Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, “đỡ đầu” học sinh nghèo
Chứng kiến cảnh học sinh phải nghỉ học giữa chừng , các thầy cô giáo của xã vùng cao Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) đã góp tiền, “đỡ đầu” cho các học sinh khó khăn.
Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) hiện có gần 600 học sinh, trong đó phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc phía bắc.
Cuộc sống khó khăn, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì phải ở nhà phụ bố mẹ làm kinh tế. Từ thực tế đó, các thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đã tự nguyện góp tiền, đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đã tự nguyện góp tiền, đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Thầy cô góp tiền, nuôi học trò nghèo
Cứ thứ 2 đầu tiên của tháng, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học- THCS Trần Quốc Toản lại phân công nhau đến thăm từng gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Theo lời cô Đinh Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, đây là những em học sinh có nguy cơ phải nghỉ học, nếu không được trợ giúp.
Tìm đến nhà em Lý Văn Anh (dân tộc Dao) sau khi đã kết thúc buổi học sáng, cô Hằng cho biết, từ tiền lương hàng tháng, toàn bộ giáo viên trong trường sẽ trích lại một phần, góp quỹ rồi sử dụng để hỗ trợ cho những học sinh. Trong gần 1 năm học, Thắng được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng.
Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long) hiện có gần 600 học sinh
Gia đình Lý Văn Anh thuộc diện hộ nghèo của xã, cả bố và mẹ đều bị câm điếc bẩm sinh, lại không có đất sản xuất nên quanh năm chỉ đi làm thuê cho người dân trong xã. Thế nhưng, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cậu học trò lớp 7 hàng ngày vẫn đi bộ từ 5h sáng, vượt gần 15 km để đến trường.
“Chỉ đến đầu năm học này, khi biết hoàn cảnh của gia đình đặc biệt khó khăn, có khả năng không thể đi học nữa để ở nhà phụ giúp bố mẹ, nhà trường đã nhận đỡ đầu cho Văn Anh. Đặc biệt, qua kết nối với các nhà hảo tâm, nhà trường còn xin được cho em một chiếc xe đạp mới để em đi học mỗi ngày”, cô Hằng kể.
Cùng khu Văn Anh sinh sống còn có Giàng A Thắng (dân tộc Mông). Thắng bị bố mẹ bỏ rơi, sống cùng bà ngoại đã gần 60 tuổi từ khi 4-5 tháng tuổi tới nay. Biết được hoàn cảnh của Thắng, từ khi bước vào lớp 3, thầy cô trong trường hỗ trợ em mỗi tháng 300.000 đồng cùng gạo, muối cho hai bà cháu sinh hoạt mỗi tháng.
Thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đến thăm và tặng quà cho gia đình Lý Văn Anh
Đón nhận tình cảm của thầy cô giáo trong trường, bà Đà Thị Mỵ xúc động: “Bố mẹ nó không nuôi được, chỉ có bà và thầy cô nuôi thôi. Mỗi tháng, cô giáo mang gạo, muối, nước mắm… vào tận nhà. Từ ngày nó được thầy cô nuôi, hai bà cháu cũng đỡ khổ hơn”.
Theo cô Đinh Thị Hằng, không chỉ Văn Anh, A Thắng mà còn nhiều học sinh khác của trường cũng được nhà trường đỡ đầu bằng cách hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm hoặc đồ dùng học tập hàng tháng. Số lượng học sinh không cố định, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng thầy cô giáo phải rà soát, nắm bắt để kịp thời hỗ trợ các em.
“Thực sự các thầy cô giáo công tác tại đây nhiều năm, hiểu được hoàn cảnh của các em nên ai cũng đồng lòng, vui vẻ đóng góp. Không có định mức cụ thể, ai có tiền góp tiền, ai có quà góp quà, miễn sao tất cả đều đến tay những số phận bất hạnh”, cô Hằng nói.
Những món quà “ xã hội hóa”
Theo cô Hằng, không kể những nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân, mỗi tháng sẽ có khoảng 7-10 học sinh được nhận tiền hỗ trợ do các thầy cô giáo tặng. Ban đầu, nhà trường chỉ lựa chọn 1-2 em, nhưng qua nắm bắt, rà soát của giáo viên, nhà trường đã tăng số lượng học sinh nhận hỗ trợ lên.
“Nếu so với các trường trung tâm, các khu vực thành phố thì có lẽ số tiền 500.000 đồng/ tháng thì không nhiều. Thế nhưng ở địa phương vùng sâu vùng xa như Đắk Ha, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nó thực sự giá trị. Món quà hàng tháng này, như là cách mà thầy cô giáo “giữ chân” học trò ở lại với lớp học”, cô Đỗ Thị Hà, giáo viên nhà trường nói.
Ngoài sự đóng góp của giáo viên, trong thời gian tới trường Trần Quốc Toản sẽ huy động xã hội hóa để “đỡ đầu” học sinh
Đặc biệt, để nhân rộng việc làm ý nghĩa này, giúp nhiều học sinh khác của trường “yên tâm” đến lớp, Trường Tiểu học- THCS Trần Quốc Toản còn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của những phụ huynh có điều kiện kinh tế.
Ông Bùi Cao Chung, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh, đầu năm học, nhà trường phối hợp với phụ huynh các lớp, tổ chức phiên chợ quê, gây quỹ học bổng cho trường.
Những hàng hóa do mình tự làm ra như các loại rau, củ, quả, cá, gà, vịt được mang đến phiên chợ để bán. Toàn bộ số tiền lãi thu được, sẽ đưa vào quỹ khuyến học của nhà trường, hỗ trợ hàng tháng cho học sinh khó khăn.
