Cô giáo Tày ‘truyền lửa’ cho học trò miền sơn cước
Không chỉ là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô Đoàn Thị Hải Yến còn là người ‘truyền lửa’ cho đồng nghiệp, học trò vùng sâu, vùng xa.
Cô Đoàn Thị Hải Yến – Trường THPT Mỏ Trạng tham luận về truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh.
Không chỉ là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô Đoàn Thị Hải Yến – Trường THPT Mỏ Trạng (huyện Yên Thế) là một trong 10 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen và biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.
Nuôi dưỡng ước mơ từ gian khó
Ít ai biết rằng, cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh Đoàn Thị Hải Yến từng đoạt giải Nhì môn Văn Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2000 và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên lại có tuổi thơ đầy gian khó. Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao của huyện miền núi Yên Thế, thời thơ ấu bố mẹ luôn công tác xa nhà, cô Đoàn Thị Hải Yến khi đó sống ở quê với ông bà, họ hàng cùng bạn bè, chủ yếu đều là người dân tộc thiểu số.
“Những buổi không đến trường, tôi cùng các bạn đồng trang lứa đi chăn trâu, lấy củi trên rừng phụ giúp gia đình. Trường học cách xa nhà vài cây số, xe đạp không có nên chúng tôi phải cuốc bộ. Đường tới trường nắng thì bụi, mưa thì sình lầy… Nói chung, để có con chữ, chúng tôi khá gian nan” – cô Hải Yến nhớ lại.
Theo lời nữ giáo viên giỏi, thời gian đó kinh tế khó khăn nên hết tiểu học, nhiều bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học do trường xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần suy nghĩ của cha mẹ cho rằng con mình chỉ cần biết chữ và tính tiền là đủ. Thế nhưng với nghị lực trong học tập, cô học trò Hải Yến đã thi đỗ trường chuyên và theo bố mẹ về phố huyện nuôi dưỡng ước mơ chinh phục tri thức.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường học tập của cô nữ sinh dân tộc Tày là khi trở thành học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. Học tập dưới mái trường khang trang, hiện đại cùng sự dạy dỗ của thầy, cô giáo, từ cô bé nhút nhát, rụt rè năm nào, Hải Yến dần trở nên tự tin, tự lập trong cuộc sống, tích cực học tập…
Không phụ công thầy cô, Hải Yến ngày đêm chăm chú, rèn luyện. Trái ngọt đã đến khi Hải Yến được vinh danh tại Kỳ thi học sinh giỏi các cấp. “Sau bao ngày đêm đèn sách, tôi vinh dự đoạt giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2000 môn Văn, đồng thời được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Những điều mà trong mơ một cô bé người dân tộc thiểu số như tôi chưa bao giờ mơ đến. Chính các thầy, các cô Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã thắp lên trong tôi tình yêu đối với nghề bụi phấn…” – cô Hải Yến tâm sự.
Cô Đoàn Thị Hải Yến – Trường THPT Mỏ Trạng vui với học sinh nhà trường.
Video đang HOT
“Truyền lửa” cho học trò
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nữ cử nhân Hải Yến được Sở GD&ĐT Bắc Giang tiếp nhận và phân công về công tác trên chính quê hương mình – Trường THPT Mỏ Trạng. Đây cũng chính là mái trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Yên Thế.
Những ngày đầu trên bục giảng, nhìn các em học sinh dân tộc, cô giáo trẻ Hải Yến như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân quen Mỏ Trạng. Nữ giáo viên thấu hiểu được những khó khăn cũng như khát khao được học tập của con em đồng bào nơi đây.
Khó khăn bao nhiêu, cô Hải Yến càng nhận thức được rằng nhiệm vụ của người giáo viên vùng cao nặng nề bấy nhiêu. Không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy, khơi dậy hứng thú học tập của học sinh với bộ môn Văn qua từng bài giảng, cô Hải Yến tích cực tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn. Qua đó lan tỏa tình yêu, niềm say mê học tập cho học sinh.
Bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường học vùng khó, nữ nhà giáo phải tự học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Với học trò, theo cô Yến, các em phải lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình ôn luyện – từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Cả giáo viên lẫn học sinh phải thường xuyên đọc sách để mở rộng kiến thức, học hỏi kỹ năng, nâng cao năng lực cảm thụ, diễn đạt, cách trình bày…
Sau bao tháng ngày nỗ lực của thầy trò, kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh của Trường THPT Mỏ Trạng có nhiều khởi sắc, từ không có giải đến có giải, từ đạt giải thấp đến đạt giải cao. Nhiều em đoạt giải Nhì, giải Ba cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào đại học. Đặc biệt, trong danh sách học sinh giỏi có nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Vũ Đình Nghiệp – Hiệu trưởng Trường THPT Mỏ Trạng – đánh giá, cô Hải Yến tâm huyết yêu nghề, có nhiều thành tích cao trong công tác. “Cô Hải Yến là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Nhà trường vinh dự, tự hào khi cô Hải Yến được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022…” – thầy Nghiệp nhấn mạnh.
'Người mẹ hiền' giúp học trò vượt qua áp lực học hành
Với cô học trò Hoàng Diệp Chi, Trường THCS thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thì cô giáo của mình như người mẹ hiền thứ 2.
Cô Đỗ Thị Hải Hiền trong giờ dạy môn Toán tại Trường THCS thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa).
Bởi lẽ, cô giáo không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn luôn ở bên em để sẻ chia những áp lực học hành.
Những quan tâm thầm lặng
Năm học mới với em Hoàng Diệp Chi, lớp 8A, Trường THCS thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) có thêm niềm vui và thật nhiều động lực. Bởi, tác phẩm "Người mẹ hiền thứ 2" của em vừa xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" 2022 tại Thanh Hóa.
Đây là tác phẩm Diệp Chi viết về cô giáo Đỗ Thị Hải Hiền - giảng dạy môn Toán tại Trường THCS thị trấn Hà Trung. Cô Hiền là một trong những giáo viên đã dìu dắt Diệp Chi từ khi còn là cô học trò lớp 6.
Cảm xúc lâng lâng, Diệp Chi hồ hởi chia sẻ: "Vui và vỡ òa hạnh phúc là cảm xúc của em lúc này. Kể từ khi triển khai cuộc thi, em đã nghĩ ngay tới người cô kính mến của mình - cô Đỗ Thị Hải Hiền. Với em, cô như người mẹ hiền thứ 2 đã luôn ở bên động viên, sẻ chia giúp em vượt qua những áp lực mình gặp phải trong cuộc sống.
Em thực sự rất cảm động vì điều đó. Đặc biệt, những cảm xúc khi em viết về cô đều xuất phát từ tấm lòng mình - chân thật và cũng đầy thiêng liêng".
Diệp Chi biết tới cô Hiền khi chập chững bước vào lớp 6, khi ấy ấn tượng đầu tiên của nữ sinh về cô giáo của mình đó là: "Vô cùng dịu dàng và ấm áp. Cô lại giảng dạy đúng môn học mà em yêu thích. Thế rồi qua thời gian tình cảm em dành cho cô cứ thế lớn dần.
Em nhớ trong lúc làm bài kiểm tra ôn thi đội tuyển học sinh giỏi lớp 6, cô nhẹ nhàng đến bên và nói hãy cố gắng. Lời động viên đúng lúc ấy của cô đã giúp em có thêm động lực và quyết tâm ở kỳ thi năm ấy", Diệp Chi bộc bạch.
Tác phẩm "Người mẹ hiền thứ 2" của Diệp Chi đã xuất sắc giành giải Nhất.
Không chỉ như người mẹ hiền thứ 2, với nữ sinh Trường THCS thị trấn Hà Trung, cô giáo Đỗ Thị Hải Hiền còn là người truyền lửa đam mê, giúp em định hướng nghề nghiệp tương lai.
