Cơ sở vật chất đang thiếu, có nên đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mua SGK cho HS mượn?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đồng tình ủng hộ việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn học.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích ngân sách 3500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa đáp ứng 70% nhu cầu học sinh trong năm học 2023-2024. Trước đó, Chính phủ cũng đã thống nhất giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng và triển khai ngay trong năm học 2022-2023, nhưng không kịp thực hiện.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình – Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến xoay quanh nội dung đề xuất trên.
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ông đồng tình ủng hộ việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn học.
“Đây là một ý tưởng tốt, chính sách trên thể hiện sự quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thanh Vân nhấn mạnh, để tránh lãng phí ngân sách và có sự thống nhất, chúng ta cần phải có một bộ sách giáo khoa ổn định, chuẩn mực. Đồng thời, cần phân loại sách cho đối tượng được mượn hoặc mua. Tiếp đó, phải có cách thức quản lý sách cho tốt tránh việc học sinh không giữ gìn sách.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng nhận định, đối với sách tham khảo, tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình có thể mua hoặc không, không được bắt buộc. Thực tế hiện nay, nhiều trường học “bán bia kèm lạc” tức bắt buộc phụ huynh mua cả sách tham khảo là cần lên án.
Trước câu hỏi về việc có địa phương hiện vẫn chưa đủ cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, vậy có nên đầu tư ngân sách hàng nghìn tỷ đồng để mua sách cho học sinh mượn?
Trả lời câu hỏi trên, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho hay, sách giáo khoa là đầu vào của tri thức nên sẽ cần thiết trước tiên, còn cơ sở vật chất thiếu có thể khắc phục dần. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào sách giáo khoa cho học sinh mượn mang tính lâu dài.
“Để giải quyết các vấn đề đáp ứng cho giảng dạy, học tập, cần phải có thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên số một của đầu vào của tri thức là nguồn lực con người, giáo trình”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Cùng bình luận về vấn đề trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cho rằng, việc đầu tư vào mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn là giải pháp tốt cho những em có hoàn cảnh khó khăn và gia đình có nhiều con đi học. Tuy nhiên, cần phải phân loại tiêu chí đối tượng được mượn sách, đối tượng phải tự mua sách.
“Nếu chính sách trên được đưa vào thực tiễn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng để tạo sự minh bạch”, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.
Việc đầu tư vào mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là giải pháp tốt, giúp học sinh chưa có điều kiện mua sách có thể dễ dàng tiếp cận sách giáo khoa hơn. Ảnh minh họa: Ngân Chi
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, về vấn đề sách giáo khoa, địa phương đã cung ứng đầy đủ theo nhu cầu phụ huynh đăng ký cho học sinh. Riêng đối với huyện Mai Châu, địa phương này chi kinh phí để mua sách giáo khoa cho học sinh học tập.
Video đang HOT
Cùng với sách, các cơ sở vật chất khác cũng là vấn đề mà ngành giáo dục địa phương phải từng bước khắc phục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho hay, việc đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập chương trình giáo dục phổ thông mới ở mức cơ bản. Địa phương vừa làm vừa khắc phục những khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình cũng cho hay, tại địa phương còn có nơi còn gặp khó khăn trong việc đấu thầu trang thiết bị mua sắm.
“Khó nhất với địa phương là tìm được đơn vị thẩm định giá, bởi không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng thực hiện nội dung này”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Nhiều kỳ vọng môn tích hợp nhưng thực tế phần lớn là ghép cơ học 2-3 môn học
Thuận lợi hơn các địa phương khác về đội ngũ và cơ sở vật chất nhưng nhiều trường của Hà Nội vẫn gặp vướng khi triển khai dạy môn tích hợp.
Năm nay là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học cơ sở. Vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm là việc dạy học đối với hai môn tích hợp: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.
Tại thành phố Hà Nội, đã có những cơ sở giáo dục triển khai cho một giáo viên dạy trọn một môn tích hợp, nhưng cũng có trường phải để 2 - 3 thầy cô cùng đảm nhận dạy một môn học này.
Chưa có sự chuẩn bị đồng bộ về đội ngũ
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho biết, nhà trường cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến, tâm tư của thầy cô giáo xoay quanh việc dạy học môn tích hợp.
