Chuyên nghiệp hóa hoạt động đào tạo sau đại học
Có rất nhiều chuyện phải bàn để nâng cao chất lượng giáo dục sau đại học, nhưng tựu trung chỉ có 3 vấn đề.
ảnh minh họa
Thứ nhất là chấm dứt ngay tình trạng làm tiến sĩ để đi làm quan. Thứ hai là tất cả các viện nghiên cứu của bộ, ngành phải đưa về trường đại học để làm sao sinh viên được tận hưởng kiến thức mới nhất từ các nhà giáo giỏi nhất trong thời kỳ trẻ tuổi. Thứ ba là phải chuyên nghiệp hóa hoạt động đào tạo sau đại học. Học đại học thì ai cũng có thể học, nhưng sau đại học phải là những người có khả năng, có đam mê nghiên cứu khoa học.
1- Đi sâu vào phân tích cụ thể, chúng ta cần trả lời câu hỏi: Cần làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục sau đào tạo? Theo tôi, đầu tiên nên tách chuyện học tiến sĩ để đi làm quản lý. Chuyện này nhất định phải dừng lại, không nên làm nữa, vì đây là 2 chuyện rất khác nhau. Ở các nước phương Tây, quản lý họ không làm tiến sĩ. Bởi lẽ, quản lý là việc phải làm ngay, việc đến là phải xử lý ngay, còn tiến sĩ thì việc đến “ông có thể nghiên cứu cả đời cũng được”, vì tính chất của tiến sĩ là nghiên cứu. Chính lý do đó mà ở các nước phương Tây “không bao giờ một ông thủ tướng hay tổng thống lại đi giới thiệu là giáo sư, tiến sĩ cả”. Ông Obama đi dạy ở Đại học Chicago, nhưng ông không bao giờ tự giới thiệu là giáo sư. Vì thế, tôi cho rằng đào tạo tiến sĩ nên học tập kinh nghiệm của Mỹ. Nếu học của các nước khác thì nên học ngay ông cha chúng ta. Ngày xưa, ông cha ta đào tạo tiến sĩ là qua 3 kỳ thi: thi hương, thi hội, thi đình. Mỗi kỳ thi đều thi 4 bước như nhau. Bài 1 kiểm tra nội dung; bài 2 thi văn bản, tức kiểm tra xem có biết trình bày văn bản hay không; bài 3 kiểm tra về thơ ca (vì thơ ca rất quan trọng, trong bao nhiêu ý tưởng mông lung phải gói lại trong vài chữ và đó là cách để đào tạo, kiểm tra tư duy); cuối cùng là thi về chính sách và các tân cử nhân, tân tiến sĩ phải trình bày về chính sách đường lối nước nhà để triều đình còn biết ứng dụng cái mới. Nói điều đó để thấy, ngày xưa ông cha ta đào tạo tiến sĩ rất chặt chẽ. Chúng ta đào tạo tiến sĩ chỉ cần thế thôi, đào tạo thật chuyên sâu.
Trở lại vấn đề hiện nay, nếu đào tạo để quản lý nhà nước thì phải đào tạo cơ bản nhất là ngành luật, rồi đến đào tạo kỹ thuật quản lý nhà nước. Đào tạo tiến sĩ là bắt buộc phải đi làm khoa học. Nghĩa là, phải tách rõ 2 việc: đào tạo tiến sĩ làm khoa học và đào tạo người làm quản lý. Vấn đề ở đây tôi muốn nhấn mạnh là phải tách việc đào tạo quản lý và khoa học. Ai thích làm khoa học xin đi con đường khoa học vì đó là một công việc rất vất vả, nặng nề, không phải ai cũng có thể đi làm khoa học. Đào tạo quản lý nhà nước cũng phải chuyên sâu, từ viết văn bản, không thể để tình trạng như hiện nay, một văn bản quy phạm ban hành ra sai rồi lại đổ lỗi cho thư ký. Cao hơn nữa là đào tạo về các chính sách vĩ mô, vì chính sách vĩ mô không thể cứ thay đổi xoành xoạch. Hiện nay đang có tình trạng đào tạo tiến sĩ rất ồ ạt ở các trường, chỉ đơn giản vì đào tạo sinh viên thì các trường không có tiền, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới nhiều tiền, vì thế các trường rất thích đào tạo sau đại học.
