Cô giáo trẻ băng rừng, vượt núi bồi đắp kiến thức cho trò
Không chọn nghề giáo là con đường lập nghiệp, nhưng nghiệp gieo chữ dường như đã chọn cô Nguyễn Thu Hường, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên.
Cô Nguyễn Thu Hường luôn tận tâm, tỉ mỉ trong truyền dạy kiến thức cho học trò.
9 năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, cô luôn nỗ lực, cố gắng để được HS tin yêu, đồng nghiệp tin tưởng.
Duyên với nghề
Vốn là dân “ngoại đạo”, cô Nguyễn Thu Hường, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên từng theo học ngành Kế toán, Trường ĐH Tây Bắc nhưng nghề giáo đến với cô tựa như một mối duyên lành. Cô Hường cho biết: Trước đây, tôi không có ý định trở thành giáo viên nhưng cái duyên với nghề đã dẫn dắt mình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc năm 2011, tình cờ biết được thông tin Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên tuyển giáo viên, không chút đắn đo, cô Hường quyết định nộp hồ sơ dự tuyển. Từ đó, nghề giáo đã lựa chọn cô và cô cũng dành cả thanh xuân cho nghề cao quý này.
“Tôi đến với nghề bằng tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ. Qua những ngày tháng đầu tiên bỡ ngỡ, tôi càng thêm yêu nghề và thấy được làm mới mình mỗi ngày khi đào tạo, giảng dạy và gắn bó các em học sinh, sinh viên”, cô Hường bộc bạch.
Với tâm nguyện giúp học sinh vùng cao được đào tạo bài bản, tiếp thu, cập nhật tri thức mới, 9 năm qua, cô Hường luôn soạn giáo án cẩn thận, tỉ mỉ và tận tình trong mỗi bài giảng trên lớp.
Nhắc về những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, cô Hường bồi hồi chia sẻ: “Tôi nhớ như in năm học đầu tiên làm công tác tuyển sinh tại trường THCS. Tôi và đồng nghiệp đến các bản để vận động cha mẹ cho con em tiếp tục đến trường.
Khi đến nhà, dù các em rất hào hứng và thích đi học nhưng sau đó nhận được câu trả lời “bố mẹ em không cho đi học nữa”. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”.
Cô Hường tâm sự: Khó khăn trong quá trình vận động người dân tại những vùng cao cho con em đi học đó là nhận thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế. Bởi người dân vùng cao thường có suy nghĩ “học để biết mặt chữ, chứ không cần học cao”.
Để gạt bỏ định kiến này, cô Hường và đồng nghiệp vượt núi, băng rừng để vận động phụ huynh cho các em đi học để tương lai của các em tươi sáng hơn. Nhưng nhiều khi đến nơi, nhìn thấy GV, gia đình không tiếp. Không bỏ cuộc, cô Hường kiên trì giải thích và thuyết phục để phụ huynh thấy được việc đi học sẽ là cánh cửa mở rộng để cho các em có cuộc sống tốt hơn.
Cô Hường cho biết: “Tôi tâm sự với các bậc phụ huynh, các em đi học hết THCS có thể vừa được học văn hóa, vừa được học thêm nghề. Khi tốt nghiệp, các em có thể đi làm kiếm tiền, đặc biệt trong quá trình học được Nhà nước và nhà trường hỗ trợ rất nhiều. May mắn bà con hiểu ra và cho các em tiếp tục đi học”.
Những năm tháng đầu tiên đến với nghề dù gian nan và thiếu thốn trăm bề do đặc thù vùng đất rẻo cao hẻo lánh, giao thông lại khó khăn, cơ sở vật chất giảng dạy thiếu thốn… nhưng với lòng nhiệt huyết, cô Hường đã vượt qua những thử thách gian nan ấy để đưa con chữ đến với các em miền biên viễn.
Vững vàng với nghề
Dù làm bất cứ việc gì cũng đặt hết tâm sức của mình vào đó. Với giáo viên giảng dạy tại vùng cao, các thầy, các cô lại càng cần tâm huyết, nhiệt thành hơn để tiếp lửa tri thức, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội đổi đời, làm chủ cuộc sống của bản thân, giúp ích cho gia đình, cống hiến cho cộng đồng. Cô Nguyễn Thu Hường
Chia sẻ về bộ môn Kế toán, Tài chính – Ngân hàng mình phụ trách, cô Hường cho hay: Bộ môn này đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận vì nếu “sai một li sẽ đi một dặm”. Vì vậy, với sinh viên, cô Hường luôn nhẹ nhàng giảng dạy tỉ mỉ, chỗ nào chưa hiểu, cô phân tích và giảng giải kỹ để các em nắm vững kiến thức ngay trên lớp.
