyện của cô Yến hay cô Trang là nỗi niềm nhung nhớ gia đình khi đã có điện thoại thông minh, vẫn có thể dõi theo nụ cười của các con mỗi ngày; còn câu chuyện của những người giáo viên nơi đây vào hơn chục năm trước, lại càng khắc khoải.
Gắn bó với trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Toong 1 hơn 13 năm vì cảm nhận được sự vất vả của bà con bản địa, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên (34 tuổi) cũng bộc bạch: "Thuở ấy, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu chỉ có thể đi bộ, mà điểm bản Nậm Pan 1 lại chưa có sóng điện thoại, giáo viên muốn liên lạc với gia đình, thường chỉ có cách viết thư hoặc chờ đến cuối tuần, đi ra trung tâm bưu điện xã hoặc huyện để gọi về nhà.
Một lần, bố bị tai nạn, nhưng bản thân tôi lại không hề hay biết. Sau một tuần trôi qua, khi sức khỏe của bố đã ổn định hơn, tôi mới nhận được tin. Viết thư về hỏi thăm bố, nhưng tôi vẫn vô cùng áy náy. Trộm nghĩ, mình đi làm xa xôi, lúc bậc sinh thành đau ốm lại không kịp thời chia sẻ, có phải quá bất hiếu?
Lúc ấy, tôi thậm chí muốn bỏ lại tất cả, về với gia đình để chăm sóc, phụng dưỡng cho trọn đạo làm con. Nhưng sau khi trấn tĩnh lại, tôi quyết định ở lại với học trò, bà con dân bản rất cần các thầy cô, các em rất muốn biết chữ...".
Và những người mẹ gùi chữ trên non như cô Chuyên, cô Trang hay cô Yến,... đã vì những ánh mắt ngây thơ "khát chữ" mà sẵn lòng ở lại.
Ngay tại điểm trường trung tâm, nhưng nhiều học trò của cô Chuyên vẫn phải sinh hoạt trong những ngôi nhà bán trú bằng gỗ và học trong những phòng học tăng cường bằng tôn, do các thầy cô tận dụng vật liệu xây dựng xin được dựng lên. Có lẽ, thầy cô vùng khó không chỉ mang "đôi mắt ướt" vì những khoảnh khắc nhung nhớ người thân, mà còn rưng rưng xúc động vì thương học trò.
Những năm gần đây, khi có thêm nhiều thầy cô giáo bản địa cùng tham gia giảng dạy tại các điểm trường, giáo viên miền xuôi được ưu tiên về quê đón Tết. Các thầy cô người Hà Nhì ăn Tết truyền thống từ giữa tháng Mười Hai Dương lịch, sẽ ở lại trực trường vào dịp Tết Nguyên đán, nhường cho những người đồng nghiệp có một cái Tết đoàn viên trọn vẹn bên gia đình.
Chia sẻ với những khó khăn của giáo viên vùng khó, ông Phan Văn Uyên - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé (Điện Biên) - cho biết: "Là đơn vị đặc biệt khó khăn của tỉnh, huyện vẫn còn nhiều điểm trường phải đi bộ vào mùa mưa, nên các thầy cô "cắm bản" vì thế càng thêm vất vả. Để động viên và khích lệ đời sống tinh thần cho các thầy cô, chúng tôi tạo điều kiện để các thầy cô có thể ăn Tết tại điểm bản nếu không về quê ăn Tết, điều này cũng tạo mối thân thiết với bà con dân bản và nâng cao hiệu quả vận động học sinh ra lớp. Nhiều giáo viên quá gắn bó với địa phương, Trưởng bản cùng bà con còn làm đơn xin giữ thầy cô ở lại, giảng dạy cho con em mình".
Chuyện những cô giáo gieo chữ vùng cao Đón nhận bó hoa rừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trần Văn Thọ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng và các thầy, cô giáo nhà trường nở nụ cười tươi hạnh phúc. Bó hoa đầy tình cảm mà các học trò...