Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn – Kỳ 3: Thay đổi những quy định không hợp lý
Sự mất ổn định của hàng loạt trường ĐH, CĐ ngoài công lập thời gian qua, theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn do những quy định không hợp lý về loại hình trường tư thục. Vì vậy, chỉ có điều chỉnh những quy định này mới mong thay đổi thực trạng hiện nay.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong giờ thực hành. Đây là một trong 4 trường được chuyển đổi sang tư thục – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chỉ “ủng hộ” người có tiền
Theo PGS-TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, mâu thuẫn của trường xảy ra cách đây 3 năm là một bài học xương máu. Chỉ trong vòng 2 ngày, 2 cá nhân đã bỏ vào trường đến 140 tỉ đồng nhằm mục đích “nắm” trường. Mâu thuẫn bùng phát gay gắt giữa đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong trường và những người góp vốn. Hội đồng quản trị phải tổ chức ngay đại hội cổ đông để giải quyết. Sau đó, các cá nhân này cũng rút khỏi trường.
Cũng theo ông Anh, trường ĐH là tổ chức đặc biệt, không thể coi là doanh nghiệp. Người bỏ vốn vào giáo dục là giúp cho xã hội chứ không phải lấy lời. Trường phi lợi nhuận và vì lợi nhuận cũng cần được quy định và có ranh giới rõ ràng. Quyền quyết định trong trường học cũng nên là của hội đồng giáo sư và chuyên gia chứ không phải người có tiền.
Quy định hiện nay hầu như đưa 2 loại này về hình thức vì lợi nhuận hết. Trong khi có tập thể nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết muốn mở trường tư phi lợi nhuận nhưng không được mở GS Trần Hồng Quân_(Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)
Theo nhiều chuyên gia, vụ việc tại Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cũng bắt nguồn từ bất cập của các quy định. Theo ông Nguyễn Đăng Dờn, nguyên Hiệu trưởng tạm quyền Trường ĐH Hùng Vương, hiện nay Quyết định 61, 63 của Thủ tướng Chính phủ đang “mở đường” cho các nhà đầu tư nhảy vào chi phối trường ĐH. Các quyết định này đặt vai trò của nhà đầu tư quá lớn mà vai trò của người sáng lập, cán bộ, công nhân viên… trong trường chỉ là người làm thuê. Điều này không đúng với bản chất của giáo dục.
Video đang HOT
“Trường ĐH Hùng Vương thành lập từ năm 1995, trải qua cả quá trình phát triển lâu dài với sự chung tay xây dựng của hàng ngàn người, nhưng nhà đầu tư chỉ cần bỏ vào vài chục tỉ, chi phối hết tất cả là rất vô lý. Điều đáng nói là họ lại được các văn bản pháp lý đứng đằng sau ủng hộ”, ông Dờn nói.
Phải tính các giá trị khác ngoài tiền
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công ty kinh doanh và trường học khác nhau về mục đích và chức năng nên không thể xem trường học như một doanh nghiệp được. Vì vậy, có 2 điều cần phải thay đổi trong các quy định phát triển trường tư.
Thứ nhất, phải có quy định rõ ràng trường lợi nhuận và phi lợi nhuận. “Tôi không đánh giá vị lợi nhuận là không tốt vì loại hình này có vai trò riêng của nó. Nhưng quản lý 2 loại trường này hoàn toàn khác nhau. Quy định hiện nay hầu như đưa 2 loại này về hình thức vì lợi nhuận hết. Trong khi có tập thể nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết muốn mở trường tư phi lợi nhuận nhưng không được mở”, ông Quân khẳng định.
Thứ hai, theo ông Quân, luật quy định khi có người góp vốn bằng tiền mới được tính, trong khi các giá trị trừu tượng (bí quyết công nghệ, phương pháp giảng dạy tốt, công xây dựng trường, thương hiệu cá nhân tạo ra vị thế nhà trường…) đều không được tính là vốn. Những giá trị này phải được coi là vốn, thậm chí là vốn rất quý, quý hơn cả vốn bằng tiền. Đội ngũ này chỉ được làm thuê thôi thì không được. Họ phải là chủ thể, quyết định đường hướng của nhà trường. Luật phải “nâng” họ lên. Lượng hóa số vốn này là việc khó nhưng không phải không làm được. “Làm được điều này, quy chế dành cho trường tư sẽ không mang hình thức là quy chế như doanh nghiệp nữa”, ông Quân nói.
Trong một nghiên cứu đăng trên website của Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiến sĩ Trần Thị Thu Hà và tiến sĩ Trần Thị Thu Vân (Trường ĐH Hòa Bình) chỉ rõ sự bất cập của các quy định giáo dục: “Quy chế bao trùm hoạt động của ĐH tư thục hiện nay vẫn là quy chế tổ chức và hoạt động của một doanh nghiệp, thậm chí, vì được “khoác” cái áo của công ty cổ phần, ĐH tư thục còn thuộc loại doanh nghiệp “lấy kinh doanh làm hoạt động chính”. “Chiếc áo khoác” công ty cổ phần này là loại hình chung duy nhất áp dụng cho tất cả các trường ĐH tư thục. Dù muốn hay không, tất cả các ĐH tư thục hiện nay đều bắt buộc phải vận hành theo mô hình của một công ty vì mục tiêu lợi nhuận mà không có sự lựa chọn nào khác”. Qua đó, hai tác giả đề xuất: “Ngoài việc công nhận hai mô hình ĐH tư thục, cũng cần thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với mỗi mô hình. Thái độ đó cần được thể hiện bằng chính sách cụ thể qua từng điều luật. Nếu Nhà nước muốn khuyến khích phát triển mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận, luật phải có những chính sách về thuế, chế độ tài chính… cho mô hình này. Ngược lại, nếu muốn khuyến khích sự phát triển của ĐH vì mục tiêu lợi nhuận, cần có cơ chế quản lý thích hợp để giám sát được chất lượng của mô hình đó, hạn chế những tác động tiêu cực của yếu tố thị trường vào hoạt động của trường ĐH”.
Cố tình hiểu sai ?
Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập tại TP.HCM cho biết những bất ổn của trường tư, việc chuyển đổi bất thành từ loại hình dân lập sang tư thục còn vì một nguyên nhân khác. Đó là nhiều người cố tình hiểu sai những văn bản pháp quy. Ông lấy ví dụ: Khoản 2, điều 18 trong Nghị định 75 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục có viết: “Không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học”. Theo ông, như thế phải hiểu rằng không được thành lập mới chứ không có nghĩa là không cho tồn tại trường ngoài công lập. Ngoài ra, điều 48 luật Giáo dục quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình công lập, dân lập, tư thục. Nếu hiểu đúng như vậy thì đã không xảy ra tình trạng lộn xộn trong khối các trường ĐH ngoài công lập thời gian rất dài vừa qua.
Theo TNO
Bốn yếu tố chi phối chiến lược "xoay trục" của Mỹ
Từ năm 2010, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy mạnh tiến độ "trở lại" châu Á của họ.
Cho đến nay, mặc dù đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đang bế tắc về nhiều vấn đề, song họ dường như vẫn đạt được một sự đồng thuận về chiến lược "trở lại" khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không chỉ củng cố ý chí thực thi chiến lược này của ông Obama, mà còn tạo ra một cơ sở chính trị quan trọng cho những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, theo mạng tin "Chinausfocus" những triển vọng của chiến lược này còn phụ thuộc vào bốn yếu tố sau đây:
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN
Thứ nhất là tình hình tài chính không đáng lạc quan của Mỹ, với biểu hiện rõ ràng là việc các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa gần đây. Để đảo ngược tình hình tài chính khó khăn này, chính quyền Obama đang phải tiến hành một số bước cắt giảm chi tiêu quân sự. Mặc dù điều này có thể tránh cho ngân sách của Chính phủ Mỹ không bị thâm hụt quá cao, nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hành động của Mỹ trên thế giới, nhất là trong việc đối phó với những cuộc khủng hoảng quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Bộ này phải cắt giảm chi phí hơn 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới và chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu trên là "quá nhanh, quá nhiều, quá đột ngột và quá vô trách nhiệm". Hơn nữa, do tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng giảm, ảnh hưởng xấu đến sự ủng hộ của xã hội để cho ông Obama tiếp tục thực thi chiến lược "trở lại" châu Á-Thái Bình Dương.
Theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất, có tới 56% số người được hỏi thất vọng với chính sách đối ngoại của chính quyền Obama; 52% cho rằng Mỹ nên tập trung vào các vấn đề trong nước trước; và lần đầu tiên trong gần 40 năm qua, 53% cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới suy giảm trong thập kỷ qua.
Thứ hai là tình hình an ninh tại các khu vực khác trên thế giới. Về cơ bản, chiến lược này khiến Mỹ phải cơ cấu lại lực lượng. Nếu tình hình an ninh xấu đi tại các khu vực khác, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác việc phải cắt giảm lực lượng, ban đầu được sử dụng để tăng cường sức mạnh tại châu Á. Từ khía cạnh này, chiến lược này còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Thứ ba là thái độ của các nước châu Á đang hạn chế những chính sách của chính quyền Obama vốn đã gây ra những phản ứng tâm lý trái ngược tại các nước châu Á. Một mặt họ hoan nghênh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề châu Á và coi Mỹ là đối trọng để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Song mặt khác, các nước châu Á cũng duy trì và phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc, không chỉ vì các lý do kinh tế, mà còn cả vì các tính toán địa chiến lược.
Bản thân Trung Quốc là một nước châu Á, vì thế, hầu hết các quốc gia châu Á đều rất miễn cưỡng khi buộc phải chọn đứng về bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Hoạt động ngoại giao cân bằng là lựa chọn ưa thích và tối ưu của họ. Kết quả là Mỹ sẽ không dễ dàng đạt được các mục tiêu chiến lược của họ bằng cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á.
Thứ tư là tình hình phát triển của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chiến lược này của Mỹ bởi những mục tiêu rõ ràng của chiến lược này là nhằm chống lại Trung Quốc, cho dù Mỹ có thừa nhận hay không. Tiến trình phát triển của Trung Quốc cũng đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiến lược "trở lại" châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Về cơ bản, mục tiêu của chiến lược này là đạt được những lợi ích lớn nhất ở châu Á và việc này đang đòi hỏi Mỹ phải xử lý một cách thích hợp quan hệ với Trung Quốc trong khi thực hiện chiến lược này.
Theo Thanh Hoa
Baotintuc.vn
Nguyên nhân tinh thần xuống dốc vào mùa đông Thích cuộn mình trong chăn thay vì vân đông, bận bịu kế hoạch cuối năm, lo lắng về tiền bạc... là những nhân tố khiến mọi người thêm ủ ê khi trời vào đông và cũng là dịp các ngày lễ cuối năm. Trơi trở lạnh và anh sang ban ngay giam đi khiên mọi ngươi thương đô lôi cho thơi tiêt la...