Chuyện khó tin ở đại học tư – Kỳ 2: Thầy cô đấu nhau, sinh viên lãnh đủ
Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) là một ví dụ điển hình vì những sai lầm về chính sách đã đẩy một trường mà những nhà sáng lập theo đuổi con đường bất vụ lợi, những năm đầu phát triển ổn định trở nên bất ổn, vô hướng như hiện nay.
Náo loạn bên ngoài cổng một cơ sở của Trường ĐH Hùng Vương ngày 28.12.2013
Cảnh sát phải đến can thiệp
Sinh viên bật khóc vì hoảng hốt trước sự việc diễn ra tại trường – Ảnh: Đăng Nguyên
Định giá sai để chiếm quyền
Thành lập từ năm 1995, sau nhiều năm phát triển ổn định, đến năm 2004, do mâu thuẫn và không có điều kiện phát triển nên Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hùng Vương lúc bấy giờ mời ông Đặng Thành Tâm bảo trợ và xây dựng trường.
Lực lượng bảo vệ được thuê đến dọn đồ hành xử như giang hồ khi dùng búa, kìm phá cổng, leo rào vào trong sân trường. Nhiều sinh viên bật khóc vì quá hoảng sợ
Video đang HOT
Năm 2009, khi có Quy chế 61 về trường ĐH tư thục, coi trường ĐH như công ty cổ phần, thì người có hơn 51% số vốn góp sẽ nhiều quyền lực. Năm 2010, ông Lương Ngọc Toản, Chủ tịch HĐQT lâm thời nhà trường ra quyết định công nhận số vốn của các cổ đông phía ông Đặng Thành Tâm là 20 tỉ đồng, số vốn góp của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là 17 tỉ đồng. Theo quyết định này, nhà đầu tư được giữ đến 54% vốn góp còn Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM chỉ có 46%. Theo quy định, nhà đầu tư có quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường.
Cán bộ, công nhân viên trường cũng như nhiều cổ đông phản ứng quyết liệt vì cho rằng cách định giá trường như vậy là quá thấp. Lý do là dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán (ngày 31.12.2009), vốn tập thể của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM phải gần 21 tỉ đồng, chưa kể giá trị tài sản vô hình như thương hiệu, chất xám… Kết luận của Thanh tra TP.HCM (ngày 14.2.2012) sau đó cũng chứng thực điều ấy khi cho biết tổng số tiền đầu tư của nhà đầu tư được xác định như vậy không chính xác. Theo kết luận trên, tỷ lệ vốn góp chính xác phải là: Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM nắm giữ 73,3%, các nhà đầu tư phía ông Đặng Thành Tâm nắm giữ 26,7%.
Từ việc xác định sai, HĐQT khóa 4 đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cán bộ trường. Mâu thuẫn lại càng lên cao khi UBND TP.HCM ra quyết định công nhận HĐQT khóa 4. Sau đó, Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra trong HĐQT có một số cá nhân không đủ điều kiện, có một số điểm không đúng với quy định, đề nghị kiểm tra và xử lý… Tuy nhiên, UBND TP.HCM không thay đổi ý kiến. Một bên dựa vào quyết định của UBND TP.HCM, một bên “bất phục” và dựa vào kết luận của thanh tra khiến cho việc đấu đá giữa hai phe phái trong trường trở nên gay gắt.
Những hành động phi giáo dục
Theo đề nghị của ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT, ngày 4.3.2012 UBND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng đối với ông Lê Văn Lý (ông Lý đã kiện quyết định này ra tòa và đã bị bác đơn). Ngày 6.3, khi đoàn công tác xuống trường để triển khai quyết định đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một số cán bộ, nhân viên dẫn đến căng thẳng, xô xát.
Tiếp đó là hàng loạt chuyện kỳ lạ. UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi con dấu nhưng 3 lần thu hồi thì cả 3 lần bất thành. Sau đó, một số thành viên HĐQT họp, bầu bà Tạ Thị Kiều An – phó hiệu trưởng lên làm hiệu trưởng tạm quyền thay ông Lê Văn Lý. Phía bên còn lại cũng không chịu thua. Ông Ngô Gia Lương là một thành viên HĐQT khác, triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 26.6.2013, bầu ông Nguyễn Đăng Dờn làm hiệu trưởng tạm quyền. Như vậy, đến lúc đó, trường có đến 2 hiệu trưởng! Sau đó, UBND TP.HCM đã ra quyết định không công nhận đại hội nói trên, chỉ công nhận bà An là hiệu trưởng tạm quyền.
Chuyện không thu hồi được con dấu dẫn đến việc sinh viên năm cuối phải chờ gần 2 năm vẫn không được thi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên trường này ở 4 trường ĐH khác.
Vào ngày 28.12.2013, lấy lý do trả cơ sở, bà Tạ Thị Kiều An thuê người đến trường chuyển đồ đạc qua cơ sở khác. Không đồng ý vì cho rằng cơ sở khác chưa đủ điều kiện hoạt động, một số cán bộ và sinh viên đóng cổng trường, không hợp tác. Có mặt tại đây, chúng tôi thật sự hoảng hốt trước khung cảnh náo loạn của môi trường giáo dục. Lực lượng bảo vệ được thuê đến dọn đồ hành xử như giang hồ khi dùng búa, kìm phá cổng, leo rào vào trong sân trường. Nhiều sinh viên bật khóc vì quá hoảng sợ.
Theo thông báo mới nhất trên website trường, sinh viên đã được công nhận tốt nghiệp sẽ có giấy chứng nhận. Tuy nhiên, thông tin nhận bằng tốt nghiệp như thế nào vẫn chưa được công bố chính thức. Trong khi đó, trường này đã bị tạm dừng tuyển sinh 2 năm liên tiếp, mà theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu bị dừng tuyển sinh liên tục 3 năm, Bộ sẽ ra quyết định đóng cửa trường.
Cho dù hiện nay các cấp lãnh đạo đang tìm cách giải quyết thật êm thấm vụ việc tại trường nhưng đây vẫn là một trong những chuyện khó tin và kỳ lạ trong lịch sử phát triển trường ĐH VN.
Theo TNO
Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 2: Nhập nhằng lợi ích công, tư
Các chuyên gia giáo dục cho rằng để giải quyết bất ổn của đại học tư thục cần phải có loại hình trường không vì lợi nhuận.
Cần có cơ chế rõ ràng, quy định minh bạch để các trường ĐH ngoài công lập có điều kiện phát triển. Trong ảnh: Sinh viên trong thư viện của một trường ĐH ngoài công lập có uy tín tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đa dạng hóa loại hình trường
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cho biết: Ở một số nước trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ, các trường ĐH phi lợi nhuận không được tổ chức như các công ty cổ phần, không vì mục đích lợi nhuận, không được chia lãi vì thế trong điều lệ các trường tư thục loại đó không có khái niệm cổ đông. Ngược lại, trường do hội đồng tín thác quản lý. Hội đồng này gồm những người có uy tín do các nhà tài trợ chọn, các nhà quản lý giáo dục, cộng đồng giáo viên và cộng đồng sinh viên, bao gồm cả cựu học viên. Ông Nghĩa cho rằng VN phải tính tới việc, ngoài các loại hình ĐH hiện hành, nên suy tính cho phép ra đời các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.
Lẫn lộn giữa vì lợi nhuận và bất vụ lợi
Theo GS Lâm Quan Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, một trong các lý do của sự chậm trễ khi chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục là các văn bản pháp quy không làm rõ khái niệm lợi nhuận hay không lợi nhuận.
