Phụ huynh tìm cách cho con học chữ trước khi vào lớp 1
Năm học vừa hết một nửa, nhiều phụ huynh có con đang học mầm non rộn ràng tìm lớp học chữ, tiền tiểu học với mong muốn trẻ vững vàng hành trang bước vào lớp 1.
Trên diễn đàn dành cho các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Hồng Đinh (29, TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng khi con mình đã 5 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa biết được hết bảng chữ cái. Chữ số thì bé chỉ biết đếm từ 1 đến 10. Chị hỏi thăm kinh nghiệm của các bà mẹ khác khi sang năm con bước vào lớp 1 nhưng so với bạn bè cùng trang lứa, bé có vẻ chậm tiếp thu.
Chung nỗi lòng với bà mẹ trẻ tại TP.HCM, nhiều phụ huynh khác cũng cho biết họ rất lo lắng khi con vào lớp 1 phải học chương trình mới “nặng, khó”.
Lo con không theo kịp bạn bè, phụ huynh đã cho trẻ mầm non học chữ, chương trình lớp 1 trước. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.
Sợ con “chậm” khi chương trình khó
Dưới bài đăng của chị Hồng Đinh, một số phụ huynh cho biết họ đã cho con học chữ khi con mới 4 tuổi để chuẩn bị chu đáo cho hành trình vào lớp 1 của con.
Chị Hà Xuân (Đồng Nai) chia sẻ đã cho con bé 5 tuổi học chữ từ sớm. Lúc nghỉ dịch Covid-19, con chị đã thuộc hết bảng chữ cái, bây giờ đang học ghép vần. Kinh nghiệm của chị là mỗi ngày cho con học 2 chữ, vừa học vừa ôn, bảng chữ cái dán khắp nhà và mở chương trình hướng dẫn tập đọc cho con xem. Đi ra đường, hễ thấy chữ cái, chị đều hướng dẫn cho con ghi nhớ cách đọc.
Nữ phụ huynh chia sẻ chứng kiến bạn bè, hàng xóm phải điên đầu, nước mắt ngắn dài khi kèm con học theo chương trình lớp 1 mới, chị thực sự lo sợ mình sẽ rơi vào những trường hợp như vậy. Do đó, chị tìm nhiều cách để con làm quen với chữ, số. Dự định ăn Tết Nguyên đán xong, chị sẽ cho con đi học kèm với các cô giáo để chuẩn bị vào lớp 1.
“Bạn của mình có con đang học lớp 1, đều than trời trách đất rằng chương trình thì khó mà con học trước quên sau. Mỗi khi kèm con học là cả nhà căng thẳng và mệt mỏi. Mình lo nếu con không đi học trước thì sẽ chậm”, chị Hà Xuân nói.
Tương tự, chị Hồng Đinh cho rằng bé nhà mình chậm tiếp thu lại không tập trung, nếu không học đọc, viết chữ cái trước thì khi lên lớp 1 sẽ khó theo kịp bạn bè trong lớp.
Video đang HOT
“Lỡ con học không kịp so với lớp cả cha mẹ và con đều mệt mỏi. Trong khi tôi và chồng đều không có nhiều thời gian dạy con, lên lớp 1 cho con đi học thêm thì tội cho con, nên tôi cho bé học trước, sau này dễ tiếp thu hơn”, chị Hồng Đinh chia sẻ.
Thông tin về chương trình lớp 1 mới nặng, phụ huynh lúng túng khi học cùng con, giáo viên cũng khó dạy khiến Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo các trường giảm tải, điều chỉnh khối lượng chương trình và cách dạy hồi đầu năm học 2020-2021, đã khiến các phụ huynh có con sắp vào lớp 1 lo lắng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người cho con học trước chương trình lớp 1.
Trẻ mầm non được dạy nhận biết những chữ cái đơn giản. Ảnh: Việt Linh.
Rộn ràng tìm nơi dạy tiền tiểu học
Cùng nỗi lo với những phụ huynh có con sắp vào lớp 1, một tháng nay, chị Huyền Thanh (30 tuổi, Hà Nội) hỏi thăm thông tin các cô giáo nhận kèm trẻ mầm non tại nhà hoặc các lớp dạy trước chương trình lớp 1 ở khu vực quận Đống Đa. Thông tin về các lớp dạy hành trang vào lớp 1, tiền lớp 1, gia sư kèm chương trình lớp 1 cũng được nhiều phụ huynh hỏi thăm, chia sẻ trên các diễn đàn.
