Cô giáo trẻ người đồng bào Raglai “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao
Sinh ra và lớn lên tại thôn khó khăn của xã Ninh Tây (tỉnh Khánh Hòa), cô giáo Cao Thị Bích Tiền ý thức được rằng mình phải cố gắng học tập để thay đổi tương lai, giúp đỡ các cháu đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.
Cô giáo Cao Thị Bích Tiền (ngoài cùng, bìa trái) trong một lần đi vận động phụ huynh cho con tới trường. Ảnh: NVCC
Cố gắng học tập để thay đổi tương lai
Cô giáo Cao Thị Bích Tiền (SN 1994) là người đồng bào Raglai, sinh ra và lớn lên lớn lên ở vùng quê nghèo, một thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù cần mẫn quanh năm nhưng cuộc sống của gia đình cô cũng như nhiều đồng bào Raglai nơi đây vẫn túng thiếu. Vì vậy, từ nhỏ, cô nuôi quyết tâm phải học, trước là để giúp cuộc sống của mình tốt hơn, sau là truyền đạt kiến thức cho những thế hệ trẻ của đồng bào mình.
Chia sẻ về tuổi thơ và gia đình mình, cô Tiền cho biết, lúc còn nhỏ gia đình khó khăn nên từ bé cô giáo Tiền đã theo mẹ cha lên nương rẫy và tuổi thơ được lớn trên lưng mẹ. Lúc mẹ trồng tỉa bắp…thì mẹ hái lá lót dưới gốc cây rồi đặt cô ngồi ở đó một mình chờ mẹ.
“Ngồi ở đó một mình có khi bị kiến đốt sưng hết cả người. Sau này lớn lên tôi vừa đi học vừa phụ mẹ cha làm nương rẫy tuy vất vả nhưng tôi rất vui và biết ơn cuộc sống này. Vì khi trải qua những khó khăn đó bản thân tôi mới ý thức được rằng mình phải cố gắng học tập để thay đổi tương lai, thay đổi số phận”, cô Tiền chia sẻ.
Cô Tiền tâm sự, lúc bé không chỉ riêng cô Tiền mà gia đình cũng mong muốn Tiền lớn lên sau này sẽ trở thành một cô giáo của bản làng. Chính vì thế, khi tốt nghiệp lớp 12, cũng như các bạn cùng trang lứa háo hức lựa chọn Trường Cao đẳng, Đại học mà mình thích. Bản thân cô giáo Tiền chỉ nghĩ đơn giản chọn khoa Sư phạm Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang làm bến đỗ, để sau này về quê giúp ích cho buôn làng mình.
Cô giáo Tiền đang dạy học cho các em mầm non
Mang theo ước mơ, hoài bão, khi thành công sẽ quay trở về quê để giúp ích cho dân làng, người thân, Tiền đã đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, khoa Sư phạm Mầm non.
Trong suốt quá trình học tập tại đây, Tiền luôn cố gắng và phấn đấu để đạt được thành tích cao. Tốt nghiệp ra trường, năm 2016 Tiền quay trở về quê để thực hiện niềm mơ ước của mình đã ấp ủ bấy lâu nay. Tiền đã xin về dạy tại trường Mầm non Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Tại đây, cô bắt đầu với sự nghiệp “trồng người”.
“Tôi chọn về quê để giảng dạy vì các em nhỏ ở buôn làng mình không được may mắn như các trẻ em ở nơi thành thị khó khăn, thiếu thốn rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần. Chính vì thế tôi muốn dùng sức trẻ của mình để cống hiến, truyền những ngọn lửa và niềm tin tích cực của mình đến các em nhỏ ở vùng quê nghèo khó này mang tình yêu thương và sự chăm sóc, bảo bọc của mình dành cho các bé”, Cô Tiền bộc bạch.
Video đang HOT
Và hơn thế nữa, cô giáo Tiền muốn dùng những kiến thức, kỹ năng đã học ở trường để nuôi, dạy các cháu và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những kiến thức nuôi dạy con theo khoa học để nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng bởi những hủ tục lạc hậu và làm thay đổi nhận thức về việc cho con em đến trường của đồng bào nơi đây.