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết các quy định hiện hành ở nước ta chỉ mới có một quan niệm xem trường ĐH tư thục như một công ty cổ phần kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Mặc dù không sử dụng thuật ngữ "vì lợi nhuận" nhưng thực chất quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục ở VN chỉ tập trung vào loại hình vì lợi nhuận.
Mới đây, tại nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH ban hành ngày 24.10.2013 đã có tiêu chí xác định những trường không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì quy định trong nghị định này vẫn chưa thực sự chính xác.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng nếu quan niệm không vì lợi nhuận chỉ biểu hiện thông qua lợi tức mà chưa quan tâm đến sự độc quyền can thiệp vào các hoạt động hằng ngày của các cổ đông lớn đối với nhà trường là chưa thật sự thỏa đáng. Ông Khuyến cho biết: "Theo thông lệ chung, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phải thể hiện qua 3 tiêu chí: Không chia lợi nhuận cho cá nhân; toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu cộng đồng; được quản lý bởi một hội đồng đại diện cho tất cả các nhóm có lợi ích liên quan trong cộng đồng xã hội, bao gồm nhiều thành phần: nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà quản lý, chính trị gia...".
Trường học không chỉ là doanh nghiệp
Theo quy định hiện hành, các trường ĐH tư thục thuộc về sở hữu cá nhân và người có tiền thì có quyền. Trong khi đó, nhiều trường không muốn đi theo mô hình này mà muốn trở thành trường không vì lợi nhuận và chủ sở hữu là tập thể nhà trường.
GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết ngay từ những ngày đầu thành lập, trường ông đã được xây dựng theo mô hình tư thục: Toàn bộ nguồn vốn hoạt động của trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân - các thành viên sáng lập, cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của trường. Tuy nhiên theo ông Phương, ở trường này quyền lực không phải trao vào tay những người có số vốn lớn nhất như quy chế ĐH tư thục hiện hành. Đặc biệt, trường không mời nhà đầu tư làm chủ trường mà là những người góp vốn (hầu hết là cán bộ, công nhân viên, giáo viên) và một số người có công sáng lập. Đồng thời, nhà trường quy định việc chuyển nhượng cổ phần chỉ được trong nội bộ cổ đông để ngăn cản việc bán trường.
Theo ông Lê Viết Khuyến, ở nhiều nước chủ nhân thực sự của một trường ĐH tư thục thường là cộng đồng xã hội bao gồm tất cả những ai có liên quan đến hoạt động của nhà trường, trong đó nhà đầu tư chỉ góp một thành phần đại diện. Đây là mô hình của kiểu trường ĐH không vì lợi nhuận rất phổ biến hiện nay trên thế giới. Để khuyến khích loại trường này, nhiều nước đã quy định trong luật pháp buộc nhà đầu tư phải cam kết không can thiệp vào hoạt động nội bộ của trường.
Ông Khuyến phân tích, trường ĐH tư thục không phải là một doanh nghiệp bình thường mà là một đơn vị hoạt động lấy giáo dục con người làm mục tiêu phục vụ. Trong khi mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận tối đa thì bản chất trường tư thục lại không phải vì lợi nhuận tối đa, mà hướng sản phẩm sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội. Có thể có một số khâu trong quản lý nhà trường giống với quản lý doanh nghiệp nhưng không vì thế mà coi nhà trường như doanh nghiệp. Ông Khuyến khẳng định: "Không nhất thiết phải có vốn góp mới được tham gia quản lý trường đại học; một người góp nhiều vốn cho việc xây dựng và phát triển nhà trường thì cũng không thể vì thế đương nhiên được giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong nhà trường".
Theo TNO
Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn Mâu thuẫn ở các trường ĐH tư thục ngày càng trầm trọng, hiện tượng kinh doanh giáo dục trở nên phổ biến... đã làm biến dạng môi trường giáo dục, dẫn đến cần đặt ra yêu cầu xem xét lại các chính sách của loại hình trường ĐH này. Nội bộ Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) phân thành 2 phe, tranh chấp con...