“Có nên cho con học trường Tiểu học Thực nghiệm Victory Văn Quán”? – Bài review vô cùng chi tiết của 1 phụ huynh ở Hà Nội sẽ giúp bố mẹ giải đáp khúc mắc
Có con đang học lớp 1 tại trường Tiểu học Thực nghiệm Victory Văn Quán, chị Mai Lương (Hà Nội) đã có những chia sẻ cụ thể về những trải nghiệm của con sau hơn 1 học kỳ ở ngôi trường này.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Bé Ken (sinh năm 2014) là học sinh lớp 1 tại trường Tiểu học Thực nghiệm Victory Văn Quán ( Hà Đông, Hà Nội). Chị Mai Lương, mẹ bé Ken chia sẻ, trước đó hai vợ chồng cũng tìm hiểu, thậm chí cho con “test” một số trường nhưng cuối cùng chị quyết định chọn trường tiểu học này.
Theo chị, lý do đầu tiên đó chính là chị rất thích tư tưởng giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại, thích định hướng của trường là học qua thực hành, trưởng thành qua trải nghiệm. Ở đây các bạn được phát huy hết khả năng của mình qua các trải nghiệm hàng ngày chứ không theo lối học giáo viên chỉ đâu làm đó và làm việc học tập theo cách rập khuôn máy móc: “Mình biết rất nhiều phụ huynh chọn trường cũng vì thích mô hình thực nghiệm, học sinh được sống cuộc sống thật. Là một giáo viên mầm non, mình càng hiểu việc học thật, trải nghiệm thật và lớn lên từ những trải nghiệm thật đó là vô cùng cần thiết”.
Thêm vào đó, trường khá gần nhà chị nên cũng thuận tiện cho việc đưa đón. Cơ sở vật chất của trường cũng thoáng rộng, có sân chơi, có nhà đa năng, phòng múa, phòng vẽ, phòng Steam riêng… Hành lang rộng nên các con được chạy chơi thoải mái.
“Năm vừa rồi thấy các bố mẹ lớp 1 kêu trời vì áp lực bài tập về nhà . Nhưng con mình học khá nhẹ nhàng, lượng bài tập vừa phải nhưng con vẫn nắm được kiến thức. Và quan trọng nhất với mình là con rất thích đi học. Thậm chí thứ 7, chủ nhật cũng đòi đến trường. Sau hơn một học kỳ, bé nhà mình cũng vui vẻ, mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều so với trước đó học mầm non. Với mình chừng đó đã rất hạnh phúc rồi” , chị Mai Lương chia sẻ.
Qua nhiều tháng đồng hành cùng con, chị Mai Lương đã có những chia sẻ thiết thực nhằm giúp các phụ huynh khác có thêm thông tin khi lựa chọn trường cho con trong năm học mới. Tuy nhiên chị cũng cho biết, đây là quan sát và cảm nhận riêng của chị nên có thể đúng với người này nhưng không phù hợp với người khác.
Hệ thống trường Thực nghiệm Victory.
Trường có hai chương trình học là hệ Song ngữ Mỹ và hệ Chất lượng cao. Điểm khác biệt giữa hai hệ này theo mình biết chủ yếu là về chương trình tiếng Anh.
Hệ song ngữ Mỹ sẽ học 15 tiết tiếng Anh/tuần (riêng lớp 1 là 13 tiết tiếng Anh/tuần) theo chương trình CSS Mỹ (6 tiết ESL, 3 tiết Practice, 6 tiết Toán, Khoa học, Language Arts). Hệ chất lượng cao học 10 tiết TA/tuần (5 tiết ESL, 3 tiết Practice, 2 tiết Toán, Khoa học bằng tiếng Anh).
1. Chương trình tiếng Anh
Bé Ken học hệ Chất lượng cao thì năm đầu sẽ học 4 tiết/1 tuần với giáo viên nước ngoài. SGK sẽ dùng bộ Look của NXb National Geographic Learning. Bộ sách khá hay vì có phần tập trung vào phonics và có cả phần online hỗ trợ luyện tập ở nhà. Theo chị Mai Lương, trước khi vào trường con chưa bao giờ đi học thêm gì, tiếng Anh biết các từ đơn giản chỉ màu sắc, con vật… đến nay sau 3 tháng có thể nghe hiểu và giao tiếp được.
