Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục
Những ngày này, về xứ dừa Tam Quan, khi hỏi thăm nhà Nguyễn Thị Bích Trâm, ai nấy cũng hào hứng dẫn đường rồi kể thêm nhiều điều đầy tự hào.
“Em mong thay đổi được số phận của mình, sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn” – Video: LÂM THIÊN – HUỲNH VY
Nguyễn Thị Bích Trâm hái rau do mình trồng để chuẩn bị cơm trưa – Ảnh: LÂM THIÊN
“Em không bao giờ trách ba điều gì, dù ba đã bỏ nhà đi làm suốt 2 năm nay không về. Em chỉ thấy thương ba quá, tuổi cao, bệnh đau nhiều mà lại phải làm thuê vất vả để lo cho em ăn học. Em ước gì ba em luôn khỏe mạnh để ở bên cạnh em và cho em chỗ dựa sau này”.
Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Bích Trâm (học lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Trân, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) – người vừa trúng tuyển vào ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm 26,75.
“Ngọn dừa nức tiếng Tam Quan”
Từ nhỏ, ba và ông bà nội là những người thân duy nhất của Trâm vì khi em 6 tháng tuổi, mẹ bỏ đi không hề có tin tức. Trâm lay lắt sống cùng ông bà nội đã già (nay ngoài 90 tuổi). Còn ba em lang bạt khắp nơi làm thuê làm mướn để nuôi em ăn học.
Hai năm nay, việc học hành, sách vở và nhiều chi phí tăng cao nên người cha tiếp tục đi làm xa để có đủ tiền nuôi em ăn học.
Một tháng, ba gửi về cho em 1,5 triệu đồng. Trong đó 1 triệu đồng để em lo điện nước, sách vở, dụng cụ học tập, cá nhân, còn lại là để dành ăn uống.
Thực phẩm trong tủ lạnh của Trâm thường là rau, mấy quả trứng kèm với cá khô. Khi hết tiền, em đành mượn tạm hàng xóm mì gói để cầm cự qua ngày chờ ba gửi tiền về.
Tự nấu nướng là công việc quen thuộc suốt 2 năm nay từ khi cha đi làm xa – Ảnh: LÂM THIÊN
Ngày hay tin Trâm đậu đại học, cả thầy cô và hàng xóm ai cũng vui và tự hào vì cô bé kiên cường, giỏi giang này. Bà Nguyễn Thị Trang (hàng xóm của Trâm) phấn khởi nói: “Hoàn cảnh của cháu thật quá tội nghiệp. Ba cháu vất vả nuôi con ăn học, giờ cháu được thế này thì không còn gì bằng. Cháu nó quá giỏi”.
Theo Nguyễn Thị Bích Trâm, những ngày qua, nhiều bà con, hàng xóm và bạn bè đến nhà hỏi thăm, chúc mừng. Đó là niềm vui, niềm động viên lớn nhất của em.
Ông Nguyễn Khê – ông nội của Trâm (năm nay đã ngoài 90 tuổi), hiện nằm một chỗ, nhưng khi biết cháu đậu đại học, ông mừng rỡ khôn xiết. “Nghe tin nó đậu đại học, tôi vui lắm. Mấy chục năm nay, đó là niềm vui lớn nhất của tôi”, ông Khê khe khẽ nói.
Theo thầy Trịnh Minh Tẩn – phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trân, Bích Trâm là một học sinh giàu nghị lực và có ý chí vươn lên rất cao. Trong 3 năm học vừa qua, Trâm luôn có thành tích học tập tốt, được thầy cô, bạn bè quý mến.
“Từ trước tới giờ, có thể nói hoàn cảnh của Trâm là đặc biệt nhất của các lứa học sinh tại trường. Mặc dù nhà nghèo, khó khăn nhưng em lại rất nỗ lực, không bao giờ bi quan. Ngày biết tin em đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm rất cao, tôi và các thầy cô rất vui, rất xúc động”.
“Ba không sao, ba sẽ lo cho con bằng được”
Thầy Trịnh Minh Tẩn trò chuyện cùng với cô học trò cưng – Ảnh: LÂM THIÊN
Trao đổi với ông Nguyễn Cừ (60 tuổi, cha của Nguyễn Thị Bích Trâm) qua điện thoại, ông cho biết 2 năm nay ông làm phụ hồ tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Do nghĩ con chuẩn bị thi đại học nên ông không về quê mà ráng theo công trình làm thêm để kiếm tiền lo cho con.
“Thời gian qua, tôi bệnh nặng quá, đi không nổi vì bị thoái hóa cột sống nên ở lại công trình không về nhà. Hằng ngày phải uống thuốc, tôi sợ về nhà rồi con mình thấy lo, học hành không được nên đâu dám về. Tôi cũng nhớ nhà, nhớ con lắm”, ông Cừ tâm tình.
Nghe xong lời bộc bạch của cha mình, Bích Trâm lặng lẽ cúi đầu, đôi mắt em đỏ hoe vì thương cha.