Đây là môn học mới, giáo viên và học sinh đều đón nhận với tâm thế phấn khởi cùng nhiều kỳ vọng về môn học mang ý nghĩa tích hợp. Nhưng thực tế triển khai, chương trình lớp 6, lớp 7 mới đạt được một phần mục tiêu đó, còn phần lớn khối lượng kiến thức vẫn là sự ghép lại cơ học của 2-3 môn học.
Khi tiến hành dạy học, giáo viên cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc. (Ảnh: NVCC)
Giáo viên trước đây chỉ được đào tạo đơn môn nên chưa thể đảm nhận dạy những phân môn khác trong môn tích hợp.
Hơn nữa, đối với môn Khoa học tự nhiên, chương trình lại được phân bổ nối tiếp theo các phân môn, mỗi phân môn có số tiết nhất định. Việc này dẫn tới tình trạng có thời điểm, giáo viên bị quá tải vì số tiết dạy quá nhiều.
Ví dụ, phần đầu trong chương trình môn Khoa học tự nhiên lớp 6, giáo viên dạy phân môn Sinh học có rất ít tiết vì đa phần thời lượng dành cho phân môn Vật lý, nhưng đến những tuần sau, số lượng tiết tăng lên nên giáo viên bị quá tải. Có giai đoạn giáo viên chỉ có 8 - 10 tiết nhưng có giai đoạn đến 30 tiết.
Điều này kéo theo hoạt động quản lý của nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Phải thay đổi thời khóa biểu liên tục, từ 4-6 tuần phải thay đổi thời khóa biểu một lần.
Theo cô Thúy, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cũng đang có kế hoạch cho tất cả giáo viên dạy môn tích hợp đi học chứng chỉ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thầy cô trong trường chưa trải qua đào tạo nên không thể yêu cầu một thầy cô dạy trọn môn tích hợp được, như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng dạy học.
Đó cũng là lý do mà trường phải chọn phương án giáo viên phân môn nào sẽ phụ trách nội dung môn đó, 3 thầy cô đảm nhận dạy môn khoa học tự nhiên và 2 giáo viên cùng dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Cho đến khi có giáo viên được đào tạo theo chương trình mới hoặc đội ngũ hiện tại được đào tạo vững về chuyên môn thì mới thực hiện một giáo viên dạy môn tích hợp.
"Có thể thấy rõ bất cập là khi triển khai chương trình mới, có sách giáo khoa mới nhưng lại không có sự đồng bộ về đội ngũ.
Bên cạnh môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục địa phương, chúng ta cũng chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ.
Vì chưa xác định rõ yêu cầu chuyên môn nên mỗi trường sẽ phân công giáo viên dạy những môn học này theo một cách khác nhau. Có trường cho thầy cô chủ nhiệm dạy học hoạt động trải nghiệm, có trường lại giao cho thầy cô phụ trách đoàn, đội.
Việc phân công đội ngũ với những môn học này còn mang tính chất gò ép, vì chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên tương ứng. Dù giáo viên đã được tập huấn và tự học nhiều nhưng vẫn còn đó những khó khăn", cô Thúy cho hay.
Cô Ngọc Thúy kiến nghị cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới mục tiêu dạy học tích hợp thay vì lắp ghép các môn học lại với nhau.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sư phạm cần sớm đào tạo đội ngũ giáo viên các môn tích hợp, để có đội ngũ đủ năng lực, chuyên môn, trình độ giảng dạy.
Ngoài ra, khi chương trình có nhiều môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần có những giải pháp mới cho bài toán đội ngũ tại các trường học, đáp ứng mục tiêu giảng dạy của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Bàn về dạy học môn tích hợp, nhà giáo Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên (Hà Nội) cho biết, hành trình đổi mới giáo dục bao giờ cũng gặp phải những khó khăn nhất định, khi triển khai chương trình giáo dục 2018, nhà trường cũng phải từng bước gỡ khó và hướng tới mục tiêu đã đặt ra.
Nhà giáo Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên. (Ảnh: NVCC)
Trường Trung học cơ sở Lương Yên có thuận lợi hơn một số trường khác về phía đội ngũ. Số lượng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên khá đông, có 5/7 giáo viên đã được đào tạo đại học theo hai phân môn (Vật lý và Hóa học; Hóa học và Sinh học).
Từ năm học 2021-2022, nhà trường đã tạo điều kiện, cấp kinh phí cho 100% giáo viên môn Khoa học tự nhiên đi học chứng chỉ dạy tích hợp. Đến hiện tại các thầy cô đã có chứng chỉ.