Ở trường Tiểu học Thực nghiệm Victory Văn Quán, với tổng 10 tiết tiếng Anh thì ngày nào con cũng tiếp xúc và nói tiếng Anh nên trình độ lên nhanh. “Chương trình song ngữ Mỹ thì mình không có nhiều thông tin, nhưng hệ Mỹ học phí cao hơn nên cũng được đầu tư hơn, ví dụ tài khoản bản quyền chương trình trường tiểu học Mỹ và được học ở phòng máy tính riêng. Chương trình chắc sẽ khó hơn và dành cho các bạn đã học và giao tiếp tốt rồi”.
2. Chương trình tiếng Việt và Toán
Khác với các trường khác thường giáo viên chủ nhiệm dạy hầu hết các môn thì ở Victory nhà trường chuyên môn hóa, mỗi cô sẽ chỉ dạy 1 môn. Các con sẽ có cô giáo tiếng Việt riêng và cô giáo Toán riêng.
Trường dạy Toán và tiếng Việt theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại, là phương pháp mà trước đây không hiểu mọi người nghĩ là học đánh vần tiếng Việt kiểu tam giác, vuông tròn… Tuy nhiên mình có đọc thêm tài liệu (các mẹ tìm hiểu phương pháp Công nghệ giáo dục) và nghe thầy hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm giải thích thì mình hiểu thực chất các con được học ngữ âm trước (như học tiếng Anh các con học Phonics trước), cô giáo giải thích con được học phân tích tiếng thành âm, thành vần với thao tác bằng tay, học luật chính tả rất chắc nên hầu hết các con sẽ nắm vững quy tắc phát âm, chính tả.
Học sinh học theo phương pháp này thường không bị sai chính tả. Học Toán theo cách của trường cũng là học theo kiểu tư duy, học sinh hiểu được bản chất của kiến thức. Bạn nhà mình về còn dạy lại mẹ cách làm các phép tính.
Các trường thông thường là cô giáo dạy kiến thức luôn, ở đây thì cô sẽ cho học sinh làm trước, trao đổi trước sau đó mới giảng. Tức là các cô sẽ tạo cho học sinh thói quen tư duy và suy nghĩ chứ không áp đặt luôn. Vì vậy học sinh sẽ tự rút ra kết luận, chủ động hơn chứ không bị động kiểu cô nói gì nghe đấy.
3. Chương trình giáo dục thể chất
Video đang HOT
Giáo dục thể chất của trường học không dàn trải kiểu mỗi tuần 1 tiết/môn học mà học tập trung. Ví dụ khi học bơi thì các con sẽ học bơi trong ít nhất 2 tuần liền và trong tuần đó trường chỉ xếp lịch học bơi thôi, không có lịch học các môn phụ khác như mỹ thuật, âm nhạc. Cô giáo chủ nhiệm lớp con mình giải thích việc học liên tục như vậy sẽ giúp các con hình thành kỹ năng, vì nếu học bơi chỉ 1 buổi/tuần thì các con sẽ nhanh quên.
4. Chương trình kỹ năng sống
Trường theo triết lý giáo dục thực nghiệm, nên định hướng rèn học sinh tự lập, tự phục vụ, tự quản và hình thành kỹ năng tự học. Cách dạy kỹ năng thực tế, không màu mè và đúng với những gì một em bé cần học qua từng độ tuổi. Các mẹ có thể tìm hiểu quyển Giáo dục lối sống của thầy Hồ Ngọc Đại để đọc thêm.
Như bạn nhà mình lớp 1 nhưng con sẽ tự đi vào trường, bố mẹ không dẫn lên lớp (bố mẹ đưa đến cổng trường, 1-2 tuần đầu con chưa quen sẽ có các cô giáo dẫn lên lớp; trong tuần học đầu tiên các cô sẽ dẫn con đi school tour để con tự định hướng và nhớ vị trí lớp, sau khi nhớ được con sẽ tự đi lên lớp).
Hai mẹ con chị Mai Lương trong một hoạt động của trường.
Giờ ăn thì lớp 1 còn bé và chắc nhà trường phải đảm bảo cân nặng nên các bạn sẽ ăn trên nhà ăn và có các cô giám sát. Từ lớp 2 các con sẽ tự chia đồ ăn tại lớp. Ngủ xong cũng tự gấp túi ngủ và cất giường ngủ…
5. Chương trình mỹ thuật/nghệ thuật
Không biết các bố mẹ khác thấy thế nào chứ mình thấy trường rất mạnh về mảng này, đi chỗ nào cũng thấy tranh. Bạn nhà mình đi học đến nay được hơn 3 tháng thì nhà cũng có vài tác phẩm nghệ thuật do con vẽ trong các sự kiện. Đi học về hôm nào cũng kể việc luyện tập rất vui.
6. Hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động đa dạng và có tính giáo dục. Ví dụ: Halloween các con không chỉ mặc đồ hóa trang hay vẽ mặt ma, trường sẽ kết hợp hoạt động trải nghiệm thực tế như vẽ tranh, đấu giá tranh từ thiện, các bố mẹ rất thích cách làm từ thiện này vì thay vì con về nhà xin tiền bố mẹ thì con được tự làm ra tác phẩm của mình và bố mẹ sẽ mua một tác phẩm có giá trị để gây quỹ ủng hộ.
Ở chủ đề tháng là sống xanh, bạn nhà mình tự đi xin pin của hàng xóm về để nộp cho cô. Chủ đề là sống xanh nên chuyến đi dã ngoại các con được đi thăm bảo tàng rừng. Bạn nhà mình lúc đi về đã dặn ngay với mẹ: “Có nhiều kiểu rừng khác nhau nhưng chúng ta đều phải bảo vệ rừng, không được đốt phá, vứt rác ra rừng nhé. Vì rừng là nhà của các con vật mẹ ạ”.
Bạn còn kể: “Cô giáo dặn chúng con khi vào bảo tàng phải chào và cảm ơn các cô chú hướng dẫn viên và đặc biệt là khi cắt dán xong phải cho các mẩu giấy thừa vào túi, không được vứt bừa bãi”. Mình thấy các con đi dã ngoại theo cách này rất hay và ý nghĩa vì các con không chỉ đi xem mà còn được học qua quan sát thực tế và rèn luyện cả kĩ năng sống.
Về thành tích thì trường có vẻ không “ham hố” cho học sinh đi thi lắm mà để phụ huynh học sinh tự nguyện. Năm rồi mình thấy một số anh chị lớp lớn được giải SEAMO, AMC, được điểm tuyệt đối thi Cambridge.
Cách tổ chức quản lý chất lượng mình cũng thấy ổn. Ví dụ học tiếng Việt các con có quyển luyện đọc riêng, học tiếng Anh thì có cẩm nang gửi về cho bố mẹ xem để hiểu con đang học gì. Các thông báo chính thức và điểm danh hàng ngày sẽ có hệ thống EcoStudy, ngoài ra cô giáo chủ nhiệm sẽ có group facebook/zalo trao đổi và đưa tin nhanh tới bố mẹ. Cô giáo chủ nhiệm của con rất thân thiện, gần gũi và có cảm giác như một người bạn chứ không có cảm giác xa cách.
Chị Mai Lương chia sẻ, đến thời điểm này chị hài lòng với lựa chọn của mình. Điểm nổi bật nhất ở đây đúng như tên của trường là Thực nghiệm – Thực hành và Trải nghiệm, các hoạt động gắn liền với đời sống thật, gần gũi, thực tế và cô giáo được đào tạo để cho các con có môi trường an toàn, vui vẻ.
“Sau quá trình đau đầu chọn trường cho bạn nhà mình thì mình thấy thật ra các trường đều tương đương nhau, quan trọng là chọn được trường phù hợp. Với Victory thì mình thấy hợp ở cả quan điểm giáo dục đến chương trình học.
Hết cấp 1 có thể con học tiếp ở trường, hoặc giả sử bố mẹ điều kiện kinh tế ít hơn thì con chuyển về trường công cũng tốt, quan trọng là con tự lập và có khả năng tự học. Mình nghĩ tự học và thích học là quan trọng nhất vì đây là những kỹ năng sẽ theo con cả cuộc đời, sau này khi đã lớn và đi làm chứ không phải chỉ trong trường học” , chị Mai Lương chia sẻ.
Tiết lộ chuyện ăn-ở-kỷ luật của học sinh trường nội trú chuẩn Quốc tế ở Hà Nội, đặc biệt là cách xử lý khi các em... lỡ "yêu đương"
Cho con học xa nhà, phụ huynh nào cũng muốn con trưởng thành, bản lĩnh, nhưng khu nội trú vẫn phải có cảm giác thân thương như ở nhà. Đó hẳn nhiên là điều không dễ dàng.
Để tìm hiểu về cuộc sống của các em học sinh nội trú xa nhà sẽ thế nào, đặc biệt là những quy định ở nội trú cũng như chuyện các em tuổi mới lớn phát sinh tình cảm với nhau, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Sandie Fowler, giám đốc nội trú tại trường TH School Hòa Lạc, trường nội trú theo mô hình quốc tế duy nhất ở Việt Nam.
Ngôi trường nội trú với tông màu hồng đặc trưng.