Chị Thanh cho hay bạn bè, hàng xóm “đi trước” đều khuyên chị nên cho con đi học lớp hành trang vào lớp 1 để trẻ không bỡ ngỡ, cha mẹ cũng dễ kèm về sau. Chị dự định qua Tết Nguyên đán, tìm được lớp sẽ cho con đi học trước.
Một số nơi chị Thanh hỏi thăm đều có học phí khoảng 150.000 đồng hoặc 200.000 đồng cho một buổi học khoảng 2 giờ đồng hồ. Giáo viên thường là các cô dạy lớp 1 hoặc mầm non. Nếu cho con đi học chữ trước, chị Thanh phải chấp cho con học vào buổi tối, vì ban ngày bé còn phải học mầm non ở trường.
“Bây giờ mình mới tìm lớp để qua Tết đi học là trễ rồi. Nhiều bé học chung trường mầm non với con mình đã được cho đi học từ hè, thậm chí còn sớm hơn nữa”, bà mẹ 30 tuổi thông tin.
Có con gái đầu đang học lớp 1, chị Thu Lan (Long Biên, Hà Nội) quá hiểu những khó khăn của con khi học chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến bé thứ hai sang năm sẽ vào lớp 1, chị quyết tâm cho con học trước chương trình càng sớm càng tốt.
“Bé đầu mình không cho đi học trước, vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ. Năm nay chương trình mới vừa nặng vừa khó, con không theo kịp mà mình cũng không biết kèm con thế nào vì nhiều cái khác với thời mình học quá. Kết quả là bé rất chán nản, mỗi tối ngồi vào bàn học như cực hình nên đến bé thứ 2 mình phải cho con đi học trước làm quen, vất vả từ bây giờ để khi vào lớp 1 nhẹ nhàng hơn”, chị Thu Lan kể.
Sau khi cân nhắc, nữ phụ huynh quyết định cho con học một kèm một với một cô giáo có kinh nghiệm dạy lớp 1. Học phí 120.000 đồng cho một buổi dài 1,5 giờ đồng hồ. Ban ngày bé ở trường mầm non, buổi tối từ thứ hai đến chủ nhật, cô giáo sẽ đến nhà dạy kèm. Tối thứ bảy, chị cho con nghỉ để đưa đi chơi.
Chị Thu Lan cho biết nhiều phụ huynh khác không cho con đi học thêm nhưng lại nhờ các cô giáo ở trường mầm non dạy kèm trẻ tập đọc, tập viết vào giờ nghỉ trưa ở trường.
Sách giáo khoa lớp 1 quá nặng, phải có sự thay đổi
Sách giáo khoa hiện nay không còn là pháp lệnh nhưng nó là tài liệu chuẩn để giáo viên giảng dạy. Vì thế, sách cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với tâm sinh lý và trình độ các em.
Giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh lo lắng, tìm cách cho con học trước lớp 1 là do sách giáo khoa (SGK) của chương trình mới rất nặng và nhiều chữ.
Mời bạn đọc xem thêm:
Sách giáo khoa quá nặng
Chia sẻ về vấn đề này, cô TB, giáo viên một trường tiểu học tại Gia Lai, cho hay thực tế đều cấm các trẻ lớp lá học trước lớp 1. Tuy nhiên, với SGK như hiện nay, nếu các em không học trước thì lên lớp 1 sẽ vất vả cho cả cô và trò vì kiến thức nhiều hơn trước. Như bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, ba bài đầu tiên mỗi ngày học một âm, từ ngày thứ tư các em phải học hai âm cộng thêm các dấu thanh. Sang học kỳ 2, các bài tập đọc tương đối dài, lại khó.
Cùng suy nghĩ, một vị quản lý tại TP.HCM chia sẻ SGK lớp 1 hiện nay nhiều chữ. "Để trẻ không bị áp lực, trẻ cần phải được đi học trước để có sự chuẩn bị. Phụ huynh hướng dẫn con học không nên theo SGK hiện hành mà có thể cho con dựa trên SGK cũ sẽ tốt hơn vì đơn giản và dễ hiểu" - vị này nói.
Bày tỏ quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay nếu trước đây đến giai đoạn này, các trẻ chỉ đọc những bài đồng dao ngắn, một dòng khoảng năm chữ thì bây giờ trẻ phải đọc những bài tập đọc rất dài và khó. Do đó, cả cô và trò đều rất áp lực.
"Sở dĩ trường tôi lựa chọn bộ sách Cánh diều vì qua tìm hiểu thấy đây là bộ sách phân phối chương trình nhẹ nhất trong năm bộ được thẩm định và phê duyệt. Thế nhưng trong quá trình dạy lại phát sinh nhiều vấn đề, xuất hiện nhiều câu chữ, ngôn từ đến người lớn cũng khó hiểu chứ chưa nói đến con trẻ nên lại bất cập" - hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 8, TP.HCM bổ sung.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, TP.HCM.
Cần chỉnh sửa cho phù hợp
Trước tình hình trên, để giảm bớt âu lo cho phụ huynh trước SGK mới cũng như giảm áp lực cho cô và trò, nhiều nhà quản lý cho rằng nên chỉnh sửa SGK sao cho phù hợp với tâm sinh lý của các em.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Củ Chi cho rằng SGK hiện nay được biên soạn để dạy theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh nhưng mỗi em là một cá thể khác nhau, trong khi đó thời lượng bài dạy giống nhau. Vì thế, nếu em nào tiếp thu tốt thì sẽ giỏi, còn em nào chậm tiến bộ thì khó theo kịp.
"Do đó, tôi nghĩ cần phải chỉnh sửa lại SGK để có lượng kiến thức phù hợp. Thực tế, hiện nay SGK không còn là pháp lệnh nhưng nó là tài liệu chuẩn để giáo viên dạy cho học sinh. Quan điểm sách không còn là pháp lệnh nhưng muốn thay đổi ngữ liệu, chi tiết, giảm bớt bài học, thay đổi kết cấu bài đòi hỏi phải có biên bản, phải có sự thống nhất tổ chuyên môn, phải được ban giám hiệu thông qua, giáo viên đâu tự ý quyết định. Như vậy vừa nhiêu khê vừa tốn rất nhiều thời gian của giáo viên. Do đó, điều giáo viên cần là một cuốn sách có kiến thức nhẹ nhàng, bởi đối với học sinh lớp 1 chỉ cần đọc thông, viết thạo là được" - vị này nhấn mạnh.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 8 nói thêm: "Các bộ sách lớp 1 cần phải giảm bớt âm, bớt chữ, giảm bớt các bài ứng dụng, bài tập đọc vì những bài này vừa dài lại khó".
Về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 thừa nhận việc sắp xếp kiến thức SGK hiện nay nặng hơn trước rất nhiều. Chính điều đó gây áp lực lên phụ huynh lẫn học sinh. Do đó, khi chưa có sự chỉnh sửa từ SGK, các trường có thể tự điều chỉnh cho phù hợp.
"Các trường có quyền tự phân phối chương trình và thống nhất với phụ huynh, miễn sao đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT đề ra trong khung chương trình mới. Nhà trường không nhất thiết phải dạy kiến thức theo từng tiết trong SGK, nếu thấy nặng quá có thể tăng thời gian học, giảm số lượng âm vần. Nhà trường được chủ động phân phối chương trình sao cho đạt được yêu cầu của khung chương trình" - vị này nhấn mạnh.
Chỉnh sửa nhiều nội dung trong bốn bộ SGK lớp 1
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, đề xuất chỉnh sửa nhiều nội dung trong cả bốn bộ SGK lớp 1 mới do NXB này tổ chức biên soạn. Bao gồm Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Việc chỉnh sửa dựa trên kết quả rà soát của ban tổng biên tập NXB, nhóm tác giả, đội ngũ biên tập viên cùng sự tiếp thu ý kiến của các giáo viên, phụ huynh...
Phụ huynh 'nhảy dựng' trước sách giáo khoa mới, nhưng lại thản nhiên khi trẻ xem đủ trò vô bổ trên điện thoại, ipad Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều đang là chủ đề nóng trên khắp các trang mạng xã hội. Từ những bậc phụ huynh có con đang theo học lớp 1 cho đến những người đã trở thành ông bà nội ngoại, cả những bạn trẻ chưa lập gia đình cũng xôn xao bàn tán về bộ sách này. Từ cách ghép...