Có bài thi Văn tốt nghiệp đạt 9,5 điểm
Từ 9.6, ngành giáo dục bắt đầu bắt tay vào chấm thi tốt nghiệp THPT 2011. Theo phản ánh của giáo viên chấm thi, đề thi năm nay không khó nên hầu hết thí sinh đều làm được bài và điểm thi khá cao ở nhiều môn.
Đã xuất hiện bài thi 9,5 điểm môn Văn
Kỳ thi này, tỉnh Quảng Ngãi chấm thi chéo bài thi của học sinh tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhận định của nhiều giáo viên chấm thi cho hay, (có lẽ) thí sinh Thừa Thiên – Huế học các môn xã hội bài bản hơn nên tình trạng bài viết ngô nghê rất ít.
Ngày đầu chấm thi môn Văn đã xuất hiện một bài viết mà cả 3 giám khảo (2 giám khảo chấm lần 1, lần 2 và thanh tra chấm thi) đều thống nhất cho 9,5 điểm. Bài thi chưa ghép phách nên chưa biết của thí sinh nào. Ông H.N.T, giáo viên chấm thi cho hay, đây là bài viết rất tốt. Thí sinh viết có cảm xúc, nhất là câu 2 (câu nghị luận xã hội).
“Câu chữ không triết lý sâu xa mà rất hồn nhiên của học trò, trong sáng, đầy hoài bão và có năng lực phân tích. Bài nghị luận này, thí sinh chứng minh khá rộng và thuyết phục về việc chọn nghề ảnh hưởng thế nào tới tương lai. Trong đó có kể câu chuyện về Bill Gate, ông chủ của Hãng Microsoft, về sự lựa chọn nghề của ông trên cơ sở đam mê, yêu thích và có khả năng phán đoán của ông với tương lai của máy tính… Bài viết cũng có so sánh với cách chọn nghề có phần vô trách nhiệm của học sinh hiện nay”- thầy T nói.
Một giáo viên bộ môn Toán ở một trường THPT thuộc thành phố Cần Thơ cho biết: Năm nay, đơn vị chấm bài thi tự luận của Cần Thơ là giáo viên tỉnh Sóc Trăng. Kết quả chấm thi môn Toán có điểm rất cao.
Ngày đầu (8.6) chấm thử 15 bài thì hầu hết đều trên trung bình, còn những ngày sau, tần số điểm cao ngày càng nhiều, thậm chí điểm từ 8-10 chiếm tỉ lệ cao. Còn môn Văn – môn thường đứng đầu về số điểm 0,1 điểm thi năm nay cũng được cải thiện, trong đó số điểm 8-9 cũng khá nhiều so với năm trước.
“Chuẩn chung, chuẩn riêng”
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, một số giáo viên dạy bộ môn Văn ở Vĩnh Long cho biết: Sau khi thi xong, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL tổ chức “hội ý” các lãnh đạo chấm ở bộ môn Văn để “thống nhất” đáp án cho khu vực này.
Cụ thể, ở câu 1 (phần chung cho tất cả các thí sinh), theo hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT: Trong đoạn cuối truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?
Video đang HOT
Đáp án là: Những hình ảnh thường hiện lên là:
Màu hồng hồng của ánh sương mai.
Người đàn bà vùng biển (người đàn bà làng chài) bước ra từ tấm ảnh.
- Những hình ảnh đó nói lên:
Chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống.
Hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người.
Nếu thí sinh làm trọn vẹn thì được 2 điểm. Nhưng theo thống nhất của khu vực ĐBSCL, nếu thí sinh làm được: Màu hồng hồng/ánh sương mai/người đàn bà/chiếc thuyền… cũng đạt số điểm là 1.
Còn ở câu số 3 phân tích đoạn thơ trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng (chương trình cơ bản) và phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân (chương trình nâng cao), nếu học sinh làm câu 3a mà diễn xuôi đoạn thơ cũng có từ 2-3 điểm. Câu số 3b, học sinh phân tích cả 3 nhân vật (bà cụ Tứ, Tràng, cô vợ nhặt) thì chấm phần phân tích nhân vật Tràng.
Một giáo viên ở An Giang cho biết: “Với đáp án này thì giám khảo chấm cũng nhẹ nhàng, còn học sinh sẽ có điểm cao nhưng cũng khó cho giám khảo khi thực hiện chấm bài, nhất là với những bài được Thanh tra chấm của Bộ chấm lại”.
Thế nhưng, điều này chắc khó phát hiện bởi Thanh tra chấm thi của Bộ GDĐT nhưng thực chất cũng là của ngành giáo dục ở khu vực ĐBSCL nên có thể cũng đã được quán triệt tinh thần đó.
Theo Dân Việt
'Đáp án đề thi tốt nghiệp Vật lý 2011 không đúng thực tế'
Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 vừa kết thúc, cùng với đáp án chuẩn của Bộ GD-ĐT, TS vật lý Nguyễn Văn Khải - người được mệnh danh là "ông già Ô Zôn" đã tìm đến báo Giáo dục Việt Nam phản ánh thông tin: Cả 4 đáp án A, B, C, D trong câu 13, đề thi Vật lý mã 642 đều không đúng thực tế.