- Chào bà! Quản lý nội trú chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, vừa cần cứng rắn và mềm mỏng kết hợp. Bà có thể cho biết cách đưa ra những quy tắc và vận hành ở TH school Hòa Lạc?
Chúng tôi đặt ra các nội quy với mục đích giúp các em cảm thấy mình được an toàn và bảo vệ. Hầu hết các nội quy đều xoay quanh kỉ luật thời gian, giờ giấc để đảm bảo giáo viên có thể nắm được vào giờ này, học sinh của mình đang ở đâu, làm gì.
Ví dụ như các em sẽ thức dậy vào một khung giờ cố định, cùng nhau chuẩn bị, ăn sáng để kịp vào lớp. Cũng tương tự vào buổi tối, nhà trường đặt ra thời gian biểu cho các hoạt động thể thao, bữa tối và cả giờ ngủ.
Ngoài việc chăm sóc, quan sát các em trong ngày, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra từng phòng để chắc chắn không có chuyện gì xảy ra với học sinh.
Bà Sandie Fowler, giám đốc nội trú tại trường TH School Hòa Lạc.
Nhà trường sẽ xử lý như thế nào đối với mỗi học sinh vi phạm nội quy khu nội trú?
Các em luôn được tự do trong khuôn khổ nhất định và cần tuân theo 10 nguyên tắc được treo tại bảng tin trường và các khu vực chung tại khu nội trú. Nếu học sinh vi phạm những nguyên tắc đó, chúng tôi không áp dụng hình phạt mà đầu tiên sẽ nói chuyện riêng với các em, tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề.
Điều này sẽ giúp các em hiểu được điều mình làm không phù hợp ở đâu, hậu quả của nó là gì và cần phải điều chỉnh như thế nào.
Tất cả những sự quản lý này của nhà trường được thực hiện trên nền tảng cốt lõi quan điểm giáo dục nào, thưa bà?
Trường nội trú của chúng tôi là môi trường học tập quốc tế tập trung giúp các em phát triển về nhiều phương diện như học vấn, sức khỏe thể chất, sức khoẻ tinh thần...
Bên cạnh việc học trên trường, các em còn được rèn luyện thói quen sinh hoạt điều độ, tham gia các hoạt động thể thao cũng như xây dựng kỹ năng mềm, biết cách tự chăm sóc bản thân, sống tự lập và biết cách dung hòa, duy trì các mối quan hệ cá nhân.
Bên cạnh việc học trên trường, các em còn được rèn luyện thói quen sinh hoạt điều độ.
Trường sẽ xử lý như thế nào với câu chuyện giới tính, tình cảm nam nữ của học trò, khi các em đang đều ở tuổi teen và hiện đang cùng sống chung trong 1 tòa nhà?
Phát sinh tình cảm chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi vẫn có các biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh và giáo dục các em về những khác biệt giới tính và sự phát triển tâm lý trong tuổi thiếu niên.
Sống chung trong 1 tòa nhà nhưng học sinh nam và nữ sẽ sinh hoạt ở các tầng khác nhau: có 2 tầng cho nam và 1 tầng cho nữ. Trong nội quy nhà trường cũng nêu rõ: Học sinh không được phép đến tầng không phải nơi ở của mình. Có bảo vệ trực ở tầng học sinh nam cả đêm.
Cũng có một vài mối quan hệ tình cảm phát sinh giữa các em. Học sinh được quyền kết bạn, chúng tôi dạy học sinh về sự tôn trọng và chúng tôi cũng tôn trọng điều đó. Chính vì thế, tôi tin các em sẽ hiểu được điều này và không làm gì quá giới hạn.
- Việc kết nối giữa nhà trường và phụ huynh khi các con đi học xa nhà hẳn là điều quan trọng...
Đây chắc chắn là nhiệm vụ rất quan trọng của nhà trường khi mà cha mẹ các em không ở bên cạnh. Học sinh được nói chuyện với gia đình của mình mỗi ngày vào những khung giờ cố định, có thể qua điện thoại, video, email hay bất cứ một phương tiện nào khác. Chúng tôi có sử dụng phần mềm Google Classroom trong các tiết học để phụ huynh có thể biết được con em mình đang học gì và phản hồi lại với giáo viên.
"Bên cạnh báo cáo kết quả học tập của học sinh trên lớp, nhà trường cũng có thông báo ghi chép lại quá trình sinh hoạt của các em khi ở nội trú".
Tôi cũng như đội ngũ quản sinh thường có những cuộc điện thoại trao đổi với phụ huynh để thông báo thêm về tình hình học tập, sức khỏe và những hoạt động sắp diễn ra của các em.