Đi làm giấy tờ cho học sinh đi học
Trở về quê dạy học, là người Raglai nên may mắn cô Tiền không phải gặp khó khăn về cách giao tiếp với các cháu so với những giáo viên khác. Nhưng khó khăn lớn nhất mà cô giáo Tiền gặp phải đó là đi vận động động cháu đến lớp. Vì cha mẹ không cho các cháu đi học, mà phải theo cha mẹ lên nương.
“Có người thì sinh con đông quá và bản thân không biết chữ nên không làm giấy khai sinh cho con, có khi giáo viên chúng tôi phải đi làm giúp giấy tờ để cho cháu được đến trường”, cô Tiền nhớ lại.
Để gia đình cho các em học sinh đi học thì cô Tiền phải xuống từng nhà để giải thích, vận động gia đình đồng bào nơi đây.
Cô giáo Tiền (thứ 2, trái sang) trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn
Cô Tiền chia sẻ: “Tôi động viên và nêu quyền lợi đối với việc cho cháu đi học, cho con em đến trường gia đình sẽ không phải lo cho cháu những bữa ăn trưa, ăn xế được cô chăm sóc, yêu thương cháu ở bên cô cả ngày thì gia đình sẽ có thời gian đi làm mà không phải vất vả lo địu cháu theo mình ngoài trời mưa nắng dễ gây bệnh. Cháu đi học sẽ được hưởng chế độ nhà nước và nhà trường tạo điều kiện cho gia đình mình phải tốn các khoản phí cho các cháu đi học mà còn được hỗ trợ chi phí học tập. Như vậy cha mẹ các cháu mới cho con mình đi học”.
Công việc nghề giáo vốn đã vất vả, dạy học ở buôn làng lại càng vất vả hơn nhiều. Đối với một cô giáo trẻ vừa mới ra trường thì đây là một điều rất khó. Thời gian đầu, khi cô Tiền bước vào nghề giáo đã gặp không ít những khó khăn trong công tác vận động các em nhỏ đến trường.
Trẻ đi học dăm ba hôm lại nghỉ học vì phải theo mẹ cha đi làm thuê, bẻ măng, bẻ bắp…phụ huynh lại không hợp tác, từ chối gặp mặt khi cô giáo đến nhà. Những lúc như thế, cô giáo trẻ cảm thấy tủi thân và đã có lúc muốn từ bỏ công việc của mình. Thế nhưng, sự yêu thương trẻ con, yêu thương buôn làng và đặc biệt là lo cho tương lai của những đứa trẻ vùng quê nghèo, cô giáo Tiền lại vượt qua những khó khăn đó mà tiếp tục làm việc.
“Giờ đây, trước khó khăn, thử thách trong công việc, trong cơ chế thị trường, đôi lúc bản thân tôi không khỏi nản lòng, mệt mỏi. Nhưng sau tất cả những điều đó, lý do gắn bó với nghề đó chính là ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ mỗi ngày của các thiên thần nhỏ, tôi lại tự nhủ lòng…phải mạnh mẽ vượt qua”, Cô Tiền cười nói.
Cô Tiền cho rằng, ước muốn lớn nhất của cô chính là mong cho các cháu đặc biệt là cháu đồng bào ai cũng được tạo điều kiện để đến trường để vui chơi học tập, có cháu vì nhiều điều kiện khách quan của mẹ cha mà không đủ điều kiện để được làm giấy tờ nhập học, ước những bữa ăn của các em được hỗ trợ đầy đủ chất hơn, được bổ sung thêm sữa sáng và xế để giảm tỉ lệ còi xương suy dinh dưỡng, ước các điểm trường phụ có nhà vệ sinh để phục vụ chăm sóc cho cháu được tốt hơn.
Hàng ngày, chứng kiến những ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ của các em nhỏ đã tiếp thêm cho cô rất nhiều động lực. Đây chính là nguồn động lực lớn lao để cô giáo Tiền và các thầy cô khác ở bản làng thêm vững tin cho chặng đường đầy gian nan phía trước.
Nhiều năm liền, cô giáo Tiền đạt được thành tích: Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2017 – 2018, 2019 – 2020; liên tục 3 năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở; được Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) khen thưởng năm học 2019 – 2020; Thị đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Ninh Hòa khen thưởng trong phong trào đoàn, hội…
Vào ngày 17/11/2020 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, cô giáo Tiền vinh dự là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu trên toàn quốc được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020″ do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Cô Mỷ "nối tương lai" cho trẻ vùng cao
Đến với nghề giáo cũng bởi chữ duyên, song cô giáo trẻ người Mông tên Giàng Thị Mỷ đã yêu và say nghề lúc nào chẳng hay.