Phụ huynh trường Trần Quốc Toản mở “phiên chợ quê” gây quỹ để hỗ trợ học sinh nghèo
Theo cô Hằng, ngoài việc đóng góp của giáo viên thì sự chung tay, giúp sức của phụ huynh, của xã hội sẽ giúp cho việc “đỡ đầu” học sinh của trường lâu dài và hiệu quả hơn.
“Từ việc gây quỹ này, phụ huynh sẽ biết chia sẻ, động viên nhau; các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm nhiều cơ hội để đến trường. Rất may mắn, nhà trường nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, nên gần 1 năm học qua, nhiều học sinh đã được tiếp sức đến trường thông qua nhiều hình thức khác nhau” cô Hằng nói.
Chắp cánh cho những ước mơ
Thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP đã giúp đỡ hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên hai tuyến biên giới.
Qua đó góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo, phấn đấu vươn lên trong học tập.
Cháu Đinh Hải Nam ở xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) có hoàn cảnh mồ côi cha mẹ được Đồn Biên phòng Đa Lộc nhận làm con nuôi.
Ngay sau khi chương trình "Nâng bước em tới trường" được Bộ Tư lệnh BĐBP phát động tháng 9-2014, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai đến toàn thể CBCS 2 tuyến biên giới. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường rà soát, lập danh sách các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập.
Đến nay, BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn đỡ đầu 95 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng đến hết năm lớp 12 (trong đó, 84 học sinh Việt Nam và 11 học sinh nước bạn Lào).
Cũng từ năm 2014 đến nay, BÐBP tỉnh đã hỗ trợ 2,6 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo biên giới theo chương trình "Nâng bước em tới trường". Ðây là số tiền đóng góp của CBCS BÐBP và nguồn huy động từ các tổ chức xã hội, từ thiện, cá nhân giàu lòng hảo tâm.
Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, hàng năm Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh và các đồn biên phòng thường xuyên kết nối với các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm những học sinh khó khăn, có nghị lực vươn lên trong học tập tại các xã biên giới.
Em Vi Thị Nhi, ở bản Phống, xã Bát Mọt được Ðồn Biên phòng Bát Mọt nhận đỡ đầu từ năm 2016. Ngôi nhà sàn nhỏ nằm trên cao sát với bìa rừng, căn nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng ở xa, Nhi sống cùng với bà ngoại từ nhiều năm nay. Ngoài thời gian học tập, Nhi luôn phụ giúp những việc trong gia đình, như: chặt củi, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo...
Hoàn cảnh khó khăn nhưng bà của Nhi luôn động viên em phải cố gắng học tập để sau này cuộc sống đỡ vất vả. Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Mọt cho biết, trong những năm qua CBCS Đồn Biên phòng Bát Mọt cũng như các tổ chức đoàn thể trong xã, bản, thường xuyên quan tâm, theo dõi, động viên, giúp đỡ Nhi cố gắng vươn lên chăm ngoan học tập.
Do vậy trong suốt 4 năm THCS, năm nào Nhi cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Cũng chính từ thành tích học tập tốt của em, tháng 8-2020 vừa qua, Vi Thị Nhi được ban giám hiệu Trường Hữu Nghị T78 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lựa chọn xét tuyển đi học.
Tương tự như em Nhi, hoàn cảnh của em Ngân Nguyệt Lệ ở bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cũng rất khó khăn. Lệ cũng mồ côi cha từ nhỏ, em hiện đang ở cùng với bà ngoại và người cậu ruột. Năm 2014, em được CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đỡ đầu giúp đỡ. Không phụ công các chú BĐBP, trong những năm qua em luôn là học sinh xuất sắc và cũng trong dịp này, em được Trường Hữu Nghị T78 Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn để đi học.
Với truyền thống gắn bó giữa CBCS và Nhân dân 2 bên biên giới, đặc biệt là các bản giáp biên của nước bạn Lào, chương trình "Nâng bước em tới trường" cũng đã vươn tới những bản làng của nước bạn. Em Thon Xay, học sinh lớp 7, ở bản Na Lơi, cụm Nậm Xôi, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào) (bản tiếp giáp với địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, huyện Quan Sơn), hàng tháng đã được CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và trao học bổng.
Ngoài chương trình "Nâng bước em tới trường", thời gian qua BĐBP tỉnh còn triển khai có hiệu quả chương trình "Con nuôi đồn biên phòng", đến nay đã có 9 cháu được các đồn biên phòng nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học. Đại tá Hoàng Văn Hùng, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị trên 2 tuyến biên giới của tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rà soát các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, gia đình đang trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới đưa vào danh sách chương trình "Nâng bước em tới trường" và " Con nuôi đồn biên phòng".
Bằng tấm lòng của những người lính mang quân hàm xanh, các em được nhận đỡ đầu, cũng như nuôi dưỡng đã có ý thức tự giác vươn lên, chuyên cần hơn trong học tập. Có thể khẳng định chương trình "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn biên phòng" đã và đang tạo được sự lan tỏa tới từng đơn vị, tới mọi tầng lớp Nhân dân cũng như tới các bản, làng trên địa bàn biên giới. Qua đó, nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho các em được học tập, rèn luyện và phấn đấu để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Trường Ngôi sao biến khó khăn thành bước đệm để chuyển đổi số mạnh mẽ Game hóa giáo dục; Tương tác số đa kênh hay hệ thống hóa kiên thức bằng Mind Map la một nhưng phương pháp mà Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội áp dụng khiến việc dạy học online do dịch bệnh Covid-19. Vì thế, mỗi tiết học không giới hạn ở việc cô giảng - trò nghe qua màn...