Lúc nghe con nói ‘Con đậu đại học rồi ba ơi’, tôi mừng quá khóc luôn tại công trình. Ai cũng hỏi có chuyện gì, chỉ sợ chuyện không hay nhưng tôi nói con gái tôi đậu đại học. Mọi người ai nấy cũng vỗ tay rồi đến chúc mừng. Tôi vui lắm.
Ông NGUYỄN CỪ
Cũng theo ông Cừ, ông đã biết việc học đại học sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, con ông đã thực hiện được ước mơ của đời mình và đời ông thì có khổ mấy ông cũng sẽ cố gắng hết sức để lo cho con. Nếu có điều ước lúc này, ông mong mình mau chóng khỏi bệnh để có sức khỏe làm việc nuôi con tiếp tục ăn học thành đạt.
Mong ước được nhận học bổng và đi du học
Đó là mong ước lớn nhất của Bích Trâm khi nhắc đến tương lai, và cũng là lý do em chọn ngành kinh doanh quốc tế. Trâm rất muốn một ngày nào đó mình được đi đến nhiều nơi để mở mang kiến thức, tầm nhìn. “Từ trước tới nay, niềm hạnh phúc của em là được đi học. Em rất muốn việc học của mình không ngừng nâng cao.
Sở dĩ em muốn đi du học vì từ trước tới nay, em chỉ quanh quẩn ở nhà không đi đâu hết. Cả ba em cũng vậy. Ba quá khổ cực nuôi nấng em. Em mong khi được đi du học và làm việc, em sẽ có nhiều tiền để lo cho ba, đưa ba đi đây đi đó cho ba vui. Giờ tuổi ba đã cao, lại nhiều bệnh tật, em mong sao ba được khỏe mạnh để tiếp tục làm chỗ dựa vững chắc cho em sau này”, Trâm chia sẻ.
Nghe mẹ mất mà lòng mình trống rỗng
Nhận được tin đậu đại học, chưa kịp báo cho mẹ vui thì Nguyễn Duy Quang - tân sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng - nhận hung tin quá đớn đau: mẹ ra đi bởi COVID-19.
Nguyễn Duy Quang kể, đúng tối em nhận tin đỗ đại học thì ba cũng báo tin mẹ đã qua đời vì COVID-19 - Video: LÊ TRUNG - HUỲNH VY
"Mẹ Quang mất do COVID-19, giờ còn mình tôi chăm sóc cho các con ở TP.HCM. Tôi viết tâm thư kính mong ban giám hiệu của trường động viên con trong sự mất mát đau thương quá lớn và giúp em có điều kiện nhập học..." - đó là tin nhắn của ông Nguyễn Duy Tiên (44 tuổi), ba của Nguyễn Duy Quang, gởi thầy Lưu Hoài Nam - phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), khi ông vừa trải qua nỗi đau vợ mất vì COVID-19, một mình "gà trống nuôi con" nơi đất khách quê người.
Tin vui, tin buồn đến một lúc...
Chiều mưa tầm tã, trong căn nhà cấp 4 ở thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quang lầm lũi cùng với ông bà nội trong nỗi đau xé lòng. Cậu bé 18 tuổi vừa đau đớn mất đi người mẹ yêu quý của mình. "Mình buồn lắm, tâm trạng rối bời. Nghe mẹ mất lòng mình như trống rỗng, không còn động lực để bước tiếp" - Quang nói.
Cuộc sống quê nhà khó khăn, mười mấy năm trước ba mẹ Quang vào TP.HCM làm lụng kiếm sống, gửi đứa con mới 2 tuổi cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm chỉ về quê vài lần thăm con. Ngày ngày ba làm thợ hồ, mẹ làm công nhân may, cật lực làm lụng tích cóp để nuôi các con và gửi tiền về nuôi Quang ăn học.
Tháng trước, mẹ Quang là bà Bùi Thị Vinh (39 tuổi) phát hiện nhiễm COVID-19 khi đang mang thai tháng thứ tám, phải nhập viện điều trị. Ba và hai đứa em của Quang trở thành F1, cách ly tại phòng trọ. Rồi đứa em 8 tuổi của Quang cũng nhiễm bệnh nên nhập viện. Cả gia đình Quang bị bủa vây bởi đại dịch, khốn đốn chồng chất.
Do mẹ của Quang đang mang thai tháng thứ tám, diễn biến nặng nên phải kết thúc thai kỳ sớm mổ lấy con, hôn mê sâu. Sau thời gian chống chọi trong đau đớn, tối 16-9 bà đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. "Tối hôm đó cũng là lúc em vừa nhận được tin đỗ vào ngành kỹ thuật cơ khí Đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm 25,2 (khối A00). Vui quá, định điện báo cho ba với mẹ thì mười mấy phút sau nghe ba điện về mẹ đã mất. Em đau quá, ngã quỵ xuống đất" - Quang nghẹn ngào nhớ lại.
Ông Nguyễn Thành Dâng (77 tuổi, ông nội của Quang) kể thấy thằng bé ngã quỵ xuống đất, hỏi ra mới biết mẹ vừa mất, người ông cũng run. "Tội nghiệp cháu tôi, sớm mồ côi mẹ. Biết ba mẹ cực khổ nên ngày đêm gắng học, cả 12 năm học đều là học sinh giỏi. Đến khi biết mình đậu đại học chưa kịp khoe thì lại nhận tin mẹ mất" - ông Dâng nấc nghẹn, trào nước mắt.
Nộp học phí bằng tiền làm thêm của chú!
Quang phụ bà nội ở kiôt bán hàng tạp hóa tại chợ - Ảnh: LÊ TRUNG
"Tôi mới nhận hũ tro cốt của mẹ nó sáng nay" - giọng mệt mỏi của ông Tiên qua điện thoại. Ông kể từ khi vợ nhập viện điều trị, một mình ông ở trọ lo cho hai đứa con, rồi đứa thứ ba bị COVID-19, khó khăn chồng chất khó khăn. Đứa bé gái út mới sinh chưa đầy một tháng phải gửi cho người em gái chăm sóc.
"Cả hai tháng nay được chính quyền, người dân trong này hỗ trợ thức ăn, thực phẩm, cả ba cha con cầm cự sống qua ngày, không đi làm được. Tôi mong muốn sắp tới được đem tro cốt của vợ về quê nhà mai táng" - ông Tiên tâm sự.
Ông nói rằng cùng lúc nhận được hai tin vui buồn lẫn lộn. "Tôi trong này đang quá ngặt nghèo, không biết thằng bé có vượt qua cú sốc lớn này không nữa. Rồi không biết nó nhập học sao đây, tiền đâu để ăn học những tháng ngày sinh viên" - bao nỗi lo, nỗi đau khiến ông Tiên bật khóc.
Cuộc sống của ông bà nội và Quang ở quê hiện giờ chỉ nương nhờ vào kiôt tạp hóa của bà nội ở chợ Tiên Thọ. Hằng ngày Quang phụ bà dọn dẹp hàng hóa, bán buôn kiếm sống. Bà Nguyễn Thị Cúc (64 tuổi, bà nội Quang) nói rằng từ nhỏ Quang đã sống cùng ông bà nội, thiếu đi tình thương, sự chăm sóc của ba mẹ.
"Nghe tin mẹ nó mất mà tôi rụng rời, mấy ngày nay hai vợ chồng chẳng đêm nào chợp mắt. Thương cho cháu mình từ nay thiếu đi tình thương của mẹ, tôi sợ nó hụt hẫng" - bà Cúc bộc bạch.
Nén đau thương, Quang cho biết sẽ cố gắng phấn đấu học tập, vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt và thực hiện ước mơ thành một kỹ sư. Trước mắt khi ra TP Đà Nẵng, Quang sẽ kiếm việc làm thêm để có thể tự lo cho mình. "Mẹ chưa kịp nghe mình đỗ đại học, nhưng mình biết ở dưới suối vàng mẹ sẽ luôn dõi theo, phù hộ" - Quang tâm sự.
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, Quang đã nộp tiền học phí 6,9 triệu đồng. Do Đà Nẵng đang dịch COVID-19 phức tạp nên Quang chưa ra nhập học mà học trực tuyến tại nhà. "Số tiền đó là của người chú mình đang học năm thứ 5 Trường ĐH Y dược TP.HCM làm thêm tích cóp được gửi về cho mình nộp để nhập học" - Quang kể.
Thầy cô, bạn bè bên cạnh Quang
Lúc chúng tôi đến nhà Quang cũng là lúc thầy Lưu Hoài Nam, phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đến thăm hỏi, động viên bạn cố gắng vượt qua nỗi đau, nỗ lực học tập vì tương lai.
Thầy cũng đại diện nhà trường trao số tiền hỗ trợ bước đầu cho Quang. "Nhà trường liên hệ với các tổ chức, cá nhân có thể giúp, tạo điều kiện học tập cho Quang sắp tới và cũng liên lạc với hội đồng hương, cựu sinh viên tại Đà Nẵng giúp đỡ chỗ ở cho Quang khi nhập học. Thầy cô, bạn bè bên cạnh em ngay lúc đau buồn nhất" - thầy Nam nói.
Nỗi lo sau giảng đường của đôi bạn mồ côi Biết tin cả hai cùng đậu đại học, đôi bạn Phạm Hoàng Anh và Châu Thủy mừng reo, nhưng phía sau là nỗi lo dài mà cả hai đang phải đối mặt. Đôi bạn từ làng SOS nắm tay nhau vào đại học - Video: ĐOÀN NHẠN - HOÀNG LONG - HUỲNH VY Châu Thủy và Hoàng Anh giúp các em nhỏ trong...