Riêng đối với thầy cô dạy Lịch sử, Địa lý, tính đến thời điểm này, 100% thầy cô cũng đã được học và chuẩn bị nhận chứng chỉ dạy tích hợp.
Các giáo viên đều có trình độ đại học, đạt yêu cầu chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục 2019. Đây đều là đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng học tập và tiếp cận tốt với những đổi mới trong giảng dạy.
Tuy nhiên cô Phương Anh cũng cho biết, vì không được đào tạo chuyên sâu với phân môn không thuộc chuyên ngành của mình nên trong quá trình giảng dạy, thầy cô cũng gặp phải những khó khăn nhất định.
Thực hiện chương trình mới, chúng ta có sách giáo khoa mới nhưng đội ngũ chưa đào tạo theo kịp, đó là khó khăn chung mà các cơ sở giáo dục đang phải tìm cách khắc phục.
Nhà trường đã tăng cường sinh hoạt theo tổ nhóm chuyên môn để các thầy cô cùng thảo luận, trao đổi, nghiên cứu từng bài học, từ soạn giáo án đến dạy mẫu.... Mỗi giáo viên trong tổ nhóm chuyên môn luôn tích cực, sẵn sàng hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau để dạy học hiệu quả, hướng tới mục tiêu đã đặt ra.
Chương trình mới triển khai trong những năm đầu tiên nên còn có khó khăn về nguồn tài liệu, tài liệu chưa thực sự đa dạng để thầy cô, học sinh tham khảo. Theo tâm tư, nguyện vọng của thầy cô, thời gian tới, nhà trường sẽ cập nhật thêm và bổ sung nguồn tài liệu này.
Một khó khăn nữa là trang thiết bị đồ dùng dạy học theo chương trình mới chưa thực sự đầy đủ, nhà trường phải chọn lọc để sử dụng đồ dùng cũ theo chương trình 2006.
Riêng phân môn Hóa học, sách giáo khoa mới đòi hỏi thầy cô phải có khả năng phát âm ngoại ngữ đối với các chất, hợp chất, đây cũng là một thử thách với đội ngũ giáo viên.
Thầy cô phải nỗ lực, cố gắng tự học qua các phần mềm hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức kết nối các giáo viên Khoa học tự nhiên với giáo viên tiếng Anh để cùng giúp đỡ nhau giải quyết khó khăn này.
Cô Phương Anh cho biết, nhà trường đang từng bước gỡ khó để hoạt động dạy học đạt mục tiêu đã đặt ra. (Ảnh: NVCC)
Trong học kỳ 1 của năm học 2021-2022, nhà trường bố trí 2 - 3 thầy cô dạy một môn học tích hợp. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị cho đội ngũ, các thầy cô được đào tạo thêm nên từ học kỳ 2 của năm học trước, các giáo viên môn Khoa học tự nhiên đã đề xuất một giáo viên đảm nhận dạy học một môn tích hợp.
"Năm nay, toàn bộ chương trình môn khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7 đều do một thầy cô dạy, khó khăn đến đâu sẽ khắc phục đến đó.
Các thầy cô cũng tâm tư rằng, cần có thời gian để vừa dạy học, vừa tự học, tìm tòi, sáng tạo, khắc phục khó khăn. Qua nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng, giáo viên sẽ trau dồi, rèn luyện để dạy học ngày một hiệu quả hơn", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lương Yên chia sẻ.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý, trong sách giáo khoa mới, cấu trúc hai phân môn vẫn tách biệt nên nhà trường vẫn sắp xếp 2 giáo viên dạy môn học này. Khi có chủ đề chung thì thầy cô trao đổi thống nhất để có bài giảng tích hợp.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, liên kết với các trường bạn để cùng nhau dự giờ, tạo không gian trao đổi, học tập, xây dựng bài giảng.
Theo cô Phương Anh, khi sắp xếp giáo viên dạy học tích hợp, nhà trường đảm bảo đủ giáo viên, không xảy ra tình trạng thừa giáo viên. Vì một số thầy cô còn kiêm nhiệm các công tác khác như chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn, công đoàn, thanh tra.
Ngoài ra có nội dung mới như hoạt động trải nghiệm, chương trình giáo dục địa phương, nên nhà trường đã bố trí giáo viên để đảm bảo chương trình.
Vĩnh Phúc: 204 trường thiếu GV, hàng trăm trường cơ sở vật chất xuống cấp Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc: các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9/2022, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc đã thực hiện đánh giá ngoài và công nhận...