Được biết, ngoài thời gian giảng dạy cho học sinh, cô cũng là giảng viên bổ túc kiến thức cho cán bộ, kế toán xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Cô Hường từng tham gia xây dựng chương trình, giảng dạy các lớp bồi dưỡng ngành Nghiệp vụ quản lý kinh tế tại 5 huyện Mường Ảng, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông năm 2019.
Là cô giáo trẻ, giảng dạy cho các cán bộ lãnh đạo nắm giữ vị trí quan trọng, cô Hường cho biết, với bất cứ học viên nào, tôi đều tìm hiểu tính cách, thói quen, cách tiếp nhận thông tin để cùng học, cùng bàn, cùng làm. Có những dự án giảng dạy, buộc phải đi bộ đường rừng 10km để mang tri thức đến cho các anh chị em học viên tại xã vùng biên, tôi cũng tự nhủ lòng mình phải dốc sức, đến tận nơi để giảng dạy, đào tạo.
“Đi mới thấy bà con miền cao rất khổ, thiếu thốn đủ điều. Có khi tôi nói tiếng phổ thông bà con không hiểu, đành nhờ các cán bộ phiên dịch lại. Nhưng với tinh thần ham học của bà con tạo động lực giúp tôi vững vàng với nghề gieo chữ”, cô Hường giãi bày.
Không chỉ là giảng viên vững chuyên môn, cô Hường còn năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động Đoàn. Cô là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ – Bí thư Đoàn TNCS HCM – Bí thư Chi bộ Học sinh sinh viên, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên.
Trong 9 năm công tác, cô Phạm Thu Hường được Tuyên dương gương Thanh niên điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020. Cô cũng là giảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019 – 2020. Đồng thời, đạt danh hiệu lao động tiên tiến; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2019 – 2020…
Vợ chồng thầy Nước bám trường, nuôi trẻ dưới chân núi Pu Si Lung
Từ tình yêu đôi lứa thuở học trò, vợ chồng thầy Nước, cô Dòn cùng đưa nhau lên miền biên cương gieo chữ cho những em bé người La Hủ
Điểm trường mầm non Sín Chải A (trường Mầm non Pa Vệ Sử, Mường Tè, Lai Châu) nằm trên một mỏm đồi dưới chân đỉnh núi Pu Si Lung.
Những ngày cuối năm, khi những nhánh đào đầu tiên của núi rừng Tây Bắc chuẩn bị "nứt mày" cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới sắp về.
Giữa miền man miền đá của con đường độc đạo từ trung tâm xã Pa Vệ Sử đến với điểm trường Sín Chải A, tiếng hát ê a cất lên trong điểm trường mầm non của những đứa trẻ người La Hủ, dù chưa tròn vành tiếng phổ thông nhưng đủ phá vỡ sự im lặng của miền cao nguyên lạnh ngắt xám màu đá.
"Bây giờ có đường đi cũng khá hơn rất nhiều rồi, chỉ đôi năm trước đây, các thầy cô giáo đến với điểm trường Sín Chải A đều phải vượt qua những con dốc đá dựng đứng", thầy giáo Nguyễn Đình Tình, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu) cho biết.
Điểm trường Sín Chải A nhìn từ một mỏm đồi. Ảnh: LC
Thầy giáo Tình cũng là người cùng chúng tôi đến khắp các điểm trường xa xôi, mù sương khắp xã Pa Vệ Sử.
Xã Pa Vệ Sử là một trong 6 xã vùng biên của huyện Mường Tè, nơi có đỉnh Pu Si Lung, nóc nhà cao thứ 3 của cả nước.
Cả xã Pa Vệ Sử có đến 13 điểm trường lẻ nằm dải rác trong các bản trải đều trên diện tích 244 Km2 của xã, nơi mà mật độ dân số chỉ có 6 người/km2.
Phòng học sơn màu kem còn mới nổi bật trên triền đá, phòng học của Mầm non, còn bên cạnh, căn nhà gỗ tuềnh toàng hun hút gió của trường Tiểu học.
Biết có khách đến, thầy giáo Mào Văn Nước cho các em ổn định chỗ ngồi rồi ra đón những vị khách bất ngờ.
Lúc này, cô giáo Lù Thị Dòn đang đưa một học sinh về để đưa xuống trung tâm y tế khám. Vài ngày trước, bé đã đạp phải mảnh thủy tinh vỡ...
Khi vừa có khách, cô Dòn phải đưa học sinh về nhà
Điểm trường mầm non Sín Chải A có 30 cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, phụ trách lớp học này là cặp vợ chồng thầy Nước, cô Dòn.
Sau những gượng gạo ban đầu vì bất ngờ gặp vị khách đến từ phương xa tới, thầy Nước cũng dần dần chia sẻ câu chuyện của đôi vợ chồng thầy giáo mầm non.
Đến năm 2020, thầy Mào Văn Nước cũng đã có 9 năm làm thầy giáo mầm non, 9 năm ấy cũng là 9 năm thầy Nước gieo tiếng hát, điệu múa trên khắp các sườn non của xã Pa Vệ Sử.
Người bạn đời của thầy Mào Văn Nước, cô Lù Thị Dòn đồng thời cũng là đồng nghiệp của thầy Nước.
Cặp vợ chồng thầy cô giáo Mầm non này 2 năm nay đã được về chung một mối, cùng công tác tại điểm trường Sín Chải A.
Chia sẻ về quyết định chọn nghề mầm non của mình, thầy Nước chỉ cười và nói ngắn gọn: "Thì mình cũng yêu trẻ rồi đến mến rồi chọn nghề thôi, lý do thì cũng không có gì lớn cả".
Tình yêu trẻ, mến nghề mầm non của thầy Nước cũng được "lây" sang cho cho cô Dòn, người yêu thuở "thanh mai trúc mã" của mình.
Hai người cùng ở xã Bum Nưa (Mường Tè), bản có rất nhiều người Thái, hai người yêu nhau từ thủa cắp sách tới trường.
Hai vợ chồng thầy cô Mào Văn Nước và Lù Thị Dòn. Ảnh: LC
Thế rồi thầy Nước, chọn cho mình nghề mầm non, đi học trước, sau đó ra nghề, đi làm rồi "rủ" thêm người yêu mình chọn nghề.
Trước lo lắng của người yêu về sự vất vả của nghề mầm non, thầy giáo mầm non tỏ ra quyết tâm hơn: "Chồng còn làm được thì vợ cũng sẽ làm được thôi".
Sự quyết tâm của thầy giáo mầm non trẻ, Dòn cũng vững tin hơn, rồi 2 người thành vợ thành chồng, thầy giáo Nước lên non cao dạy trẻ, lấy tiền nuôi vợ đi học mầm non.
Sau khi ra trường, Dòn lại theo chồng lên non cao làm cô giáo mầm non.
Những năm đầu, tùy lượng học sinh, mỗi người mỗi bản. Tuy cùng xã nhưng cũng phải cuối tuần vợ chồng họ mới có thể xum họp.
Từ 2017, được Ban giám hiệu tạo điều kiện, 2 người được về Sín Chải A công tác từ đó đến nay.
Nói về việc vợ chồng được cùng một bản, cô Dòn bảo mình có cảm thấy may mắn khi hai vợ chồng được gần nhau, cùng làm công việc mà cả hai đã lựa chọn.
Chỉ một chút gợn giữa họ khi phải để con ở nhà để ông bà chăm, hàng ngày được chăm cả 30 đứa con nhưng con mình không chăm được, nhất là khi cả 2 con của cô Dòn, thầy Nước cũng trong độ tuổi mầm non.
Các con ở Sín Chải A lúc giao mùa cũng ốm, cũng sốt cũng ho... tụi trẻ ở nhà cũng thế nên nhiều lúc thầy Nước phải động viên vợ cố gắng để vượt qua.
Bên trong lớp học của cặp vợ chồng Nước - Dòn.
Nói về khó khăn của nghề mầm non trên dẻo cao này, thầy Nước bảo, khó khăn thì vô vàn, từ vận động học sinh, phụ huynh đưa ra lớp, đến việc bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò...
Các trẻ ở Sín Chải A hầu như ngày đầu ra lớp mới biết đến tiếng phổ thông, chưa hề biết đến lớp học hay trò chơi nào cả.
Để biết được tiếng phổ thông, nói sõi đã khó, những bài hát cho đúng nhịp còn khó hơn và đặc biệt là những bài học đầu tiên về chữ cái phổ thông.
Thế nhưng, theo chia sẻ của cô thầy, thấy các trẻ trên này còn vất vả, cùng với sự nỗ lực của 2 vợ chồng, các con đều ngoan, khỏe mạnh và tiến bộ cả 2 đều mừng. Đó không chỉ là kết quả của công việc mà là niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng nhiều con nhất Sín Chải A.
Tiếp bước em đến trường nơi vùng cao biên giới - Bài 2: Chắp cánh những ước mơ Hơn 10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Lai Châu vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người bằng việc đưa các em có hoàn cảnh khó khăn về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc làm này đã giúp các cháu được tiếp cận với dịch vụ giáo dục cơ bản, tạo cơ hội thực hiện ước mơ trong...