Cô Mỷ (ngoài cùng bên phải) cùng đám trò nhỏ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỷ bền bỉ kêu gọi sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện khắp mọi miền với ước mong đám trò nhỏ không bị "đứt" học, để tương lai được tươi sáng hơn...
Yêu lúc nào... chẳng hay
Sau khi tốt nghiệp THPT, thiếu nữ dân tộc Mông - Giàng Thị Mỷ (SN 1995) đứng trước rất nhiều lựa chọn. Cô theo ngành sư phạm mầm non như một giải pháp "tình thế", rồi đem lòng yêu nghề, mến trẻ từ lúc nào cũng chẳng hay.
Năm 2017, rời Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Mỷ thi đỗ viên chức và nhận công tác tại Trường Mầm non Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Có lẽ đó là may mắn, cũng là cơ duyên với thiếu nữ nhỏ nhắn, xinh xắn này.
"Xã Sin Suối Hồ chính là quê hương của em. Về nhận công tác tại đây em rất vui, vì ít nhiều cảm thấy mình có cơ hội đóng góp nhỏ bé cho quê hương mình. Thế hệ của chúng em, nhiều bạn ở bản, gia đình khó khăn, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống vất vả, lam lũ. Em cũng chỉ muốn mang chút đóng góp nhỏ bé của mình để các cháu đỡ khổ hơn", cô Mỷ bộc bạch.
"Tuy mới vào nghề, nhưng cô Mỷ luôn thể hiện rất rõ tình yêu nghề, mến trẻ. Trong công việc thì cô rất nhiệt tình, hăng hái và hết lòng dạy dỗ con trẻ", bà Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sin Suối Hồ cho biết.
Gần 5 năm kể từ ngày bước vào nghề nuôi dạy trẻ cũng là ngần ấy thời gian cô Mỷ gắn bó, dành trọn tình yêu thương cho trẻ nhỏ vùng cao biên giới. Năm nay, cô Mỷ xung phong vào điểm trường ở bản Hoàng Trù Văn cách trung tâm xã hơn 20 km. Đây là điểm bản xa và khó khăn nhất của huyện. Tại điểm bản mới này, mọi điều kiện vật chất còn thiếu thốn trăm bề.
Đến điểm trường mới này, cô Mỷ chấp nhận sống cảnh xa nhà, xa trường. Con gái cô là Giàng Thị Yến Nhi bước sang tuổi thứ 7, cũng cần người dạy bảo, chăm sóc mỗi ngày. Song cô đành gửi lại ở trung tâm xã nhờ bố mẹ nuôi dưỡng.
"Em chỉ có thể về nhà thăm con vào dịp cuối tuần thôi, vì nơi đây cách nhà tận hơn 20 km cơ. Trời tạnh ráo còn đi lại được. Những khi mưa xuống, đường lầy lội thì chẳng có cách nào khác ngoài đi bộ để trở về nhà", cô Mỷ tâm sự.
Xa gia đình, xa con, song ở trường cô có tới 25 người "con" (17 học sinh mầm non và 8 học sinh tiểu học sang ăn cơm cùng) để quây quần, chăm sóc và vui đùa mỗi ngày. Trước giờ tan học, khi Mặt trời khuất sau dãy núi, cô Mỷ lại lủi thủi một mình trong đêm cô quạnh. Nhưng gần đây cô bớt cô đơn bởi buổi tối Giàng Xa Mông (3 tuổi), Giàng A Phềnh (4 tuổi), Giàng A Xà (6 tuổi) và Lý A Ly (6 tuổi) ở lại trường với cô luôn.
"Ở đây phụ huynh cũng chẳng quan tâm lắm đến việc học của con đâu ạ. Cô giáo có đến gọi thì họ cho con đi học, hoặc con tự đi. Có những em mới có 3, 4 tuổi mà hàng ngày cứ lẽo đẽo tự đi bộ, vượt đến hơn 4 cây số đường rừng để đến trường. Con có đi thì tự đi chứ bố mẹ cũng chẳng có đưa đón gì đâu ạ. Vì nhà quá xa nên có mấy em ở lại trường ăn cùng cô. Buổi tối ngủ cùng cô luôn để ngày mai lại học tiếp", cô Mỷ vui vẻ tâm sự.