Đề tìm hiểu thông tin này, PV báo Giáo dục Việt nam đã có buổi tiếp xúc với TS. Nguyễn Văn Khải.
Nguyên văn câu 13, đề Vật lý mã 642: Khi nghiên cứu quang phổ của các chất, chất nào dưới đây khi bị nung nóng đến nhiệt độ cao thì không phát ra quang phổ liên tục?
Đáp án (in chữ đỏ) của Bộ Giáo dục - Đào tạo:
A. Chất khí ở áp suất lớn. B. Chất khí ở áp suất thấp C. Chất lỏng. D. Chất rắn.
Không có đáp án đúng?
Gặp chúng tôi, ông vừa cầm trong tay 1 thanh sắt vừa nói: "Vật lý là khoa học thực nghiệm, theo đáp án của Bộ GD - ĐT, tôi sẽ làm thực nghiệm để xem đáp án này có đúng với thực tế không? Theo đáp án: vật rắn được nung nóng đến nhiệt độ cao sẽ phát ra quang phổ liên tục.
Vậy thế nào là nhiệt độ cao? Khi que sắt để vào bếp lửa nóng 450oC thì vẫn thấy màu nâu đen. Hơn 500oC một ít thì có màu đỏ. Thậm chí trong lò nấu gang 1600oC thì đến màu vàng trắng. Đó không phải là quang phổ liên tục".
TS. Nguyễn văn Khải làm thí nghiệm minh họa cho lời mình nói
Đó là các ví dụ của ông để chứng tỏ nhiều vật rắn khi nung nóng không phát ra quang phổ liên tục .
Để chỉ ra đáp án của Bộ GD - ĐT chưa đúng, ông Khải dẫn chứng: "Laze màu có môi trường kích hoạt là dung dịch phát ra quang phổ đám không liên tục. Như vậy, chất lỏng ở nhiệt độ cao cũng có thể không phát xạ phổ liên tục".
Và cuối cùng để chỉ ra đáp án A và đáp án B chưa đúng, ông Khải lập luận thêm: " Chất khí ở áp suất thấp, khi bị nung nóng tới nhiệt độ cao thì có áp suất lớn. Điều này tuân theo định luật Sác- lơ. Như vậy trong đề thi, đáp án A trùng với đáp án B".
Quang phổ vạch của hơi thủy ngân ở nhiệt độ cao
Lý giải thêm cho việc khi nung nóng chất khí ở áp suất cao cũng có thể không cho quang phổ liên tục, TS Khải nói tiếp: "Tôi dùng thủy ngân, cadimi, telua (các nguyên tố hóa học-PV) để chế tạo đầu thu laze, dù ở nhiệt độ nào thủy ngân cũng chỉ phát ra 2 vạch màu tím, còn màu lá cây và màu vàng đo được là quang phổ phát xạ của thủy tinh thạch anh đựng hơi thủy ngân.
Hàng ngày chúng ta đi đường thấy đèn đường cho ánh sáng màu vàng đấy là quang phổ vạch của đèn cao áp natri. Áp suất trong bóng hơn chục atm, mà nhiệt độ trong bóng cao tới nghìn độ, chỉ cần sờ vào chao đèn đã thấy nóng như thế nào. Như vậy khi nung nóng nhiều chất khí ở áp suất cao vẫn cho quang phổ vạch".
Quang phổ vạch của đèn cao áp natri
Kiến thức trong câu hỏi không đúng SGK?
"Đề bài cho là "bị nung nóng đến nhiệt độ cao" là không phù hợp, vậy thế nào là nhiệt độ cao? Nhiệt độ cao là bao nhiêu? Nước uống ở 100oC thì là cao, nhiệt độ không khí 40o là cao, sấy hoa quả ở 80oC là cao...". Ông Khải vừa lấy ví dụ vừa chỉ các định nghĩa trong Sách giáo khoa Vật lý 12 cả chương trình cơ bản và nâng cao cho PV thấy: "Trong SGK, phần nguồn phát ra quang phổ liên tục không hề có chữ "đến nhiệt độ cao"".
Như vậy theo TS. Nguyễn Văn Khải, đáp án trong câu 13 thuộc mã đề 642 đề thi tốt nghiệp môn Vật lý năm 2011 là không đúng thực tế và với câu hỏi này, nếu trả lời theo thực tế thì sẽ không có đáp án duy nhất.
Ông Khải nói với giọng tâm huyết: "Tôi không muốn góp ý đề thi năm nay vì đã nhiều lần các đề thi từ huyện, trường, tỉnh đến Bộ đều bị sai nhưng khi tôi góp ý người ta không thay đổi điểm chấm bài thi này. Và người ra đề thi không hề bị kỷ luật".
Theo GDVN
Từ 18 - 25/6: Thí sinh được quyền phúc khảo bài thi tốt nghiệp Hạn chót đến ngày 25/6/2011, nếu thí sinh nào cảm thấy kết quả các môn thi tốt nghiệp của mình thấp hơn so với năng lực thực sự đã làm trong kì thi thì manh dạn làm đơn xin phúc khảo bài thi môn đó. Sở GDĐT có thí sinh xin phúc khảo bài thi, gửi danh sách phúc khảo đến Sở GDĐT...