Bên cạnh báo cáo kết quả học tập của học sinh trên lớp, nhà trường cũng có thông báo ghi chép lại quá trình sinh hoạt của các em khi ở nội trú. Chúng tôi cũng có một nhóm riêng trên facebook dành cho phụ huynh học sinh nội trú Hòa Lạc - nơi cha mẹ học sinh có thể cập nhật thông tin, hình ảnh của con mình.
Một số học sinh nói rằng đôi lúc các em cảm thấy có phần nhàm chán vào buổi tối. Vậy nhà trường đã làm gì để giúp các em vượt qua những khoảnh khắc này?
Trường nội trú tái hiện cuộc sống như khi các em đang ở nhà. Không phải lúc nào các em cũng có hoạt động ngoại khóa mà học sinh cần có thời gian gắn kết với nhau, thời gian làm bài tập, đọc sách. Các em được cùng nhau ăn tối, cùng nhau trò chuyện và có thời gian riêng để gọi điện cho người thân, làm bài tập, chuẩn bị bài vở cho tiết học hôm sau.
Chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khoảnh khắc cảm thấy chán vì nhớ nhà, nhưng học sinh cần biết cách sử dụng khoảng thời gian rảnh đó, biến chúng thành niềm vui khi thành lập đội nhảy, đội bóng, chuẩn bị cho nhạc hội mùa đông hay giải trí trong phòng sinh hoạt chung với các thiết bị điện tử, TV, trò chơi trí tuệ... Rồi những nhàm chán ấy cũng sẽ qua thôi.
"Học sinh cần biết cách sử dụng khoảng thời gian rảnh, biến chúng thành niềm vui khi thành lập đội nhảy, đội bóng, chuẩn bị cho nhạc hội mùa đông hay giải trí trong phòng sinh hoạt chung với các thiết bị điện tử, TV, trò chơi trí tuệ...".
- Trong trường hợp có 1 học sinh mới, tiếng Anh còn chưa tốt và chưa thể hòa nhập với cuộc sống ở trường nội trú, các thầy cô sẽ có hỗ trợ gì?
Với kinh nghiệm quản lý trường nội trú lâu năm, đồng thời cũng là giáo viên dạy Tiếng Anh, tôi sẽ hỗ trợ các em hết sức có thể. Nếu như học sinh cần được hỗ trợ về Tiếng Anh có thể gặp tôi để trao đổi trực tiếp 1-1, chuẩn bị từ vựng cần thiết cho các tiết học hôm sau.
TH School là môi trường quốc tế, học tập theo giáo trình nước ngoài nên chúng tôi luôn muốn học sinh tự tin hơn khi thể hiện khả năng ngôn ngữ.
- Với thực tế quản lý nội trú ở đây thì bà thấy lỗi vi phạm mà học sinh hay mắc nhất là gì và cách giải quyết của nhà trường như thế nào?
Đã là học sinh, kể cả những học sinh giỏi nhất thì chắc chắn cũng đôi lúc mắc sai lầm. Học sinh khi mới gia nhập TH School còn chưa quen với môi trường, chưa quen với việc sinh hoạt chung với những người bạn đồng trang lứa và đây cũng là lần đầu tiên các em được tự do, sống xa vòng tay gia đình nên đôi khi sẽ có hành động chưa đúng nhưng không bao giờ vượt tầm kiểm soát.
Ví dụ với việc các em ham chơi, không muốn làm bài tập về nhà thì nhà trường đã đặt ra thời gian biểu để học sinh quen với giờ giấc sinh hoạt kỷ luật. Nếu học sinh không dọn dẹp bàn ăn, em sẽ phải giúp trong việc phơi giặt quần áo. Chúng tôi là một tập thể nên không muốn áp đặt bất kỳ hình phạt nào lên các em bởi điều ấy chỉ càng khiến mọi chuyện tệ hơn.
Khi học sinh mắc lỗi, chúng tôi muốn các em hiểu mình sai ở đâu để có thể hoàn thiện bản thân, không tiếp tục tái diễn trong tương lai.
- Xin cảm ơn bà!
Ảnh: Gia Đoàn
Câu chuyện giáo dục: Chấp nhận con không phải là học sinh giỏi 'Con tui 5 năm liền là học sinh giỏi. Sao lên lớp 6 nó rớt xuống học sinh khá vậy cô? Để họp về, tui phải đánh cho nó một trận mới lo học'. Phụ huynh đừng áp lực cho con phải đạt học sinh giỏi - PHCC Rất nhiều phụ huynh lớp 6 đã thốt lên như vậy khi biết kết quả...