2- Cần phải trả lại các viện nghiên cứu, nhất là viện nghiên cứu của các bộ, ngành về cho các trường đại học. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, các viện nghiên cứu bắt buộc phải nằm trong các trường đại học; các cơ sở nghiên cứu kỹ thuật nằm trong các doanh nghiệp. Còn hiện nay ở ta, các viện hàn lâm khoa học là mô hình đã lạc hậu, không còn phù hợp nữa, vì nếu thiếu sự quan hệ trực tiếp với sinh viên thì khoa học không phát triển. Đó là điều chắc chắn. Mặt khác, về tuổi làm khoa học, tất cả các ý tưởng khoa học tự nhiên không vượt quá năm 30 tuổi, về khoa học xã hội không vượt quá năm 35 tuổi. Vì vậy, đi làm luận án tiến sĩ khoa học ở nước Mỹ là không quá 35 tuổi đối với nam, 40 tuổi đối với nữ. Lý do là làm khoa học phải trẻ tuổi, mà muốn tuổi trẻ làm khoa học được thì bắt buộc phải có thầy giỏi và phải hướng dẫn sinh viên ngay từ đầu thì mới chọn lựa được người tốt. Do đó, nên giảm thiểu viện hàn lâm như hiện nay. Viện hàn lâm như nước Mỹ chỉ có tính chất danh dự và có tính chất phản biện. Tôi cho rằng, cần sớm chuyển các viện nghiên cứu, các giáo sư về trường đại học để sinh viên có thể tận dụng được những thầy giáo giỏi ngay từ khi tuổi trẻ, không có thầy giỏi thì không thể phát triển được.
3- Tiếp đến là đào tạo phải chuyên nghiệp. Tôi xin khẳng định “chẳng ở đâu như ở Việt Nam”: vừa làm vừa học thạc sĩ, tiến sĩ. Cần phải theo thông lệ như thế giới, đã đi làm tiến sĩ là phải tập trung hết sức để nghiên cứu. Khi tôi đến nước Mỹ, đầu tiên là họ đưa tôi một cái thẻ thư viện và tôi có toàn quyền ở trong thư viện bất cứ lúc nào. Nếu là phụ nữ về sau 10 giờ đêm thì cần báo cho an ninh nhà trường biết, để khi cần họ sẽ cử người đưa về tận nơi. Tức là đã nghiên cứu khoa học thì chỉ có nghiên cứu. Vô cùng nặng, chứ không thể vừa làm vừa học thạc sĩ, tiến sĩ.
Nếu đã làm khoa học thì bắt buộc phải thực sự nghiên cứu, “còn nếu không xin mời làm việc khác”. Ở nhiều nước, đi làm tiến sĩ, nghiên cứu khoa học là việc không có thu nhập cao, vì thế chính phủ phải có hệ thống giải thưởng cho những người chuyên tâm làm khoa học. Đó chính là sự chuyên nghiệp hóa.
Theo SGGP
Video đang HOT
Tìm giải pháp 'gỡ khó' cho giáo dục sau Đại học
Ngày 7/ 2, Hội đồng tư vấn (HĐTV) Khoa học - Giáo dục và Môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về đào tạo sau Đại học và bồi dưỡng nhân tài. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Ngô Sách Thực dự và chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, số lượng công trình nghiên cứu của các nghiên cứu sinh tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Trên phương diện hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam còn hạn chế, không đồng đều giữa các chuyên ngành. Lĩnh vực khoa học xã hội có rất ít công bố ra quốc tế.
Giáo sư, bác sĩ, Nhà giáo nhân dân, ông Tạ Thành Văn, Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, đào tạo sau đại học của nước ta không gắn kết với nghiên cứu khoa học, kinh phí sau đào tạo đại học không gắn kết với kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ".
Các trường đại học không phải là cái nôi của khoa học và công nghệ. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ các thạc sĩ, tiến sĩ thấp hơn nhiều so với mặt bằng so với các nước trong khu vực gây hâu quả xấu và lâu dài cho nền kinh tế nước nhà.
Cần xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kinh phí nghiên cứu của học viên sau Đại học phải tính đúng, tính đủ và phải chuyển về Bộ GD - ĐT và giao hàng năm cho các cơ sở đào tạo theo chỉ tiêu tuyển sinh.
"Cần thành lập Trung tâm quốc gia dự báo nguồn nhân lực quốc gia. Trung tâm này có chức năng khảo sát, theo dõi nhu cầu và sự biến động về nhân lực theo lĩnh vực ngành nghề, theo bậc đào tạo, theo chuyên ngành và theo địa dư vùng miền.