Vừa dạy học, vừa tranh thủ phơi cá khô do các đoàn gửi lên để dự trữ cho trẻ ăn dần. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để các con không bị đứt học...
Thấy các điểm bản còn khó khăn, thiếu thốn, cô Mỷ trăn trở mãi. Và rồi cô tìm đến địa chỉ thiện nguyện khắp mọi miền để kêu gọi sự chung tay giúp đỡ.
Năm ngoái, cô cùng với cô giáo Nguyễn Thị Thanh ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sin Suối Hồ kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng từ một tổ chức thiện nguyện tận Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng 2 nhà lớp học tại điểm trường Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ. Công trình trên đã thay thế những nếp nhà tranh tre dột nát ngày trước, giúp cho học sinh có được cơ sở học tập khang trang, sạch đẹp hơn.
"Ngoài dạy học, cô Mỷ còn hăng say trong các chương trình thiện nguyện, được đồng nghiệp đánh giá cao. Trước kia, điểm bản Hoàng Trù Văn do quá xa xôi, chưa có một tổ chức, cá nhân nào tham gia ủng hộ. Nhưng kể từ khi cô ấy vào nhận công tác, cô đã kêu gọi được rất nhiều đoàn đến ủng hộ, chia sẻ. Điều này đã giúp cho học sinh có điều kiện thuận lợi để học tập", bà Phạm Thị Thao cho biết.
Lớp học ghép ở điểm bản Hoàng Trù Văn của cô Mỷ có 17 học sinh mầm non ở các độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Song hàng ngày cô lại là người mẹ thứ hai khi thực hiện "nhiệm vụ" chăm lo cho 25 "người con". Trong đó có 8 học sinh tiểu học. Cô vừa dạy học, vừa chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con nên chúng chỉ muốn đến trường.
"Bố mẹ các cháu đã chẳng quan tâm rồi, lên lớp các cháu cũng chẳng có gì ăn. Thế là em kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Họ cho gì thì em lấy cái đó, từ chăn, màn, sữa, đường, gạo, mì tôm, đồ ăn... Năm nay phấn khởi là có một nhóm thiện nguyện họ ủng hộ thức ăn cho cả năm học. Học sinh các con đi học chỉ phải mang theo cặp lồng cơm do bố mẹ chuẩn bị từ nhà, còn thức ăn thì cô giáo đun nấu cho", cô Mỷ bộc bạch.
"Năm nay có hơn chục đoàn từ thiện người ta cho rất nhiều quà cho các con. Chúng em phấn khởi lắm. Học sinh cũng thích đến trường vì có thức ăn ngon, được cô chăm sóc và dạy dỗ. Vừa rồi, thấy quà nhiều quá nên em mới bảo các đoàn là em nhận hết, song cứ gửi dần lên thôi, chứ gửi ngay một lúc, các con không ăn hết, nó hỏng mất đồ thì rất lãng phí. Em cũng kết nối để một số đoàn họ san sẻ cho các điểm bản khác còn khó khăn hơn trong huyện", cô Mỷ nói thêm.
Chia sẻ về quyết định vào điểm bản vùng sâu, vùng xa công tác, cô Mỷ cho biết: "Tôi còn trẻ mà, đây lại là quê hương của mình nữa. Tôi muốn mang con chữ đến nhiều trẻ em dân tộc thiểu số còn khó khăn chưa được đi học, góp phần xóa nạn mù chữ ở vùng cao".
Hoàng Trù Văn là điểm bản nghèo khó. Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại..., đời sống nhân dân khó khăn, sự quan tâm đến việc học hạn chế. Để đưa được con chữ đến với những đứa trẻ ở đây không phải là điều dễ dàng. Làm được điều này cần phải có tình yêu thương, sự kiên trì và dũng cảm của đội ngũ giáo viên cắm bản như cô Mỷ.
Hơn ai hết, những nhà giáo như cô Mỷ luôn nỗ lực không biết mệt mỏi chỉ với mong ước đơn giản là để các con không bị "đứt học".
Nhiệt huyết của cô giáo trẻ Raglai Với sức trẻ, nhiệt huyết và nỗ lực cống hiến, cô giáo Cao Thị Bích Tiền (sinh năm 1994) - giáo viên Trường Mầm non Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vinh dự là 1 trong 63 giáo viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu trên cả nước được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội. Cao Thị Bích Tiền...