"Em cũng nuôi ước mơ trở thành cô giáo như người cô kính mến của mình. Trong suy nghĩ của mình, em nghĩ rằng tình cảm thầy - trò vô cùng thiêng liêng và cao quý. Với em, mái trường như ngôi nhà thứ hai còn cô giáo như người mẹ hiền, luôn quan tâm và đồng hành cùng em trong cuộc sống", Diệp Chi thổ lộ.
Hiện tại, nữ sinh Trường THCS thị trấn Hà Trung đặt mục tiêu vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải cao như một món quà tri ân người cô kính mến của mình.
Cuộc thi đầy ý nghĩa
"Đây là sân chơi để học trò có cơ hội bộc bạch những suy nghĩ của mình còn thầy, cô giáo cũng được cảm nhận tình cảm mà các em dành cho. Từ đó có thêm động lực phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ và làm tròn chữ tâm với nghề", cô Hiền chia sẻ.
Theo cô Hiền, cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" 2022 cũng là lần đầu tiên nữ giáo viên được cảm nhận rõ tình cảm mà học trò dành cho mình thông qua ngôn từ. Đây là điều khiến nữ nhà giáo xứ Thanh cảm thấy vô cùng hạnh phúc, ấm áp.
"Với tôi, Diệp Chi là cô học trò chăm ngoan, cán sự lớp gương mẫu, luôn dìu dắt giúp đỡ các bạn trong lớp. Đặc biệt hơn em lại còn dành cho tôi tình cảm thật đẹp qua bài viết rất cảm xúc. Đây chính là động lực để tôi thêm yêu và tận tâm với nghề chèo đò", cô Hiền nói.
Cô Đỗ Thị Hải Hiền về Trường THCS thị trấn Hà Trung công tác từ những năm 2009. Hơn một thập kỷ gắn bó, ngoài giảng dạy nữ giáo viên còn đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp.
Cô giáo Đỗ Thị Hải Hiền và em Hoàng Diệp Chi, lớp 8A, Trường THCS thị trấn Hà Trung.
Theo cô Hiền, với học trò lứa tuổi THCS, giáo viên phải luôn là người đồng hành sát sao, nắm bắt điểm mạnh, yếu của học trò. Từ đó tháo gỡ khó khăn, định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em.
"Gần 20 năm gắn bó với nghề chèo đò thầm lặng, tôi nghĩ rằng thành công với nghề dạy học không chỉ giúp trò tiếp nhận tri thức mà song hành với đó là giáo dục về nhân cách đạo đức. Khi hài hòa cả hai điều này, tôi nghĩ rằng đó là một chuyến đò thành công", nữ giáo viên bộc bạch.
Ông Trần Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa cho biết: Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm 2022 do Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức. Cuộc thi chính thức được phát động từ tháng 4/2022, với gần 1.000 tác phẩm dự thi.
Sau vòng sơ loại đã có hơn 100 tác phẩm xuất sắc gửi về Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Kết quả chung cuộc đã có 5 tác phẩm giành giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 20 giải Khuyến khích.
"Cuộc thi không chỉ là sân chơi giúp học trò nói lên suy nghĩ của chính mình mà còn là một sự tri ân đến người thầy, người cô của mình. Tôi mong rằng, cuộc thi sẽ không chỉ dừng lại ở năm 2022 mà còn được duy trì ở những năm tiếp theo", cô Phạm Thị Bích Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Hà Trung.
Cô giáo Ngữ văn 31 năm 'truyền lửa' cho bao thế hệ học trò Suốt 31 năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên môn Ngữ Văn vẫn say sưa và miệt mài 'truyền lửa' tới từng thế hệ học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy trong giờ lên lớp của mình. Nghề giáo đã thấm từ trong máu Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1968) - giáo viên môn Ngữ văn,...