Trên cơ sở các số liệu hàng năm, nhà nước có chiến lược xây dựng, phân bố chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ khác nhau, cho mỗi chuyên ngành khác nhau mà mỗi vùng miền khác nhau", ông Văn kiến nghị.
GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): Bậc đại học và sau đại học là bậc tự học. Muốn vậy phải có sách.
Nhớ những năm đầu hòa bình lập lại, tiến sĩ hầu như không có. Tại Đại học Tự nhiên Hà Nội, thầy giáo vừa cầm cuốn sách vừa dịch tiếng nước ngoài cho sinh viên nghe.
Thế mà, chúng ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học tên tuổi, đóng góp nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước và xây dựng nước nhà.
Quang cảnh hội nghị.
Lưu ý, vào năm 1975 số lượng tiến sĩ của cả nước mới có hơn 1000 người. Số lượng tiến sĩ hiện nay đã tăng 23 lần, sinh viên và thầy giáo đói sách triền miên.
Tuy nhiên, ông Hãn cũng đề nghị, cần chấm dứt việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy đã áp đặt vào đội ngũ trí thức hơn 30 năm qua ở nước ta.
GD - ĐT được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu nhưng ai là người cao nhất của Đảng, Nhà nước chịu trách nhiệm trước dân tộc, tương lai của thế hệ trẻ về vấn đề này.
Chương trình là cốt lõi của việc học, sách giáo khoa là tài liệu pháp lý trong dạy và học. Tứ Thư Ngũ Kinh vào nước ra hơn 600 năm. Lúc đó làm gì có thầy, làm gì có trường nhưng khi Nhà nước tổ chức thi cử vẫn có người đỗ đạt cao.
Kể từ năm 1980 đến nay, nước ta chưa hề làm được chương trình sách giáo khoa theo chuẩn quốc tế và phù hợp với Việt Nam. Tiền đầu tư vào công việc này càng ngày càng nhiều song kết quả ngày càng sai, càng hỗn loạn.
Ở góc độ khác, GS. Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm Khoa học Việt Nam khẳng định, thước đo của chất lượng đại học phải được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương.
Hiện nay, Singapore là một quốc gia có nhiều bước tiến nhảy vọt trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, vươn lên từ một nước đang phát triển.
Chúng ta hãy xem cách thức đầu tư của họ và thực thi các định hướng một cách nghiêm ngặt và xuất sắc tới mức nào. Sinh viên được chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế theo yêu cầu xã hội và sau khi ra trường họ biết cách khởi nghiệp.
"Không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính. Việc hàng chục ngàn học viên mỗi năm được "ra lò" với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan với "bằng thật và chất lượng giả" rất đáng báo động. Chỉ cần nhìn vào một Viện nghiên cứu, hàng năm "sản xuất" ra hàng loạt tiến sĩ với một số đề tài ngây ngô và quá non nớt thì thử hỏi chất lượng tiến sĩ như thế nào", ông Minh băn khoăn.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu, bà Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm HĐTV về Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho rằng, những ý kiến này sẽ được tổng hợp gửi Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta phải có chế độ, chính sách phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng tài năng để mang lại lợi ích cho xã hội để những Nghị quyết, đề án ở cấp Trung ương, cấp thành phố phải được cấp dưới nghiêm chỉnh chấp hành.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, việc thực hiện quy chế phản biện về đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài đang được dư luận xã hội quan tâm.
HĐTV Khoa học - Giáo dục và Môi trường đã kịp thời tổ chức hội nghị phản biện là việc làm cần thiết. Qua hội nghị này, những ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu và hoàn chỉnh. Với những vấn đề chưa hợp lý, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có ý kiến đối với các cơ quan chức năng.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong rằng, các thành viên HĐTV, các nhà khoa học, các Giáo sư, tiến sĩ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và kinh nghiệm thực tế của mình để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Theo Daidoanket.vn
Chú trọng đào tạo sau đại học để cung cấp nguồn nhân lực bậc cao Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã đào tạo cho hơn 1.500 học viên sau đại học, trong đó hơn 100 học viên trình độ Tiến sĩ và hơn 1.400 học viên Thạc sĩ. Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khen thưởng thủ khoa đầu vào khóa 36. Ảnh: TT Ngày 19/1, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng...